Nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 103 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8), BlogE xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà báo Lê Mai giới thiệu sơ lược về cuộc đời con người huyền thoại của đất nước Việt Nam thế kỉ 20. Bài báo được lưu truyền trên mạng đã lâu và chúng tôi xin phép được chỉnh sửa một vài số liệu cho phù hợp với hôm nay (BBT)
VÕ NGUYÊN GIÁP – MỘT THẾ KỶ
Xuất hiện trên báo chí, truyền hình hay bất cứ ở đâu, chúng ta cũng thấy Võ Nguyên Giáp có nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt sáng, thông minh, với đôi mắt lá trúc quân tử. Nụ cười ấy là của Hồ Chí Minh tặng cho ông Giáp. Ông vốn có bộ mặt nghiêm nghị, khiến cho ai mới gặp đều có phần e ngại. Nhà văn Hữu Mai kể, có lần, sau ngày lập nước, làm việc tại Bắc Bộ Phủ, Hồ Chí Minh nói với ông Giáp: “Sao mặt chú Văn lúc nào cũng có vẻ như đang giận ai”? Từ đó, ông hay cười. Nụ cười góp phần làm cho các buổi làm việc rất có hiệu suất.
Làm việc với ông Giáp thường là những giờ phút căng thẳng. Ông rất nghiêm khắc, đòi hỏi người báo cáo phải chính xác, rõ ràng, đúng sự thật. Ông thường đề ra những câu hỏi bất ngờ mà người báo cáo không thể tùy tiện trả lời. Và khi có dịp, ông kiểm tra lại, ông nhớ rất kỹ. Một ông Tổng tư lệnh mà không có đức tính đó, liệu có chỉ huy nổi ba quân?
Ông đã bình tĩnh và bình thản vượt qua hai cuộc kháng chiến và vượt qua những bão tố của ngay chính cuộc đời mình. Bản lĩnh đó lớn lắm, hiếm lắm. Càng hiếm hơn, vì ông là một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại, đang sống, năm nay tròn 103 tuổi. Một thế kỷ, một con người. Riêng một con người sống đến 100 tuổi đã là một sự kiện vĩ đại rồi!
Đức “Nhẫn” – đúng ra, bản lĩnh của ông thật phi thường. Không ai có thể nghi ngờ điều đó. Giáo sư Trần Văn Hà tặng ông những câu thơ của cụ Trần Lệ Nhân, tác giả Cổ học tinh hoa, dường như ai cũng đã một lần đọc, để mà vận vào cuộc đời mình, trong một tình huống nào đó:
Có khi Nhẫn để yêu thương
Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi Nhẫn để vẹn toàn
Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau
Năm 1984, giữa lúc thế giới và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ thì người ta giao cho ông Giáp kiêm thêm chức phụ trách Uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Việc đó, dù quan trọng, nhưng ai làm cũng được. “Họ” ghen tỵ với tài năng của ông, với hào quang của ông, với sự yêu mến của nhân dân dành cho ông? “Họ” muốn viết lại lịch sử, muốn phủ định vai trò của ông? “Họ” bảo, thôi cất cái mũ phớt đi được rồi (ám chỉ hình ảnh Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt, đứng trước hàng quân). “Họ” tâng bốc, đồng chí (….) là Tổng công trình sư của đường lối đánh Mỹ và là Tổng tư lệnh trên thực tế. Chỉ một câu đó thôi, đã phủ nhận hai nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Ông Trần Bạch Đằng phát biểu, năm 1986: “Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý…Trong đấu tranh tư tưởng, có khi một người nào đó bị đánh giá là sai, rồi với thời gian, ý kiến của người đó chịu được thử thách, là đúng thì chúng ta thẳng thắn công nhận cho đúng mức, bằng không sẽ có trường hợp kỳ quặc sau đây: Người đúng luôn luôn phải sai và người sai luôn luôn phải đúng! Một thứ số mệnh rất khó hiểu”.
Bản lĩnh lớn của ông là ở chỗ, không bao giờ ông thanh minh cho cá nhân mình bất cứ việc gì. Kể cả với những người “xấu chơi”, ông vẫn giữ thái độ hoà nhã, cư xử nhã nhặn. Bởi, tầm văn hoá của ông cao hơn hẳn họ. Cũng có người không đồng ý với ông điểm này, điểm khác, song đặt mình vào hoàn cảnh của ông để mà hành động, thật không đơn giản chút nào. Hành động bao giờ cũng cao hơn mọi lời nói!
Bài học lịch sử là, người nào định xoá bỏ lịch sử, người đó sẽ bị lịch sử xoá bỏ! Đó là quy luật!
Chúng ta không nhắc lại bản lĩnh ghê gớm của ông khi ông thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ. Ngay trong đời thường, bản lĩnh đó cũng hiển hiện. Ông có thể ngồi ba phút là đã nhập thiền! Ông chỉ huy tác chiến hàng chục đêm không ngủ nhưng khi cần ngủ là có thể ngủ ngay sau vài ba phút nhập định. Ông làm việc ngay cả khi đang di chuyển trên xe. Giữa những ngày chiến tranh cực kỳ khốc liệt, ông vẫn chơi đàn piano. Hình như, âm nhạc làm cân bằng con người ông. Ông đã ngồi đệm đàn đàn piano để Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi hát. Một ông Tổng tư lệnh đệm đàn cho người nghệ sỹ nhân dân hát bài hát ngợi ca người lính của mình, thật là một hình ảnh xúc động, hiếm có.
Năm 1974, trên đường đi công tác, một cơn đau đột ngột làm ông ngất xỉu và khi tỉnh lại thấy mình đang ở trên máy bay lên thẳng. Bệnh viện Việt Nam không tìm ra bệnh, phải sang Liên Xô điều trị. Ông đã tưởng là khó có ngày về! Bác sỹ về mật giỏi nhất Liên Xô mổ cho ông. Nằm bất động 11 ngày trên giường bệnh và sút hơn một chục kilôgam. Lần đó, ông đã chiến thắng bệnh tật.
Nhớ lại mấy năm trước, nhà văn Hữu Mai kể, một tối mùa đông, nhà văn đến theo triệu tập của Văn phòng Đại tướng. Khi gặp, ông Giáp nói: “Vừa rồi, Quân y viện 108 phát hiện hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô, họ bảo cần sang ngay”. Khi ra về, ông Giáp chỉ vào miệng: “Ở vị trí này, thường là rất nhanh. Nếu qua kiểm tra Liên Xô, đúng là có chuyện…, tôi sẽ bàn với anh làm gấp một đôi việc”. Nhà văn hiểu, ông muốn dặn dò cho mai sau. Lần đầu, nhà văn trực tiếp chứng kiến ông Giáp đối mặt với một “tai biến”, ông tự hỏi, sao một con người có thể thanh thản đến như vậy? Và trước những thử thách trong chiến tranh, trong cuộc sống, có trường hợp vượt quá sức chịu đựng của con người, ông Giáp đều có thái độ cực kỳ bình thản. “Sau lúc đó thì tôi mệt” – ông Giáp nói. Cái mệt chỉ đến sau với ông.
Bản lĩnh cao cường đó đã giúp Võ Nguyên Giáp đi qua hai cuộc chiến tranh và đi qua những bão tố ngay trong cuộc đời ông. Sinh năm 1911, đúng năm Hồ Chí Minh ra nước ngoài, năm nay, tính theo tuổi ta, ông đại thọ 103 tuổi. Dù muốn, dù không, Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật lỗi lạc nhất trên thế giới của thế kỷ XX.
(Lê Mai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét