Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Một phút thư giãn tháng 6

Giữa cái nóng nực của mùa hè mà được ngụp lặn giữa dòng sông quê hương trong xanh mới thấy sự vô tư nó mát lành, nó đáng giá thế nào. Giữa lúc tâm thần bất ổn, trong người thấy bức xúc trước bao chuyện ngang trái ở đời, tìm được một chốn để xả stress, cho con người thư thái, mới thấy giá trị của các câu chuyện cười mà bao thế hệ nối nhau sáng tạo ra. Tôi đã gặp và trao đổi với anh Trần Quang, nhờ anh giúp BBT duy trì chuyên mục này lâu dài để mỗi sáng bạn đọc bước vào ngày làm việc mới của mình bằng tiếng cười thật sảng khoái. Trần Quang đề nghị tôi phải có bài dẫn cho chuyên mục này vào đầu kỳ và mong muốn có nhiều bạn khác cùng tham gia CƯỜI TRƯỚC GIỜ LÀM VIỆC. Hôm nay ngày 1/6, tôi xin mở đầu Phút thư giãn tháng 6 bằng một câu chuyện vui nhưng không tục nhé. (NCT)

TRẠNG QUỲNH ĐỐI ĐÁP VỚI ĐOÀN THỊ ĐIỂM

Thuở còn đi học, Quỳnh mê cô con gái thầy học là Đoàn Thị Điểm là người vừa xinh đẹp, đoan trang lại giỏi văn thơ. Nhưng trêu chọc với nàng không dễ bởi ngoài tính tình đoan trang, Thị Điểm còn rất giỏi văn thơ nhất là ứng đối.
Có lần Quỳnh từ phố Mía về, Thị Điểm thấy Quỳnh đang ngồi, liền ra ngay một vế đối có ý trêu:
“Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.” (kẹo tiếng địa phương còn có nghĩa là kéo lại).
Gặp câu đối ra toàn mía, mật kẹo, đường, Quỳnh nghĩ mãi không ra vế đối, bí quá, đành phải đánh bài chuồn.
Một hôm, thấy cô Điểm vào buồng tắm, nhà vắng, Quỳnh nghịch ngợm gõ cửa đòi vào. Cô Điểm vốn hay chữ, tức cảnh, ra ngay một vế đối, bảo Quỳnh đối được thì cho vào. Câu đối như sau:
– “Da trắng vỗ bì bạch!”. (Bì bạch, chữ hán cũng có nghĩa là da trắng).
Quỳnh nghĩ nát óc cũng không tìm ra câu để đối, đành lủi thủi bỏ đi nhưng nghĩ bụng sẽ tìm dịp lỡm lại Thị Điểm.
Một lần khác, Quỳnh ngồi đối diện với Thị Điểm qua cửa sổ, Thị Điểm lại đọc một câu:
“Hai người ngồi song song hai cửa sổ.” (Song là hai, song cũng có nghĩa là song cửa). Lại một lần nữa, gặp câu quá hóc búa, Quỳnh bí quá đành lảng ra chỗ khác.
Một hôm tối trời, thừa lúc Thị Điểm ra ngoài, Quỳnh lẻn vào giường Thị Điểm nằm trước. Thị Điểm không biết, vào buồng sờ soạng, vô tình quờ ngay tay vào… Thị Điểm biết ngay là Quỳnh nghịch ngợm, liền ra cho một vế đối, bảo không đối được sẽ mách thầy học về tội sàm sỡ.
Vế đối ra như sau:
“Trướng nội vô phong phàm tự lập.”
(Trong phòng không có gió mà cột buồm lại dựng lên)
Lần này Quỳnh đối được ngay:
“Hưng trung bất vũ thủy trường lưu”
(Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy dài).
Lần đó Quỳnh thoát tội.
Nhân ngày xuân, thầy sai Thị Điểm đem lễ lên chùa. Quỳnh được thầy cho theo cùng. Trên đường, Thị Điểm chỉ cây xương rồng bảo Quỳnh:
– Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long (Long là lỏng lẻo, chữ Hán long nghĩa là rồng, mà chữ rồng đã dùng ở trên).
Về ý, Thị Điểm nói bóng, Quỳnh ngang ngạnh, có dạy dỗ thế nào cũng không chuyển được.
Chữ đối đã khó, ý lại sâu xa. Thế mà Quỳnh đối lại được rất chỉnh, lại tỏ được cái ý nhất quyết giữ cái tính ấy và còn thách thức Thị Điểm nữa. Quỳnh đối mhư sau:
– Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử (Thử chữ hán nghĩa là chuột, mà chữ chuột cũng đã dùng trên).
Cũng qua lần đối đáp này, hai người thấy tư tưởng không hợp nhau nên từ đấy thôi xướng họa, rồi Thị Điểm đi lấy chồng./.

Vì sao tôi cúng Phật.

Bài của Lê Phúc Thắng khiến tôi nhớ lại một khoảng thời gian lao vào nghiên cứu Phật giáo. Bài này tôi viết khoảng cuối 2007, đã đăng Tạp chí Nghiên cứu Phật học, ở mục trao đổi với Phật tử đại chúng. Hiện nay vẫn còn trên mạng ở Blog cá nhân cũ (Link TẠI ĐÂY) ghi rõ ngày đưa lên blog là 10/8/2008 (hồi mới có blog, tôi thử làm blog đó, rồi bỏ không dùng nữa). Đây cũng có thể là một bài thu hoạch (rất tóm tắt) sau khi học giáo lý Phật pháp, diễn tả bằng văn ngôn. Có thể các bạn đọc cũng có ích nếu muốn tìm hiểu về Phật pháp...

Vì sao tôi cúng Phật
Tôi năm nay đã gần cái tuổi “tri thiên mệnh”, ba chục năm cống hiến cho cách mạng, làm cán bộ nhà nước, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây tôi bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật, tôi bắt đầu đi chùa cúng Phật, nghe kinh các nhà sư tụng, tôi “ngộ” ra mấy điều:


1. Giáo lý nhà Phật vừa duy tâm, vừa duy vật: Điều này đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến rồi. Tôi chỉ nói về trải nghiệm của bản thân. Tôi xuất thân từ một kỹ sư, thời trẻ được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, tư duy theo lối duy lý nhưng coi trọng logic. Thoạt nghe giáo lý của nhà Phật, thấy mung lung, nhưng sau lần giở những lớp lang triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo, lắng nghe các học giả tranh luận, tôi cảm thấy tư duy về vũ trụ của Đức Phật có nhiều điều phù hợp với khoa học hiện đại phương Tây. Điều mà phương Tây trăn trở vài ngàn năm thì Đức Phật đã thấy ngay từ thời của Ngài. Có điều khác là phương pháp tư duy để tìm đến chân lý của Đức Phật là xuất phát từ tâm, từ con người mà hiểu thế giới, còn khoa học phương tây đặt con người ra ngoài hiện tượng.
2. Giáo lý nhà Phật góp phần lành mạnh hoá đời sống nhân sinh: Nếu một người chỉ chăm chăm tin vào sự vô thần, không nghĩ đến báo ứng, không biết đến sức mạnh tâm linh và siêu nhân, thì có thể làm bất cứ điều gì không đếm xỉa đến hậu hoạ. Đất nước Việt Nam là nơi truyền thống đa thần giáo, Phật, Nho, Lão đã từng chung sống hoà bình (thời Lý), Nhà nước ta đã tận dụng những yếu tố lành mạnh của các tôn giáo, nhưng dường như kho tàng Phật giáo còn rất tiềm tàng để khai thác, có thể góp phần vào công cuộc kiến quốc, an dân.
3. Giáo lý nhà Phật có thể đem lại hoà bình cho cộng đồng, cân bằng cuộc sống cá nhân trong đời sống. Tôi có nhiều trải nghiệm trong vấn đề này. Trước kia, nhiều bạn bè tôi có quan niệm thẳng thắn quá đáng. Ví dụ, thường nóng nảy áp đặt ý kiến chủ quan cho người đối thoại, tìm mọi cách thực hiện kế hoạch của mình. Đức Phật dạy “không chấp”. Muốn không chấp người thì phải đặt mình ngang bằng người khác, tức là cũng phải không chấp mình. Không chấp mình tức là mình cũng phải xem xét mình tuỳ hoàn cảnh. Chữ Nhẫn có ý nghĩa tích cực là như vậy, chứ không phải Nhẫn nhục một cách ngu muội.
4. Vào chùa, nhất là chùa Bắc tông miền Bắc Việt Nam, rất nhiều tượng Phật. Mỗi tượng Phật đều là hoá thân của một vị có thân thế, có tiền thân, lại có biểu tướng. Tức là tượng các vị nhưng chưa chắc có các vị thật sự. Có vị có tiểu sử bản thân nhưng khi lên tượng thì mỗi nơi một khác, chỉ là biểu tướng của vị ấy. Thờ cúng các vị ấy thực ra là thờ biểu tướng, tâm niệm cái ý nghĩa mà các vị có sứ mạng mang đến cho chúng sinh lĩnh hội. Tư duy nhà Phật như thế là uyển chuyển và rõ ràng. Không cần câu nệ cứ phải nhất nhất cái gì một con người cụ thể cũng đúng. Dù cho có các vị ấy trong cõi đời thực, thì mỗi vị cũng chỉ có một mặt tốt giúp chúng sinh mà thôi. Thực sự các pho tượng trong chùa là một biểu tượng đầy ý nghĩa về một điều chân thiện mỹ. Tượng chùa kết tinh giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá sâu sắc là vì thế. Vào chùa ngắm tượng các vị Phật, tâm trí không thể hỗn tạp sự đời ô trọc, tự nhiên bị cuốn theo giáo lý cao khiết của các vị, cũng là một việc có ích nên làm.
5. Duy tâm cũng có mặt tốt: Trước kia, những người cách mạng thường thích được gọi mình là duy vật. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi cũng là người duy vật. Bộ môn Triết học tôi cũng được dạy ở trường đại học, rồi được nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Về mặt nhận thức vũ trụ, duy vật biện chứng góp phần không nhỏ cho tư duy khoa học của một thế hệ nhà cách mạng. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, đại đa số quần chúng thì không cần phải bắt buộc cứ phải duy vật biện chứng. Nhà nước ta bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng là như vậy. Do phương pháp tư duy xuất phát từ chính con người, duy tâm, “tại tâm”, mà Phật giáo đặc biệt thích hợp với phép dưỡng sinh, rèn luyện cơ thể. Môn Yôga có những thành tựu nhất định mà y khoa Tây phương còn nghiên cứu chưa giải thích được. Do duy tâm, mà con người biết rõ giá trị phép dưỡng sinh, thực ra từ đó có tình yêu cuộc sống rất mãnh liệt, chứ không phải những người tu hành là trốn đời. Cũng do phép dưỡng sinh mà con người biết phải sống hoà nhập với thiên nhiên, giữ gìn môi trường. Quan điểm này phù hợp đáng ngạc nhiên với trào lưu văn hoá hiện đại, điều mà các nước phát triển và Tổ chức Liên hợp quốc đang ra sức cổ vũ nhân loại thực hiện.
6. Phật giáo Việt Nam chính là con đường lớn truyền thống dân tộc. Nếu chỉ đơn giản là một người yêu nước, thì ắt phải soi mình vào lịch sử, văn hoá dân tộc. Hình dung lịch sử dân tộc là một hệ thống đường, thì Phật giáo dĩ nhiên không phải là đường độc đạo, mà là con đường lớn nhất, bền bỉ nhất, xuyên suốt lịch sử văn minh từ thời có nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỷ X cho đến nay. Làm sao những triều vua Ngô, Tiền Lê, Đinh, Lý lại đuổi được các Thái thú Trung Hoa lập nên Nhà nước quân chủ trong khi bên cạnh có các Quân sư là các vị sư? Làm sao một dân tộc nhỏ bé có thể đánh thắng quân Nguyên Mông, trong khi từ vua đến dân là Phật tử? Phật giáo có vai trò như thế nào trong cuộc quật khởi chấn hưng dân tộc ấy? Đến khi Nho giáo có vai trò quan trọng như thời nhà Lê, Mạc, Nguyễn, thì Phật giáo cũng vẫn có sức sống, dung hoà kỳ lạ với Nho, với Lão. Đơn vị làng với những ngôi chùa vì sao vẫn trường tồn? Động vào lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam tức là phải xem xét đến sức sống của Phật giáo Việt Nam.
9/2007
N.X.H

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Sách mới: Bỏ trốn đợi mặt trời.

Tôi (NXH) ra sách mới. Tập truyện ngắn "Bỏ trốn đợi mặt trời". Sách mới nộp lưu chiểu tháng Năm, nhưng các sạp sách không thấy có nữa. Tôi có nhã ý tặng sách bạn văn. Các bạn lớp E gặp thì dĩ nhiên ok rồi, nhưng tôi muốn tặng N22, thichdoctho, Mai Hương, Hoài Thu, Hải Yến, Trần Quang, nếu các bạn cũng có nhã hứng đọc sách tôi, thì cho tên và địa chỉ để tôi gửi tặng. Hoặc để tin nhắn trong hộp thư nguyenxuanhung04@yahoo.com; Tôi coi cử chỉ này là tôi đóng góp cho blog E. Tiền của không có, thì có công và hiện vật đóng góp thôi nhé.
Kính báo.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Một chủ đề mới cần sự hưởng ứng của mọi người

Trong cuộc đời, con người chúng ta khó mà thoát khỏi sự tham, sân, si. Chính chúng là nguyên nhân  dẫn đến sự ganh ghét, đố kị, tàn sát lẫn nhau. Trong khi dạy cho con người biết tham sân si là nguyên nhân của cuộc sống đau khổ, cần phải tiêu trừ, Phật cũng nói cho chúng ta biết, có ba pháp vô tham, vô sân, vô si là những yếu tố tâm lý cần nên phát triển để xây dựng cuộc sống an lành. Tôi có quen một người bạn đã học cách tu tập để thoát khổ. Đây là câu chuyện người đó kể lại về buổi đầu tiên tiếp cận với người nhà Phật, xin giới thiệu với các  bạn để chúng ta cùng suy ngẫm. Theo tôi, đây cũng là chủ để nên mở  ra  trong định hướng phát triển Blog E thời gian tới  (LPT)

TU TẬP ĐỂ THOÁT KHỔ
Thưa Thầy, tôi không phải là người theo đạo Phật.
 Xin Thầy chỉ dẫn cho phương pháp tu tập.
-  Quí vị muốn phương pháp tu tập với mục đích gì và tại sao lại chọn chúng tôi để đặt câu hỏi?
 - Tôi thấy cuộc đời này sao mà khổ quá, như tôi đây cũng có trình độ học thức, có công ăn việc làm tốt, gia cảnh đầm ấm, nhưng vẫn thấy khổ tâm nhiều chuyện, nhiều lúc cảm thấy bất an đến độ ăn không ngon ngủ không yên, nhiều điều lo lắng, bực mình lắm!
Tôi muốn được an tâm nên đì tìm phương pháp tu tập để thoát khổ
Tôi chọn qúi Thầy để đặt câu hỏi, bởi tôi thường nhận các emails do các bạn bè chuyển tới, với các bài viết tuy mang hình thức Phật giáo, nhưng nội dung hay quá, các bạn của tôi thấy có ích lợi nên chuyển cho tôi, mặc dù tôi không phải theo đạo Phật.
- Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.
 -  Kính xin Thầy giảng rõ hơn.
-  Người đời thường mang hai cái đãy (cái bị).
*Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác.
*Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân.
Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời - dù theo tôn giáo nào - nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên.
Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác, cũng như không còn chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác đang theo.
-  Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy ?
-  À, quí vị không muốn đổi vị trícủa hai cái bị, thì quí vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.
- Tôi chưa hiểu rõ ý của Thầy ?
Nếu quí vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị :
Cái bị trước ngực qúi vị chứa đựng toàn là ưu điểmcủa người khác.
Cái bị sau lưng quí vị chứa đựng toàn là ưu điểmcủa bản thân.
- Tôi vẫn chưa tỏ tường ?
-  À, khi đó quí vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thực ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi tánh phê phán, phỉ báng người khác - hãy thu mình lại, quan sát chính bản thân, quan sát chính bản tâm, mình sẽ được bình an ngay.
 - Thực là quí hoá, tôi hiểu rồi. Kính chúc Thầy tâm luôn bình an.  
(LPT sưu tầm)

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chuyện vui thời Liên Xô

Liên Xô chỉ còn là cái tên âm vang trong quá khứ. Nhưng một thời cái tên ấy là ký ức của một thế hệ. Người Nga cũng có máu khôi hài, giống như người Việt, dù cho sống trong thời buổi khó khăn thế nào. Đọc truyện vui của người Nga, thấy lại một thời... 

1. Thiếu tiền đi Nhà nghỉ
Một đôi nam nữ đến gặp bác sĩ tư vấn tình dục.
Thưa bác sĩ, chúng tôi lấy nhau đã hai năm, quan hệ tình dục bình thường mà không hiểu tại sao chưa có con?
Bác sĩ hỏi: các bạn đã tham gia khoá học dành cho những người chuẩn bị lập gia đình không?
Đáp: có, chúng tôi đã tham gia khoá học này
Hỏi: thế anh chị có làm đúng như chỉ dẫn không?
Đáp: có, chúng tôi làm đúng như chỉ dẫn. Hay là chúng tôi sẽ làm, bác sĩ xem xem chúng tôi có làm đúng không?

Bác sĩ: Thế cũng được.
Sau khi đôi nam nữ thực hiện xong, bác sĩ băn khoăn: Có vẻ như các bạn làm đúng như chỉ dẫn.
Hay là chúng tôi làm lại, bác sĩ quan sát kỹ xem chúng tôi làm có thiếu công đoạn nào không?- Đôi nam nữ đề nghị.
Sau khi đôi nam nữ thực hiện lại lần hai. Bác sĩ vò đầu bứt tai: Có vẻ như cô cậu làm hoàn toàn đúng. Để tôi tham khảo ý kiến của giáo sư.
Bác sĩ liền gọi điện cho giáo sư chuyên ngành, trình bày về sự việc.
Tiếng giáo sư trong ống nghe: Hỏi xem có phải là Ivanov và Ivanova không? Đúng hả? Đuổi ngay chúng đi. Bọn nó là sinh viên, không có tiền thuê phòng nên bày trò….

2. Tự do ngôn luận
Hỏi: Có đúng là ở Liên Bang Xô Viết có tự do ngôn luận giống như ở Hoa Kỳ không?
Đáp: Đúng thế. Ở Hoa Kỳ, quý vị có thể đứng trước cửa Nhà Trắngvà hét to, “Đả đảo Reagan!”, và quý vị sẽ không bị trừng phạt. Ở Liên bang Xô Viết, quý vị có thể đứng ở Quảng trường Đỏ ở Moskva và hét to “Đả đảo Reagan!”, và quý vị cũng sẽ không bị trừng phạt.

3. Cửa hàng sữa, cửa hàng thịt
Một bà đi vào cửa hàng hỏi: “Các đồng chí có thịt không?” “Không, không có thịt.” “Thế các đồng chí có sữa không?” “Không, cửa hàng chúng tôi chỉ là cửa hàng thịt. Bà sang cửa hàng bên kia đường đi, bên đó họ mới không có sữa”

4. To nhất thế giới
Hỏi: Có phải Mỹ là nước có những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới? Đáp: Đúng. Nhưng Liên Xô lại là nước chế tạo được những linh kiện bán dẫn to nhất thế giới!

5. Lương chính
Hỏi: Có thể sống nổi chỉ với đồng lương chính không? Đáp: Không biết. Chưa thằng nào trong chúng tôi dám thử cả.

6. Người bóc lột người
Hỏi: CNCS có khác CNTB không? Trả lời: Về nguyên tắc là ngược lại. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa có tình trạng người bóc lột người. Còn trong chế độ cộng sản chủ nghĩa thì là ngược lại.





Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

200 ngày blog E

Hôm qua, mở blog ra, tôi mới giật mình tự tính, hình như gần đến mốc 200 ngày blog E. Tính từ 15/10/2012 đến 30 hoặc 31/5 là vừa tròn 200 ngày blog này lên mạng.
Qua 200 ngày, blog phát triển ngoài dự tính của những người chủ trương xây dựng nó. Qua diễn đàn này, chúng ta tự “kết nạp” vào cộng đồng nhỏ bé của bạn bè lớp E những người bạn mới. Những N22, thichdoctho, Hải Yến, Mai Hương, Hoài Thu, Trần Quang, N16… vân vân, đã làm trang blog sinh động hẳn lên.

Chúng ta đã bàn luận rất nhiều vấn đề, từ cuộc sống đời thường đến tình hình thế giới, từ thơ ca đến nền kinh tế… Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi quan niệm, cuộc sống là như vậy, phong phú và nhiều giọng điệu. Có lẽ, thông qua blog này, chúng ta biết cách lắng nghe nhau hơn, biết cảm thông và tha thứ, biết dung nạp những ý kiến khác nhau…

Hơn 61 nghìn lượt truy cập, tháng trước có 9.831 lượt xem, càng ngày càng có nhiều bạn bè đến với chúng ta. Chín quốc gia có bạn truy cập, trừ Việt Nam là Mỹ, Panama, Nga, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Anh, Australia. Trong số 350 bài đã lên mạng, 10 bài nhiều người đọc nhất là: Diễn văn khai mạc lớp; Tặng quà Ê… A; Giấc mơ suối Yến (đáp N22); Bài cúng nhân Tết Quý Tỵ; Khám phá công viên tình yêu; Hương tình yêu; Thơ tặng các cặp tình nhân già; Vợ quê; Nói chuyện nhân sâm…
Qua các bài nhiều lượt truy cập, 9/10 bài là của BTV Ngô Công Thành post lên.
Từ những số liệu này, chúng tôi có rút ra những kết luận nhất định. Tuy nhiên, không thể không có diện rộng, thì mới có đỉnh cao. Những chủ đề chuyên sâu vẫn sẽ phục vụ một số bạn đọc “khó tính”…
Hướng về ngày kỷ niệm 1 năm blog E, chúng tôi dự kiến sẽ chọn lọc và in một tập tạp văn các bài khá nhất trong blog này. Hoặc xuất bản trên mạng? Hoặc tổ chức họp lớp năm 2013. Đề nghị BLL nghiên cứu…
Đây là diễn đàn mở, giống như mọi blog khác trên mạng Internet, chúng ta thỏa sức sáng tạo, mở lòng hết tầm, có thể công khai chia sẻ mọi mối quan tâm (trừ những vấn đề có hại cho an ninh quốc gia). Đây cũng là một cơ hội để chia sẻ, tự bộc lộ mình, một nhu cầu rất chính đáng của mỗi người. Chúng tôi mong các ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa, những người yêu mến cộng đồng bè bạn lớp E. Hy vọng rằng, chúng ta đi từ tập thể nhỏ đến cộng đồng rộng lớn...

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Bữa cơm trên nhà sàn ở Mường Lai

Tối hôm trước, VKH đã dặn chúng tôi không được ăn sáng để thưởng thức bữa ăn nhẹ của một gia đình người Tày cách trung tâm huyện Lục Yên 15 km (riêng NXH đãng trí, sáng sớm đã ra chợ làm một nắm xôi rồi). Sau khi đi thăm mấy cửa hàng đá quý, chúng tôi lên xe chạy tới Mường Lai. Hình như ở vùng đồng bào dân tộc Thái – Tày, cứ Mường là biểu thị cánh đồng thì phải, vì Mường Lai cũng là một thung lũng có cánh đồng rộng nhất huyện Lục Yên (tất nhiên là không thể rộng như cánh đồng Mường Lò). Đây từng là một vùng căn cứ địa cách mạng trước có tên là Cổ Văn. 
Đón tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Tơ, chủ nhà, Bí thư chi bộ thôn và vợ là chị Vóc. Anh Tơ năm nay 59 tuổi nhưng vẫn trẻ trung lắm. Anh chị có 5 con, hai trai và ba gái, đều đã có gia đình.
Bước lên cầu thang vào nhà sàn đã thấy khoan khoái vô cùng, không biết do sự tiếp đón thân tình của chủ nhà, do những bức ảnh lớn chụp cô dâu chú rể mặc trang phục dân tộc thật đẹp, hay do cái cảm giác giống như mình được sống trong nhà sàn của bác Hồ vậy: cửa số mở ra 4 phía hoa lá xanh tươi. Những lá cây lớn như những bàn tay màu xanh mềm mại vẫy nhẹ, vươn tới tận cửa sổ. Không khí thật trong lành. Một lần nữa trong đời tôi lại được cảm nhận màu xanh của nắng đầy thi vị.
Vừa ngồi xuống chiếu, chị Vóc đã bưng ra một đĩa bánh chuối. Mọi người đều ăn trừ NXH. Món ăn này tôi đã kể trước rồi (xem TẠI ĐÂY). Ăn xong bánh chuối thì mâm cơm đãi khách được bưng ra, Không có nhiều món lắm nhưng có mấy món lạ, tôi chưa từng được ăn.
Trong ba món thịt, hấp dẫn nhất là món “Răng chắc hầm”. “Răng chắc” là cách bà con ở đây gọi “con Dúi”, một loài gậm nhấm chuyên ăn dễ cây. Nghe tên “răng chắc” tôi lại nhớ tới câu chuyện có ông người Tày ngoài 70 tuổi hay cười, răng chưa rụng chiếc nào, mới lấy con vợ Kinh, bị người ta chế diễu là “răng chắc c... bền” mà phì cười. Chắc người dân tộc muốn phân biệt rõ loại dúi nuôi mà người Kinh mình vẫn ăn ở các nhà hàng thịt thú rừng với dúi rừng  thứ thiệt chăng?
Con rể lớn của anh Tơ - Lê Viễn Khiêm (cũng người Tày) là một tay thợ săn cự phách. Khi nghe tin có khách Hà Nội đến thăm, từ hôm trước anh ta đã vào rừng tóm được hai chú “răng chắc” về để đãi chúng tôi. Khiêm kể rằng, con “răng chắc” rất khôn và lanh. Thường món ăn nó thích nhất là rễ và ruột cây vầu. Hang của nó thường dẫn đến gốc cây vầu, ăn hết rễ cây nó cứ chui theo ống vầu mà chén lên đến ngọn. Người đi rừng cứ thấy cây vầu chết, thế nào cũng có “răng chắc” ở trên ngọn. Dùng dao rừng phạt một nhát đứt ngang gốc cây và chặn con dao vào đó, “răng chắc” thả mình rơi xuống là tóm luôn. Nếu chặt tới nhát thứ hai mới đứt cây là nó đã thoát vào hang rồi. Lúc đó phải dùng chó săn mới đào bắt được. Hang dúi rất dài và ngoằn nghoèo, mặt khác nó cũng rất khéo ngụy trang nên không có chó săn thì khó lòng mà bắt nó. “Răng chắc” sau khi cắt tiết, cạo lông, thui, mổ moi ruột gan, được chặt miếng (cả xương) và tẩm ướp gia vị rồi hầm như món “nhựa mận” của người Kinh. Có điều là “răng chắc” da rất dày nên phải hầm lâu. Da nó dày như da bò vậy. Mỗi mâm chỉ có một bát tô. Tôi thấy hai ông Hưng ăn ít quá nên phải gánh đỡ. Tôi chén khoảng nửa bát, nửa bát kia 5 ông còn lại ăn vẫn thừa! Thịt thú rừng đích thực chắc là bổ. Chúng tôi mỗi người còn làm vài chén rượu tiết dúi.
Mấy đợt lên Yên Bái  công tác, tôi đã nghe kể về món “nõn cọ”, người Kinh hay gọi chệch sang là “mầm cọ”. Ngày xưa người dân Phú Thọ, Yên Bái hay ăn, nhất là những tháng đói hết gạo, ngô, sắn. Nay,  món này gần như không có nữa và trở thành đặc sản. Trước khi lên Lục Yên tôi đã  đặt thực đơn trước với VKH. Có thầy giáo người Tày 50 tuổi còn ngạc nhiên khi tôi đề nghị được thử món này, vì lâu lắm rồi anh cũng không được ăn. May có cháu Hứa Văn Chuông, bảo vệ của trường VKH, con anh Tơ, về nói với Bố mới biết cách chế biến. Nõn cọ là phần ruột cây cọ gần búp non trên ngọn cây. Muốn lấy nõn thì phải hy sinh cây cọ. Vì thú vui ẩm thực của tôi mà một cây cọ đã phải chết và tôi  bỗng thấy mình như mang món nợ với Lục Yên. Người ta bổ thân cây cọ, nhẹ nhàng tách ra lấy riêng phần nõn cọ non mềm trắng như củ cải (khoảng gần 1kg), thái chỉ như thái su hào vậy, rồi ngâm vào nước muối để không bị thâm đen, trước khi sào hay làm nộm. Trong mâm cơm hôm đó có đĩa nộm nõn cọ trộn thị gà xé  và đĩa nõn cọ xào lòng mề gà đều rất ngon và hấp dẫn, nhưng tôi thích nộm nõn cọ hơn. Thưởng thức món nõn cọ, tôi lại nhớ tới hương vị món "củ niễng" sào ngày nhỏ mình đã được ăn, bùi bùi, ngậy ngậy, dòn dòn mà lâu lắm rồi chúng đã biến mất trong thói quen ẩm thực của người Kinh.
 Một đĩa nộm rau lạ trong mâm, anh Tơ giới thiệu là rau dớn. Tôi chợt nhớ hôm trước ở Nghĩa Lộ, các bạn VKH cũng gọi món rau dớn mà nhà hàng không có, chỉ có rau ban thôi. Thoạt nhìn rau này giống như phần ngọn non nhất của rau mướp vậy, nhưng sao bùi, dòn mà ngon quá (hôm nay ngồi nhớ lại vẫn thấy nước miếng ứa ra đây này!). Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi - nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi ẩm ướt. Đối với đồng bào dân tộc, rau dớn là “vua” của các loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách. Vì loại rau này nhanh bị dập nát nên người ta hái đến đâu ăn đến đó, bảo đảm rau luôn tươi xanh. Đây là món rau dễ chế biến nhất, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm ...
Món nộm rau dớn luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất (trong đó có tôi). Làm món nộm không khó, rau dớn được lấy phần ngọn non, các lá bánh tẻ, rửa sạch. Luộc rau bằng cách đun nước cho thật sôi, to lửa rồi bỏ rau vào, lật lên khi nước vừa sôi thì vớt ra, để vào rổ cho róc nước. Lưu ý khi luộc rau cấm đậy vung nồi nhé,như thế rau sẽ mất màu xanh. Các giavị dùng trong món nộm này cũng gồm lạc rang giã nhỏ, chanh quả, ớt, gừng, tỏi đập nhỏ, một chút đường, bột canh, mì chính. Rau dớn được trộn đều, nhẹ tay với các loại gia vị và để khoảng 5 phút cho ngấm rồi rắc lạc rang lên trên bày ra đĩa.  Khi ănnộm, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi của rau dớn, mùi thơm của các loại gia vị quyện vào nhau ngon đến khó quên.
Anh Tơ kể, loại rau này có sức sống rất kỳ lạ. Mùa mưa lũ, bờ suối bị phủ kín đất cát, chỉ có ngọn rau này vươn được lên trên mặt đất và người ta đi ngắt những ngọn rau như thế. NXH bình luận: có thể tên gọi ban đầu của loài rau này là “rau dướn” rồi bà con gọi lệch ra thành “rau dớn”.
Những nắm xôi đỏ tươi được gói trong lá dong xanh, nhưng không phải đỏ do gấc mà do gạo nếp được ngâm nước một loại lá cây rừng. XH và QH có vẻ lạ vì lần đầu tiên được biết đến một loại xôi như thế, nhưng với tôi thì đã quen. Ba mươi năm trước sống với  người Mán ở Đại Từ Thái Nguyên tôi đã nhiều lần được chén món xôi này. Đồng bào dân tộc biết rất nhiều loại lá cây nhuộm màu gạo: màu đỏ, màu tím, màu xanh, màu đen (màu vàng thì người ta dùng củ nghệ nhé). Lá cây hái về rửa sạch, đun nước, rồi lấy nước đó ngâm gạo nếp, sau đó đem gạo đi đồ là tự nhiên xôi có màu thôi. Thế mới có món xôi ngũ sắc nổi tiếng!
Có nhiều món ăn lạ và câu chuyện với các vị chủ nhà rôm rả quá nên tôi bị chuốc nhiều rượu, có nguy cơ bị say, vì tửu lượng của tôi rất kém và hiếm khi tôi uống rượu nhiều như thế. Lúc đó anh Tơ mới đưa ra một chai rượu nói là rượu ngâm “cao gắm”, mà “gắm” cũng lại là một loại cây trong rừng. Anh giới thiệu loại rượu này đảm bảo “ông uống bà khen hay”, hết say ngay, nên tôi cũng cố làm thêm mấy chén nữa. Mọi lần trước, khi uống rượu như thế này chắc chắn tôi đã bị nôn thốc nôn tháo rồi. Nhưng lần này thì tuyệt nhiên không. Đúng là rượu của anh Tơ thật tuyệt. Về Hà Nội tôi kể lại với mấy ông sâu rượu chuyên đi công tác miền núi, họ đồ rằng, đây có thể là rượu ngâm cây thuốc phiện, không biết có đúng không?
Dự kiến chỉ ở chơi với gia đình anh Tơ, chị Vóc đến khoảng 10 giờ mà mãi đến 11 giờ rưỡi chúng tôi mới bước được xuống chân cầu thang nhà sàn. Anh chị Tơ bắt chúng tôi phải mang theo mỗi người một gói xôi, mấy cái bánh chuối và còn gói kèm một con "gà  trèo đồi" luộc sẵn để chúng tôi ăn đường. Cái sự chu đáo của bà con vùng quê xa, lâu lắm rồi tôi mới lại thấy. (NCT)

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Thăm bạn lớp E ở Chí Linh

Ngày 25/5/2013, nhân đi công tác Quảng Ninh, tôi (NXH) có ghé thăm nhà hai bạn Tạ Hữu Gay và Nguyễn Văn Diện. Nhà Gay ở Phả Lại, Diện ở Sao Đỏ đều thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương.
Tạ Hữu Gay đã qua đợt điều trị thứ 10 sau phẫu thuật, đã phục hồi sức khỏe, đi làm bình thường. Còn 2 đợt nữa. Nhà thơ Tạ Hữu Gay vừa xuất bản tập thơ "Đôi điều", đã vui vẻ ký tặng sách, gửi cho tôi mang về chuyển đến một số bạn. Còn một số nữa chưa gửi tặng sách, là vì Nhà thơ muốn gặp trực tiếp...
Sau đó, tôi đã đến thăm nhà Nguyễn Văn Diện. Song, thày Diện đang ở Đại học Sao Đỏ, vì đang có Hội giảng. Chỉ có phu nhân Nguyễn Văn Diện và con trai tiếp khách.
Xin chiêm ngưỡng mấy tấm ảnh chụp bằng máy điện thoại




Nhà PitaGay, con đường lớn trước
cửa đang làm (Phố Sùng Yên),
sau khi làm xong
nhà ông Gay mặt đường rất đẹp
Nhà thơ Tạ Hữu Gay đang ký tặng sách

Nhà Nguyễn Văn Diện trên đường Trần Hưng Đạo, Thị trấn Sao Đỏ.
 Cậu con trai đang đứng nhìn thẳng về phía ống kính, đứa nhỏ là cháu.
Phu nhân Nguyễn Văn Diện (đứa bé là cháu)

Con trai Nguyễn Văn Diện (trái), và một đứa cháu Diện (phải)

Hai người đẹp tìm gặp dị nhân

                                                            Hải Yến
Cách đây khá lâu, con gái em (Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội nhưng yêu văn chương – Đã có lần em khoe rồi nhỉ!) về chơi và kể với em rằng: Nó đọc trên YOUTUBE cái “cacvirit”: Hợp Tác Xã thơ HỒN RƠM/ Thi sĩ Văn Thuỳ/ Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch/ Kiểu dáng mới nhất …../Liên hệ bằng chân …/Liên hệ bằng mồm ….”. Em thấy ngồ ngộ, nhưng rồi bận cũng quên đi. Đến một hôm, khi tìm một bài viết của anh Chu Văn Sơn - Tiến sĩ, giảng viên ĐHSP – Em vào google thế nào lại ra cái bài anh Sơn viết giới thiệu tập thơ RU DỌC HAI MÀU LÁ của thi sĩ Văn Thuỳ.
Thế là em đọc Văn Thuỳ. Tới mấy chục bài viết về Văn Thuỳ và thơ Văn Thuỳ của các nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình … Em đọc như một đứa ngộ chữ. Lâu lắm rồi mới có những bài thơ làm em đọc một bài lại muốn đọc hai ... như thế. Mà có phải kiểu thơ mới lạ gì cho cam! Là LỤC BÁT TOÀN TÍNH. Rồi em chia sẻ với mọi người. Có một “muội muội” cùng cơ quan, còn “ngộ chữ” hơn em. Nó vào Internet đọc Văn Thuỳ cả buổi trưa. Nó còn mê mệt hơn em về thơ của lão lục bát bán thơ rong, bán chữ rong ấy.
Mấy hôm sau, em và nó rủ nhau quyết tìm gặp cái người LỤC BÁT mà dân thơ trên mạng gọi là “Thi sĩ bụi”, “dị nhân” … Cũng có bao xa đâu! Phi xe máy chưa đến một giờ thôi mà. Muội muội bảo em: "Chị phải liên hệ bằng mồm trước đi, kẻo lão ấy thoắt ẩn thoắt hiện không có nhà. Thấy bài trên mạng nói thế".
 Và bây giờ, em sẽ kể cho mọi người nghe, chuyện hai con đàn bà chúng em, một đứa đầu bốn, đuôi thêm một đoạn, một đứa “băm” mấy nhát rồi. Thế mà còn phát cuồng, đi xin thơ, xin chữ một lão già bảy mươi hai … thì loại đàn bà ấy có đáng "ăn đòn" của chồng không chứ? Thế mà đem về khoe chồng, những anh chồng đẹp trai (chồng muội muội còn là “đại gia” nữa!) cứ tít mắt vì thơ, vì chữ của dị nhân mà các "vợ yêu" xin được.

  Phần I - Gặp dị nhân.  Mấy "tuyên ngôn" của "lão Đôn Kihôtê"

 Theo số ĐT “Liên hệ bằng mồm”, tôi hỏi: Đây có phải SĐT của Lão lục bát Văn Thuỳ không ạ? Bên kia đáp: Ai đấy, phải xưng danh tôi mới biết mà thưa bẩm chứ? Tôi cười hi hí: Có hai người đẹp định đến xin thơ và xin chữ của lão thôi, không phải thưa bẩm, lão có nhà không? Lão hẹn tôi 2 tiếng nữa. Một lúc sau, tôi thấy lão gọi lại, bảo rằng lão rút cho nửa tiếng. Rồi muội muội trễ 15 phút, tôi lại gọi cho lão, bảo rằng: em xinh đẹp bận nên sẽ đến chậm 15 phút. Lão bảo: Cho hẳn 16 phút đấy! Nhưng đẹp vừa thôi kẻo bọ bị cảm thì không mua bán được gì đâu!
 Khi đến gần nhà lão theo địa chỉ “Liên hệ bằng chân”, muội muội nhìn thấy đúng dáng lão như ảnh chụp đầy trên mạng, đang mua bán gì đó ở quán bên đường. Đúng là một Lão Đôn Kihôtê thời hiện đại: Tóc hoa râm buộc túm, người cao nhẳng, gầy đét …Tôi gọi: Lão lục bát, về tiếp hai người đẹp này. Lão chỉ về phía nhà (Chẳng thấy nhà đâu, chỉ thấy một lùm cây leo!): Cứ vào nhà đi. Muội muội phi xe xuống dốc. Cái lều của lão thụt xuống so với mặt đường không biết là mét mấy nữa … Vào nhà lão, tôi ngó nghiêng từ nóc nhà (xem nóc thế nào mà lão viết được Nhà dột), đến những bức thư pháp treo đầy tường ...
 Lão về, tôi chỉ muội muội rồi lại trỏ vào mình, nói: Nó là gái một con (Lão có một chùm bài về Gái một con), còn  đây là gái hai con. Lão đọc liền: Đời còn lắm gái một con/ Thì còn lắm kẻ liếc mòn con ngươi. Rồi bảo: Bọ vừa đi Sơn Tây về. Mai bọ lại đi Hà Nam, chủ nhật, ở Kim Bảng, nó triển lãm thơ Văn Thuỳ. Tôi hỏi: Bao giờ lão lại đi xuyên Việt bằng xe máy? Lão nói: Sắp đi mấy tháng, lần này đi máy bay.

Chúng tôi bảo rằng xin lão mấy quyển lục bát chép tay và mấy tờ thư pháp chép lục bát của lão. Lão moi mãi trong túi vừa về từ Sơn Tây ra được hai quyển THƠ TÌNH VÙI DƯỚI ĐỐNG RƠM. Tôi bảo muốn một quyển khác nữa. Lão nói rằng hết rồi, hay lấy thơ in RU DỌC HAI MÀU LÁ. Tôi lắc đầu: Không thích, đầy trên mạng. Muốn xem thơ lão viết tay cơ. Lão cũng gật gù: Với lại, thơ in, bọ phải thay nhiều chữ, vì bọn biên tập cứ bảo không thay thì không được in …Về thư pháp, thì lão tần ngần nói rằng hết giấy đẹp viết rồi. Chúng tôi bảo viết trên giấy trắng cũng được. Lão hỏi rằng đã chọn câu chưa? Tôi và muội muội đọc những câu lục bát của lão mà chúng tôi đã chọn từ ở nhà. Lão làu bàu: Thuộc từ bao giờ mà nhiều thế?
 Lão đưa cho chúng tôi xem cuốn anbum ảnh, mà dưới mỗi bức ảnh lại là một cặp lục bát rất hay. Rồi  vừa chép thơ theo kiểu thư pháp cho chúng tôi, lão vừa trả lời những câu hỏi trêu chọc của tôi và muội muội:
- Eo, lão chụp với lắm em đẹp thế, cả tây nữa này. Lão chỉ chụp ảnh thôi, hay có “tỉnh tình tinh” được em nào không?
 Lão lại càu nhàu: Hỏi làm gì chuyện ấy? Có cũng chẳng nói.
- Sao lão không vào Hội nào, mà cứ sản xuất và bán thơ nghiệp dư thế? Nghe nói lão được giải này giải nọ, rồi còn hai chỗ nổi tiếng đã in 2 tập thơ của lão cơ mà?
 Lão dừng viết:
- Bọ chẳng việc gì phải vào đâu để kính thưa bẩm chúng nó. Có thằng kháy bọ, khoe thơ nó bao nhiêu tập, bao nhiêu giải. Bọ bảo: Mày dẫn chứng ra đây hai người mày đã tặng thơ, và hỏi xem họ có thuộc câu nào của mày không? Thơ mày bày dưới đất bán như thơ tao xem có ai nhặt thơ và trả tiền ngay  không?
 Rồi lão khoe:
- Sắp in tập thứ ba, gần ba trăm trang. Mà toàn in không mất tiền!
 Tôi hỏi lão:
- Tập thứ hai, anh Chu Văn Sơn viết lời giới thiệu hay thế? Tập ba này tên gì, ai viết giới thiệu?
 Lão ậm ừ ra điều bí mật. Múa bút một loáng, lão đã viết xong ba bức thư pháp thơ. Những nét chữ của lão bay bướm. Lão mắm môi cộp ba cái ấn vào mỗi bức. Muội muội hỏi:
- Ấn này chữ Văn Thùy thì nhìn rõ, còn ấn kia chữ gì?
 Lão bảo chữ “thần”. Muội muội lại chỉ vào ấn thứ ba: “Vậy đây là chữ THÁNH à?”. Lão “Ừ, còn nếu đây là chữ MA thì kia sẽ là chữ QUỶ”.
 Chẳng hiểu lão nói thế thì thật sự nó là chữ gì. Bởi nó chẳng ra chữ nước nào cả. Nhưng nghe lão đọc thơ và viết chữ, thì chẳng ai bảo lão đã bảy mươi hai, nếu không nhìn cái miệng đã rụng mấy cái răng cửa. Nói chuyện một lúc, cảm giác lão là dị nhân gàn dở dần dần đâu mất. Dù lão có mặc áo chim cò với quần bò ở tuổi ngoài 70, tóc buộc túm phía sau và cặp kính tổ bố phía trước ... chúng tôi cũng chỉ thấy trước mặt mình là một người am hiểu về nhiều lĩnh vực, thơ hay, chữ đẹp. Góc tường của nhà lão còn treo cả đàn ghi ta. Lão chỉ ảnh cưới của một đôi rất đẹp ngay trên tường giường của lão: Con trai út đấy!
 Tôi lại gặng:
- Sao lão không lập một blog riêng, mà cứ để chúng nó giới thiệu về mình?
 Lão lắc đầu:
- Bọ không chơi với thằng công nghệ thông tin. Chơi vào nó là bọ say mê với nó. Rồi không đi đâu, thì không có thơ cho ra hồn. Bọ cứ đi lang thang, nghe người ta nói chuyện, rồi cảm nhận, rồi viết ...
- Có những từ ngữ trong thơ lão, không biết là lão moi được nó từ đâu ra?
 Lão bí hiểm:
- Có trời mà biết moi từ lỗ nào lên! Nhiều khi, viết trong mê sảng ấy mà!
 Chuẩn bị ra về, chúng tôi bảo lão:
- Hai gái dở đến xin thơ lão, còn thơ lão thì “giá bất đồng nhất”, không thể xin không. Xin gửi lão tiền giấy mực để lão tiếp tục sản xuất thơ.
 Lão bảo:
- Tuỳ tâm thôi.
 Tôi đưa tiền cho lão, hỏi: Tâm vậy có được không? Lão gật: Tâm này rất hậu rồi. Xe nổ máy, tôi còn hỏi cố một câu: Mai gặp hai gái dở này ngoài đường, lão có nhận ra không?
 Lão lắc đầu và vẫy tay:
- Chúc bữa tối ăn ngon, đêm ngủ ngon, sáng mai ... tỉnh giấc ngon...
 Về ngắm nghía quyển thơ chép tay của lão, thấy thật độc đáo. Từ cách trình bày bìa, đến trình bày thơ. Đọc thơ lão, thì thật ấn tượng: Mảng thơ tuyên ngôn về thơ và thi sĩ. Mảng thơ thế sự. Màng thơ tình ...Có bài dài, nhiều khi chỉ là một cặp lục bát ...  Mảng nào cũng hay, từ ý tứ đến ngôn từ hình ảnh ...
 Chẳng thế mà bày dưới đất, trên mẹt, giữa phố Ông đồ Hà Nội, bán đắt như tôm tươi. Chẳng thế mà viết thư pháp từng cặp lục bát, người mua tơi tới ...
 Xin được giới thiệu đôi bài, đôi câu cùng bạn đọc blog E

 Những tuyên ngôn:

    NGHIỆP THƠ.
    Từ ngày đốc chứng làm thơ
Khôn ngoan vốn móng, ngẩn ngơ thêm dày.
    Đam mê là tội giời đày
Càng béo chữ nghĩa càng gày niêu cơm.
   Hễ con chữ hết bờm xờm
Là chòm râu rạ tóc rơm bù xù.
  Loay hoay như thể tháo tù
Cứ khôn mặt chữ là ngu mặt tiền.
  Ngoài trông cứ tưởng ngồi thiền
Biết đâu gan ruột bốn miền bão giông.
  Giần sàng chữ đến nát lòng
Tấu câu lục bát nhập đồng múa may.
   Làm thơ biếu gió tặng mây
Danh chưa ưng ửng đã đầy tóc sương.
 ......................................
   Người đi đục đẽo cao sang
Tôi ngồi rút sợi trăng vàng dệt thơ.
 .............................
   Thơ ni lông bí hơi người
Mịn màng còn lại những lời tằm tơ.
  Thơ mới đảo chính xong chưa
Hoàn ngôn lục bát lũy thừa thăng hoa.
 ........................................
   Lướt qua võng tía lọng vàng
Ta khênh lục bát rước ngang triều đình.
 .............................
  Ca dao khoét mãi không mòn
Càng xoăn lục bát càng tròn giọng quê.
...........................................
  Nghêu ngao tiếng vượn pha người
Bút vung quá trán viết lời phù vân.
..........................................
  Bây giờ tôi chẳng giống tôi
Ngày đi săn nắng, đêm ngồi bẫy trăng.
 .............................................
  THƠ VƯỜN TÔI
   Trồng Thơ đến thuở bạc đầu
Bấm tay đếm được vài câu đâm chồi.
  Hoa thơ ú ớ nở rồi
Quả còn ậm ạch đậu đôi ba cành.
  Hái non vỏ đỏ ruột xanh
Biết rằng chát xít cũng đành gánh đi.

(Còn nữa - Phần II: Thơ thế sự và thơ tình)
                                                                                                                 Hải Yến.