Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Bài viết nhân kỷ niệm 70 năm tác phẩm Ngục trung nhật ký 1943-2013

Cuối năm ngoái và đầu năm nay, tôi đã có bài tham dự Cuộc thi Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ủy khối tổ chức và đạt giải Bài viết tốt.
Bài thi của tôi là “Nghiên cứu nguyên tác Ngục trung nhật ký liên hệ về đạo đức công vụ”. Trong phần trình bày này tôi xin trích giới thiệu phần liên hệ đến quản lý khoáng sản.

I/ Tác phẩm Ngục trung nhật ký:

1.1/ Nội dung: Gồm 133 bài thơ chữ Hán theo thể Đường luật được đánh số từ 1 đến 133 và nhiều ghi chép bằng chữ Hán về tình hình thế giới đương thời.

1.2/ Không gian: Câu chuyện diễn ra tại 13 huyện, 18 phòng giam thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong các bài thơ tác giả đã nêu tên địa danh:
1-Túc Vinh (Thiên Bảo), bài 2 “Tại Túc Vinh Nhai bị khấu lưu” (Bị bắt tại phố Túc Vinh, Thiên Bảo).
2-Tĩnh Tây, bài 3 “Nhập Tĩnh Tây huyện ngục” (Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây).
3- Long Tuyền, bài 31 “Dạ túc Long Tuyền” (Đêm ngủ ở Long Tuyền).
4- Điền Đông, bài 32 “Điền Đông” (Điền Đông).
5- Thiên Bảo, bài 33 “Sơ đáo Thiên Bảo ngục” (Mới đến nhà tù Thiên Bảo).
6-Quả Đức, bài 39 “Quả Đức ngục” (Nhà tù Quả Đức).
7- Long An, bài 39 “Long An Lưu sở trưởng” (Sở trưởng Long An, họ Lưu)
8-Đồng Chính, bài 43 “Đồng Chính” (Đồng Chính).
9- Bình Mã, bài 43 “Đồng Chính” (Đồng Chính).
10- Nam Ninh bài 53 “Vãng Nam Ninh” (Đi Nam Ninh).
11- Ung Ninh, bài 57 “Bán lộ tháp thuyền phó Ung” (Nửa đường đáp thuyền đi Ung Ninh).
12-Vũ Minh, bài 81 “Giải vãng Vũ Minh” (Giải đi Vũ Minh).
13- Bào Hương, bài 82 “Bào Hương cẩu nhục” (Thịt chó ở Bào Hương).
14-Tân Dương, bài 86 “Tân Dương ngục trung hài” (Cháu bé trong ngục Tân Dương).
15-Thiên Giang, bài 93 “Thiên Giang ngục” (Nhà tùThiên Giang).
16-Lai Tân, bài 94 “Tháp hỏa xa vãng Lai Tân” (Đáp tầu hỏa đi Lai Tân).
17-Liễu Châu, bài 97 “Đáo Liễu Châu” (Đến Liễu Châu).
18-Quế Lâm, bài 104 “Đáo Quế Lâm” (Đến Quế Lâm).

Tương ứng với câu thơ trong Bài 108 “Đáo đệ tứ chiến khu chính trị bộ” (Đến Phòng chính trị thuộc Chiến khu thứ tư):
 “Giải quá Quảng Tây thập tam huyện
  Trú liễu thập bát cá giam phòng”
(Bị giải qua 18 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, trú qua 18 phòng giam),

1.3/ Thời gian:  29-8-1942  - 10-9-1943.
Trong các ghi chép và  thơ có nhiều chỗ  thể hiện thời gian của Tác phẩm NTNK. 
+ Chữ ghi tại cuối phần thơ chữ Hán 29-8-1942  - 10-9-1943.
+ Bài 87 Gửi Neru “Ký Ni Lỗ”: “Ngã phấn đấu thì quân hoạt động,
                                                      Quân nhập ngục thì ngã trú lung”
(Lúc tôi phấn đấu, thì anh hoạt động. Lúc anh vào tù, thì tôi cũng trong ngục”.
Ta đã biết nhà hoạt động yêu nước Ấn Độ Neru bị thực dân Anh bắt giam ngày 8-8-1942. Cùng khoảng thời gian bắt đầu của NTNK 28-8-1942.
+ Bài 73 Ngày 11-11 “Song thập nhất “ “Trung Hoa kháng chiến tương lục tải” (Cuộc chiến Trung Quốc Nhật bản đã được gần 6 năm).
Ta đã biết sau sự kiện Lư Cầu Kiều 7-7-1937 cuộc chiến Trung Nhật đã xảy ra. Sau đó gần 6 năm tức khoảng 1942-1943 tương đương với khoảng thời gian của NTNK.

1.4/ Tác giả:Thân thế của tác giả
+ Là người đại diện cho dân Việt Nam. Bài 5 “Thế lộ nan” “Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân” (Ta là người đại biểu cho dân Việt Nam).
           + Bài 103 “Bệnh trọng” “Nội thương Việt địa cựu sơn hà” (Trong lòng thương nhớ đất Việt, sông núi cũ)
           + Là bạn của Trung Quốc: Bài 35 “Các báo hoan nghênh Uy Ki đại hội” “ Đồng thị Trung Quốc hữu” (Cùng là bạn của Trung Quốc).
           
1.5/ Mục đích của chuyến đi:
+ Đi dự hội nghị ở Trùng Khánh: Bài 35 “Các báo hoan nghênh Uy Ki đại hội”  “Đồng thị phó yếu Du” (Cùng đi dự hội nghị ở Trùng Khánh).
+ Đến Trung Quốc để gặp nhân vật quan trọng: Bài 5 “Thế lộ nan” “Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân” (Có kế hoạch đến Trung Quốc để gặp nhân vật quan trọng)

1.6/ Các yếu tố Quảng Tây:

- Bài 79 “Ung báo xích đạo tấn” (Tin nóng trên báo Ung Ninh): Bài này cho thấy tác giả đọc bào ở Ung Ninh thuộc Quảng Tây.
- Bài 89 Tiền đèn “Đăng quang phí” “Quế tệ nhân dân các lục nguyên” (Mỗi người phải nộp tiền đèn sáu đồng tiền Quảng Tây): Bài này cho thấy tác giả sử dụng tiền Quảng Tây để sinh hoạt.

II/ Về vấn đề khoáng sản:

1.1/ Phiên âm nguyên tác:

Bài 27

Nạn hữu nguyên Chủ nhiệm L

Quốc gia trọng thác trấn biên thùy
Hồ nãi vong công chỉ cố tư
Thế khoáng thường tòng biên giới xuất
Kim tiền lô lý chú tù thi.

2.2/ Dịch nghĩa:

Người cùng trong tù nguyên là Chủ nhiệm tên viết tắt là L

Nhà nước giao cho anh trách nhiệm quan trọng là trấn giữ nơi biên giới.
Thế mà sao anh quên việc công chỉ lo việc riêng của mình.
Để cho khoáng sản Angtimoan thường xuyên xuất lậu qua biên giới.
Cho nên lẽ ra khoáng sản đó để đúc tiền vàng trong lò, thì lại đúc ra thơ tù tặng anh.

2.3/ Bài học rút ra:

Qua bài này có thể thấy tác giả đã chỉ ra mấy vấn đề về đạo đức công vụ và trách nhiệm công chức:

1/ Quy định của pháp luật đối với việc quản lý khoáng sản chặt chẽ:
70 năm trước tại TQ người ta đã rất chú trọng đến việc quản lý khoáng sản ở biên giới và có quy định chặt chẽ về pháp luật. Ai vi phạm bị xử lý nghiêm ngay, kể cả người có chức cao như chức Chủ nhiệm. Ở TQ thời đó chức danh Chủ nhiệm là người có thẩm quyền riêng, tự ra quyết định, thuộc hệ thống ngành dọc từ trung ương xuống, khác với chức danh địa phương như sở, ban.
2/ Công chức: Được phân công trách nhiệm cụ thể quan trọng cho công chức có đủ thẩm quyền để thực thi công vụ, đúng người đúng việc. Chức danh Chủ nhiệm, tên: L,
3/ Đạo đức công vụ: Chỉ lo việc riêng quên việc công.
3/ Trách nhiệm công chức: Để khoáng sản thường xuyên xuất lậu qua biên giới. Chủ nhiệm L đã có vi phạm cá nhân.
4/ Quan điểm sử dụng khoáng sản theo hướng chế biến sâu, qua lò luyện: Lò đúc tiền vàng, nói về việc chế biến sâu khoáng sản tạo giá trị gia tăng cao. Việc xuất lậu khoáng sản ở dạng thô được coi là không tốt và bị xử lý.
5/ Tác giả khi đó là người nước đang bị giam cầm, mà vẫn quan tâm, chỉ ra 4 vấn đề nêu trên trong quản lý khoáng sản và tỏ ý phê phán Chủ nhiệm L vì vấn đề sai phạm trong quản lý khoáng sản.
(Trần Đông Phong)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét