Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

THƯ CỦA MỘT HỌC SINH BAN KHOA HỌC TỰ NHIÊN GỬI CÔ GIÁO CŨ

Một năm học sắp trôi qua. Tiếng ve đã bắt đầu ran trên những hàng cây cổ thụ. Em không biết các anh lớp E và độc giả blog E có nhớ lắm những mùa thi của ngày xưa? Còn em, nhớ và rất nhớ những năm tháng học trò ...
Lần giở những kỉ niệm, em mở thấy bức thư của con gái em viết cho cô giáo cũ. Thực ra kỷ niệm này cũng chưa lâu. Cách đây vài năm, một hôm, em nhận được điện thoại của cô giáo cũ của em, lúc đó đang dạy con em. Cô nói rằng: Văn chương của mẹ ngày xưa là thế, mà nay xem chừng còn thua văn của con gái mất rồi. Thì ra, Đoàn Trường tổ chức cuộc thi viết thư cho thầy cô giáo cũ nhân ngày Nhà giáo VN 20/11. Và giải cao nhất đã trao cho bức thư của con gái em. Em về hỏi con gái cho xem thư, con gái bảo nó không photo bản nào để lại. Hỏi bản nháp, nó bảo đã bỏ vào đống giấy vứt đi không tìm được. Chắc nó không muốn em đọc đấy thôi.
Gần một năm sau, trong mớ giấy mang đi nhóm bếp, em nhặt được bản nháp của bức thư nói trên. Nhưng bản này chỉ có 4 trang giấy nhỏ viết tay và chưa đủ toàn văn bức thư. Em đánh vào vào máy tính, lưu lại, coi như một kỉ niệm về con gái.
Hôm nay, em chia sẻ cùng bạn đọc blog E. Bởi em cảm thấy rằng: Có lẽ con gái em giống mấy anh chuyên toán E chăng? Học sinh Ban KHTN mà cũng rất say mê văn học. Giờ con em đã học năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội. Có thể, trong tương lai, con em cũng là một bác sĩ giỏi và lại hay thơ văn như các anh chuyên toán E năm xưa của hôm nay.
(Hải Yến)

Ngày cuối hè nhiều nắng…

Cô Mai kính mến!
Vậy là đã gần ba tháng trôi qua – Một nửa của một nửa của năm – Kể từ ngày em xa cô, và bước chân vào năm học mới. Cô đừng cười em vì cách diễn đạt lủng củng này nhé. Bởi chỉ tính bằng năm, mới thấy được quãng thời gian đằng đẵng xa xôi, khi vắng cô và lòng em mong nhớ …
Đầu thư, cho phép em được hỏi thăm đôi điều về cô! Cô vẫn khỏe chứ ạ? Tình hình công tác của cô chắc cũng không có gì bất thường phải không cô? Lớp 10A5 cô chủ nhiệm, các em vẫn học hành chăm chỉ cô nhỉ? Cô kiêm phụ trách công tác Đoàn, chắc cô bận bịu thêm nhiều! Cô phải giữ gìn sức khỏe tốt hơn, cô nhé. Bởi em nhớ rằng, ngày xưa, cô rất hay mệt. Và em cũng biết rằng, chẳng học sinh nào bỏ học môn Văn, khi thấy cô giáo tuy rất mệt nhưng vẫn cố gắng giảng bài với cái giọng khàn khàn như thế.
Lá thư này tới tay cô, liệu trong cô có một chút bất ngờ? Cững có thể lắm chứ ạ, Khi một con bé học Ban Tự nhiên lại yêu thích văn chương, và lá thư đầu tiên trong đời học trò, em gửi đến một cô giáo cũ. Cô ạ! Một năm chẳng đáng là bao so với đằng đẵng đời người. Và ba tiết mỗi tuần, chắc cũng không quá nhiều so với đời dạy học … Nhưng nhân lên mới thấy, đó là bao yêu thương, đam mê cô gửi gắm trong từng bài, để rồi, một phần ba đời học sinh Trung học, em được đắm mình trong những tiết văn ngập tràn cảm xúc .
Em viết gửi cô thư này, chưa một giây định hướng trong đầu về bố cục hay kết cấu. Nhưng cô sẽ không trách em phải không cô? Bởi em nghĩ rằng, yêu thương là thứ khó định hình, và tình cảm đôi khi không bị lái theo lí trí! Để rồi, em chỉ biết gửi đến cô những gì vừa chợt đến trong đầu, và bật ra từ sâu thẳm trong tim thôi, cô ạ!
Em vẫn thường xuyên gặp cô: Trên sân trường. Trong những tiết chào cờ. Và đôi khi trên đường tới lớp … Gặp thoáng qua, chỉ là lướt tới rồi đi. Để chưa kịp nói với cô câu chào, và rồi lỡ mất một cái mỉm cười trìu mến. Để nhiều khi em thấy lòng hụt hẫng, bởi cô và em giờ chỉ là thầy cũ, trò xưa … Để em khát khao về những ngày yêu dấu cũ, về với ngày xưa, cô đứng trên bục say sưa giảng bài, và dưới lớp, em ngồi nghe chăm chú. Để giờ đây, chỉ còn lại miên man niềm tiếc nuối, còn lại cháy bỏng khát khao và mong mỏi trong em … được về với cô, về với yêu thương.

Ngày giữa thu lộng gió…

Ai bảo phải xa cách nghìn trùng mới thấy lòng thương nhớ, phải qua đi lâu rồi mới thấy tiếc những ngày xưa? Điều gì đang tồn tại trong em? Trống trải thế mà lòng em nặng trĩu?
Lên lớp mới, nhiều thứ khác đi. Và mọi chuyện không dễ dàng như em nghĩ.
Lớp 11 rồi, lớn hơn nhiều! Phòng học mới. Cũng chẳng lạ khi thay đổi. Bạn mới mấy người. Rồi cũng sẽ quen thôi!
Em đã quen dần với cách dạy của cô giáo mới. Vẫn những áng văn thiết tha. Cũng cách giảng bài tận tụy. Nhưng, vẫn khác lắm với văn chương cô dạy ngày nào! Em tìm chữ cô trong từng dòng phấn trắng. Em đợi tiếng cô trong bao trầm lắng thương yêu … Tìm hoài, tìm hoài … nhưng không thấy! Cô vẫn đó, sao giờ xa xôi quá!
Em sẽ nhớ lắm đây những bài văn cô giảng. Nhớ những câu từ thiết tha. Nhớ từng lời văn bay bổng … Chữ nghĩa với văn chương, nhiều khi mông lung hơn một bài toán hóc. Câu từ cùng nghệ thuật, lắm lúc đa dạng hơn một bài toán dựng hình. Ấy vậy mà, dưới cách nhìn khoa học, cô khéo léo sắp chúng thành dàn. Nối tiếp nhau, đưa đẩy nhau … Để nghệ thuật tài tình còn sáng bừng trang vở. Để tâm hồn thi sĩ còn thấm màu suốt mấy trang thơ. Lời cô giảng nhẹ nhàng đẩy đưa, cho hùng hồn văn em chắp cánh. Là ý cô tinh tế rũa mài, dẫn bước chân thơ tới bao la thi đàn văn học … Để rồi, cái mộng mơ bay bổng ấy, vẫn theo em trong từng bước cuộc đời.
Em sẽ nhớ lắm đây những lời văn cô phê chèn ra mác. Em sẽ quên sao được những dấu mực đỏ cô gạch dưới những đoạn văn hay! Sẽ còn đọng mãi, đọng mãi trong em …

Ngày đầu đông vẫn nắng …

Cô đã dạy em suốt một năm, với bao tác phẩm. Để lòng em tràn ngập tự hào cùng hào khí Đông A, và bừng lên lòng tự tôn dân tộc cùng Bình Ngô đại cáo. Để con tim em nấc lên tiếng khóc thương cho thân phận Nàng Kiều … Cô đã mang đến cho em một chân trời cảm xúc. Và hơn thế, cô đã dạy em những bài học làm người.
Cảm ơn cô với những giờ Văn tràn ngập tiếng cười. Ngày mới vào trường, em vẫn nghĩ: lên cấp 3 rồi, sẽ chẳng còn nữa những ngày vô tư như hồi thơ bé. Rằng, trong lớp sẽ chỉ biết cắm cúi chép, ghi. Rằng,, thầy cô và học trò là đôi miền xa cách... Nhưng, những câu chuyện vui cô đã kể, những cái nhìn dịu hiền cô đã trao … đã đưa em về với cội nguồn của tình gắn bó, về với bao la của biển yêu thương … Kỉ niệm nhiều khi đáng ghi đều từ hai phía. Nhưng cũng có khi nó là những nghĩ suy, xúc động về cô mà chỉ có em luôn lưu giữ trong lòng.
Cảm ơn cô vì môn Văn cô đã dạy. Một năm thôi, cũng đủ để cô nhận ra em là đứa học trò dành cho môn học những quí yêu đặc biệt. Học Văn và yêu Văn, với một học sinh ban Khoa học Tự nhiên, tưởng chỉ là sở thích bên lề, bên cạnh những môn Toán, Lý, Hóa, Sinh … mà em đang theo đuổi. Nhưng chắc cô không biết rằng, đã có một thời, Văn học với em là độc tôn. Và em đã từng cho rằng, với em, Văn chương, sẽ là nguồn sống. Lên Trung học cơ sở, có một số lí do khiến em phải xa ước mơ thời thơ bé, để đem khát khao xưa vào những con số, bài hình. Để rồi, em mới nhận ra, Toán học mới là thứ mà em say mê thực sự. Văn chương trong em, dù vẫn khao khát cháy bỏng, nhưng đã không còn mãnh liệt như xưa. Bởi bao thời gian, em đã dành cho những bài kiểm tra, những lần đi thi Đội tuyển Toán, Lý … Em quên dần thói quen có những phút mộng mơ, hay những giờ khắc ghi lại những dòng tâm sự. Để rồi, khi gặp cô, tình yêu Văn học trong em lại cháy bừng .
Cảm ơn cô, vì những điểm 9,5 Văn. Thật lòng, cô ạ, dù em vẫn tự tin vào khả năng viết văn của mình, dù em vẫn thường nhận được nhiều lời khen trong đời học Văn, nhưng khi em cầm bài văn 9,5 điểm trên tay (Kể từ bài số 1 về cảm xúc lúc giao mùa Hạ - Thu, đến bài cuối kì 2 về “Nỗi thương mình” của nàng Kiều), em không giấu được sự bất ngờ và nỗi vui mừng tột độ. Không chỉ là vui vì được điểm cao. Không chỉ là mừng vì con điểm “độc dắc” … Mà hơn thế, có cái gì như là một niềm tự hào khôn tả về giá trị của mình đã được đánh giá đúng mức. Đã có những bài em viết, với bao nghĩ suy trầm lắng, mê say, với bao yêu thương tha thiết … mà điểm số cũng chỉ dừng ở điểm 9 mà thôi. Vấn đề không phải ở sự hơn kém 0,5 điểm. Vấn đề ở chỗ, vì thế, từ lâu, trong em đã hình thành lên một bức tường mặc định: Văn chương, chẳng bao giờ có thể vẹn toàn. Và bức tường mặc định ấy chắn ngang, khiến em không bao giờ tự thôi thúc mình vươn cao hơn nữa. Để rồi, em chỉ bằng lòng với những điểm 9 môn Văn, tự coi đó là “tuyệt đỉnh” của “nghề Văn”. Nhờ cô, mà em nhận ra: Có thể còn có những điều chưa hẳn là hoàn mĩ, nhưng cũng sẽ được đánh giá cao đúng với công sức bỏ ra. Cô đã chỉ ra cho em, rằng, trong việc học Văn chương, và trong cả cuộc đời, sẽ chẳng có gì gọi là “không thể” … Những điều đó, thôi thúc em tự tin phấn đấu, cố gắng hàng ngày….
(Còn một đoạn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét