Hải Yến
Cách đây khá lâu, con gái em (Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội nhưng yêu văn chương – Đã có lần em khoe rồi nhỉ!) về chơi và kể với em rằng: Nó đọc trên YOUTUBE cái “cacvirit”: Hợp Tác Xã thơ HỒN RƠM/ Thi sĩ Văn Thuỳ/ Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch/ Kiểu dáng mới nhất …../Liên hệ bằng chân …/Liên hệ bằng mồm ….”. Em thấy ngồ ngộ, nhưng rồi bận cũng quên đi. Đến một hôm, khi tìm một bài viết của anh Chu Văn Sơn - Tiến sĩ, giảng viên ĐHSP – Em vào google thế nào lại ra cái bài anh Sơn viết giới thiệu tập thơ RU DỌC HAI MÀU LÁ của thi sĩ Văn Thuỳ.
Cách đây khá lâu, con gái em (Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội nhưng yêu văn chương – Đã có lần em khoe rồi nhỉ!) về chơi và kể với em rằng: Nó đọc trên YOUTUBE cái “cacvirit”: Hợp Tác Xã thơ HỒN RƠM/ Thi sĩ Văn Thuỳ/ Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch/ Kiểu dáng mới nhất …../Liên hệ bằng chân …/Liên hệ bằng mồm ….”. Em thấy ngồ ngộ, nhưng rồi bận cũng quên đi. Đến một hôm, khi tìm một bài viết của anh Chu Văn Sơn - Tiến sĩ, giảng viên ĐHSP – Em vào google thế nào lại ra cái bài anh Sơn viết giới thiệu tập thơ RU DỌC HAI MÀU LÁ của thi sĩ Văn Thuỳ.
Thế là em đọc Văn Thuỳ. Tới mấy chục bài viết về Văn Thuỳ và thơ Văn Thuỳ của các nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình … Em đọc như một đứa ngộ chữ. Lâu lắm rồi mới có những bài thơ làm em đọc một bài lại muốn đọc hai ... như thế. Mà có phải kiểu thơ mới lạ gì cho cam! Là LỤC BÁT TOÀN TÍNH. Rồi em chia sẻ với mọi người. Có một “muội muội” cùng cơ quan, còn “ngộ chữ” hơn em. Nó vào Internet đọc Văn Thuỳ cả buổi trưa. Nó còn mê mệt hơn em về thơ của lão lục bát bán thơ rong, bán chữ rong ấy.
Mấy hôm sau, em và nó rủ nhau quyết tìm gặp cái người LỤC BÁT mà dân thơ trên mạng gọi là “Thi sĩ bụi”, “dị nhân” … Cũng có bao xa đâu! Phi xe máy chưa đến một giờ thôi mà. Muội muội bảo em: "Chị phải liên hệ bằng mồm trước đi, kẻo lão ấy thoắt ẩn thoắt hiện không có nhà. Thấy bài trên mạng nói thế".
Và bây giờ, em sẽ kể cho mọi người nghe, chuyện hai con đàn bà chúng em, một đứa đầu bốn, đuôi thêm một đoạn, một đứa “băm” mấy nhát rồi. Thế mà còn phát cuồng, đi xin thơ, xin chữ một lão già bảy mươi hai … thì loại đàn bà ấy có đáng "ăn đòn" của chồng không chứ? Thế mà đem về khoe chồng, những anh chồng đẹp trai (chồng muội muội còn là “đại gia” nữa!) cứ tít mắt vì thơ, vì chữ của dị nhân mà các "vợ yêu" xin được.
Phần I - Gặp dị nhân. Mấy "tuyên ngôn" của "lão Đôn Kihôtê"
Theo số ĐT “Liên hệ bằng mồm”, tôi hỏi: Đây có phải SĐT của Lão lục bát Văn Thuỳ không ạ? Bên kia đáp: Ai đấy, phải xưng danh tôi mới biết mà thưa bẩm chứ? Tôi cười hi hí: Có hai người đẹp định đến xin thơ và xin chữ của lão thôi, không phải thưa bẩm, lão có nhà không? Lão hẹn tôi 2 tiếng nữa. Một lúc sau, tôi thấy lão gọi lại, bảo rằng lão rút cho nửa tiếng. Rồi muội muội trễ 15 phút, tôi lại gọi cho lão, bảo rằng: em xinh đẹp bận nên sẽ đến chậm 15 phút. Lão bảo: Cho hẳn 16 phút đấy! Nhưng đẹp vừa thôi kẻo bọ bị cảm thì không mua bán được gì đâu!
Khi đến gần nhà lão theo địa chỉ “Liên hệ bằng chân”, muội muội nhìn thấy đúng dáng lão như ảnh chụp đầy trên mạng, đang mua bán gì đó ở quán bên đường. Đúng là một Lão Đôn Kihôtê thời hiện đại: Tóc hoa râm buộc túm, người cao nhẳng, gầy đét …Tôi gọi: Lão lục bát, về tiếp hai người đẹp này. Lão chỉ về phía nhà (Chẳng thấy nhà đâu, chỉ thấy một lùm cây leo!): Cứ vào nhà đi. Muội muội phi xe xuống dốc. Cái lều của lão thụt xuống so với mặt đường không biết là mét mấy nữa … Vào nhà lão, tôi ngó nghiêng từ nóc nhà (xem nóc thế nào mà lão viết được Nhà dột), đến những bức thư pháp treo đầy tường ...
Lão về, tôi chỉ muội muội rồi lại trỏ vào mình, nói: Nó là gái một con (Lão có một chùm bài về Gái một con), còn đây là gái hai con. Lão đọc liền: Đời còn lắm gái một con/ Thì còn lắm kẻ liếc mòn con ngươi. Rồi bảo: Bọ vừa đi Sơn Tây về. Mai bọ lại đi Hà Nam, chủ nhật, ở Kim Bảng, nó triển lãm thơ Văn Thuỳ. Tôi hỏi: Bao giờ lão lại đi xuyên Việt bằng xe máy? Lão nói: Sắp đi mấy tháng, lần này đi máy bay.
Chúng tôi bảo rằng xin lão mấy quyển lục bát chép tay và mấy tờ thư pháp chép lục bát của lão. Lão moi mãi trong túi vừa về từ Sơn Tây ra được hai quyển THƠ TÌNH VÙI DƯỚI ĐỐNG RƠM. Tôi bảo muốn một quyển khác nữa. Lão nói rằng hết rồi, hay lấy thơ in RU DỌC HAI MÀU LÁ. Tôi lắc đầu: Không thích, đầy trên mạng. Muốn xem thơ lão viết tay cơ. Lão cũng gật gù: Với lại, thơ in, bọ phải thay nhiều chữ, vì bọn biên tập cứ bảo không thay thì không được in …Về thư pháp, thì lão tần ngần nói rằng hết giấy đẹp viết rồi. Chúng tôi bảo viết trên giấy trắng cũng được. Lão hỏi rằng đã chọn câu chưa? Tôi và muội muội đọc những câu lục bát của lão mà chúng tôi đã chọn từ ở nhà. Lão làu bàu: Thuộc từ bao giờ mà nhiều thế?
Lão đưa cho chúng tôi xem cuốn anbum ảnh, mà dưới mỗi bức ảnh lại là một cặp lục bát rất hay. Rồi vừa chép thơ theo kiểu thư pháp cho chúng tôi, lão vừa trả lời những câu hỏi trêu chọc của tôi và muội muội:
- Eo, lão chụp với lắm em đẹp thế, cả tây nữa này. Lão chỉ chụp ảnh thôi, hay có “tỉnh tình tinh” được em nào không?
Lão lại càu nhàu: Hỏi làm gì chuyện ấy? Có cũng chẳng nói.
- Sao lão không vào Hội nào, mà cứ sản xuất và bán thơ nghiệp dư thế? Nghe nói lão được giải này giải nọ, rồi còn hai chỗ nổi tiếng đã in 2 tập thơ của lão cơ mà?
Lão dừng viết:
- Bọ chẳng việc gì phải vào đâu để kính thưa bẩm chúng nó. Có thằng kháy bọ, khoe thơ nó bao nhiêu tập, bao nhiêu giải. Bọ bảo: Mày dẫn chứng ra đây hai người mày đã tặng thơ, và hỏi xem họ có thuộc câu nào của mày không? Thơ mày bày dưới đất bán như thơ tao xem có ai nhặt thơ và trả tiền ngay không?
Rồi lão khoe:
- Sắp in tập thứ ba, gần ba trăm trang. Mà toàn in không mất tiền!
Tôi hỏi lão:
- Tập thứ hai, anh Chu Văn Sơn viết lời giới thiệu hay thế? Tập ba này tên gì, ai viết giới thiệu?
Lão ậm ừ ra điều bí mật. Múa bút một loáng, lão đã viết xong ba bức thư pháp thơ. Những nét chữ của lão bay bướm. Lão mắm môi cộp ba cái ấn vào mỗi bức. Muội muội hỏi:
- Ấn này chữ Văn Thùy thì nhìn rõ, còn ấn kia chữ gì?
Lão bảo chữ “thần”. Muội muội lại chỉ vào ấn thứ ba: “Vậy đây là chữ THÁNH à?”. Lão “Ừ, còn nếu đây là chữ MA thì kia sẽ là chữ QUỶ”.
Chẳng hiểu lão nói thế thì thật sự nó là chữ gì. Bởi nó chẳng ra chữ nước nào cả. Nhưng nghe lão đọc thơ và viết chữ, thì chẳng ai bảo lão đã bảy mươi hai, nếu không nhìn cái miệng đã rụng mấy cái răng cửa. Nói chuyện một lúc, cảm giác lão là dị nhân gàn dở dần dần đâu mất. Dù lão có mặc áo chim cò với quần bò ở tuổi ngoài 70, tóc buộc túm phía sau và cặp kính tổ bố phía trước ... chúng tôi cũng chỉ thấy trước mặt mình là một người am hiểu về nhiều lĩnh vực, thơ hay, chữ đẹp. Góc tường của nhà lão còn treo cả đàn ghi ta. Lão chỉ ảnh cưới của một đôi rất đẹp ngay trên tường giường của lão: Con trai út đấy!
Tôi lại gặng:
- Sao lão không lập một blog riêng, mà cứ để chúng nó giới thiệu về mình?
Lão lắc đầu:
- Bọ không chơi với thằng công nghệ thông tin. Chơi vào nó là bọ say mê với nó. Rồi không đi đâu, thì không có thơ cho ra hồn. Bọ cứ đi lang thang, nghe người ta nói chuyện, rồi cảm nhận, rồi viết ...
- Có những từ ngữ trong thơ lão, không biết là lão moi được nó từ đâu ra?
Lão bí hiểm:
- Có trời mà biết moi từ lỗ nào lên! Nhiều khi, viết trong mê sảng ấy mà!
Chuẩn bị ra về, chúng tôi bảo lão:
- Hai gái dở đến xin thơ lão, còn thơ lão thì “giá bất đồng nhất”, không thể xin không. Xin gửi lão tiền giấy mực để lão tiếp tục sản xuất thơ.
Lão bảo:
- Tuỳ tâm thôi.
Tôi đưa tiền cho lão, hỏi: Tâm vậy có được không? Lão gật: Tâm này rất hậu rồi. Xe nổ máy, tôi còn hỏi cố một câu: Mai gặp hai gái dở này ngoài đường, lão có nhận ra không?
Lão lắc đầu và vẫy tay:
- Chúc bữa tối ăn ngon, đêm ngủ ngon, sáng mai ... tỉnh giấc ngon...
Về ngắm nghía quyển thơ chép tay của lão, thấy thật độc đáo. Từ cách trình bày bìa, đến trình bày thơ. Đọc thơ lão, thì thật ấn tượng: Mảng thơ tuyên ngôn về thơ và thi sĩ. Mảng thơ thế sự. Màng thơ tình ...Có bài dài, nhiều khi chỉ là một cặp lục bát ... Mảng nào cũng hay, từ ý tứ đến ngôn từ hình ảnh ...
Chẳng thế mà bày dưới đất, trên mẹt, giữa phố Ông đồ Hà Nội, bán đắt như tôm tươi. Chẳng thế mà viết thư pháp từng cặp lục bát, người mua tơi tới ...
Xin được giới thiệu đôi bài, đôi câu cùng bạn đọc blog E
Những tuyên ngôn:
NGHIỆP THƠ.
Từ ngày đốc chứng làm thơ
Khôn ngoan vốn móng, ngẩn ngơ thêm dày.
Đam mê là tội giời đày
Càng béo chữ nghĩa càng gày niêu cơm.
Hễ con chữ hết bờm xờm
Là chòm râu rạ tóc rơm bù xù.
Loay hoay như thể tháo tù
Cứ khôn mặt chữ là ngu mặt tiền.
Ngoài trông cứ tưởng ngồi thiền
Biết đâu gan ruột bốn miền bão giông.
Giần sàng chữ đến nát lòng
Tấu câu lục bát nhập đồng múa may.
Làm thơ biếu gió tặng mây
Danh chưa ưng ửng đã đầy tóc sương.
.............................. ........
Người đi đục đẽo cao sang
Tôi ngồi rút sợi trăng vàng dệt thơ.
.............................
Thơ ni lông bí hơi người
Mịn màng còn lại những lời tằm tơ.
Thơ mới đảo chính xong chưa
Hoàn ngôn lục bát lũy thừa thăng hoa.
.............................. ..........
Lướt qua võng tía lọng vàng
Ta khênh lục bát rước ngang triều đình.
.............................
Ca dao khoét mãi không mòn
Càng xoăn lục bát càng tròn giọng quê.
.............................. .............
Nghêu ngao tiếng vượn pha người
Bút vung quá trán viết lời phù vân.
.............................. ............
Bây giờ tôi chẳng giống tôi
Ngày đi săn nắng, đêm ngồi bẫy trăng.
.............................. ...............
THƠ VƯỜN TÔI
Trồng Thơ đến thuở bạc đầu
Bấm tay đếm được vài câu đâm chồi.
Hoa thơ ú ớ nở rồi
Quả còn ậm ạch đậu đôi ba cành.
Hái non vỏ đỏ ruột xanh
Biết rằng chát xít cũng đành gánh đi.
(Còn nữa - Phần II: Thơ thế sự và thơ tình)
Hải Yến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét