Cứ mỗi lần đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, đồng bào cả nước lại nô nức “về nguồn”, tụ hội ở Đền Hùng, tưởng niệm tổ tiên chung của cả dân tộc. Từ năm 2010, cả nước được nghỉ làm việcngày 10 tháng 3 âm lịch để tổ chức quốc lễ. Vậy, Bạn đã biết gì về ngày này? Tại sao nhân dân ta lại chọn ngày mồng Mười tháng Ba làm ngày giỗ Tổ?Ngày mồng 10 tháng 3 có từ bao giờ? Blog E xin tổng hợp thông tin để bạn đọc suy ngẫm thêm nhé. (NCT)
Tại sao lại là mồng 10 tháng 3?
Theo truyền thuyết thì có 18 đời vua HÙNG, ta lưu ý phải hiểu chữ ‘đời vua’ ở đây là triều đại hay nôm na là 1 “nhà” như nhà Lê, nhà Nguyễn, nhà Hạ, nhà Thương..., mỗi triều đại lại có nhiều vua. Truyền thuyết ghi 18 đời Hùng vương có tổng cộng 180 vua???
Nhưng tại sao chọn ngày ‘giỗ vua tổ’ là ngày trọng đại coi như ngày khai sinh đất nước mà không chọn ngày sinh hay ngày lên ngôi của ngài?
Nghiên cứu cổ sử Trung Hoa mà Sử thuyết họ Hùng cho là Bách Việt sử ta thấy: vua Hạ vũ được tôn là tổ của nhà Hạ nhưng ông Khải mới chính là vua đầu tiên của nhà Hạ, ông Cơ Xương vẫn được coi là tổ nhà Chu... nhưng thực ra con ông là Cơ Phát mới là vua đầu của nhà Chu. Như thế suy ra ngày giỗ của vua tổ chính là ngày lên ngôi của vua đầu khai sáng triều đại.
Tương tự... quốc gia của người họ Hùng cũng thế, trước khi trở thành 1 vương quốc bao giờ cũng có thời lập quốc, ngày kết thúc thời lập quốc cũng chính là ngày bắt đầu của thời vương quốc, cả thời gian lập quốc được người Việt ‘siêu nhiên hoá’ thành thời trị vì của vua tổ. Ngày vua tổ mất chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên tức mốc thời gian bắt đầu có quốc gia dân tộc hay là ngày khởi đầu của lịch sử quốc gia.
Đã thông ý nghĩa ngày giỗ tổ rồi... tiếp tới câu hỏi: có thật ngày 10 tháng 3 là ngày mất của quốc tổ Hùng vương như lưu truyền xưa nay?
Ở trên đã nói quốc tổ là sự ‘siêu nhiên hóa’ cả thời kỳ tổ tiên lập quốc chứ không phải 1 nhân vật lịch sử, 1 con người sống để có ngày sinh ngày mất thực. Vậy ngày giỗ tổ 10 tháng 3 âm lịch ở đâu ra? điều này quan trọng lắm đấy, vì kể từ năm Canh dần (2010) ngày này chính thức trở thành ngày quốc lễ, ngày trọng đại của mọi người Việt.
Theo một số nhà nghiên cứu hán nôm thì những ngày tháng này đều rút ra từ Dịch học. Số 3 trong tháng 3 giỗ tổ là số của Địa chi. Số 10 trong ngày 10 là số của Thiên can. Ở phần trên đã chỉ ra tháng 3 âm lịch là tháng Thìn theo lịch nhà Hạ, Thìn là con rồng, Hoa ngữ đọc là LUNG, âm Hán Việt là LONG, Lung và Long là đồng âm của LANG, chính vì điều này con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua. Năm là số trung cung của Hà-Lạc nơi điều hoà ngũ hành nên được dùng chỉ thủ lãnh, vua, người cầm đầu. Trong tiếng Việt: năm hay lăm gần đồng âm với “lang”. Ngôn ngữ Thái và Mường hiện nay từ “lang” cũng có nghĩa là Thủ lãnh, người cầm đầu.
Tóm lại, ý nghĩa của số 3 –Thìn chính là Lang, nghĩa là vua. Số 10 là can KỶ. Đi hết 1 vòng trở về khởi đầu là Kỷ, nên ngày KỶ cũng là Kỵ, ngày KỴ tức ngày Giỗ. Số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can - Chi theo Dịch học họ HÙNG giải mã ra là: KỴ LONG ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày GIỖ VUA.
Vua ở đây là vua tổ như đã trình bày ở trên, ngày giỗ của vua tổ cũng chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên, ngày khởi đầu của vương triều thứ nhất, ngày bắt đầu của Lịch sử quốc gia. Từ cổ xưa đến nay Việt Nam có lẽ là nơi duy nhất trên trái đất này, ngày giỗ quốc tổ lại chính là ngày hân hoan vui mừng của toàn dân tộc. Từ ngày tháng này trở đi sau không biết là bao năm mạch sống từ cội nguồn lại tuôn về. Cứ ngày 10 tháng 3 âm lịch là tiếng trống đồng lại vang vọng khắp non sông, nơi nơi chốn chốn đàn con Việt hợp lòng cùng nhau hướng về đền HÙNG cầu xin tiên tổ phù trợ quốc thái dân an, người người hạnh phúc. Nguồn mạch tâm linh ấy một khi đã tuôn chảy rồi sẽ không bao giờ dứt.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương có từ bao giờ?
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” nằm trong một bài ca dao gồm 4 câu. Hai câu tiếp theo ở cuối bài là “… Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đó là một bài ca mà từ cú pháp đến thi pháp đều khá mới mẻ. Đặc biệt, ý tứ của câu cuối cùng khá gần gũi với những sáng tác trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, thường dùng chủ đề Hùng Vương và Đền Hùng để cổ vũ niềm tin vào vận mệnh non sông, chẳng hạn như những câu đối của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
“Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ
Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà”.
Hoặc như của Vũ Đình Khôi:
“Cháu chắt còn, tông tổ hãy còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi
Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vững bền lâu”!
Khi tìm trong văn bản cổ, không thấy có sự chỉ định hoặc xác nhận nào về việc mở hội đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng Mười tháng Ba cả. Xem xét các bia kí, đặc biệt là hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, sự thực về lịch sử ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba mới vỡ lẽ ra như sau:
Tấm Hùng miếu điển lệ bi do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi Các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”.
Phần thứ hai của văn bia Hùng miếu điển lệ bi dành cho việc quy định “Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.
Như vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế”(Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảodo tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Định kì mồng Mười tháng Ba (âm lịch) làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, vậy là chỉ bắt đầu từ năm 1917. Tuy nhiên, với tuổi gần trăm năm, với tinh thần kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhất là ý thức về nguồn, chung cội được tăng cường mạnh mẽ trong điều kiện lịch sử hiện tại. Mồng Mười tháng Ba đã trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
(NCT sưu tầm và tổng hợp)
(NCT sưu tầm và tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét