Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Cảnh thu trong Tỳ bà hành của Bạch cư Dị qua lời dịch của Phan Huy Vịnh.

        Trong mấy bình luận trước tôi đã đề cập đến cảnh thu trong thơ của Nguyễn Bính bài Trời mưa ở Huế và Bà huyện Thanh quan bài Cảnh thu. Lần này tôi xin giới thiệu những cảnh thu tuyệt đẹp trong bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị qua lời dịch của Phan Huy Vịnh. Bản dịch này được đánh giá là tuyệt vời hay nhất trong các bản dịch thơ Đường ra tiếng tiếng Việt, tương đương nguyên tác Tỳ bà hành vốn được coi là bài thơ hay, lớn nhất thơ Đường. (Trần Đông Phong)


          Trong thời gian ở Quế Lâm 2009-2010 tôi đã có lần trình bày đọc bài này trong Hội diễn văn nghệ của Trường Đại học sư phạm Quảng Tây, sau đó được mời diễn lại trong một chương trình văn nghệ của nhóm sinh viên In đô nê xia của trường này. Những lần này tôi trình diễn bằng tiếng Trung hiện đại. Nhưng thơ Đường hay phải thưởng thức bằng âm Hán Việt hay. Đặc biệt đối với người Việt, bài dịch cuả Phan Huy Vịnh đã được truyền sâu rộng trong dân gian thời đó, nay còn tồn tại dưới hình thức ca trù.

1/ Mùa thu năm đó Bạch Cư Dị lưu luyến tiễn khách ở bến sông:                   
“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
                   Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
                   Người xuống ngựa khách dừng chèo
                   Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti
                   Say những luống ngại khi chia rẽ
                   Nước mênh mông đượm vẻ gương trong
                   Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi”

2/ Tiếng đàn tỳ bà trên sông đã đưa chủ khách đến gặp người chơi đàn với những ngón đàn tuyệt vời của cung đình Nghê Thường, Lục Yêu, mà ở nơi xa xôi hẻo lánh như Giang Châu này thật hiếm, lạ và lúc này:

                   “Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”
                   “Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
                   Một vầng trăng trong vắt lòng sông.”

3/ Nàng vốn là tài sắc một thời ở Kinh thành. Thường bị người đẹp nhất kinh kỳ Thu Nương ghen tị lúc trang điểm xong và mỗi khi tiếng đàn của nàng dứt, những người chơi đàn tài giỏi đều bái phục. Đó là thời gian vui vẻ tuyệt vời.

                   Vành lược bạc gãy tan nhịp gõ
                   Bức quần hồng hoen ố rượu rơi
Năm măm lần lữa vui cười
Mải trăng hoa chẳng đoái hoài xuân thu.

4/ Thời gian thấm thoát, lại khó khăn vì chuyện nhà, nàng lấy chồng là thương nhân mải đi xa buôn bán, để nàng trong cảnh thu lạnh:

                   “Thuyền không đậu bến mặc ai
                   Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng”

5/ Bạch Cư Dị vì lời nói thẳng nơi triều đình bị chuyển đến Tầm Dương ốm, buồn vì cảnh vật:

                   “Lau vàng, trúc võ nảy mầm quanh hiên
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối
Cuốc kêu sầu vượn hót véo von
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn
Lần lần tay chuốc chén son riêng ngừng”

6/ Chuyện đời của Bạch Cư Dị kết thúc có hậu sau khi gặp người đàn bà gẩy tỳ bà trên sông:

                   “Tỳ bà nghe dạo canh khuya
                   Dường như tiên nhạc gần kề bên tai”.

          Ít lâu sau Bạch Cư Dị được phục hồi. Tại Hàng Châu, Tô Châu ông đã chủ chương những việc lớn để lại công đức đến tận ngày nay: tu tạo Thái Hồ, trồng cây, đắp đê thủy lợi nay còn mang tên ông Bạch đê; đào sông Sơn Đường Hà phục vụ vận tải thủy. Tại triều đình văn thơ của ông được người người hâm mộ. Vua Đường có bài thơ đề tặng ông:

Xuyết ngọc liên châu lục thập niên,
Thùy giao minh lộ tác thi tiên?
Phù vân bất hệ danh Cư Dị,
Tạo hóa vô vi tự Lạc Thiên.
Đồng tử giải ngâm Trường hận khúc,
Hồ nhi năng xướng Tì bà thiên.
Văn chương dĩ mãn hành nhân nhĩ.
Nhất độ tư khanh nhất thương nhiên.

Nghĩa là:

Cuộc đời ông như chuỗi ngọc quý suốt 60 mươi năm trời.
Chẳng biết ai đã đưa ông đi theo con đường sáng để được người đời coi là thi tiên.
Đám mây nổi về quan chức không trói buộc được cái tên Bạch Cư Dị, sống giản dị thanh bạch.
Ông nghiên cứu Phật, Lão vô vi như là danh xưng Lạc Thiên, vui vẻ trên trời.
Đứa trẻ chăn trâu ngoài cánh đồng vừa ngâm vừa giải thích bài Trường hận ca.
Trẻ con nơi thôn dã xa xôi, hẻo lánh cũng có thể hát được khúc Tỳ bà hành.
Văn chương của ông đã đi vào tận nhà của mỗi người.
Mỗi lần nhớ đến ông, nhà vua lại cảm thấy buồn khôn nguôi.
--
Lần sau tôi sẽ giới thiệu bài thơ của Bạch cư Dị liên quan đến Việt Nam.
Trần Đông Phong
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét