Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Bài thơ đầu tiên của Trần Đông Phong

Trần Đông Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp là một trong số rất ít chuyên gia am hiểu chữ Hán ở Việt Nam. Anh vừa xuất bản tuyển tập thơ Đường luật CẢM DIÊM THẦN viết trực tiếp bằng chữ Hán (tác giả trực tiếp dịch nghĩa tiếng Việt và tiếng Anh) khiến các nhà thơ và các nhà Hán học phải kính nể. Sau khi được nghe giới thiệu và xem blogE, Anh có thư gửi Ban biên tập giới thiệu bài thơ đầu tiên anh viết theo thể thơ Đường luật cách đây 30 năm. BBT xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc BlogE bài thơ này và mong Thi sĩ Trần Đông Phong tiếp tục là một cộng tác viên tích cực của blogE thông qua việc giới thiệu các bài thơ Đường luật mới của anh cũng như các bài thơ Đường cổ anh dịch từ nguyên tác.(BBT)

Thân gửi anh Ngô Công Thành,
Hôm qua đang nói chuyện điện thoại với anh thì có việc phải đi. Bây giờ mới ngồi lại nói tiếp bằng bàn phím computer. Lúc trước đang nói về bài thơ đầu tiên tôi làm cách nay 30 năm, cũng vào thời gian hè. Lúc đó tôi mới ra trường, đi làm,  được Cơ quan phân công về Văn phòng đại diện tại Hải Phòng hai năm, kiêm luôn việc ở Quảng Ninh. Nên thường đi Quảng Ninh. Đi tầu thủy từ Bến Bính và phải mang theo xe đạp để tiện đi lại. Bến tầu đông, ai cũng cố chen để vào khoang có chỗ ngồi, nếu không thì phải lên boong chịu nắng gió. Từ Bến Bính tầu chạy quanh co hơn tiếng đồng theo con sông có hình dạng đúng như tên gọi của dân địa phương là Ruột Lợn. Đến cửa biển tầu chuyển hướng bắc chạy vào vùng biển của vịnh Hạ Long. Cảnh đẹp vô cùng, biển xanh biếc, đảo như núi nhấp nhô trông như tranh vẽ. Sau này xem phim Đông Dương (L’indochine) của đạo diễn điện ảnh Pháp Regis Wargnier có diễn viên Catherine Deneuve đóng vai chính, tôi cũng thấy lại cảnh vịnh Hạ Long như vậy. Thỉnh thoảng lại thấy cá heo nhẩy vọt lên không, cạnh mấy chiếc thuyền câu trông rất thú vị. Người ta nói đấy là cá heo đang tranh cá với ngư dân. Nay cảnh này chắc chẳng còn nữa. Đến Bến Hòn Gai, cầu tầu hẹp, tầu này lui ra, tầu khác mới vào được. Người ta bắc mấy tấm gỗ làm cầu nối thành tầu và bờ. Sóng xô thân tầu rập rình, phải hết sức chú ý để không bị trượt chân. Xuống tầu, đạp xe trên Thị xã Hòn Gai lúc bấy giờ, nay là Thành phố Hạ Long, không hiểu sao tôi vẫn thích tên Hòn Gai hơn. Chợt nhìn thấy quả núi ngay thị xã, hỏi ra mới biết đây là núi Bài Thơ, liền nhớ lại chuyện xưa. Núi này vốn tên là Truyền Đăng, nhiều thi nhân đã qua đây làm thơ đề vách đá, nên được gọi là núi Bài Thơ.
Dù đã khá mệt sau chặng đường mấy tiếng đồng hồ trên tầu thủy, nhưng ý muốn đọc thơ cổ nhân thôi thúc phải đi đến tận nơi xem. Hỏi đường vòng vèo một lát thì đến. Lúc đi hào hứng bao nhiêu, đến nơi thì thất vọng bấy nhiêu. Trên vách núi thơ của người xưa còn đấy, chữ còn, chữ mất, nước rỏ giọt chảy dài từng vệt trông rất thê lương. Năm ngoái nhân dịp đi Quảng Ninh về mấy dự án nhiệt điện, tranh thủ ghé qua, thấy cảnh cũng vẫn thế. Thật đáng tiếc, cảnh vật giá trị như thế mà để hoang phế.
Quay trở lại năm 1983, về nhà khách của tỉnh, nằm nghĩ ngợi. chợt có mấy ý thơ, nay vẫn còn nhớ, viết ra đây anh xem nhé.


TỨC CẢNH HẠ LONG


Bến Bính chen chân vội xuống tầu

Quanh co Ruột Lợn một hồi lâu
Cá heo tranh cá đầu ngọn sóng
Chài lưới giăng hàng mũi thuyền câu
Chiếc tới chiếc lui tầu cập bến
Lớp sau lớp trước sóng xô tầu
Bài thơ vách đá nay còn mất
Bên núi Truyền Đăng đọc cổ thi.
                          (TĐP - Hè 1983)
 
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét