Hôm nay kỷ niệm 106 năm ngày sinh ông Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều báo và blog đã đăng bài về ông, trong đó có cả bài của Tiến sĩ Lê Kiên Thành nhắc lại những kỉ niệm về cha mình với nhan đề: "Cha tôi, Lê Duẩn và kỉ niệm với Trung Quốc". Tôi thì vẫn ấn tượng với câu nói hão nổi tiếng của ông năm 1976: "Trong vòng 10 năm tới mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh". Cùng thời gian này, cả nước đang sôi nổi kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Hai nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất gắn liền với sự kiện trọng đại này là ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp. Có nhiều tin đồn đã lan truyền về cách ứng xử không đẹp của ông Duẩn với ông Giáp sau năm 1975. Nhân dịp sinh nhật cố Tổng Bí thư, blog E xin giới thiệu một bài viết đã được phổ biến trên mạng về hai nhân vật nói trên. (NCT).
Có rất nhiều câu chuyện về mối quan hệ giữa Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn được lan truyền trong dân chúng. Trong những câu chuyện đó, thực cũng có mà hư cũng có. Sau năm 1975, người đời thường bàn tán, ca ngợi ông Giáp giỏi chữ “Nhẫn”, nếu không, khó tránh khỏi tai họa? Một vị tướng huyền thoại, một khai quốc công thần, tự nhiên lại bị “thất sủng” như vậy, làm người dân trong nước và nước ngoài đều kinh ngạc. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử thế giới cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam, thì cái sự thăng trầm ấy của ông Giáp là có thể hiểu được. Xưa nay, người quân tử bao giờ cũng thường thua tiểu nhân đó sao!
Từ rất sớm, ông Giáp đã có vị trí rất cao trong Đảng và Nhà nước. Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh tại Thúy Hồ, Côn Minh. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh có thể nói là cuộc gặp gỡ lịch sử. Hai người sau này trở thành hai nhân vật nổi bật nhất trên bầu trời chính trị Việt Nam.
Võ Nguyên Giáp là người hết sức thân cận Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày còn hoạt động bí mật, cùng nằm trong một cái lán giữa rừng suy nghĩ về con đường giải phóng. Có thời gian, Hồ Chí Minh mệt nặng tưởng chừng không qua khỏi, Võ Nguyên Giáp luôn ở bên cạnh và đã đón thầy lang bốc thuốc khỏi bệnh. Chiến dịch Biên Giới, cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều ra trận và đã giành đại thắng. Võ Nguyên Giáp có lần đánh đàn piano để Hồ Chí Minh nghe. Hồ Chí Minh gọi Võ Nguyên Giáp là người anh Cả của quân đội. Giáo sư Đặng Thai Mai nói với con gái, ông Cụ cưng và thương anh Văn.
Sau ngày lập nước, Võ Nguyên Giáp đã là Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội, Bí Thư Đảng đoàn Chính phủ, là nhân vật trên thực tế chèo lái Nhà nước Cộng hoà non trẻ khi Hồ Chí Minh đi Pháp 4 tháng. Ông là một nhà báo, từng làm Chủ tịch Hội báo chí Bắc Kỳ, một cử nhân kinh tế, một nhà luật học. Ông còn là một nhà ngoại giao sắc sảo, làm người Pháp phải nể phục tại Hội nghị Đà Lạt.
Lê Duẩn thì khác. Ông hoạt động chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, lần thứ hai bị tù Côn Đảo sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cách mạng tháng Tám thắng lợi mới được tàu ra đón về. Trong cuộc chiến với người Pháp, ông vẫn tiếp tục hoạt động ở miền Nam. Bấy giờ, ông được dân chúng miền Nam yêu mến, còn các nhà lãnh đạo thì gọi ông là “ông 200 ngọn nến” – chỉ độ sáng đặc biệt trong tư duy của ông. Mặc dù là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, song về mặt chính quyền, ông chỉ là Trưởng phòng dân quân. Trong khi đó, ông Giáp là Tổng tư lệnh, chỉ đạo chiến trường cả nước, kể cả chiến trường Lào và Miên. Nam Bộ lúc bấy giờ có một loạt tên tuổi vang bóng: Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình, các trí thức nổi tiếng Kha Vạn Cân, Ung Văn Khiêm, Trần Bửu Kiếm, Phạm Ngọc Thuần, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Giáo sư Phạm Thiều…
Năm 1952, Lê Duẩn có ra Bắc và lần đầu tiên gặp Võ Nguyên Giáp. Thế mà, không hiểu căn cứ vào đâu, Lê Kiên Thành, con trai Lê Duẩn, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, trích một câu của ông Giáp nói: “Đời tôi đi làm cách mạng là nhờ anh Ba”???!!!
Chiến trường chính trong cuộc chiến với người Pháp là chiến trường Bắc Bộ. Mặc dù phải chiến đấu trong vòng vây, Võ Nguyên Giáp chỉ huy ba quân đối đầu và lần lượt hạ đo ván bảy tướng Pháp: Lơcle, Valuy, Bledô, Cácpăngchiê, Đờlát, Xalăng và Nava. Sau chiến thắng Điên Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên nửa nước Việt Nam, tên tuổi Võ Nguyên Giáp vang dội trên toàn thế giới, chỉ sau Hồ Chí Minh. Khi ấy, ở miền Bắc, dân chúng chưa được biết nhiều về Lê Duẩn.
Lê Duẩn đã sớm tiên đoán không thể có bầu cử thống nhất hai miền và đã soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Cũng thời điểm ấy, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao phụ trách chỉ đạo soạn thảo Nghị quyết 15, với hai người giúp việc là Hoàng Tùng và Trần Quang Huy. Điều ngạc nhiên là tư tưởng của Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp về cách mạng miền Nam có nhiều điểm trùng hợp.
Năm 1957, Lê Duẩn được Hồ Chí Minh điều ra Bắc. Lúc bấy giờ, Trường Chinh phải từ chức sau sai lầm cuộc cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư với hai trợ lý là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Duy Trinh. Lê Duẩn rất khéo léo trong các mối quan hệ, có nhiều ý kiến sắc sảo. Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ Chính trị cử Lê Duẩn làm Phó Tổng bí thư để dễ làm việc, song Lê Duẩn từ chối và nói “nên chờ đến Đại hội quyết định”. Khi được đề nghị làm Trưởng ban chuẩn bị Báo cáo chính trị (Đại hội III), Lê Duẩn cũng từ chối và nói: “Đã 10 năm không ở miền Bắc, chủ trì chuẩn bị Báo cáo chính trị e khó khăn, vì vậy đề nghị hai đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp cùng tham gia Ban chuẩn bị Báo cáo chính trị”.
Đại hội III đã bầu Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất. Võ Nguyên Giáp đã ba lần đề nghị Lê Duẩn kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương nhưng Lê Duẩn nói: “Anh là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như vậy có lợi cho lãnh đạo”. Có thể thấy, Võ Nguyên Giáp đối với Lê Duẩn rất thiện chí.
Sau ngày đất nước thống nhất, hành trình của hai ông có vẻ ngược nhau. Trong khi tiếng nói của Lê Duẩn trong mọi lĩnh vực có tính chất quyết định, thì Võ Nguyên Giáp dần dần không còn đảm đương Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư quân ủy Trung ương nữa. Đến năm 1982, Võ Nguyên Giáp không còn ở trong Bộ Chính trị và đến năm 1991 thì ông thôi đảm đương các chức vụ chính thức. Lê Duẩn mất năm 1986, trước Đại hội VI – Đại hội “Đổi mới”. Các nhà nghiên cứu thường tự hỏi, nếu Lê Duẩn còn sống, liệu có cuộc “đổi mới” hay không?
Ông Giáp có một gia đình hoà thuận, hạnh phúc, gần như không bị mang tiếng bất cứ điều gì. Trái lại, đời sống riêng gia đình ông Duẩn nhiều khi sóng gió, với hai bà vợ. Bà vợ hai Nguyễn Thuỵ Nga sau khi ra Bắc phải sang Thiên Tân học. Bà đã kể lại cho nhà báo Xuân Ba nghe rất nhiều sự kiện xung quanh cuộc sống của gia đình bà.
Khi mới ra Bắc, Lê Duẩn thường tâm sự với Võ Nguyên Giáp những khó khăn trong công việc. Và ông thường kể với ông Giáp, năm 1940, nhờ có chị Thái (vợ đầu ông Giáp) nên Lê Duẩn thoát khỏi án tử hình.
Võ Nguyên Giáp đánh giá:
“Trong hơn 10 năm đầu xây dựng CNXH trên cả nước, đã phạm sai lầm nghiêm trọng: muốn nhanh chóng thực hiện kinh tế XHCN với hai thành phần quốc doanh và tập thể ở trình độ cao; vận dụng triệt để cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bài xích mọi quan hệ thị trường…vội vã nhập tỉnh, nhập huyện, nhập xã, nhập HTX…Những chủ trương không phù hợp quy luật đó đã làm cho nền kinh tế nước ta lầm vào khủng hoảng trầm trọng…”. “Những khuyết điểm, sai lầm nói trên là trách nhiệm chung của Bộ Chính trị và Trung ương, trong đó anh Ba là người chủ trì có trách nhiệm lớn”.
Anh Ba “có những phản ứng quá mức đối với những ý kiến khác mình. Điều đó đã hạn chế không khí dân chủ nội bộ, nhất là về những năm cuối đời”.
Võ Nguyên Giáp viết rất nhiều tác phẩm quân sự xuất sắc. Còn Lê Duẩn thường không tự mình viết, mà nói ý cho trợ lý, thư ký ghi rồi ông xem lại. Võ Nguyên Giáp đạt được sự yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân, là người anh Cả đầu tiên và duy nhất của quân đội. Võ Nguyên Giáp là một nhà sử học hàng đầu, còn là một nhân chứng đặc biệt. Thế giới nghiên cứu nhiều về Võ Nguyên Giáp. Phương Tây đặc biệt ca ngợi Võ Nguyên Giáp – kể cả những người từng là đối thủ của ông. Đờ Cát nói ông rất tự hào khi được thua trận trực tiếp ông Giáp.
Hai con người. Hai tài năng. Hai tính cách. Hai số phận. Có giống nhau và có khác nhau. Tôi không dám và tất nhiên – không đủ tư cách để so sánh hai ông, chỉ phác lên vài nét về hai ông, qua các tài liệu lịch sử đã được công bố công khai.
Võ Nguyên Giáp có một bài viết về Lê Duẩn rất thiện chí với những đánh giá rất thoả đáng. “Dĩ công vi thượng – đặt lợi ích dân tộc lên trên hết” – đó là phương châm sống của Võ Nguyên Giáp, làm nên nhân cách Võ Nguyên Giáp, cho nên, ông luôn được người đời ca ngợi và tự hào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét