Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Xuất xứ bài thơ và bài hát "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?"

Tôi mê mẩn nghe suốt buổi chiều bài hát "Anh có về Nghĩa Lộ với em không" mà nhà văn NXH đã dán vào bài thơ VKH sưu tầm đăng trên BlogE. Mặc dù NXH đã có lời giải thích nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn và tôi nghĩ nhiều bạn cũng giống tôi muốn biết căn kẽ hơn xuất xứ của bài thơ và bài hát này. Vì vậy, tôi đã "truy nã" được bài viết của tác giả Hà Lâm Kỳ có thể đáp ứng được phần nào sự tò mò của chúng ta, xin được giới thiệu cùng các bạn. (NCT)

ANH CÓ VÀO NGHĨA LỘ VỚI EM KHÔNG?

                                            Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?
Chiều xuống, nắng thu vàng như mật
Chắc anh không giật mình nghe gió hút
Khi nhắc tên Đèo ách, Cửa Nhì

Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?
Cánh đồng Mường Lò đang vào mùa gặt
Suối Thia kể chuyện tình yêu ngày trước
Bờ núi Hoàng Liên mây trắng ngang trời

Bao giờ anh vào Nghĩa Lộ với em?
Thị xã miền Tây vẫn chờ anh đấy
“Sống trụ xôn xao” thêm vần thêm điệu
Đêm xòe Thanh Lương xao xuyến hội mùa

Anh hãy vào Nghĩa Lộ với em đi
Suối Giàng vẫn xanh bầu trời Yên Bái
“Khăn mặt vắt vai…” đường không còn xa ngái
Như lời thơ anh êm đềm

Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?

Ngày đó – tháng 10/1995, Hoàng Thị Hạnh (tác giả bài thơ) đang là cán bộ Uỷ ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, ra Yên Bái dự Hội nghị Tổng kết Nghị quyết Trung ương IV về công tác thanh niên do Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức. Trước giờ giải lao, anh Tấn Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban tư tưởng văn hóa Trung ương đọc tặng các đại biểu bài thơ trong có câu:
                              Yên Bái trong tôi lần đầu mới gặp
                              Sao thấy yêu thương, nặng nghĩa tình
                              … Xứ sở xa xôi, miền tây heo hút
                              Mới chỉ nghe thôi, đã giật mình.
Dù chưa hề quen biết nhưng khi nghe bài thơ của Tấn Phương, cô gái Tày Hoàng Thị Hạnh không khỏi chạnh lòng, cho rằng, bài thơ xã giao mà lại không khéo đặt lời, chẳng lẽ đến giờ miền tây quê hương mình vẫn là nơi “rừng thiêng nước độc” hay sao? Một cái gì trào lên. Giờ giải lao, Hoàng Thị Hạnh ngồi lặng lẽ trong phòng họp và phác thảo rất nhanh bài thơ để “họa” lại bài của Tấn Phương với tiêu đề "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không" như vừa trách cứ, lại vừa đòi hỏi. Bài thơ tạm hình thành nhưng khó có thể “đưa tay” lời lý giải ấy, nên Hạnh nhờ qua một vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, không ngờ, vị lãnh đạo lại mời tác giả lên đọc tặng đoàn công tác của Ban tư tưởng văn hóa Trung ương ngay trước khi kết thúc giờ giải lao:
                              Chiều xuống, nắng thu vàng như mật
                              Chắc anh không giật mình nghe gió hút
                              Khi nhắc tên Đèo Ách, Cửa Nhì…
Bị “họa lại” đúng chỗ sơ hở trong văn chương, Tấn Phương đứng lên nhận bài thơ từ tay Hoàng Thị Hạnh rồi ứng khẩu:
                              Mai anh chưa muốn về xuôi
                              Nửa trong xao xuyến. Nửa ngoài “Cha Ran”
(Cha Ran, nhân vật trong bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”).
Hội nghị kết thúc, tối đó, Tấn Phương quyết định đi Nghĩa Lộ ngay trong đêm để “mục sở thị” những hình ảnh có trong nội dung bài thơ của Hoàng Thị Hạnh.
Chuyến đi đã giúp Tấn Phương và đoàn công tác nhận rõ tất cả: Đèo Ách, Cầu Nhì, Ngòi Thia, Mường Lò mùa gặt, Bờ núi Hoàng Liên, Suối Giàng… Chỉ riêng “Đêm xòe Thanh Lương” là Hoàng Thị Hạnh (với tư cách người hướng dẫn đoàn đi thực tế) không chịu để cho Tấn Phương được chứng kiến.
Trở về Hà Nội, Tấn Phương đem câu chuyện trên và lời thơ chép tay của Hoàng Thị Hạnh đến tặng nhạc sỹ Trọng Loan. Trọng Loan vốn sinh ra và sống tuổi thơ ở thị xã Yên Bái, đã từng tham gia chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ, ông đã có bài hát về quê hương Yên Bái "Trăng sáng trên rừng quế" nổi tiếng. Với tất cả tình cảm đó, khi bắt gặp cảm xúc qua lời mời không trực tiếp “Anh có vào Nghĩa Lộ”, nhạc sỹ sắp xếp lại câu từ cho hợp với giai điệu và hoàn thành bài hát chỉ trong một ngày. Sau đó đưa đến Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, tại đây, ca sỹ Kim Tiến là người đầu tiên hát bài Anh có vào Nghĩa Lộ với em không trên sóng phát thanh. Bài hát được giải thưởng đặc biệt của Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1996.
Trở lại bài thơ. Cuối năm 1995, Tỉnh đoàn Thanh niên Yên Bái xuất bản Tập Sáng tác trẻ nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đoàn (1931-1996). Tôi, với tư cách Chủ nhiệm CLB những người viết trẻ, được mời tham gia biên tập. Hoàng Thị Hạnh gửi đến bài thơ nói trên. Tôi bất ngờ và thích thú trước những câu từ rất đẹp của lời thơ, và có trao đổi với tác giả rồi xin chỉnh sửa một câu cho gần với vùng đất: Câu nguyên bản: Để em tin đường không còn xa ngái. Câu thơ sửa lại: "Khăn mặt vắt vai", đường không còn xa nữa. Tác giả thơ đồng ý thay “để em tin” bằng “khăn mặt vắt vai” (thành ngữ Tày). Bài thơ lần đầu được in, là trong Sáng tác trẻ Yên Bái - một phụ san của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái do nhà thơ Ngọc Bái làm Tổng Biên tập, xong và nộp lưu chiểu tháng 3/1996 (Toàn văn bài thơ trên Sáng tác trẻ Yên Bái đã dẫn ở phần đầu bài viết này).
Khi bài thơ đến tay đọc giả và nhất là sau khi được phổ nhạc, có người ở thị xã Nghĩa Lộ phàn nàn với tác giả, đại ý, mời vào Nghĩa Lộ mà sao lại nhắc nhiều đến các địa danh của Văn Chấn (?). Ai đó ở Văn Chấn lại nói như tự ái, rằng, Văn Chấn là Văn Chấn, ai vào Nghĩa Lộ thì cử vào thẳng đi (!). Sự dỗi hờn của bạn đọc trước tác phẩm văn học nghệ thuật, thật là đáng yêu.
Mười lăm năm sau ngày bài thơ được công bố trên phụ san Tạp chí văn nghệ Yên Bái (1996-2011), tôi tìm gặp tác giả Hoàng Thị Hạnh (hiện đang công tác tại Ban Chỉ đạo Tây Bắc). Thời gian tuy eo hẹp nhưng cũng đủ để chị nhắc lại những kỷ niệm khó quên và xem đấy như một câu chuyện văn nghệ mà chị là người vô tình vào vai chính trong cuộc.
                                                                                                             (Hà Lâm Kỳ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét