Hoàng Hồng Minh
Thuở nhỏ tôi băn khoăn mãi, tại sao ông Nguyễn Du tài tình đến như thế, "tài tình chi lắm cho trời đất ghen", tiếng Việt nhuần nhuyễn dấu yêu đến như thế, mà lại phải đi lấy cái chuyện nọ của Trung Hoa ra làm khung gốc, để rồi từ đó dựng lên bộ truyện thơ để đời của mình, "Kiều". Rất nhiều nhà lý sự thay nhau cắt nghĩa điều đó, rằng do Trung Hoa vĩ đại, rằng do tác giả bị nấu quá nhừ trong tinh thần sùng Hoa, v.v..., và v.v… Tôi nghe, thấy... và không tỏ.
Sau này, tôi hiểu.
Tôi hiểu rằng văn hóa người Việt không cho phép ai chê trách một cách chính thức bộ mặt dày vết nhơ của mình cả. Ngồi ở góc bếp ngày xưa, hay bên quán nước trà cạnh cống rãnh vỉa hè ngày nay, trên núi non tiên bồng Yên Tử, hay ở ngay hành lang của tòa nhà nghị viện, bạn tha hồ chê bai bông phèng, được. Nhưng nếu bạn chính thức chê bai khuôn mặt có vết nhơ dày của nền văn hóa quê nhà, đừng tưởng nói xong là xong nhé : cứ để đấy, rồi sẽ đến lúc "cảo thơm lần giở trước đèn". Văn hóa toàn đám đông đã là như thế, chính quyền vua tôi ngày xửa càng không thể nào có chuyện nương tay.
Vậy cho nên, ông Nguyễn Du đã phải làm một chuyến đi đường vòng vĩ đại, đương nhiên thôi, lấy chuyện giời ơi của người xứ lạ ra mà kể lại, để xả cứu lấy cái lòng mình nặng chịch, để còn nhẹ gánh lúc về tiên.
Và, hết sức bất ngờ đối với ông, người Việt say mê cùng cực tác phẩm đó của ông, nó đẹp, nó đời, nó đau, nó điếng. Nó chả chạm đến lông chân ai. Người Việt của đủ mọi tầng lớp, từ người hát xẩm, tẩm quất, cho chí quan, chí vua.
Ông Nguyễn Du không những có tài tự kiểm duyệt mình. Ông đã kiểm duyệt hộ luôn cho toàn thể dân tộc Việt.
Vì thế, nên chuyện Kiều rất Việt, mà lại không hề Việt. Thế, mới là Việt. Việt ngoan! (HHM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét