Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Xa chồng hay Anh khóc trong tim em?

Đọc bài thơ Xa chồng (mà tôi thích gọi là Tình khúc ngày mưa tháng tám) của NCT, tôi nhớ đến bài Anh khóc trong tim em (Il pleure dans mon ccoeur) của Paul Verlaine, nhà thơ tình lớn nhất nước Pháp vào Thế kỷ 19. Trước tôi vẫn thích bản gốc, nay dịch ra tiếng Việt. Kể ra đây cũng là bài thơ dịch thơ Pháp đầu tiên của tôi. Trước nay cũng như thơ Đường tôi chỉ cảm nhận thơ Pháp từ nguyên tác. Comment trên blogE tôi đã giới thiệu bài hát Mưa Bruxelles (Il Pleut sur Bruxelles) có mối liên cảm ít nhiều với Tình khúc ngày mưa tháng 8 của NCT.
(Trần Đông Phong)

Il pleure dans mon cœur

Il pleure dans mon coeur
Comme il pleut sur la ville ;
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon coeur ?

Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits !
Pour un coeur qui s'ennuie,
Ô le chant de la pluie !

Il pleure sans raison
Dans ce coeur qui s'écoeure.
Quoi ! nulle trahison ?...
Ce deuil est sans raison.

C'est bien la pire peine
De ne savoir pourquoi
Sans amour et sans haine
Mon coeur a tant de peine !
              

                   (Paul Verlaine)

ANH KHÓC TRONG TIM EM

Anh khóc trong tim  em
Như mưa trên phố dài
Nỗi tương tư nào vậy
Đang nhập vào lòng em?

Ôi tiếng mưa dịu dàng
Rơi trên đất, trên nhà
Với trái tim đau đớn
Là bài ca ngày mưa. 

Anh khóc không lý do
Trong con tim ngao ngán
Gì vậy? Bội bạc ư?
Tang này chẳng nguyên do.

Điều đó thực tồi tệ
Chẳng cần biết tại sao
Không yêu  không thù hận
Con tim em đau buồn.

(Paul Verlaine - TĐP dịch)



Tháng bảy mùa Ngâu

Đúng là tháng Bảy mùa Ngâu, tìm được ngày nắng đẹp thật hiếm. Các đôi lứa yêu nhau cũng tránh bàn đến chuyện cưới xin trong tháng này. Nhưng nếu tháng Bảy không có mưa ngâu thì sao nhỉ? Liệu Chức Nữ và Ngưu lang có quên lời hẹn ước? Những ngày cuối cùng của tháng Ngâu sắp qua, Hà Nội lại mưa ... Xin giới thiệu với các bạn bài thơ được in trong tập thơ Cõi riêng mà thi sĩ Chử Thu Hằng (Hội viên Hội nhà văn Hà Nội) gửi đến BBT.

THÁNG BẢY MÙA NGÂU

Tháng Bảy mùa Ngâu... Chói chang như nắng hạ. Chiều nổi cơn giông phố phường xao xác lá, con đường tôi qua nghiêng ngả bóng tôi...
Tháng Bảy rồi đây... sao lòng cứ bồi hồi, cứ nghèn nghẹn một điều không thể nói. Đợi mưa Ngâu trong lặng thầm mong mỏi. Vì sao? Vì sao? Vì sao? Người ơi...

Ngàn vạn câu tự nói chẳng thành lời. Tự bắt mình không được buồn được nhớ. Không cho phép mình làm phiền ai nữa. Quyền gì đâu, mình có là gì đâu...

Tháng Bảy rồi sao chẳng thấy mưa Ngâu. Đàn quạ quên mùa về bắc cầu Ô Thước. Chức Nữ Ngưu Lang có quên lời hẹn ước? Vạn năm rồi hỏi tình có phôi pha?

Ngăn cách tình ta vời vợi dải Ngân hà, hữu hạn , vô hình, đến với nhau sao được. Internet nối nhịp cầu Ô Thước. Giọt phím rơi thầm trải lòng chơi vơi...

Tự giam mình trong vỏ ốc đơn côi, ngong ngóng đợi một lời nhắn nhủ, đọc mãi, đọc hoài câu thơ ngày cũ, rưng rưng buồn trên mắt, trong tim...

Cứ nhớ quắt quay dù bắt mình phải quên. Ôi, ghét quá trái tim tôi mềm yếu. Cái chữ Tình sao lạ lùng kỳ diệu. Dè sẻn niềm vui, hào phóng nỗi buồn...

Vọng về ai chút nhớ, chút thương, dẫu biết mình chẳng có quyền thương nhớ. Không dám trách hờn, chẳng lời than thở. Nước mắt cạn rồi, khóc được nữa đâu...

Tháng Bảy rồi, lẽ ra có mưa Ngâu...

(Chử Thu Hằng)

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Thơ của Thu Hương - cộng tác viên mới

Trưa nay mở hộp thư blogE, tôi nhận được bài gửi của Thu Hương, cũng là một cán bộ của Bộ KH&ĐT yêu thơ và đã làm thơ. Thu Hương thấy Thơ Trần Đông Phong được nhiều người hâm mộ quá nên cũng muốn thử sức trên BlogE. Một Bài thơ ngắn không đề nói về cảm nhận của con người khi mùa Thu đang tới thật lãng mạn, xin được giới thiệu với bạn đọc. Mong các bạn hãy dành những lời nhận xét động viên cộng tác viên mới của blogE để chúng ta có được nhiều cơ hội thưởng thức Hương vị của Thu  (BBT)

Kính gửi  Chủ Blog8e9e10e
Em cũng thích thơ, thường là những cảm xúc bất chợt thôi chứ chưa đến độ yêu thơ như Cụ Trần Đông Phong. Hôm kia (28/8) gặp lại một người bạn cũ ở quán cafe đường Phan Đình Phùng, em về thở được mấy câu thơ này, Anh đọc thấy vui thì lần sau em chia sẻ những bài thơ cũ của em.
em Thu Hương.

KHÔNG ĐỀ

Thu ơi thu quyến rũ

Lả lướt vào hư không

Thơm nồng hương trời đất

Chất đầy lòng khách say

Hồn thơ lênh láng sóng

Đong đầy những luyến thương
                    (Thu Hương -8/2013)

Thơ Lê Phúc Thắng

Thấy các bạn tranh luận về bài thơ thể đường luật của Trần Đông Phong, Thắng tôi cũng muốn đưa ra một bài thơ đường luật phá cách toàn diện để các bạn cho ý kiến nhé. Bản thân tôi trước cũng nghiên cứu chút ít về thơ Đường nhưng thấy khó cảm nhận và làm thơ đường luật lại càng khó, bởi niêm luật quá chặt chẽ, vì thế, tôi đã tự cho phép mình phá cách thành thơ 3 chữ, 4 chữ nhưng có nhiều câu, không nhất thiết phải là bát cú hay tứ tuyệt. Luật do mình tự đặt ra, người đọc cảm nhận thấy hay là được. Thơ mà chỉ mỗi mình thấy hay, còn những người khác không muốn đọc thì được xếp vào loại gì? các bạn cũng cho ý kiến luôn để khỏi tranh luận mãi. Sau đây là bài thơ của tôi sáng tác cách đây hơn 30 năm, có lẽ cũng cùng tuổi với bài thơ TỨC CẢNH HẠ LONG. (LPT)

KHÔNG ĐỀ

Trưa hè nắng gắt
Bóng đổ dài trước mặt
Trên cồn cát trắng nắng phía tây
Để lại những dấu chân trên cát.
Tôi đang đi giữa trưa hè nắng gắt
Biết trước mặt vẫn còn gió cát
Như bây giờ ta đang sống nơi đây
Nhưng phải hiểu cuộc sống này mới thấy hết ngày mai
Tôi vẫn đi 
Trên cồn cát trắng nắng phía tây
Mặt biển xanh vẫy gọi kia rồi!
                      (Cát Lở 10/5/1983)

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Về quê mùa nhãn

Vừa qua Đoàn cán bộ công tác tại Bộ Kế  hoạch và Đầu tư, quê ở tỉnh Hưng Yên có tổ chức về thăm quê mùa nhãn. Phóng viên BlogE có làm một phóng sự ảnh về chuyến đi này. Mời các bạn cũng thưởng thức. Vì ảnh chụp máy có độ phân giải cao, khi đưa lên blog phải giảm độ phân giải xuống còn vài phần trăm so với ảnh nguyên bản nên chất lượng không được tốt mong các bạn thông cảm. Bài thơ VỀ QUÊ MÙA NHÃN đã có (trong đó một số câu được trích ra làm thuyết minh ảnh), sẽ được đăng trên blog E vào tuần tới, mong các bạn đón xem. (BBT)

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Bài thơ đầu tiên của Trần Đông Phong

Trần Đông Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp là một trong số rất ít chuyên gia am hiểu chữ Hán ở Việt Nam. Anh vừa xuất bản tuyển tập thơ Đường luật CẢM DIÊM THẦN viết trực tiếp bằng chữ Hán (tác giả trực tiếp dịch nghĩa tiếng Việt và tiếng Anh) khiến các nhà thơ và các nhà Hán học phải kính nể. Sau khi được nghe giới thiệu và xem blogE, Anh có thư gửi Ban biên tập giới thiệu bài thơ đầu tiên anh viết theo thể thơ Đường luật cách đây 30 năm. BBT xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc BlogE bài thơ này và mong Thi sĩ Trần Đông Phong tiếp tục là một cộng tác viên tích cực của blogE thông qua việc giới thiệu các bài thơ Đường luật mới của anh cũng như các bài thơ Đường cổ anh dịch từ nguyên tác.(BBT)

Thân gửi anh Ngô Công Thành,
Hôm qua đang nói chuyện điện thoại với anh thì có việc phải đi. Bây giờ mới ngồi lại nói tiếp bằng bàn phím computer. Lúc trước đang nói về bài thơ đầu tiên tôi làm cách nay 30 năm, cũng vào thời gian hè. Lúc đó tôi mới ra trường, đi làm,  được Cơ quan phân công về Văn phòng đại diện tại Hải Phòng hai năm, kiêm luôn việc ở Quảng Ninh. Nên thường đi Quảng Ninh. Đi tầu thủy từ Bến Bính và phải mang theo xe đạp để tiện đi lại. Bến tầu đông, ai cũng cố chen để vào khoang có chỗ ngồi, nếu không thì phải lên boong chịu nắng gió. Từ Bến Bính tầu chạy quanh co hơn tiếng đồng theo con sông có hình dạng đúng như tên gọi của dân địa phương là Ruột Lợn. Đến cửa biển tầu chuyển hướng bắc chạy vào vùng biển của vịnh Hạ Long. Cảnh đẹp vô cùng, biển xanh biếc, đảo như núi nhấp nhô trông như tranh vẽ. Sau này xem phim Đông Dương (L’indochine) của đạo diễn điện ảnh Pháp Regis Wargnier có diễn viên Catherine Deneuve đóng vai chính, tôi cũng thấy lại cảnh vịnh Hạ Long như vậy. Thỉnh thoảng lại thấy cá heo nhẩy vọt lên không, cạnh mấy chiếc thuyền câu trông rất thú vị. Người ta nói đấy là cá heo đang tranh cá với ngư dân. Nay cảnh này chắc chẳng còn nữa. Đến Bến Hòn Gai, cầu tầu hẹp, tầu này lui ra, tầu khác mới vào được. Người ta bắc mấy tấm gỗ làm cầu nối thành tầu và bờ. Sóng xô thân tầu rập rình, phải hết sức chú ý để không bị trượt chân. Xuống tầu, đạp xe trên Thị xã Hòn Gai lúc bấy giờ, nay là Thành phố Hạ Long, không hiểu sao tôi vẫn thích tên Hòn Gai hơn. Chợt nhìn thấy quả núi ngay thị xã, hỏi ra mới biết đây là núi Bài Thơ, liền nhớ lại chuyện xưa. Núi này vốn tên là Truyền Đăng, nhiều thi nhân đã qua đây làm thơ đề vách đá, nên được gọi là núi Bài Thơ.
Dù đã khá mệt sau chặng đường mấy tiếng đồng hồ trên tầu thủy, nhưng ý muốn đọc thơ cổ nhân thôi thúc phải đi đến tận nơi xem. Hỏi đường vòng vèo một lát thì đến. Lúc đi hào hứng bao nhiêu, đến nơi thì thất vọng bấy nhiêu. Trên vách núi thơ của người xưa còn đấy, chữ còn, chữ mất, nước rỏ giọt chảy dài từng vệt trông rất thê lương. Năm ngoái nhân dịp đi Quảng Ninh về mấy dự án nhiệt điện, tranh thủ ghé qua, thấy cảnh cũng vẫn thế. Thật đáng tiếc, cảnh vật giá trị như thế mà để hoang phế.
Quay trở lại năm 1983, về nhà khách của tỉnh, nằm nghĩ ngợi. chợt có mấy ý thơ, nay vẫn còn nhớ, viết ra đây anh xem nhé.


TỨC CẢNH HẠ LONG


Bến Bính chen chân vội xuống tầu

Quanh co Ruột Lợn một hồi lâu
Cá heo tranh cá đầu ngọn sóng
Chài lưới giăng hàng mũi thuyền câu
Chiếc tới chiếc lui tầu cập bến
Lớp sau lớp trước sóng xô tầu
Bài thơ vách đá nay còn mất
Bên núi Truyền Đăng đọc cổ thi.
                          (TĐP - Hè 1983)
 
  


TRÍCH NHẬT KÝ ĐỂ NGỎ NƠI SÓNG TRÀO (2)

Trong đợt đi công tác cùng đồng nghiệp ở Cửa Lò, Hải Yến có một loạt bài ký. Đó là thói quen, là niềm đam mê viết linh tinh. Em định sẽ chọn một số bài gửi đăng blog E để chia sẻ cùng mọi người. Và em đã đăng bài (1). Hôm đó, bài em quên đặt đầu đề, đó là bài ANH THẦY.
Hôm nay em gửi tiếp bài (2): TRĂNG KHUYẾT. Nhưng em có vài đề nghị với BBT như sau, không biết có làm phiền các anh không? Các anh cố gắng giúp em với ạ!
Thứ nhất, bài ký này có ảnh thật của nhân vật. Em đã hỏi ý kiến của cậu ấy rồi và được cậu ấy đồng ý cho em gửi cùng bài. Nhờ các anh BBT xử lý ảnh đưa lên cùng bài và ghi giúp em dòng chú thích "Song - Chàng ca sĩ đau khổ đắm say - trong ca khúc TRĂNG KHUYẾT". Biệt danh "chàng ca sĩ đau khổ đắm say" là cô giáo đặt cho Song.
Thứ hai, các anh tìm và đính kèm giúp em bài hát TRĂNG KHUYẾT có được không ạ?
Cảm ơn BBT. Và xin trải lòng cùng bạn đọc blog E
(Hải Yến)
                                                         TRĂNG KHUYẾT

Buổi học sáng ngày thứ ba của lớp Sen Hồng.

 Trực nhật đầu buổi học. Theo nội qui của lớp đề ra, mỗi đoàn của một Sở Giáo dục trong lớp sẽ phải thay phiên nhau làm trực nhật đầu buổi học. Ngoài việc kê bàn ghế cho phù hợp với hoạt động học tập, thì còn phải thu hút cả lớp vào một trò chơi vui nhộn, tặng cả lớp những tiết mục văn nghệ, coi như khởi động cho tinh thần phấn chấn để tiếp thu bài tốt hơn. Đúng là cách vào bài học của môn tâm lý: Dễ làm, thoải mái và rất hứng khởi … Nhưng cách vào bài này không thể áp dụng cho thực tế dạy văn hóa ở các trường trung học được, khi mà những bài học bị nhồi quá nhiều kiến thức trong một thời gian vô cùng hạn hẹp.
 Đoàn chúng tôi hôm nay cho cả lớp hát bài: Cầm tay nhau đi … Thực ra, tôi không biết đó là bài gì. Chỉ hát có mấy câu biến tấu lời theo người cầm cái, cả lớp hát và làm theo lời hát. Có sáu người của ba đoàn trong lớp được cử làm trọng tài, quan sát xem mọi người làm có đúng theo lời hát không. Những ai làm không đúng, sẽ bị dán râu bằng băng dính và phải tham gia một trò chơi khác do thầy cô đạo diễn, chơi được thì mới được gỡ râu. Hôm trước trong trò “Tay đâu, tay đâu?”, mình luống cuống chưa kịp rơi tay vào mông người bên cạnh nên bị dán râu, đã phải cùng mấy bạn học viên khác múa bài “Tình bằng có cái trống cơm …”. Hôm nay quyết không để bị dán râu nữa. Tôi nhủ thầm như vậy.
 Cả lớp hát trong vui nhộn tiếng cười: Cầm tay nhau đi xem ai có giận hờn gì. Cầm tay nhau đi xem ai có giận hờn chi. Mình là anh em, có chi đâu mà ngại ngùng. Cầm tay nhau đi, hãy cầm tay nhau đi  … Sờ mông nhau đi … Sờ cúc áo nhau đi …
 Rồi có tới gần chục bạn học viên chưa kịp “Sờ cúc áo nhau đi …”. Ba cặp nam nữ được chọn ra trong số này, lên trước lớp để nhảy theo nhạc và theo hiệu lệnh của thầy cô. Đoàn tôi có cậu em tên Song hôm nay lại bị “tóm”. Cái thằng này, hôm trước đã bị dán râu rồi mà! Hay nó thích bị dán râu như thế? Trò này không dễ đâu nhé. Bởi nhảy tự do theo nhạc thì không sao, ngó ngoáy thế nào cũng được. Nhưng còn phải theo hiệu lệnh của cô nữa. Cứ hết một đoạn nhạc, tờ báo trải dưới chân cặp bạn nhảy lại bị gấp làm đôi, không được nhảy ra ngoài đất … Cả lớp vỗ tay rào rào cổ vũ ba cặp nhảy. Đôi nhảy trụ lại cuối cùng là Song của đoàn tôi và Vui của đoàn Hòa Bình. Khi tờ báo gấp lại chỉ còn vừa đủ một bàn chân của Song, thì cậu ta phải vừa bế Vui lên, vừa lúc lắc người theo điệu nhạc. Thật “đen” cho nó, “chị” Vui mà nó phải “bê” hơi … mập, so với dáng mảnh khảnh của cậu “giáo Thứ” dạy văn. Cậu Văn cùng đoàn giương máy quay từ đầu đến cuối. Nó bảo tôi rằng: Em mang về cho vợ nó xem, thằng này nổi tiếng “chân tu”, sao hôm nay “hăng” thế nhỉ! Tôi cười: Chắc nó say nắng, say gió, say sóng … Cửa Lò như thầy nói hôm qua đấy mà!
 Nhạc dứt trong tiếng vỗ tay nổi lên như sấm ran. Mọi người về chỗ của mình thì Song cầm MIC. Anh Quang nhiều tuổi nhất đoàn tôi giới thiệu nó đơn ca. Ô, cậu em này, hôm nay “anh hoa phát tiết” nhiều thế! Hàng ngày thấy nó nói năng, giọng rất trầm. Thậm chí mấy hôm nay, nó hút thuốc lào nhiều, giọng còn quá khàn nữa. Thằng Văn bảo rằng tại nó nhớ vợ nên hút nhiều thuốc lào. Hát, thì tôi chưa được nghe. Nhưng tôi đã chứng kiến Song hút thuốc lào. Tôi cười đau cả bụng khi nhìn nó “bắn” liền một lúc mấy điếu Vĩnh Bảo, mắt thì mơ màng như khi nó bình thơ. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy một “ông đồ” say thuốc lào đến thế. Và bởi chồng tôi chưa bao giờ hút một loại thuốc gì, nên tôi bảo Song: Sao vợ chú lại chịu được mùi thuốc lào mà nó không co chân ngựa đạp một phát cho chú xuống đất nhỉ? Nó bảo: Vợ em nghiện hơn em mà chị, thiếu mùi thuốc lào, nó không ngủ được đâu!
Lúc này, giọng thuốc lào ấy sẽ ca TRĂNG KHUYẾT đây! Khi Song cất tiếng ca, cả khán phòng lặng đi. Tôi đã nghe “Trăng khuyết” nhiều lần qua những giọng hát nổi tiếng như  Tân Nhàn, Thu Hiền, nhưng chưa lần nào tôi có cảm giác “Trăng khuyết” lại đúng là trăng khuyết như lúc này nghe Song hát. Giọng khàn, trầm nhưng lại vô cùng âm vang và sâu lắng. Tôi không biết trong chuyên môn thanh nhạc, kiểu giọng của Song được gọi là giọng gì. Chỉ biết rằng, từng ca từ đã được Song dẫn về miền cảm xúc, lắng đọng trong lòng người nghe. Có thể là do Song quá nhập tâm khi thể hiện nên Song đã mang “Trăng khuyết” đến được với hồn tôi chăng? Từng câu từ được nhấn nhá theo âm điệu ca trù ở đoạn đầu của bài hát: “Một ngàn năm, một vạn năm/ Con tằm vẫm kiếp con tằm, dắt tơ/ Ai ơi chín đợi mười chờ/ Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai …”. Đôi mắt chàng ca sĩ lim dim mơ màng hơn cả lúc nhả khói thuốc lào hay lúc bình thơ. Một niềm đắm say đầy đau khổ đi cùng nỗi lòng con người trong bài hát. Tôi thấy rưng rưng trong sâu thẳm con tim. Rồi tôi thấy mình bước đi trong một đêm trăng khuyết, xao xuyến đến nghẹt thở … Cuộc đời đã có biết bao đêm trăng tròn rực sáng, sao cứ nhớ hoài về một đêm trăng khuyết của một thời đã xa? Trăng non nhuộm óng mái tóc thiếu nữ ngang lưng và đổ hai bóng ngắn dài làm một. Có đúng là “Bởi tình yêu tha thiết/ Biết chọn trước đêm rằm”? Tình yêu tuổi mới lớn ấy, dù tha thiết lắm thì nó cũng sẽ đi đến đâu cơ chứ? Bởi vậy mà có một thoáng buồn đau tiếc nuối của hôm nay … Nhạc sĩ Huy Thục có biết rằng ông đã làm thổn thức bao con tim đồng điệu khi phổ nhạc cho bài thơ của Phi Tuyết Ba? Ít ra thì cũng gần 50 con người trong lớp Sen Hồng của tôi lúc này. Hay ít nhất cũng là tôi lúc này!
 Tiếng ca của Song đã dứt. Cô giáo đã vào bài giảng mà tôi vẫn mơ màng mãi với lời ca. Dáng cô lẫn trong hình trăng khuyết. Lời cô tan trong ánh trăng thanh: Trí tuệ cảm xúc. Chúng ta không nên cố kìm nén một loại cảm xúc nào. Bởi kìm nén là giết chết cảm xúc. Mà giết chết cảm xúc này, thì cũng sẽ giết chết cảm xúc khác. Con người sẽ trở nên vô cảm. Điều quan trọng nhất là phải quản lý được cảm xúc. Tuổi học sinh trung học đang hình thành rất nhiều cảm xúc. Chúng ta không có quyền ngăn cấm, giết chết cảm xúc của các em, chúng ta phải tư vấn cho các em cách quản lý các loại cảm xúc của mình …
 Đêm.
 Cuối tháng Sáu âm lịch, từ khách sạn Thị xã, có nhìn thấy trăng đâu! Mà sao trên bầu trời của tôi lúc nào cũng treo lửng lơ một vầng trăng khuyết?
  Những cảm xúc đã từng thăng hoa, nay từ một lời ca, lại cồn lên như sóng trong lòng tôi. Những đợt sóng của dòng hoài niệm về một đêm trăng khuyết. Ai chẳng từng có trong đời một đêm trăng khuyết như thế! Và những đợt sóng ấy còn ào ạt hơn những con sóng biển Cửa Lò khi triều lên.
 Để lúc này, khi đêm về, tay lướt trên bàn phím, bên tai tôi vẫn âm vang những lời ca mà Song đã ngân nga:
 “Sao anh lại ngỏ lời/ Vào một đêm trăng khuyết?/ Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng không tròn …”
                                                                               (Hải Yến)

Bài hát Trăng khuyết,  nhạc Huy Thục, lời thơ Phi Tuyết Ba do ca sĩ Tân Nhàn trình bày




Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

TẠI SAO THƠ DỞ VĂN NHẠT LÊN NGÔI ?

Nguyễn Hoàng Đức

Ở đời có vô số việc làm không thể vui vẻ mà phải mang bổn phận dù nhám chán nhọc nhằn. Xây nhà chẳng hạn ai thích vất vả vôi vữa? Quét nhà, vệ sinh đường phố bẩn thỉu nhàm chán có ai thích đâu? Chữa bệnh cho đời, nào máu me bẩn thỉu, mùi hôi hám, vi trùng nhung nhúc, nhưng làm sao tránh được phải bắt tay vào? Cái tư duy thích vui, rồi làm thơ là cuộc chơi nói chung chỉ có ở mấy nhà thơ rặt rẹo Việt Nam, mấy mẩu, mấy vần, lô nhô lên mặt báo bằng vài con tem, cả đời đã hí hửng kiêu hãnh, khoe mẽ dạt dào khắp nơi, rồi dở trò đố kỵ, cậy thế cửa quyền mậu dịch ngáng đường đánh chặn người khác, rút cục chỉ có thứ tài năng mua ghế chạy giải, ăn cả phạm qui lẫn đạo văn thành giải nhất, thử hỏi còn cửa nào cho tài năng của người khác?!

Con người được coi trọng là do làm bổn phận nặng nề khó nhọc lam lũ bẩn thỉu như người thợ lò chui sâu xuống đất đào quặng cho đời. Còn loại lúc nào cũng ham vui, thích say sưa chỉ là loại cave, con hát “xướng ca vô loài”. Con hát còn tập tành khổ sở nào đàn nào ca, còn chường mặt ra đường hát rong kiếm sống, chứ thứ nhà thơ vắt mũi mấy vần vèo đã tí tởn suốt đời nghê nga ngâm vịnh cầu danh tiến chức, thử hỏi đáng trọng bao nhiêu? Có nhiều người hỏi tôi, vốn đâu mà sao viết về nạn làm thơ nhiều thế? Tôi thử hỏi, nếu tôi không viết thì ai viết? Câu lạc bộ thơ chui vừa qua, lạm dụng sự háo danh của cả vạn người lè tè xếp vần hai bài để thành nhà thơ quốc gia, kiếm chác tiền tỉ, thử hỏi nếu không quét dọn thì ai quét dọn? Quét dọn đến bao giờ? Cho đến khi nào Việt Nam nên từ bỏ lối tư duy ít học vần vèo, muốn trở thành những nhà khoa học, những kỹ sư, bác sĩ, hay thơ ca uyên bác có tác động mạnh mẽ vào cuộc đời, thì tương lai quốc gia mới tiến bộ được. Chứ lúc nào cũng thấy đầy rẫy cả vạn, cả triệu người bập bõm mấy vần háo danh thì đất nước hùng mạnh kiểu gì? Con người cũng như gia đình hay quốc gia muốn giầu mạnh hùng cường thì phải có nhiều người làm việc khó như tưới mồ hôi trong phòng thí nghiệm, nấu giấy sôi mực viết tác phẩm lớn, leo lên độ cao chóng mặt để xây những công trình hay lặn sâu vào lòng đất đi tìm quặng… chứ ông nào cũng đòi ham vui bẻo lẻo mấy câu thơ thì giầu mạnh cái gì, hay chỉ thấy tâm hồn yếu ớt rặt rẹo đang khoe mẽ hám danh còi? Mở đầu mỗi tuần, tôi viết khoảng ba bài tiểu luận về văn thơ, nhưng sau, có trang chủ nói, “ông viết chậm thôi, kẻo người ta lại tưởng trang mạng của tôi là của ông”, nên tôi sẽ viết hai bài một tuần. Đây cũng là thách thức và phép thử của tôi. Không hiểu tôi có viết được cỡ trăm bài về văn thơ cũng như nạn suy đồi rặt rẹo của nó hay không? Thử xem vốn của tôi có được bao nhiêu? Mời mọi người chứng thực. Và nếu ai không thích, thì hãy nên nghĩ tôi đang làm việc quét dọn thôi. Đức Khổng Tử sau khi viết “Kinh Xuân thu” có nói đại ý: Tôi không phải người sáng tạo, tôi chỉ là kẻ ‘thuật nhi bất tác’, nghĩa là người thuật lại. Tôi chép lại những việc của đời trước để răn dạy người đời sau, thấy hay mà theo, thấy dở mà tránh.

Còn tôi, tôi chỉ làm công việc quét dọn, nhưng nếu cái chổi của tôi chỉ là chổi cùn, thì có phải đã bị đám rác rưởi thơ văn đã bẻ gẫy từ lâu? Người Việt bảo “nói phải củ cải cũng nghe”, hoặc “miệng kẻ sang có gang có thép”. Người nói đúng và có tâm tự nhiên đã mang lấy sức mạnh của chân lý. Mong rằng tôi vẫn đang cố gắng nhân danh sức mạnh đó.

Mới đây, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Trần Mạnh Hảo có viết bài THƠ DỞ, VĂN DỞ… ĐANG ĐẮT GIÁ. Một bài viết gan ruột của một tác giả đã từng sống “trong chăn mậu dịch” rất lâu, ở đó hiển nhiên chứa đựng rất nhiều hạt nhân xác đáng của sự thật. Giờ chúng ta thử xem tại sao văn thơ dở nhạt nghèo như mầu áo cán bộ của mậu dịch lại đang thống lĩnh văn đàn đến vậy?

Trước đây, khi chợ Đồng Xuân chưa xây mới, tôi vào chợ và ngạc nhiên khi thấy, vải len dạ rất đẹp thì lại rẻ hơn vải mầu bộ đội bình thường. Tôi có hỏi, thì nghe giải thích: mầu bộ đội rất nhiều người ưa mặc, từ nông dân, công nhân, đến lính tẩy hè phố, đều thích mặc, vì vậy đắt hàng. Tại sao mọi người thích mặc mầu bộ đội? Vì đó là mầu của quyền lực cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực vì Việt Nam có số quân đông bậc nhất thế giới, đất nước được quân sự hóa và trại lính hóa, nên người ta thích mặc mầu bộ đội để thể hiện uy quyền. Còn dân đầu đường xó chợ, trộm cắp hay lừa đảo cũng chỉ thích mầu bộ đội, mặc vào nó hàm chứa, lực lượng của bọn tao rất đông sẵn sàng tới ngay, các nhóm giang hồ còn đặt cái tên “quân khu” như Quân khu Nam Đồng, quân khu Mơ Táo… Số đi bắt trộm gà chó còn được gọi là “mấy thằng bộ đội” cho nó xóa tội và oai. Từ việc này chúng ta rút ra, khi chúng ta nghèo và dốt, thì vải đẹp rẻ rúm hơn vải thường là rất bình thường.

Cũng chuyện mậu dịch, trong một lần ăn cỗ, mọi người đua nhau ôn nghèo kể khổ bao cấp mậu dịch. Anh kia nói, mấy anh em tôi không ngủ đi xếp hàng thịt từ tối qua đêm, đến giờ bán hàng, lại chỉ mua được thịt toàn nạc. Tất nhiên đó là loại ngon nhất, nhưng không ai muốn thế, tôi năn nỉ đổi lấy thịt mỡ mà không được, vì lẽ mỡ về còn rán để giành ăn lâu ngày, mỗi bữa một thìa, chứ còn chỗ nạc này về dim cả nhà ăn liền hai bữa là hết veo.

Chị kia bảo, chúng tôi xếp hàng mua gạo, vớ phải loại gạo nông dân vừa đóng thuế, trời ơi buồn khôn xiết. Bởi ai cũng chỉ mong đong được gạo mậu hẩm trong kho, mốc xanh mốc đỏ, chẳng còn tí tuyết gạo nào, như thế khi nấu, một hạt gạo mới ngậm ba hạt nước nở bung như ngô rang, nó mới ra cơm. Chứ còn gạo ngon cả nhà ăn trong mấy chốc?

Vậy đấy thịt mỡ gạo mốc lại đắt hơn cả thịt nạc, gạo ngon, cũng giống vải mặc bên trên. Đấy là luồng gió từ dạ dầy lên. Còn luồng gió chính trị vĩ mô? Cuộc cách mạng của chúng ta gọi tắt là cách mạng vô sản, tức là cách mạng của những người vừa không có tài sản tư liệu sản xuất, vừa không có học, bởi vì người nghèo lấy tiền đâu ra mà học? Nhưng người vô sản đã lên ngôi, họ lấy số đông, nói chính xác ra là “lấy thịt đè người” tụ bạ, cấu kết, dìm dỏ người tài. Cụ thể, tại Liên Xô, Stalin đã đầy cả vạn trí thức, nhà văn uyên bác lên vùng Siberia lạnh lẽo. Ở Trung Quốc Mao Trạch Đông bắt giáo sư phải về nông thôn nghe nông dân giảng dạy về cuộc đời. Ở Cam Bốt, Pôn Pốt, Iêng xa ri dùng vồ đập chết hàng triệu trí thức. Tại Việt Nam thì “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, cho đám “nhân văn giai phẩm” ra ngoài lề văn hóa vô sản… Như vậy cơn gió từ dạ dầy thổi thốc lên, kết hợp với gió vô sản từ vĩ mô chính trị thổi xuống, đã dựng lên một đội ngũ nhà thơ ao chuôm, một hội hè nhà văn cán bộ sền sệt óc tiểu nông, lấy ngẫu hứng viết văn thơ bằng tem phiếu đường sữa và ưu tiên được trèo lên mặt báo, mặt đài, hay ti vi.

Về mặt đối sách chung, lâu nay chúng ta vẫn phổ biến áp dụng việc dùng người dốt hay kém. Về mặt chính thống, nếu ai có khả năng cấp tiến canh tân thì bị gạt ra lề. Còn mặt trận, hay các lực lượng tôn giáo, nhà nước chỉ chấp thuận người hiền, người dại, người vô thưởng vô phạt, cho đỡ phải lo bị chống đối.

Người Việt có câu “con lợn lên ti vi cả làng nổi tiếng”. Đằng này chưa biết văn thơ ra sao, ta là cán bộ, xã viên làm thơ của hội nhà nước được leo lên báo và ti vi, thử hỏi những thứ văn thơ dù tài mấy mà không được phép có mặt dám sánh à? Muốn sánh, đến lúc thi, ta chấm giải cho cán bộ dù phạm qui của hội ta, thử xem bọn chầu rìa kia có nản chí không? Gần đây tình hình văn thơ còn xuống cấp gấp bội khi nó vào hùa với nạn mua quan bán chức, chạy bằng cấp giả. Nạn bỏ tiền chạy ghế, chạy giải rất phổ biến. Liệu có ngẫu nhiên không, khi ông thơ bịp thiền kia giầu nứt đố đổ vách được hội thảo ứng cử thơ Nobel? Còn câu lạc bộ thơ chui vừa lộ ra trắng trợn nạn “ăn bánh trả tiền”, “tiền nào của ấy”, “tiền ít làm sao đòi hít giải cao”, muốn ăn giải cao cứ nộp nhiều tiền như người ta bán đấu giá ấy, ai trả cao thì mua được giải lớn?!

Tại sao thơ dở văn nhạt lên ngôi ư? Rõ ràng nó được ưu tiên trợ giúp phù ủng bao nhiêu thập kỷ, giờ đây nó vẫn chứng tỏ uy lực cửa quyền tuyệt đối của mình qua quyền cho đăng, cấp giấy phép, đặt lên ghế, cũng như trao giải. Mới đây, các nhà nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu dứt khoát chứng minh rằng: không giống sản phẩm cơ bắp chân tay có thể được làm từ nhiều người, sản phẩm trí tuệ như phát minh hay sáng tạo không bao giờ ra từ hai bộ óc. Luật vạn vật hấp dẫn phải gắn với Newton, thuyết tương đối phải đi kèm Einstein, máy vi tính phải có tên Bill Gate… vậy thì văn thơ lấy hội đám đông cửa quyền ăn thẻ ưu tiên để hơn người làm sao mà đậm đà cho được? Làm sao có được giọng đơn ca hay khi tất cả đều hát đồng ca với tâm niệm “hát hay không bằng hay hát”?
 (NHĐ -23/8)

Mừng sinh nhật Vũ Văn Miến

Nhà ngoại giao Vũ Văn Miến, cựu học sinh lớp E, chuẩn bị bước sang tuổi 57 khi vừa tiễn con trai sang Pháp học tập. Xét về tuổi tác (trên giấy tờ), Miến xếp vào hạng chiếu trên trong các cựu học sinh lớp E, nhưng nếu tính thời gian trưởng thành của người đàn ông thì Vũ Văn Miến được xếp vào diện em út  cùng với Trần Hồng Kỳ.
Còn nhớ hồi Miến tìm hiểu Bích Hà, mình đang làm phóng viên báo Đầu tư, phụ trách mảng giao thông - xây dựng, thỉnh thoảng rẽ qua Viện Kinh tế giao thông thu thập tin tức lại được bác Đăng (bố Bích Hà) Viện phó mời vào uống nước rất nhiệt tình, bởi bác biết mình là bạn đồng môn của Miến. Ông có tài liệu gì về quy hoạch, hợp tác quốc tế, công văn của Bộ, Chính phủ mình cứ việc lấy đi phô tô rồi trả lại bản gốc. Bù lại mình phải cung cấp thông tin trung thực về gia cảnh, tính nết Vũ Văn Miến. Thậm chí có lần Miến làm con gái ông phật ý về chuyện rửa bát gì đó ông cũng bảo mình về nói lại để bạn lưu ý, đừng kỹ tính quá với phụ nữ, nhưng hình như mình chưa nói với Miến thì phải. Bây giờ xin giải mật những thông tin ngày ấy. Dù sao thì cũng đã hơn 18 năm rồi, Bích Hà đã tặng cho Văn Miến một cậu con trai và một cô con gái mang gien thông minh của bố kết hợp với nét đẹp dịu dàng của mẹ. Hình như cặp đôi Hà - Miến ngày càng hoàn hảo thì phải.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 57 của Vũ Văn Miến (27/8), xin chia sẻ với bạn những vui buồn khi tuổi già đang đến, chỉ còn một nhiệm kỳ đi sứ nữa thôi, đồng thời xin chúc bạn mãi trẻ trung, lạc quan trong cuộc sống. Chúc cặp đôi Hà - Miến ngập tràn hạnh phúc với tình yêu mãi vẹn nguyên như thủa ban đầu. (NCT)
 

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Thơ tình tháng Tám (bài 2)

Tháng Ngâu với chủ đề Ngưu Lang - Chức Nữ đã hấp dẫn sự chú ý của tôi. Sau bài thơ tình ƯỚC GÌ và hai bài thơ thế sự liên quan đến chủ đề này, tôi muốn thể hiện nỗi lòng của những nàng Chức Nữ thời nay để các bạn có cái nhìn khách quan và cảm thông với những người phụ nữ phải chấp nhận xa chồng con để mưu sinh cuộc sống. Rất mong được bạn đọc tham gia ý kiến để tôi hoàn thiện bài thơ này. (NCT)

       
XA CHỒNG

Mây vần vũ
nỗi lòng Chức Nữ
Mưa sụt sùi
nước mắt Ngưu Lang
Em cô quạnh
giữa phù hoa thành phố
Trằn trọc đêm
mơ được gối tay chồng.

Mưa rơi rơi…
muôn triệu giọt trong lòng
Tình lạnh lẽo
muốn tìm hơi ấm?
Em chưa ngủ
anh có còn thao thức?
Nhịp cầu nào
nối những chờ mong?

Ánh điện lung linh
đâu phải thiên đường
Phòng máy lạnh
chẳng làm nguôi nỗi nhớ
Em mơ ước
mình hóa thành Chức Nữ
Bay về quê
ngồi khóc bên chồng…
                              (NCT - 8/2013)
Xin tặng bạn đọc thích bài thơ này bản nhạc Kiss the rain nhé.

 


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Tâm sự của Phương Lan


Đây là tâm sự của Phương Lan - một cô dâu của lớp E gửi đăng blogE qua email của tôi. Xin được giới thiệu với bạn đọc (NCT)
Câu chuyện cảm động của MH lại nhắc ta rằng cuộc sống vô thường và quá đỗi mong manh! Nhắc ta hãy trân quý những phút giây còn được sống trên cõi đời này,bên những người mà ta yêu quý!
Cứ mỗi mùa Báo Hiếu - trong ngày Đại lễ Vu Lan- khi được gắn lên ngực một bông hoa hồng đỏ thắm, tôi lại thấy mình thật hạnh phúc vì còn có mẹ. Hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người đang mang trên ngực một bông hồng trắng.. Vậy mà, thẳm sâu trong lòng, tôi lại thấy lòng mình rưng rưng, có lẽ vì biết rằng mỗi mùa Vu Lan qua đi, là ngày tôi xa mẹ sẽ càng gần...
Đối với tôi, mùa Vu Lan còn có ý nghĩa rất quan trọng, vì trong đó có hai ngày giỗ của bố đẻ và bố chồng.. Thương các con xa xôi cách trở, cả hai người cha đã chọn ngày VỀ VỚI TỔ TIÊN  trong cùng một tháng và vào cái khoảng thời gian nghỉ hè của con cái để chúng có thể về một cách thoải mái mà không phải phiền lụy đến ai.

Mùa Vu Lan năm nay còn là mùa Vu Lan nhiều ý nghĩa nhất đối với tôi. Sau bao nhiêu năm làm dâu, giờ đây tôi mới có cơ hội được tận tay thắp những nén nhang trước các ngôi mộ ông bà nội ngoại,tổ tiên bên chồng, được đi thăm hầu hết các bậc cao niên của hai bên nội ngoại và cha mẹ của những người bạn thân thiết, tôi biết rằng "Người già như chuối chín cây!".Chúc mừng những ai vẫn còn cả cha và mẹ. Mừng cho những ai vẫn còn có mẹ trên đời.

Một niềm vui nữa trong mùa Vu Lan năm nay là buổi gặp mặt với các thành viên lớp E,mọi người đã đón tiếp và dành cho LPT, PL một tình cảm nồng hậu chí tình, làm cho PL có cảm giác như một cô dâu lần đầu tiên ra mắt họ nhà trai vậy. Xin cảm ơn BLL, cảm ơn tất cả mọi người.. đã góp phần làm cho chuyến về thăm quê của PL và PT thật nhiều niềm vui và vô cùng ý nghĩa!

Đây là tâm sự của Phương Lan - một cô dâu của lớp E gửi đăng blogE qua email của tôi. Xin đượcg iới thiệu với bạn đọc (NCT)
Câu chuyện cảm động của MH lại nhắc ta rằng cuộc sống vô thường và quá đỗi mong manh! Nhắc ta hãy trân quý những phút giây còn được sống trên cõi đời này,bên những người mà ta yêu quý!
 Cứ mỗi mùa Báo Hiếu - trong ngày Đại lễ Vu Lan- khi được gắn lên ngực một bông hoa hồng đỏ thắm, tôi lại thấy mình thật hạnh phúc vì còn có mẹ. Hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người đang mang trên ngực một bông hồng trắng.. Vậy mà, thẳm sâu trong lòng, tôi lại thấy lòng mình rưng rưng, có lẽ vì biết rằng mỗi mùa Vu Lan qua đi, là ngày tôi xa mẹ sẽ càng gần...
Đối với tôi, mùa Vu Lan còn có ý nghĩa rất quan trọng, vì trong đó có hai ngày giỗ của bố đẻ và bố chồng.. Thương các con xa xôi cách trở, cả hai người cha đã chọn ngày VỀ VỚI TỔ TIÊN  trong cùng một tháng và vào cái khoảng thời gian nghỉ hè của con cái để chúng có thể về một cách thoải mái mà không phải phiền lụy đến ai.
Mùa Vu Lan năm nay còn là mùa Vu Lan nhiều ý nghĩa nhất đối với tôi. Sau bao nhiêu năm làm dâu, giờ đây tôi mới có cơ hội được tận tay thắp những nén nhang trước các ngôi mộ ông bà nội ngoại,tổ tiên bên chồng, được đi thăm hầu hết các bậc cao niên của hai bên nội ngoại và cha mẹ của những người bạn thân thiết, tôi biết rằng "Người già như chuối chín cây!".Chúc mừng những ai vẫn còn cả cha và mẹ. Mừng cho những ai vẫn còn có mẹ trên đời.
Một niềm vui nữa trong mùa Vu Lan năm nay là buổi gặp mặt với các thành viên lớp E,mọi người đã đón tiếp và dành cho LPT, PL một tình cảm nồng hậu chí tình, làm cho PL có cảm giác như một cô dâu lần đầu tiên ra mắt họ nhà trai vậy. Xin cảm ơn BLL, cảm ơn tất cả mọi người.. đã góp phần làm cho chuyến về thăm quê của PL và PT thật nhiều niềm vui và vô cùng ý nghĩa!
(Phương Lan)





Ngược đời

Ngồi yên ngẫm chuyện quê ta
Con cá biết chạy, con gà thì bơi
Con chó nói được tiếng người
Ngày đêm ra rả những lời dạy khôn


Ngồi buồn ngẫm sự buồn nôn
Cái cây vót nhọn thành hòn núi cao
Quả lê sáng tựa ánh sao
Tổ tiên bỏ đó lào xào khóc ai

Người xưa đã nói chẳng sai
Ngọn đa chạch đẻ, đến ngày nhố nhăng
Gỗ lim thái nhỏ làm tăm
Một cây rau diếp làm trăm cái đình

Ngồi buồn nghĩ chuyện cửa mình
Thằng bạn đến đái nhận tình anh em
Bao nhiêu hàng lạ thành quen
Ao hồ mình nó dọc ngang dọa mình

Ngồi yên ngẫm chuyện buồn tình
Một tờ bạc đánh chết hình ông tiên
Nói lý tưởng làm liên thiên
Loa đài hô hét làm yên xa gần
Cái gì cũng một vì dân
Một tai một mắt một chân là hiền
Một tay búa lại cầm liềm
Một duy nhất đúng mà quen là thường

Ngồi yên ngẫm chuyện khôn lường
Nước mềm lại lật con thuyền vênh vang
Con rệp xây thành dọc ngang
Con chíp ảo hát tiếng vang đổ trời
Con Phây không có hình hài
Mà ho một tiếng, triệu hai người vào
Ngồi yên ngẫm chuyện nhà nào
Đổ nhào một trận, nên cao đỉnh đời
 (NXH sưu tầm)

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

MỘT CON NGƯỜI MỘT THẾ KỈ

Nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 103 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8), BlogE xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà báo Lê Mai giới thiệu sơ lược về cuộc đời con người huyền thoại của đất nước Việt Nam thế kỉ 20. Bài báo được lưu truyền trên mạng đã lâu và chúng tôi xin phép được chỉnh sửa một vài số liệu cho phù hợp với hôm nay (BBT)

VÕ NGUYÊN GIÁP – MỘT THẾ KỶ

Xuất hiện trên báo chí, truyền hình hay bất cứ ở đâu, chúng ta cũng thấy Võ Nguyên Giáp có nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt sáng, thông minh, với đôi mắt lá trúc quân tử. Nụ cười ấy là của Hồ Chí Minh tặng cho ông Giáp. Ông vốn có bộ mặt nghiêm nghị, khiến cho ai mới gặp đều có phần e ngại. Nhà văn Hữu Mai kể, có lần, sau ngày lập nước, làm việc tại Bắc Bộ Phủ, Hồ Chí Minh nói với ông Giáp: “Sao mặt chú Văn lúc nào cũng có vẻ như đang giận ai”? Từ đó, ông hay cười. Nụ cười góp phần làm cho các buổi làm việc rất có hiệu suất.
Làm việc với ông Giáp thường là những giờ phút căng thẳng. Ông rất nghiêm khắc, đòi hỏi người báo cáo phải chính xác, rõ ràng, đúng sự thật. Ông thường đề ra những câu hỏi bất ngờ mà người báo cáo không thể tùy tiện trả lời. Và khi có dịp, ông kiểm tra lại, ông nhớ rất kỹ. Một ông Tổng tư lệnh mà không có đức tính đó, liệu có chỉ huy nổi ba quân?
Ông đã bình tĩnh và bình thản vượt qua hai cuộc kháng chiến và vượt qua những bão tố của ngay chính cuộc đời mình. Bản lĩnh đó lớn lắm, hiếm lắm. Càng hiếm hơn, vì ông là một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại, đang sống, năm nay tròn 103 tuổi. Một thế kỷ, một con người. Riêng một con người sống đến 100 tuổi đã là một sự kiện vĩ đại rồi!
Đức “Nhẫn” – đúng ra, bản lĩnh của ông thật phi thường. Không ai có thể nghi ngờ điều đó. Giáo sư Trần Văn Hà tặng ông những câu thơ của cụ Trần Lệ Nhân, tác giả Cổ học tinh hoa, dường như ai cũng đã một lần đọc, để mà vận vào cuộc đời mình, trong một tình huống nào đó:
Có khi Nhẫn để yêu thương
Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi Nhẫn để vẹn toàn
Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau
Năm 1984, giữa lúc thế giới và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ thì người ta giao cho ông Giáp kiêm thêm chức phụ trách Uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Việc đó, dù quan trọng, nhưng ai làm cũng được. “Họ” ghen tỵ với tài năng của ông, với hào quang của ông, với sự yêu mến của nhân dân dành cho ông? “Họ” muốn viết lại lịch sử, muốn phủ định vai trò của ông? “Họ” bảo, thôi cất cái mũ phớt đi được rồi (ám chỉ hình ảnh Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt, đứng trước hàng quân). “Họ” tâng bốc, đồng chí (….) là Tổng công trình sư của đường lối đánh Mỹ và là Tổng tư lệnh trên thực tế. Chỉ một câu đó thôi, đã phủ nhận hai nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Ông Trần Bạch Đằng phát biểu, năm 1986: “Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý…Trong đấu tranh tư tưởng, có khi một người nào đó bị đánh giá là sai, rồi với thời gian, ý kiến của người đó chịu được thử thách, là đúng thì chúng ta thẳng thắn công nhận cho đúng mức, bằng không sẽ có trường hợp kỳ quặc sau đây: Người đúng luôn luôn phải sai và người sai luôn luôn phải đúng! Một thứ số mệnh rất khó hiểu”.
Bản lĩnh lớn của ông là ở chỗ, không bao giờ ông thanh minh cho cá nhân mình bất cứ việc gì. Kể cả với những người “xấu chơi”, ông vẫn giữ thái độ hoà nhã, cư xử nhã nhặn. Bởi, tầm văn hoá của ông cao hơn hẳn họ. Cũng có người không đồng ý với ông điểm này, điểm khác, song đặt mình vào hoàn cảnh của ông để mà hành động, thật không đơn giản chút nào. Hành động bao giờ cũng cao hơn mọi lời nói!
Bài học lịch sử là, người nào định xoá bỏ lịch sử, người đó sẽ bị lịch sử xoá bỏ! Đó là quy luật!
Chúng ta không nhắc lại bản lĩnh ghê gớm của ông khi ông thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ. Ngay trong đời thường, bản lĩnh đó cũng hiển hiện. Ông có thể ngồi ba phút là đã nhập thiền! Ông chỉ huy tác chiến hàng chục đêm không ngủ nhưng khi cần ngủ là có thể ngủ ngay sau vài ba phút nhập định. Ông làm việc ngay cả khi đang di chuyển trên xe. Giữa những ngày chiến tranh cực kỳ khốc liệt, ông vẫn chơi đàn piano. Hình như, âm nhạc làm cân bằng con người ông. Ông đã ngồi đệm đàn đàn piano để Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi hát. Một ông Tổng tư lệnh đệm đàn cho người nghệ sỹ nhân dân hát bài hát ngợi ca người lính của mình, thật là một hình ảnh xúc động, hiếm có.
Năm 1974, trên đường đi công tác, một cơn đau đột ngột làm ông ngất xỉu và khi tỉnh lại thấy mình đang ở trên máy bay lên thẳng. Bệnh viện Việt Nam không tìm ra bệnh, phải sang Liên Xô điều trị. Ông đã tưởng là khó có ngày về! Bác sỹ về mật giỏi nhất Liên Xô mổ cho ông. Nằm bất động 11 ngày trên giường bệnh và sút hơn một chục kilôgam. Lần đó, ông đã chiến thắng bệnh tật.
Nhớ lại mấy năm trước, nhà văn Hữu Mai kể, một tối mùa đông, nhà văn đến theo triệu tập của Văn phòng Đại tướng. Khi gặp, ông Giáp nói: “Vừa rồi, Quân y viện 108 phát hiện hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô, họ bảo cần sang ngay”. Khi ra về, ông Giáp chỉ vào miệng: “Ở vị trí này, thường là rất nhanh. Nếu qua kiểm tra Liên Xô, đúng là có chuyện…, tôi sẽ bàn với anh làm gấp một đôi việc”. Nhà văn hiểu, ông muốn dặn dò cho mai sau. Lần đầu, nhà văn trực tiếp chứng kiến ông Giáp đối mặt với một “tai biến”, ông tự hỏi, sao một con người có thể thanh thản đến như vậy? Và trước những thử thách trong chiến tranh, trong cuộc sống, có trường hợp vượt quá sức chịu đựng của con người, ông Giáp đều có thái độ cực kỳ bình thản. “Sau lúc đó thì tôi mệt” – ông Giáp nói. Cái mệt chỉ đến sau với ông.
Bản lĩnh cao cường đó đã giúp Võ Nguyên Giáp đi qua hai cuộc chiến tranh và đi qua những bão tố ngay trong cuộc đời ông. Sinh năm 1911, đúng năm Hồ Chí Minh ra nước ngoài, năm nay, tính theo tuổi ta, ông đại thọ 103 tuổi. Dù muốn, dù không, Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật lỗi lạc nhất trên thế giới của thế kỷ XX.
(Lê Mai)