Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Thăm Người Yên Bái

Chúng tôi đến Yên Bái giữa trưa, đợt cực nóng trên miền Bắc. Kế hoạch là đến Hoàng Thế Sinh, rồi rủ anh đến chơi với Nhà thơ Ngọc Bái, bởi vì Ngọc Bái là “tiên chỉ”, phải đến tận nơi. Nhưng do điện thoại cho Hoàng Thế Sinh tắt máy,  nên đành làm ngược, rủ sư phụ Ngọc Bái phải đến tìm đệ tử. Ông Ngọc Bái kể, ông và Hoàng Thế Sinh vừa đi trại viết ở Vũng Tàu về. Hai ông đã đi tàu chợ đi Côn Đảo. Nhà thơ Ngọc Bái say sưa kể về những tư liệu Việt Nam Quốc dân đảng mà ông sưu tập được. Chuyến đi Côn Đảo cũng là tìm về một địa chỉ tâm linh, ngôi mộ của người bảo vệ Nguyễn Thái Học…
Các bạn lớp E thăm Nhà thơ Ngọc Bái, Nhà văn Hoàng Thế Sinh
(chụp trước cửa nhà Hoàng Thế Sinh)

Sau khi gặp Hoàng Thế Sinh, anh nói thật: Tắt máy để “trốn”. Có một đám cứ nhất định chèo kéo đi uống rượu. Chúng nó bảo “không có Thế Sinh là không vui”.
Hoàng Thế Sinh đi tấp tểnh, anh bảo đã bị “gút”, rồi cười kha kha: Gút là Tốt. Do là… tốt nên cứ uống rượu…
Hoàng Thế Sinh lần này tôi gặp, thấy anh già đi rất nhiều. Mới hơn 1 năm kể từ đợt đi với Nhà văn Lê Văn Thảo, nhưng với Hoàng Thế Sinh, tưởng như anh đã thêm 10 tuổi. Râu bạc, để dài. Thỉnh thoảng lại khẽ vuốt ria, đúng là một ông già…
Hoàng Thế Sinh ra dáng chủ nhà, nhất định mời chúng tôi ở lại uống rượu. Nhưng Trần Quang Hưng nhất định từ chối, hẹn khi khác. Phần vì chúng tôi vừa uống một trận ở Lục Yên, phần vì thấy Thế Sinh bị gút, tốt nhất nên kiêng. Tuy vậy, anh vẫn ôm khệ nệ một cái vò sứ khoảng 50 lít, cẩn thận rót rượu, rồi chúc mừng khách quý. Với anh, rượu là thứ của cải quý nhất trên đời.
Chuyện về ngày xa xưa, thời Hoàng Thế Sinh làm chủ câu lạc bộ thơ, anh và Trần Hòa Bình, Văn Giá, Châu Hồng Thủy… “chọc trời khuấy nước” là lúc câu chuyện rôm rả nhất. Chúng tôi cũng lây cảm giác trẻ lại gần 30 tuổi như Hoàng Thế Sinh. Anh còn nhớ cô sinh viên anh đã chép thơ tặng. Thế Sinh tả cô gái ấy hơn 20 năm trước. Chắc hình ảnh cô gái vẫn lung linh lắm. Chuyện này thì Hoàng Thế Sinh chỉ nói với tôi. Có lẽ dù cho NCT là đồng hương, nhưng do tôi là bạn văn lâu ngày, nên anh mới nói. Tôi đã biết khá nhiều thông tin về cô gái anh đã chép tặng thơ…
Dù sao thì Hoàng Thế Sinh và Ngô Công Thành cũng đã nhận đồng hương, cùng tự hào là người vùng quê ấy, phong thủy sinh ra con người đẹp trai, đào hoa… Được quen và gặp những con người như Hoàng Thế Sinh, thật may mắn. Chúng tôi hẹn với hai ông Ngọc Bái, Hoàng Thế Sinh chuyến đi sau, sẽ chu du đi Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải... Hai ông nhà văn nhà thơ Yên Bái đều là những người trọng tình nghĩa, sống đạm bạc và chan hòa. Nhà thơ Ngọc Bái, nguyên giám đốc Sở Văn hóa, nguyên chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái, được giải thưởng Nhà nước về văn học, mà sống trong ngôi nhà đơn sơ như mọi người dân Yên Bái bình thường khác ở phố Nguyễn Du, một phố cổ nhỏ bé. Còn nhà thơ Hoàng Thế Sinh, nguyên Phó tổng biên tập báo Yên Bái, cũng ở một xóm nhỏ, phố nhỏ, nhà đơn sơ bình dị. Yên Bái được nổi danh, còn lại giá trị tinh thần gì thì cũng nhờ có những văn sĩ như các anh. Bao nhiêu quan chức giàu có khác rồi sẽ không ai nhớ đến. Yên Bái có họ hay không cũng thế thôi. Nhưng nếu Yên Bái không có những người con như Ngọc Bái, Hoàng Thế Sinh thì sẽ thiệt thòi biết bao nhiêu...
Có lẽ còn khá nhiều chuyện nữa, khi nào có dịp, tôi sẽ kể…
(NXH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét