Nhân Dịch giả Trần Đông Phong đăng bài thơ của Puskin viết bằng tiếng Pháp, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của tác giả Hồng Phạm về Mặt trời thi ca Nga với những giai thoại tình ái đã dẫn tới cuộc đấu súng tai tiếng và cái chết của ông. (BBT)
Tuy đấu súng với kẻ quyến rũ vợ mình nhưng thi hào Nga Pushkin cũng “cắm sừng” không ít ông chồng. Trước và sau khi lấy vợ, ông đều có vô số tình nhân. Là thi sĩ, trái tim đa cảm của Pushkin không thể thiếu những thổn thức mới mẻ vì tình yêu. Yêu rồi phụ bạc, ông làm bao nhiêu phụ nữ đau khổ nhưng cũng khổ vì họ chẳng kém.
Vợ chỉ là người tình số… 113
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa thống nhất về số tình nhân trong đời Pushkin, có người khẳng định là 600 – 700, có người khẳng định chỉ hơn 400 thôi. Nếu tin vào mức tối thiểu thì con số cũng đã quá “khủng” rồi. Chính nhà thơ từng khoe với người bạn là Pushchin về vợ ông rằng: “Natalia Goncharova là người tình thứ 113 của tôi”. Nghĩa là, dù vợ ông là người phụ nữ đẹp nhất Peterburg và được ông yêu nhất thì sau khi cưới nàng, Pushkin vẫn không thể giữ cho trái tim mình khỏi “lồng lên’’ khi gặp các nàng thơ khác. Và thực tế, đa số các vần thơ tuyệt tác của ông lại được thốt lên từ cảm xúc với “người ngoài”.
Tình yêu của Pushkin với vợ là tình yêu sét đánh, khi đó Natalia Gontsarova 16 tuổi. Mối tình mãnh liệt đến mức khiến cho thi sĩ lông bông quyết trói đời mình vào hôn nhân. Dĩ nhiên một đại mỹ nhân như Natalia được vô số vương tôn công tử ao ước, nên mẹ nàng không muốn gả cho ông nhà thơ chẳng lấy gì làm giàu. Nhưng Pushkin cầu hôn đi cầu hôn lại, cầm cố cả trang trại được thừa kế để lấy tiền cho mẹ vợ sắm của hồi môn cho Natalya. Ông viết cho nàng: “Hoặc tôi sẽ cưới em, hoặc tôi không bao giờ lấy vợ!”.
Natalya Pushkina.
Khi đã sinh bốn đứa con, Natalya vẫn làm điên đảo mọi nam nhi, từ ông già đến trai mới lớn, từ các vị quý tộc, nhà ngoại giao đến chính sa hoàng. Và Pushkin đã chết khi đấu súng với một trong những kẻ quyến rũ vợ mình, 6 năm sau khi cưới. Trở thành góa phụ khi mới 24 tuổi, Natalya từ chối mọi lời cầu hôn vì lo cho các con. Đến 7 năm sau nàng mới tái giá với một vị tướng trung hậu, sẵn sàng làm cha bốn đứa con nàng, và có với ông ba người con nữa. Bà qua đời ở tuổi 51.
Si tình và bạc tình
Pushkin không đẹp trai, thậm chí nhiều khi bị chễ giễu về ngoại hình, nhưng ông có tài thơ và tài tán gái vô địch thiên hạ. Thành tích quyến rũ của ông chẳng kém Don Juan. Pushkin luôn rung động mạnh mẽ trước phụ nữ, và cũng làm họ chết mê chết mệt. Ông có thể cùng lúc dan díu với ba phụ nữ, và trái tim thi sĩ khác với những kẻ trăng hoa tầm thường ở chỗ ông thành thật xúc động, say mê cả ba người. Danh sách tình nhân của nhà thơ có từ nữ bá tước đến nông nô. Và khi yêu, ông ghen đến mất trí, thậm chí ghen lồng lộn với chồng người ta. Nhà thơ từng theo dõi tình nhân có chồng, đuổi theo xe nàng suốt nhiều dặm đường chỉ để biết nàng đi đâu, có ngồi cùng ai không.
Nhưng một khi đã chán thì Pushkin đối xử với người tình khá “phũ”. Với kiểu sống bản năng của nghệ sĩ, ông không thể kiềm chế tình yêu nồng nhiệt, cũng không có khả năng “cố” khi đam mê đã hết. Vì thế, các bà các cô có khóc lóc năn nỉ thế nào, ông cũng quyết ra đi. Một tình nhân của Pushkin là Anna Kern nổi tiếng nhờ được ông tặng những vần thơ bất hủ: “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu/ Trước mắt anh em bỗng hiện lên/ Như hư ảnh mong manh vụt biến/Như thiên thần sắc đẹp trắng trong”. Thế nhưng khi đã hết tình, hình ảnh nàng trong Pushkin không còn long lanh như trước, thậm chí nàng còn bị ông xem thường về trí tuệ. Biết người tình cũ định tập tành văn chương, Pushkin nói với bạn: “Cô ta muốn muốn trở thành George Sand sao? Ngu thật, chả lẽ việc đó phù hợp với trí tuệ cô ta?”.
Tượng Pushkin ở Matxcơva
Rồi chính Pushkin cũng nếm mùi đau đớn bị tình nhân rũ bỏ. Đó là quý bà Amalia Riznich, cực kỳ xinh đẹp và có rất nhiều tình nhân. Khổ cho Pushkin là với người đàn bà này, ông không cả thèm chóng chán như thường lệ mà ngày càng đắm đuối. Khi bị Amalia bỏ rơi, ông đau khổ phát điên phát dại, đến mức nguyền rủa người tình bằng những lời độc địa. Thế nhưng khi Amalia chết vì bệnh phổi, ông lại thương tiếc đứt ruột, mãi mới khuây.
Có khi Pushkin cũng phải trả giá cho tính trăng hoa của mình. Bá tước đầy thế lực Vorontsov, một trong các ông chồng bị nhà thơ cắm sừng”, đã kêu ca với sa hoàng về hạnh kiểm của Pushkin. Vốn ghét thi sĩ, sa hoàng kiếm cớ đày ông tới làng Mikhailovskoye.
Nghi án đấu súng vì dan díu với em vợ
Người bắn chết Pushkin là Dantes, anh rể của vợ nhà thơ. Theo thông tin chính thống, cuộc đấu súng nổ ra do Dantes công khai tán tỉnh Natalya Pushkina. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng, chính cô em vợ của cả hai người, Alexandrine, mới là nguyên nhân thực. Họ lập luận, quả thật Dantes có thích và cưa cẩm Natalya, nhưng người đàn ông thượng lưu nào ở Peterburg mà chẳng thế? Chả lẽ nhà thơ đấu súng với hàng nghìn người?
Theo bá tước Aleksandr Vasilyevich Trubetskiy, một người quen của Pushkin và hiểu biết về giới thượng lưu Peterburg, cả Pushkin lẫn Dantes đều mê cô em vợ Alexandrine, thế nên cặp anh em đồng hao ghét nhau cay đắng. Alexandrine không đẹp như chị nhưng rất thông minh, đem lòng yêu Pushkin từ khi nhà thơ còn độc thân. Thi sĩ cũng đáp lại tình cảm của Alexandrine khi đã là anh rể nàng.
Thế rồi chính Dantes cũng thích Alexandrine và ra công tán tỉnh. Thậm chí Dantes còn có lợi thế hơn vì vợ chồng anh ta sắp rời nước Nga và cô em cũng sẽ đi cùng. Điều này khiến Pushkin phát điên và thách đấu với Dantes. Chuyện Pushkin đấu súng vì ai vẫn còn gây tranh cãi, nhưng mối tình của nhà thơ với cô em vợ đã được xác nhận là có thật.
Nhiều người có thể chê trách Pushkin về chuyện yêu đương phóng túng của ông. Nhưng chính cảm xúc từ những mối tình đó đã cho ra đời những vần thơ tuyệt mỹ. Và sự thực là thời gian qua đi, chuyện những người đàn bà của Pushkin có thể bị quên lãng, nhưng những vần thơ tình của ông thì bất diệt.
(Hồng Phạm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét