Sơ đồ Oasinhton DC |
Chưa đi Mỹ thì thấy nước này chẳng ra cái đếch gì, nếu chỉ đọc báo nghe người ta nói nước mình dân chủ vạn lần nước Mỹ.
Đi rồi cũng thấy nó chẳng ra cái đếch gì nếu chỉ đến shopping mall hay ngồi trong hội thảo ngủ gật vì trái giờ.
Nhưng ở lâu lâu cũng thấy Mỹ cũng là “cái đếch gì” đó cho mình tìm hiểu. Chả thế mà nhà giầu, quan lớn, toàn gửi con cháu sang Mỹ học. Họ đâu phải người ngố mà phí tiền cho nước Mỹ.
Đôi điều về Washington DC
Cảm giác ban đầu, thủ đô Mỹ bé tý. Cắt của Virginia (cô gái còn trinh) một ít, bên Maryland (miếng đất của nàng Mary) một ít, tạo thành cái hình vuông 10 miles x 10 miles (16km x 16km). Ở giữa có hai con sông Potomac và Anacosta chạy qua.
Nhưng hiện nay phần Virginia có Arlington bị cắt về Virginia , nên DC là thủ đô từ vuông thành…méo. Chưa bao giờ Quốc hội cho phép mở rộng để đua với Hà Nội bên ta.
Được thành lập ngày 16-7-1790, DC hiện có khoảng 632 ngàn dân. Vào ngày làm việc có khoảng gần 1 triệu người đi từ Virginia và Maryland vào thủ đô làm việc.
DC có một đại biểu ở Hạ viện (Quốc hội) nhưng không có quyền bầu (bù nhìn) và không có đại diện ở Thượng viện.
Các tiểu bang khác có thể đưa ra luật riêng của mình nhưng riêng DC thì luật sở tại có thể bị Quốc hội liên bang xóa bỏ nếu thấy trái tai.
Trung tâm Washington DC có National Mall dài khoảng 3km, rộng gần 1km, một đầu là Capitol Hill (Quốc hội), ở giữa là cái bút chì (Washington Monument), đầu kia là nhà tưởng niệm Lincoln.
Bên cạnh bút chì là Nhà Trắng, phía kia là hồ Tidal Basin có hoa anh đào Nhật nổi tiếng, nhà tưởng niệm Jefferson và tượng Martin L. King.
Trong Mall có tượng đài chiến tranh từ Triều Tiên đến VN, từ thế giới thứ 2. Có vài chỗ đủ cho thế chiến thứ 3 và sau đó nữa.
Giữa là một sân cỏ khổng lồ có thể chứa vài triệu người, hai bên là hệ thống bảo tàng Smithsonian miễn phí. Hai bên “sân cỏ” là hai phố Constitution (Hiến pháp) và Independence (Độc lập), bao hàm những gì diễn ra ở National Mall là do hiến pháp và sự độc lập Hoa Kỳ mang lại.
Nối giữa Nhà Trắng và Capitol Hill là đại lộ Pennsylvania , tên một bang. Vào ngày nhậm chức thì Tổng thống sau khi tuyên thệ đi xe thẳng từ nhà Quốc hội về Nhà Trắng. Còn Tổng thống hết nhiệm kỳ thì đi từ Nhà Trắng lần cuối ra Capitol Hill dự lễ chém gió của ông chủ mới và đi trực thăng số 1 về quê đuổi gà.
Hệ thống tên phố của thủ đô DC
Hồi mới đi tây về (1977) mình ở Hà Nội, đi chơi rất hay bị lạc. Chẳng qua là do anh nhà quê ra tỉnh thôi. Đi đâu cũng phải về Nhà Hát Lớn mới tìm được đường về nhà bạn Nguyễn Hoàn Vũ ở phố Đinh Công Tráng.
Mình toàn lẫn lộn phố hai Bà Trưng vì tìm được phố bà Triệu nhưng không biết phố Trưng Trắc ở đâu.
Rồi Thổ Quan (quan mửa – mình đoán thế), đi qua thấy hôi hôi. Hàng Mắm đã thấy khắm, hàng Thùng còn thối hơn.
Quen mấy cô bạn trên phố cổ hẹn tới chơi, mình đi lạc đường lên Cầu Gỗ nên cuối cùng mất mối. Sau này tiếc mãi. Mình cứ lầm bầm, phố với phường, chán bỏ mẹ, lão Cua ế vợ là do phố loạn, chả biết bò đi đâu mà cưa gái.
Sang Washington DC thấy tên phố cũng loạn chẳng kém.
Đi quanh Capitol Hill thấy phố 2 SW, một lúc sau thấy 2 NW, rồi 2 NE và cả 2 SE. Ngó sang thấy C SW, C NW, D NE, E SE… Phố với chả phường, toàn chữ với số ABCDEF…W, 1,2, 3,4 …100.
Đang đi ở phố M sang phố K (cờ) lại thấy L, đang ở phố L (lờ) lại thấy phố D (dê), rồi loanh quanh thấy phố C, vài bước nhìn thấy B, nghe như phố bướm và chim.
Một cột bảng tên đường |
Nước Mỹ đúng là vô hồn, nhạt từ cái tên phố. Anh nào không sang Mỹ thì phán Mỹ chẳng là cái đếch cũng phải thôi.
Dễ đến chục năm mình mới tạm quen. Hóa ra tên phố có qui định (convention) hẳn hoi.
Lấy tòa nhà Quốc hội làm trung tâm, các phố được đánh số thứ tự 1, 2, 3, theo hướng Đông – Tây và vần chữ cái A, B, C từ Nam lên Bắc. Các đường chéo là tên các bang đặt cho các đại lộ chính của thủ đô.
Quyền lực nhất nước Mỹ là Capitol Hill được mang phố số 1 (First). Obama ở giữa phố 17 và 16 dù là tổng thống.
Mỗi phố có chữ số hoặc chữ cái đều kèm theo góc nào của DC là NW, NE, SW hay SE – tây bắc, đông bắc, tây nam hoặc đông nam.
Địa chỉ 1200 4NE là số nhà 1200 trên phố số 4, phía đông bắc Capitol Hill. 1240 4SE là nhà số 1240 trên đường 4 ở phía đông nam của nhà Quốc hội.
DC được chia thành 4 khu.
Vì chỉ có 24 chữ cái từ A-W, bỏ qua chữ J vì hay nhầm với G khi phát âm trong tiếng Anh, nên số phố mang tên chữ cái sẽ hết rất nhanh.
Phố W là tên phố cuối cùng trong bảng chữ cái. Phố tiếp theo sẽ được phép đặt tên người mang hai nguyên âm, cũng thứ tự từ A đến W.
Ví dụ, sau phố W sẽ là Adams street – có hai chữ A. Sau Adams có thể là Arden (A và E) là những tên người khá phổ biến ở Mỹ.
Khi hết tên có hai nguyên âm thì cho phép 3 nguyên âm. Ví dụ Allison (A, I, O) street sẽ là phố tiếp theo của phố Webster (E, E). Allison, Adams, Arden thì có cả triệu người mang tên này.
Sang Mỹ cứ lấy tên là Adams , Andrew thì chắc chắn đi vào lịch sử Hoa Kỳ, chẳng cần là ông lớn bà tướng gì cũng được một phố mang tên. Do dân, vì dân cũng là thế này chăng?
Nhà và phố ở Mỹ |
Đặt tên phố kiểu Mỹ thì vô hồn nhưng khoa học. Ở New York hay Maryland , vùng Atlanta , đâu đâu cũng bắt chước nhau.
Du khách đang đứng ở phố L cắt với đường 18 thì hiểu rằng muốn đi tới C đường 20 phải bằng cách nào. Từ Adams đến Webster đi bộ hay dùng taxi.
Có lẽ người Mỹ thực dụng. Họ hạn chế dùng tên các vĩ nhân hay người nổi tiếng cho các tên phố hay đại lộ. Bởi một lẽ đơn giản, họ tránh những mầu sắc chính trị trên đường phố và muốn tên phố đã đặt là không làm lại biển một lần nào nữa.
Hôm nay lịch sử cho rằng anh Adams có công với nước nên cố tìm bằng được một phố để đặt tên. Bao nhiêu giấy tờ, địa chỉ, hộ khẩu, sổ đỏ, CMT… đều liên quan đến phố đó.
Chục năm sau, đám con cháu phát hiện Adams là kẻ cắp tầm quốc gia, thế là tên bị xóa. Tên bị xóa kéo theo bao hệ lụy về thông tin có mang tên phố đó. Thay lại địa chỉ, thay lại CMT, đổi trên bưu điện hay cơ sở dữ liệu, làm lại sổ đỏ. Đâu phải câu chuyện đổi tên là xong.
Vĩ thanh -Tên cầu cố đô Hoa Lư
Về chuyện cái tên, nhớ thời đi học cấp 3, từ xóm Tụ An đi xuống Áng Ngũ, ngày nào mình cũng đi qua cái cầu Lòn trên đường rẽ từ quốc lộ 1 về cố đô Hoa Lư.
Ông già bảo cái cầu này bé tý, giống cái nhậy cảm, gọi thế là hợp lý nhưng trẹo đi chút cho đỡ tục. Cầu Lòn dọa cả ma vì ma thấy của nợ là chạy xa. Âu cũng là văn minh lúa nước mà. Cụ còn bảo ở bên Nam Định còn có Cồn Thoi, Cồn Lu thì sao. Sau này mới biết dân ta đặt nhiều tên cầu cực vui.
Mình rất mê cái cầu ấy. Đi học qua bao giờ cũng ra giữa cầu, soi xuống sông xem mặt mình có sạch không trước khi đến lớp, thỉnh thoảng làm vài vụm nước trong veo dưới sông Chanh, mà chẳng bao giờ nghĩ bậy.
Cho đến một hôm, hình như anh thứ trưởng Việt Tiến sửa đường du lịch về cố đô. Công nhân làm cầu bằng bê tông và có cái biển “Cau Lon dài 20 m”, viết không dấu.
Dân du lịch đi qua tủm tỉm vì về thăm cố đô, viếng chùa Bái Đính toàn phải chui qua…cái tên gợi cảm.
Lần vừa rồi về quê, đã thấy họ đổi thành cầu Ninh Hòa vì đi qua xã Ninh Hòa, mình tiếc mãi cái tên cũ. Sao lại nỡ xóa đi cả một nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Sau này sang Mỹ thấy họ đặt tên phố vô hồn 123, ABLC, đâm ra nhớ cái cầu Lòn quê mình, rất có…hồn.
Hiệu Minh. 17-5-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét