Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Bữa cơm trên nhà sàn ở Mường Lai

Tối hôm trước, VKH đã dặn chúng tôi không được ăn sáng để thưởng thức bữa ăn nhẹ của một gia đình người Tày cách trung tâm huyện Lục Yên 15 km (riêng NXH đãng trí, sáng sớm đã ra chợ làm một nắm xôi rồi). Sau khi đi thăm mấy cửa hàng đá quý, chúng tôi lên xe chạy tới Mường Lai. Hình như ở vùng đồng bào dân tộc Thái – Tày, cứ Mường là biểu thị cánh đồng thì phải, vì Mường Lai cũng là một thung lũng có cánh đồng rộng nhất huyện Lục Yên (tất nhiên là không thể rộng như cánh đồng Mường Lò). Đây từng là một vùng căn cứ địa cách mạng trước có tên là Cổ Văn. 
Đón tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Tơ, chủ nhà, Bí thư chi bộ thôn và vợ là chị Vóc. Anh Tơ năm nay 59 tuổi nhưng vẫn trẻ trung lắm. Anh chị có 5 con, hai trai và ba gái, đều đã có gia đình.
Bước lên cầu thang vào nhà sàn đã thấy khoan khoái vô cùng, không biết do sự tiếp đón thân tình của chủ nhà, do những bức ảnh lớn chụp cô dâu chú rể mặc trang phục dân tộc thật đẹp, hay do cái cảm giác giống như mình được sống trong nhà sàn của bác Hồ vậy: cửa số mở ra 4 phía hoa lá xanh tươi. Những lá cây lớn như những bàn tay màu xanh mềm mại vẫy nhẹ, vươn tới tận cửa sổ. Không khí thật trong lành. Một lần nữa trong đời tôi lại được cảm nhận màu xanh của nắng đầy thi vị.
Vừa ngồi xuống chiếu, chị Vóc đã bưng ra một đĩa bánh chuối. Mọi người đều ăn trừ NXH. Món ăn này tôi đã kể trước rồi (xem TẠI ĐÂY). Ăn xong bánh chuối thì mâm cơm đãi khách được bưng ra, Không có nhiều món lắm nhưng có mấy món lạ, tôi chưa từng được ăn.
Trong ba món thịt, hấp dẫn nhất là món “Răng chắc hầm”. “Răng chắc” là cách bà con ở đây gọi “con Dúi”, một loài gậm nhấm chuyên ăn dễ cây. Nghe tên “răng chắc” tôi lại nhớ tới câu chuyện có ông người Tày ngoài 70 tuổi hay cười, răng chưa rụng chiếc nào, mới lấy con vợ Kinh, bị người ta chế diễu là “răng chắc c... bền” mà phì cười. Chắc người dân tộc muốn phân biệt rõ loại dúi nuôi mà người Kinh mình vẫn ăn ở các nhà hàng thịt thú rừng với dúi rừng  thứ thiệt chăng?
Con rể lớn của anh Tơ - Lê Viễn Khiêm (cũng người Tày) là một tay thợ săn cự phách. Khi nghe tin có khách Hà Nội đến thăm, từ hôm trước anh ta đã vào rừng tóm được hai chú “răng chắc” về để đãi chúng tôi. Khiêm kể rằng, con “răng chắc” rất khôn và lanh. Thường món ăn nó thích nhất là rễ và ruột cây vầu. Hang của nó thường dẫn đến gốc cây vầu, ăn hết rễ cây nó cứ chui theo ống vầu mà chén lên đến ngọn. Người đi rừng cứ thấy cây vầu chết, thế nào cũng có “răng chắc” ở trên ngọn. Dùng dao rừng phạt một nhát đứt ngang gốc cây và chặn con dao vào đó, “răng chắc” thả mình rơi xuống là tóm luôn. Nếu chặt tới nhát thứ hai mới đứt cây là nó đã thoát vào hang rồi. Lúc đó phải dùng chó săn mới đào bắt được. Hang dúi rất dài và ngoằn nghoèo, mặt khác nó cũng rất khéo ngụy trang nên không có chó săn thì khó lòng mà bắt nó. “Răng chắc” sau khi cắt tiết, cạo lông, thui, mổ moi ruột gan, được chặt miếng (cả xương) và tẩm ướp gia vị rồi hầm như món “nhựa mận” của người Kinh. Có điều là “răng chắc” da rất dày nên phải hầm lâu. Da nó dày như da bò vậy. Mỗi mâm chỉ có một bát tô. Tôi thấy hai ông Hưng ăn ít quá nên phải gánh đỡ. Tôi chén khoảng nửa bát, nửa bát kia 5 ông còn lại ăn vẫn thừa! Thịt thú rừng đích thực chắc là bổ. Chúng tôi mỗi người còn làm vài chén rượu tiết dúi.
Mấy đợt lên Yên Bái  công tác, tôi đã nghe kể về món “nõn cọ”, người Kinh hay gọi chệch sang là “mầm cọ”. Ngày xưa người dân Phú Thọ, Yên Bái hay ăn, nhất là những tháng đói hết gạo, ngô, sắn. Nay,  món này gần như không có nữa và trở thành đặc sản. Trước khi lên Lục Yên tôi đã  đặt thực đơn trước với VKH. Có thầy giáo người Tày 50 tuổi còn ngạc nhiên khi tôi đề nghị được thử món này, vì lâu lắm rồi anh cũng không được ăn. May có cháu Hứa Văn Chuông, bảo vệ của trường VKH, con anh Tơ, về nói với Bố mới biết cách chế biến. Nõn cọ là phần ruột cây cọ gần búp non trên ngọn cây. Muốn lấy nõn thì phải hy sinh cây cọ. Vì thú vui ẩm thực của tôi mà một cây cọ đã phải chết và tôi  bỗng thấy mình như mang món nợ với Lục Yên. Người ta bổ thân cây cọ, nhẹ nhàng tách ra lấy riêng phần nõn cọ non mềm trắng như củ cải (khoảng gần 1kg), thái chỉ như thái su hào vậy, rồi ngâm vào nước muối để không bị thâm đen, trước khi sào hay làm nộm. Trong mâm cơm hôm đó có đĩa nộm nõn cọ trộn thị gà xé  và đĩa nõn cọ xào lòng mề gà đều rất ngon và hấp dẫn, nhưng tôi thích nộm nõn cọ hơn. Thưởng thức món nõn cọ, tôi lại nhớ tới hương vị món "củ niễng" sào ngày nhỏ mình đã được ăn, bùi bùi, ngậy ngậy, dòn dòn mà lâu lắm rồi chúng đã biến mất trong thói quen ẩm thực của người Kinh.
 Một đĩa nộm rau lạ trong mâm, anh Tơ giới thiệu là rau dớn. Tôi chợt nhớ hôm trước ở Nghĩa Lộ, các bạn VKH cũng gọi món rau dớn mà nhà hàng không có, chỉ có rau ban thôi. Thoạt nhìn rau này giống như phần ngọn non nhất của rau mướp vậy, nhưng sao bùi, dòn mà ngon quá (hôm nay ngồi nhớ lại vẫn thấy nước miếng ứa ra đây này!). Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi - nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi ẩm ướt. Đối với đồng bào dân tộc, rau dớn là “vua” của các loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách. Vì loại rau này nhanh bị dập nát nên người ta hái đến đâu ăn đến đó, bảo đảm rau luôn tươi xanh. Đây là món rau dễ chế biến nhất, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm ...
Món nộm rau dớn luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất (trong đó có tôi). Làm món nộm không khó, rau dớn được lấy phần ngọn non, các lá bánh tẻ, rửa sạch. Luộc rau bằng cách đun nước cho thật sôi, to lửa rồi bỏ rau vào, lật lên khi nước vừa sôi thì vớt ra, để vào rổ cho róc nước. Lưu ý khi luộc rau cấm đậy vung nồi nhé,như thế rau sẽ mất màu xanh. Các giavị dùng trong món nộm này cũng gồm lạc rang giã nhỏ, chanh quả, ớt, gừng, tỏi đập nhỏ, một chút đường, bột canh, mì chính. Rau dớn được trộn đều, nhẹ tay với các loại gia vị và để khoảng 5 phút cho ngấm rồi rắc lạc rang lên trên bày ra đĩa.  Khi ănnộm, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi của rau dớn, mùi thơm của các loại gia vị quyện vào nhau ngon đến khó quên.
Anh Tơ kể, loại rau này có sức sống rất kỳ lạ. Mùa mưa lũ, bờ suối bị phủ kín đất cát, chỉ có ngọn rau này vươn được lên trên mặt đất và người ta đi ngắt những ngọn rau như thế. NXH bình luận: có thể tên gọi ban đầu của loài rau này là “rau dướn” rồi bà con gọi lệch ra thành “rau dớn”.
Những nắm xôi đỏ tươi được gói trong lá dong xanh, nhưng không phải đỏ do gấc mà do gạo nếp được ngâm nước một loại lá cây rừng. XH và QH có vẻ lạ vì lần đầu tiên được biết đến một loại xôi như thế, nhưng với tôi thì đã quen. Ba mươi năm trước sống với  người Mán ở Đại Từ Thái Nguyên tôi đã nhiều lần được chén món xôi này. Đồng bào dân tộc biết rất nhiều loại lá cây nhuộm màu gạo: màu đỏ, màu tím, màu xanh, màu đen (màu vàng thì người ta dùng củ nghệ nhé). Lá cây hái về rửa sạch, đun nước, rồi lấy nước đó ngâm gạo nếp, sau đó đem gạo đi đồ là tự nhiên xôi có màu thôi. Thế mới có món xôi ngũ sắc nổi tiếng!
Có nhiều món ăn lạ và câu chuyện với các vị chủ nhà rôm rả quá nên tôi bị chuốc nhiều rượu, có nguy cơ bị say, vì tửu lượng của tôi rất kém và hiếm khi tôi uống rượu nhiều như thế. Lúc đó anh Tơ mới đưa ra một chai rượu nói là rượu ngâm “cao gắm”, mà “gắm” cũng lại là một loại cây trong rừng. Anh giới thiệu loại rượu này đảm bảo “ông uống bà khen hay”, hết say ngay, nên tôi cũng cố làm thêm mấy chén nữa. Mọi lần trước, khi uống rượu như thế này chắc chắn tôi đã bị nôn thốc nôn tháo rồi. Nhưng lần này thì tuyệt nhiên không. Đúng là rượu của anh Tơ thật tuyệt. Về Hà Nội tôi kể lại với mấy ông sâu rượu chuyên đi công tác miền núi, họ đồ rằng, đây có thể là rượu ngâm cây thuốc phiện, không biết có đúng không?
Dự kiến chỉ ở chơi với gia đình anh Tơ, chị Vóc đến khoảng 10 giờ mà mãi đến 11 giờ rưỡi chúng tôi mới bước được xuống chân cầu thang nhà sàn. Anh chị Tơ bắt chúng tôi phải mang theo mỗi người một gói xôi, mấy cái bánh chuối và còn gói kèm một con "gà  trèo đồi" luộc sẵn để chúng tôi ăn đường. Cái sự chu đáo của bà con vùng quê xa, lâu lắm rồi tôi mới lại thấy. (NCT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét