Cho đến nay, sử sách đều thừa nhận quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Văn Lang. Văn Lang tương ứng với thời kỳ các vua Hùng, và được gọi chung là Thời đại Hồng Bàng. Do nguồn gốc dân tộc ta là Lạc Việt, nên sau này có thành ngữ “Con Lạc cháu Hồng”, hay “dòng giống Lạc Hồng”…
Theo sách “Lĩnh Nam chích quái” thì nước Văn Lang đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Chia nước làm 15 bộ (còn gọi là quận) là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận
Theo bộ “Đại Việt Sử ký Toàn thư” thì Văn Lang có 15 bộ tương tự như được nêu trong Lĩnh Nam chích quái nhưng tên gọi các bộ có khác một ít: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và Văn Lang là bộ nơi vua đóng đô.
Như vậy, cả huyền thoại (Lĩnh Nam chích quái) lẫn sử thành văn (Đại Việt sử ký toàn thư) đều thừa nhận và giới thiệu về nước Văn Lang. Tuy nhiên, từ lâu tôi thường tự hỏi: Vậy thì thực chất nước Văn Lang ở đâu?
Đặt ra câu hỏi ấy, có thể các bạn cho rằng tôi “ấm ớ”. Nhưng hãy đọc lại đi, nước Văn Lang có địa giới cương vực như Lĩnh Nam chích quái nói, tức là “bắc tới hồ Động Đình”, tức là gồm phần đất Nam Trung Quốc, bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quý Châu và đảo Hải Nam bây giờ của Trung Quốc.
Địa danh Động Đình hồ còn liên quan với địa danh gọi là Núi Ngũ Lĩnh, đó là 5 ngọn núi chia Trung Hoa thành 2 khu vực Nam và Bắc. Ngũ Lĩnh cách Động Đình Hồ vài trăm dặm về phía Nam . Cho nên, sử cũ tự nhận phần đất của người Việt là Lĩnh Nam .
Sau này, cương vực có thay đổi, đến đời Triệu Đà lập nước Nam Việt, thì phần biên giới nước Nam Việt có co lại, chỉ gồm đại bộ phận Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Quý Châu ngày nay (và Bắc Việt Nam ngày nay). Theo các nhà sử học, đặc biệt là ông Trần Đại Sỹ đã đi điền dã tại Nam Trung Hoa, ông khẳng định rằng, khởi nghĩa Hai Bà Trưng chính là xảy ra trên phần đất nước Nam Việt cũ, lan lên cả phần đất giáp Hồ Động Đình, nơi địa giới của người Bách Việt. Tại các tỉnh Nam Trung Hoa, đều có đền thờ Vua Bà chống quân Hán.
Tóm lại: Nước Văn Lang theo quan niệm sử Việt, là phần đất phát tích của các bộ tộc Bách Việt, trong đó có bộ Văn Lang, mà thủ lĩnh là Hùng vương đóng đô ở Phong Châu. Khi đó, Hùng vương là tộc trưởng hùng mạnh nhất đã chinh phục và hàng phục các bộ tộc khác ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh (Trung Quốc). Âm vang của nước Văn Lang còn phản chiếu qua nước Nam Việt của Triệu Đà, và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nhằm “phục quốc” dựng lại nước Văn Lang. Các cụ tổ Việt Nam vẫn coi Triệu Đà là nhà nước đầu tiên của Việt Nam. (Chú ý rằng: Cách dạy lịch sử từ trước đến nay có 2 sai phạm chính: 1/ Bỏ qua nguồn gốc một thời nhà Triệu, từ đó khiến cho đại đa số học sinh học sử chỉ lầm tưởng rằng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chỉ diễn ra ở Bắc Việt Nam. 2/ Nước Văn Lang không phải nhà nước cai quản phần đất thuộc bộ Văn Lang. Bộ Văn Lang ở Phong Châu chỉ là 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang rộng lớn.
Hậu quả của việc diễn đạt lịch sử không chân thực, khiến cho chúng ta không hiểu nổi mấy sự kiện sau: 1/ Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, câu mở đầu ghi rõ: “Từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần xây nền độc lập…” Nhà Triệu là nhà nước cai quản phần đất Bắc Việt Nam ngày nay, đối kháng với nhà Hán. 2/ Vua Quang Trung có lý để tính chuyện đòi đất Quảng Đông, Quảng Tây đối với nhà Thanh 3/ Hai Bà Trưng hy sinh ở đâu? Chiếm 65 thành của nhà Hán ở đâu, nếu chỉ có Bắc Việt Nam sao có 65 thành…”
Ai là người “sợ” thuyết về nước Văn Lang và nước Nam Việt? Dĩ nhiên là những nhà chính trị có đầu óc Đại Hán rất không muốn người Việt nào nhận tổ tông mình xuất phát từ núi Ngũ Lĩnh, không muốn ai đi Quảng Châu mà lại nghĩ đây là thủ đô xưa của nhà nước dân tộc Việt. Thực sự, do biến thiên của lịch sử, mà các tộc người hùng mạnh đã không ngừng chinh phạt, mở rộng bờ cõi, sáp nhập dân cư. Dân tộc Hán đã xâm nhập chiếm đất và đồng hóa nhiều dân tộc trong Bách Việt, đó là phần sự thật không thể chối cãi trong lịch sử của họ. Chỉ có Lạc Việt là tự hào đã giữ lại danh xưng Việt trong quốc hiệu của mình, tự hào là tộc Việt duy nhất còn tồn tại không bị Hán hóa đến mất tên.
2. Con người của nước Văn Lang?
Theo sử liệu, nước Văn Lang tổ chức nhà nước có Lạc hầu, Lạc tướng, quan địa phương Bồ Chính, có con gái vua gọi là Mỵ Nương, con trai vua gọi là Lang (Quan Lang). Sản xuất chủ yếu là lúa nước, săn bắn, đi thuyền, đồ sinh hoạt có cày, trống đồng, vũ khí là rìu, cung tên.
Điều đáng nói là sinh hoạt tinh thần: tục xăm mình, ăn trầu, nhuộm răng đen, mẫu hệ và thờ cúng tổ tiên.
Tục xăm mình còn được sử thành văn ghi chép, đến thời Trần các vua đều xăm mình, đến Trần Anh tông mới bỏ. Ăn trầu, nhuộm răng đen thì thế hệ U60 còn nhìn thấy các cụ ăn trầu nhuộm răng. Mẫu hệ thì mất sớm nhất, theo làn sóng Hán hóa, do Trung Quốc đô hộ. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một minh chứng về một thời mẫu hệ còn sót lại. Chắc rằng, ngay cả ở nước Nam Việt, thì nhà nước theo phụ hệ kiểu phong kiến Hán, nhưng dân chúng vẫn là mẫu hệ. Như vậy, cho đến nay, chỉ còn lại tục thờ cúng tổ tiên là sót lại, trong sinh hoạt tinh thần của người Việt cổ. Việc thờ cúng tổ tiên cũng kèm theo tập quán thờ cúng các thần thiên nhiên, đa thần giáo.
Trích Lĩnh Nam chích quái: "Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân."
Đó là ghi chép của một người Nho học soạn sách Lĩnh Nam chích quái, theo quan điểm Nho Trung Quốc nhìn về tập tục của người Việt cổ. Đọc đoạn này, ta có thể hình dung ra người Việt cổ của nước Văn Lang: mặc quần áo bằng vỏ cây, dùng gạo nếp nương, cất rượu nếp, ở nhà sàn, cắt tóc ngắn. Chi tiết “giã cối làm lệnh”, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là động tác đánh trống đồng, dùng chày. Còn “việc hôn thú lấy gói đất làm đầu” thì ngày nay còn cãi nhau xem đó là cái gì… Nhiều bài báo cho biết, vùng Vĩnh Phúc vẫn còn những làng có tục ăn đất, có thể đó là chìa khóa giải mã việc “hôn thú lấy gói đất làm đầu” chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét