Đinh Đoàn
Tình dục muôn đời nay vẫn là thứ mang lại khoái cảm cho con người, ai cũng nghĩ đến nó, ai cũng đã từng trải nghiệm về nó, nhưng khi nói về nó, người ta cứ phải giả vờ tế nhị, che giấu bằng những từ ngữ như “chuyện phòng the”, “chuyện tế nhị”, “chuyện khó nói. Có phải ngày xưa tổ tiên chúng ta “sạch sẽ” hơn lớp con cháu bây giờ? Có phải các cụ ngày xưa không bàn chuyện ấy, chỉ có lớp cháu con “hư đốn” ngày nay mới dở thói đam mê?
Dù ngày nay chúng ta có các phòng khám nam khoa, phụ khoa, có các phòng tư vấn về chuyện ấy, dù tình dục đã được nâng lên thành một khoa học (sexology), thành nghệ thuật, nhưng đã có tác giả nào viết nổi cuốn sách tầm cỡ như “Tố nữ kinh”, “Phòng trung thuật”, hay Kamasutra? Dạo một vòng các quầy sách, cũng chỉ thấy các cuốn “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc lứa đôi”, “Nam nữ cần biết”, “Giáo dục giới tính”, mà quyển nào cũng na ná quyển nào, với ít bài giảng, một số tình huống hỏi đáp với những lời khuyên răn. Trong lĩnh vực nghiên cứu và để lại “bút tích” về chuyện ấy, các cụ đã vượt xa chúng ta một quãng dài.
Khi nói đến hiện tượng ngoại tình, người ta nghĩ ngay đến “văn hoá đồi truỵ”, đổ ngay lỗi cho mở cửa, lối sống phương Tây. Cứ làm như người Việt Nam không biết gì đến chuyện trai gái, không có chuyện nghĩ đến người đàn ông hay người phụ nữ khác khi đã có vợ, có chồng.
Tìm lại trong kho tàng tục ngữ, ca dao, ta thấy có biết bao nhiêu câu thơ kiểu: “Đố ai nằm võng không đưa/ Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa”. Chính “các cụ” cũng khẳng định, việc nghĩ đến người khác “ngoài chồng ngoài vợ” là một khát vọng lâu đời, là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ. Tất nhiên, mong muốn là một việc, còn có thực hiện hay có khả năng, có nên thực hiện không lại là chuyện khác. Không chỉ có nam giới mới nghĩ đến chuyện “tòm tem”, mà những người phụ nữ sống trong vòng lễ giáo phong kiến hà khắc trước kia vẫn còn: “Hai tay cầm hai quả hồng/ Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai!”.
Dù người phụ nữ thời bấy giờ nếu bị bắt quả tang làm chuyện đó “ngoài luồng”, sẽ bị gọt gáy bôi vôi, thả bè chuối trôi sông. Những hình phạt nặng nề ấy chỉ khiến người ta kinh sợ, chứ không làm người ta thôi nghĩ đến người khác. Nếu nói rằng chỉ có đàn ông mới là giống tham lam, vậy những người đàn ông ấy tham lam với ai? Không lẽ họ “đong đưa” với nhau? . Những chuyện “nghêu, sò, ốc, hến”, chuyện Thị Màu không hiếm gặp trong văn chương, thơ phú xưa kia.
Bây giờ có nhà thơ, nhà văn nào mà đưa “chuyện ấy” vào tác phẩm, thế nào cũng bị coi là “dùng sex để câu độc giả”. Có khi còn bị coi là người khát vọng lớn tới mức phải giãi bày lên trang giấy. Nhưng ai dám bảo những câu thơ của Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ nôm không hay? Vậy mà ở đó đầy rẫy những từ ngữ gợi hình, gợi cảm như mõm mòm mom, đỏ hon hỏn, lún phúm, đóng cọc, mân mó, nhựa ra tay, chành ra ba góc, thân em vừa trắng lại vừa tròn, khép lại đôi bên thịt vẫn thừa! Bản thân chuyện ấy không xấu, có chăng cách diễn đạt của thế hệ sau này quá trắng trợn, nên mới bị khép tội “dâm ô” mà thôi.
Hồ Xuân Hương là hiện thân của khát khao tuổi trẻ thời bấy giờ. Bạn thử đọc đoạn trích sau sẽ làm bạn thấy rõ điều đó.
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông.
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc biếng cài trên mái tóc.
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Hay trong bài vịnh hang cắc cớ có đoạn:
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm.
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt.
Đi thì cũng giở, ở không xong.
Nhiều người ở thế kỷ 21 vẫn nhìn nhận, đánh giá một người phụ nữ thông qua sự trinh tiết của họ. Đêm nào cũng có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tổng đài tư vấn chỉ để hỏi làm cách nào khám phá ra người yêu còn trinh hay mất trinh? Liệu có nên tiến tới hôn nhân với cô gái đã “không còn” không? Có người đàn ông đã chia tay ngay người vợ chung sống trong nhiều năm chỉ vì phát hiện mình không phải người đầu tiên. Cũng có người biết sự thật, tuy không bỏ vợ, nhưng đau khổ ngày đêm, rồi âm thầm tìm cách trả thù vợ bằng việc đi lang chạ ở bên ngoài, coi như đó là sự gỡ gạc lại những gì đã mất. Họ cho rằng như vậy mới không bị thiệt thòi. Vậy mà người xưa còn biết nói “Chữ trinh kia cũng ba bẩy đường”. Rồi các cụ còn nhắc nhau: “Thà lấy đĩ làm vợ, còn hơn lấy vợ làm đĩ”. Hoá ra các cụ cũng thoáng đấy chứ. Biết đó là một người “làm đĩ”, nhưng thấy người ta ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, có lòng nhân hậu, biết làm ăn, chung vai gánh vác trách nhiệm gia đình… các cụ vẫn chấp nhận lấy làm vợ. Thật là khôn ngoan khi họ cho rằng chuyện đó chỉ như “ném đá ao bèo”, không có gì quan trọng quá mức.
Ai là người tìm ra các bài thuốc để tăng cường khả năng yêu? Ai đã giới thiệu ba mươi sáu tư thế “nam nữ vui vẻ”? Ai đã đúc rút ra kinh nghiệm “Gà mái ghẹ, gái đoạn tang, chim ra ràng” là ngon nhất? Ai khám phá ra sự hấp dẫn giới tính của “gái một con trông mòn con mắt”? Ai đã bào chế ra thứ rượu “Ông uống bà khen”, để rồi “Nhất dạ ngũ giao sinh ngũ tử”? Chính các cụ nhà ta ngày xưa đấy. So với những bài thuốc dân gian do người xưa truyền lại thì mấy cái món viagra bây giờ .. thua xa.
Ngày nay, khi thấy thanh niên yêu sớm, hay có quan hệ tình dục trước hôn nhân thì nhiều người bảo là hư hỏng, chứ các cụ ngày xưa nghiêm túc lắm. Khổ nỗi, các cụ lấy vợ lấy chồng từ lúc mười ba, mười bốn, thì việc gì phải bức xúc tới mức cần “sống thử”? Bà nội tôi lấy ông nội tôi khi bà mười sáu, còn ông mới mười ba. Lấy nhau rồi mà vẫn ngủ riêng, bởi ông nội tôi còn thích ngủ với mẹ. Buổi tối, bà nội tôi phải dắt chồng ra giếng, lột quần áo để … tắm rửa cho ông như bà chị cả chăm sóc em trai vậy. Thế mà, quay đi quay lại vài năm, ông bà đã có 7 người con, nay đều trưởng thành. Hoá ra, các cụ cũng “ghê ra phết”!
Lại nói về chuyện mại dâm. Nghe nói đây là “nghề cổ”, xuất hiện cùng với sự xuất hiện của loài người. Mà không chỉ có loài người, con khỉ cái cũng “ưng bụng” cho khỉ đực giao phối khi anh chàng tặng cô nàng một quả chuối chín. Cách ngày nay hơn hai trăm năm, trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã có “lầu xanh”, có Thúc Sinh trốn vợ đi “giải trí” với người đẹp, có Hoạn Thư đánh ghen.
Ngày đó, mại dâm đã trở thành “công nghệ”, với đủ các món nghề. Tú Bà đã dạy Thuý Kiều rằng:
Này con thuộc lấy nằm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời
Bác sĩ Hồ Đắc Duy, một người có thâm niên trong nghiên cứu lĩnh vực “chuyện ấy” giải thích rằng “vành ngoài bẩy chữ” tức là 7 kỹ xảo khơi gợi lòng ham muốn của đàn ông. Còn “vành trong tám nghề” là những tư thế “yêu” mà một người “kỹ nữ” phải áp dụng để cho khách làng chơi trở nên người “lăn lóc đá, mê mẩn đời”.
Bẩy kỹ xảo mơn trớn, kích thích tình cảm, khơi gợi lòng ham muốn đó là gì? Trước tiên là khốc (khóc). Người kỹ nữ phải dùng nước mắt để lay động lòng thương cảm của khách. Chẳng trách bây giờ cô gái mại dâm nào khi bị công an bắt cũng khóc lóc, kể lể về hoàn cảnh gia đình khó khăn, thương tâm, do hoàn cảnh đưa đẩy cô ấy mới làm nghề này, chứ thực lòng không ai muốn thế. Kỹ xảo thứ hai là “tiễn”, tức là kỹ nữ rủ khách làng chơi cùng cắt một mớ tóc, kết thành sợi, rồi buộc vào cổ tay nhau biểu lộ sự thuỷ chung, bền chặt, khiến khách tưởng mình cao quý, được yêu lắm lắm. Có phải từ đó mới có câu “kết tóc xe tơ”, chỉ sự gắn kết nam nữ? Kỹ xảo gợi tình thứ ba là “thích”, tức lấy cây trâm chích vào cổ tay hay đùi mấy chữ “thân phu mỗ nhân”, ý nói “anh chính là chồng của em”, khiến khách sung sướng rụng rời, càng thêm tin tưởng, tìm đến đây không chỉ một lần, bởi khách tưởng được kỹ nữ … yêu thật. Tiếp theo là kỹ xảo “thiêu”, tức là lấy hương đốt vào sáu huyệt của chàng và nàng. Sau khi thề thốt, cả hai áp người vào nhau cùng đốt các huyệt để kích thích tột độ lòng ham. Đó là kỹ xảo thứ tư. Thứ năm là “giá”, nghĩa là bàn chuyện cưới nhau. Tất nhiên, khách muốn cưới thì phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc nàng ra khỏi nơi nàng đang hành nghề. Món nghề thứ sáu của kỹ nữ là “tẩu”, tức là bỏ chạy. Nếu thấy đã lâu, khách đã cạn tiền, chơi tiếp không được, cưới cũng không xong thì phải tìm cách “đào tẩu” để “bảo toàn lực lượng”, khỏi mất thời gian vô ích. Món võ thứ bẩy, cũng là cuối cùng là “tử”, tức giả vờ chết. Thề thốt cho khách tin là mình yêu họ, chỉ biết có họ thôi, nếu không tin thì chết ngay tại chỗ, trước mắt cho chàng thấy. Nếu biết chàng có vợ rồi, không thể lấy mình được thì càng làm già đến độ rủ chàng “cả hai cùng chết hơn là chẳng lấy được nhau!”. Lúc đó, có tán gia bại sản, đem hết bạc tiền ra dâng cho mình, chàng cũng không tiếc.
Tâm lý đến thế là cùng. Kỹ năng, kỹ xảo đến tột đỉnh như vậy là cùng. Chắc bây giờ chẳng có mấy tú ông, tú bà dạy các cô gái “làm tiền” những món trò “mê mẩn đời” ấy. Đừng tưởng nay đã hơn xưa!
Người xưa cho rằng tình dục là một trong các hoạt động có ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, tất cả những hoạt động liên quan tới tình dục như không gian và thời gian của lần quan hệ tình dục, cách vuốt ve mơn trớn, những tư thế quan hệ, những động tác di chuyển trong quan hệ, cách điều hòa nhịp thở, trạng thái tâm lý… nhất nhất phải tuân theo nguyên tắc âm dương ngũ hành. Nếu thuận theo quy luật này thì nam được bổ dương, nữ bổ âm làm sức khỏe tốt hơn, còn ngược lại sẽ không có lợi cho sức khỏe. Tương tự như vậy, quan hệ tình dục cũng giống như điều hòa giữa thủy và hỏa, nếu một bên quá mạnh thì bên còn lại sẽ bị tổn hại. Sự tổn hại đó thể hiện là sự suy giảm sức khỏe. Trên là thiên, dưới là địa, khoảng không gian ở giữa là nơi giao hòa giữa thiên và địa, sở dĩ trời đất trường tồn mãi mãi là do sự giao hòa giữa trời và đất luôn đạt thế cân bằng ổn định. Con người cũng vậy, nếu hai bên nam nữ hòa hợp cân bằng làm một thì sẽ trường tồn mãi mãi.
Khoa học là thế, cao cả là thế, chứ chẳng như bây giờ, vớ được là nhắm mắt “yêu lấy được”, bất kể lúc nào, ở đâu. Có đám thanh niên nghèo, không thuê nhà nghỉ, chẳng biết “làm chuyện đó” ở đâu, đành rủ nhau ra bãi tha ma, góc tối công viên, trên bãi cỏ, trong ruộng mía. Có đôi bí quá còn mò vào nhà vệ sinh công cộng để “làm liều”. Về món “vệ sinh an toàn tình dục”, lớp con cháu ngày nay vẫn cứ phải gọi các cụ là… cụ.
Chuyện ấy từ nghìn năm nay vẫn thế. Chỉ có khác nhau ở cung cách thể hiện. Ngày xưa ý tứ bao nhiêu thì bây giờ lộ liễu, liều lĩnh bấy nhiêu. Ngày xưa chú trọng chất lượng, thì nay chạy theo số lượng, cứ tưởng nhiều là tốt. Ngày xưa người ta biết diễn đạt những chuyện thầm kín bằng những từ ngữ bóng bẩy, thanh tao như “ghẹo hoa trêu nguyệt”, “âm dương giao hoà”, đi “quán cô đầu”. Nay thì nói “trắng phớ” là đi “tán gái”, “làm việc”.
Cuộc sống của mỗi người sẽ tốt lên hơn nữa nếu tình dục không còn là điều khó nói. Người viết bài này không phải “mượn lời nói bậy”, mà mạn đàm về chuyện ấy xưa và nay, để chúng ta cùng thấy rằng “chuyện ấy” không xấu. Xấu hay tốt, tục tĩu hay thanh tao là do chính con người ta gán ghép cho nó mà thôi.
(Đinh Đoàn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét