Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

TRÍCH NHẬT KÝ ĐỂ NGỎ NƠI SÓNG TRÀO (2)

Trong đợt đi công tác cùng đồng nghiệp ở Cửa Lò, Hải Yến có một loạt bài ký. Đó là thói quen, là niềm đam mê viết linh tinh. Em định sẽ chọn một số bài gửi đăng blog E để chia sẻ cùng mọi người. Và em đã đăng bài (1). Hôm đó, bài em quên đặt đầu đề, đó là bài ANH THẦY.
Hôm nay em gửi tiếp bài (2): TRĂNG KHUYẾT. Nhưng em có vài đề nghị với BBT như sau, không biết có làm phiền các anh không? Các anh cố gắng giúp em với ạ!
Thứ nhất, bài ký này có ảnh thật của nhân vật. Em đã hỏi ý kiến của cậu ấy rồi và được cậu ấy đồng ý cho em gửi cùng bài. Nhờ các anh BBT xử lý ảnh đưa lên cùng bài và ghi giúp em dòng chú thích "Song - Chàng ca sĩ đau khổ đắm say - trong ca khúc TRĂNG KHUYẾT". Biệt danh "chàng ca sĩ đau khổ đắm say" là cô giáo đặt cho Song.
Thứ hai, các anh tìm và đính kèm giúp em bài hát TRĂNG KHUYẾT có được không ạ?
Cảm ơn BBT. Và xin trải lòng cùng bạn đọc blog E
(Hải Yến)
                                                         TRĂNG KHUYẾT

Buổi học sáng ngày thứ ba của lớp Sen Hồng.

 Trực nhật đầu buổi học. Theo nội qui của lớp đề ra, mỗi đoàn của một Sở Giáo dục trong lớp sẽ phải thay phiên nhau làm trực nhật đầu buổi học. Ngoài việc kê bàn ghế cho phù hợp với hoạt động học tập, thì còn phải thu hút cả lớp vào một trò chơi vui nhộn, tặng cả lớp những tiết mục văn nghệ, coi như khởi động cho tinh thần phấn chấn để tiếp thu bài tốt hơn. Đúng là cách vào bài học của môn tâm lý: Dễ làm, thoải mái và rất hứng khởi … Nhưng cách vào bài này không thể áp dụng cho thực tế dạy văn hóa ở các trường trung học được, khi mà những bài học bị nhồi quá nhiều kiến thức trong một thời gian vô cùng hạn hẹp.
 Đoàn chúng tôi hôm nay cho cả lớp hát bài: Cầm tay nhau đi … Thực ra, tôi không biết đó là bài gì. Chỉ hát có mấy câu biến tấu lời theo người cầm cái, cả lớp hát và làm theo lời hát. Có sáu người của ba đoàn trong lớp được cử làm trọng tài, quan sát xem mọi người làm có đúng theo lời hát không. Những ai làm không đúng, sẽ bị dán râu bằng băng dính và phải tham gia một trò chơi khác do thầy cô đạo diễn, chơi được thì mới được gỡ râu. Hôm trước trong trò “Tay đâu, tay đâu?”, mình luống cuống chưa kịp rơi tay vào mông người bên cạnh nên bị dán râu, đã phải cùng mấy bạn học viên khác múa bài “Tình bằng có cái trống cơm …”. Hôm nay quyết không để bị dán râu nữa. Tôi nhủ thầm như vậy.
 Cả lớp hát trong vui nhộn tiếng cười: Cầm tay nhau đi xem ai có giận hờn gì. Cầm tay nhau đi xem ai có giận hờn chi. Mình là anh em, có chi đâu mà ngại ngùng. Cầm tay nhau đi, hãy cầm tay nhau đi  … Sờ mông nhau đi … Sờ cúc áo nhau đi …
 Rồi có tới gần chục bạn học viên chưa kịp “Sờ cúc áo nhau đi …”. Ba cặp nam nữ được chọn ra trong số này, lên trước lớp để nhảy theo nhạc và theo hiệu lệnh của thầy cô. Đoàn tôi có cậu em tên Song hôm nay lại bị “tóm”. Cái thằng này, hôm trước đã bị dán râu rồi mà! Hay nó thích bị dán râu như thế? Trò này không dễ đâu nhé. Bởi nhảy tự do theo nhạc thì không sao, ngó ngoáy thế nào cũng được. Nhưng còn phải theo hiệu lệnh của cô nữa. Cứ hết một đoạn nhạc, tờ báo trải dưới chân cặp bạn nhảy lại bị gấp làm đôi, không được nhảy ra ngoài đất … Cả lớp vỗ tay rào rào cổ vũ ba cặp nhảy. Đôi nhảy trụ lại cuối cùng là Song của đoàn tôi và Vui của đoàn Hòa Bình. Khi tờ báo gấp lại chỉ còn vừa đủ một bàn chân của Song, thì cậu ta phải vừa bế Vui lên, vừa lúc lắc người theo điệu nhạc. Thật “đen” cho nó, “chị” Vui mà nó phải “bê” hơi … mập, so với dáng mảnh khảnh của cậu “giáo Thứ” dạy văn. Cậu Văn cùng đoàn giương máy quay từ đầu đến cuối. Nó bảo tôi rằng: Em mang về cho vợ nó xem, thằng này nổi tiếng “chân tu”, sao hôm nay “hăng” thế nhỉ! Tôi cười: Chắc nó say nắng, say gió, say sóng … Cửa Lò như thầy nói hôm qua đấy mà!
 Nhạc dứt trong tiếng vỗ tay nổi lên như sấm ran. Mọi người về chỗ của mình thì Song cầm MIC. Anh Quang nhiều tuổi nhất đoàn tôi giới thiệu nó đơn ca. Ô, cậu em này, hôm nay “anh hoa phát tiết” nhiều thế! Hàng ngày thấy nó nói năng, giọng rất trầm. Thậm chí mấy hôm nay, nó hút thuốc lào nhiều, giọng còn quá khàn nữa. Thằng Văn bảo rằng tại nó nhớ vợ nên hút nhiều thuốc lào. Hát, thì tôi chưa được nghe. Nhưng tôi đã chứng kiến Song hút thuốc lào. Tôi cười đau cả bụng khi nhìn nó “bắn” liền một lúc mấy điếu Vĩnh Bảo, mắt thì mơ màng như khi nó bình thơ. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy một “ông đồ” say thuốc lào đến thế. Và bởi chồng tôi chưa bao giờ hút một loại thuốc gì, nên tôi bảo Song: Sao vợ chú lại chịu được mùi thuốc lào mà nó không co chân ngựa đạp một phát cho chú xuống đất nhỉ? Nó bảo: Vợ em nghiện hơn em mà chị, thiếu mùi thuốc lào, nó không ngủ được đâu!
Lúc này, giọng thuốc lào ấy sẽ ca TRĂNG KHUYẾT đây! Khi Song cất tiếng ca, cả khán phòng lặng đi. Tôi đã nghe “Trăng khuyết” nhiều lần qua những giọng hát nổi tiếng như  Tân Nhàn, Thu Hiền, nhưng chưa lần nào tôi có cảm giác “Trăng khuyết” lại đúng là trăng khuyết như lúc này nghe Song hát. Giọng khàn, trầm nhưng lại vô cùng âm vang và sâu lắng. Tôi không biết trong chuyên môn thanh nhạc, kiểu giọng của Song được gọi là giọng gì. Chỉ biết rằng, từng ca từ đã được Song dẫn về miền cảm xúc, lắng đọng trong lòng người nghe. Có thể là do Song quá nhập tâm khi thể hiện nên Song đã mang “Trăng khuyết” đến được với hồn tôi chăng? Từng câu từ được nhấn nhá theo âm điệu ca trù ở đoạn đầu của bài hát: “Một ngàn năm, một vạn năm/ Con tằm vẫm kiếp con tằm, dắt tơ/ Ai ơi chín đợi mười chờ/ Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai …”. Đôi mắt chàng ca sĩ lim dim mơ màng hơn cả lúc nhả khói thuốc lào hay lúc bình thơ. Một niềm đắm say đầy đau khổ đi cùng nỗi lòng con người trong bài hát. Tôi thấy rưng rưng trong sâu thẳm con tim. Rồi tôi thấy mình bước đi trong một đêm trăng khuyết, xao xuyến đến nghẹt thở … Cuộc đời đã có biết bao đêm trăng tròn rực sáng, sao cứ nhớ hoài về một đêm trăng khuyết của một thời đã xa? Trăng non nhuộm óng mái tóc thiếu nữ ngang lưng và đổ hai bóng ngắn dài làm một. Có đúng là “Bởi tình yêu tha thiết/ Biết chọn trước đêm rằm”? Tình yêu tuổi mới lớn ấy, dù tha thiết lắm thì nó cũng sẽ đi đến đâu cơ chứ? Bởi vậy mà có một thoáng buồn đau tiếc nuối của hôm nay … Nhạc sĩ Huy Thục có biết rằng ông đã làm thổn thức bao con tim đồng điệu khi phổ nhạc cho bài thơ của Phi Tuyết Ba? Ít ra thì cũng gần 50 con người trong lớp Sen Hồng của tôi lúc này. Hay ít nhất cũng là tôi lúc này!
 Tiếng ca của Song đã dứt. Cô giáo đã vào bài giảng mà tôi vẫn mơ màng mãi với lời ca. Dáng cô lẫn trong hình trăng khuyết. Lời cô tan trong ánh trăng thanh: Trí tuệ cảm xúc. Chúng ta không nên cố kìm nén một loại cảm xúc nào. Bởi kìm nén là giết chết cảm xúc. Mà giết chết cảm xúc này, thì cũng sẽ giết chết cảm xúc khác. Con người sẽ trở nên vô cảm. Điều quan trọng nhất là phải quản lý được cảm xúc. Tuổi học sinh trung học đang hình thành rất nhiều cảm xúc. Chúng ta không có quyền ngăn cấm, giết chết cảm xúc của các em, chúng ta phải tư vấn cho các em cách quản lý các loại cảm xúc của mình …
 Đêm.
 Cuối tháng Sáu âm lịch, từ khách sạn Thị xã, có nhìn thấy trăng đâu! Mà sao trên bầu trời của tôi lúc nào cũng treo lửng lơ một vầng trăng khuyết?
  Những cảm xúc đã từng thăng hoa, nay từ một lời ca, lại cồn lên như sóng trong lòng tôi. Những đợt sóng của dòng hoài niệm về một đêm trăng khuyết. Ai chẳng từng có trong đời một đêm trăng khuyết như thế! Và những đợt sóng ấy còn ào ạt hơn những con sóng biển Cửa Lò khi triều lên.
 Để lúc này, khi đêm về, tay lướt trên bàn phím, bên tai tôi vẫn âm vang những lời ca mà Song đã ngân nga:
 “Sao anh lại ngỏ lời/ Vào một đêm trăng khuyết?/ Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng không tròn …”
                                                                               (Hải Yến)

Bài hát Trăng khuyết,  nhạc Huy Thục, lời thơ Phi Tuyết Ba do ca sĩ Tân Nhàn trình bày




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét