Nhân dịp khai giảng năm học mới 2013-2014, BlogE xin giới thiệu lá thư của một người cha cùng thế hệ với cựu học sinh lớp E chuyên toán HH72-75, viết cho các con mình, được đăng tải trên trang web: nhatkimuaha.apps.vn. lá thư để lại cho chúng ta không ít điều phải suy ngẫm. Hai bức ảnh kèm theo bài này do BBT sưu tầm và bổ sung (BBT).
Tú Duyên và Thảo Vy – hai con gái yêu quý của ba!
Con có biết ngày khai giảng là ngày trọng đại của đời mình!
Bạn bè của ba hồi ấy, cùng chăn trâu, mót lúa, làm rẫy ít có ai được cắp sách đến trường. Ba xuất thân từ một đứa trẻ nhà quê may mắn được học hành, lớn lên vào đời vinh dự khoác áo làm thầy. Cho mãi đến tận bây giờ ba mới hiểu “Đi học là hạnh phúc lớn nhất của đời mình”.
Con có biết ngày khai giảng là ngày trọng đại của đời mình!
Bạn bè của ba hồi ấy, cùng chăn trâu, mót lúa, làm rẫy ít có ai được cắp sách đến trường. Ba xuất thân từ một đứa trẻ nhà quê may mắn được học hành, lớn lên vào đời vinh dự khoác áo làm thầy. Cho mãi đến tận bây giờ ba mới hiểu “Đi học là hạnh phúc lớn nhất của đời mình”.
Ba không bao giờ quên hình ảnh bà nội của con - người đàn bà bán bánh chưng chốn chợ quê tần tảo nuôi con ăn học.
Mỗi năm cứ đến trước ngày khai giảng ba viết mấy dòng khai bút cho nghề dạy học của mình trong nhật ký, bởi vì ba yêu nghề dạy học của mình, nhớ bạn bè thuở chăn trâu mót lúa… và vì thương bà nội của con tảo lần lo cho ba ăn học nên người. Bởi vậy, năm nào sắp đến ngày khai giảng ba cũng háo hức đón chờ như đứa trẻ.
Năm nay, thư viết cho con thay lời khai bút đầu năm học mới. Ba kể con nghe những kỷ niệm thuở ấu thơ, hơn nửa đời người nhưng chẳng thể nào quên.
Nhớ tám tuổi. Ba đi gánh nước bằng hai quả bầu khô, nước ngày xưa đi gánh rất xa và nâng niu từng giọt. Những đêm trăng sáng, những sớm tinh mơ sương lạnh ngắt, những trưa hè cháy bỏng, người trong thôn rủ nhau đi gánh nước tiếng cười đùa í ới, tiếng khua thùng boong boong như đàn đá. Ở cánh đồng có cái giếng làng quê, người già kể giếng này tự thuở khai thiên lập địa, rất linh thiêng, khắp vùng chỉ có một mà thôi. Nước phun lên từ lòng đất mẹ, nước tràn lên mặt đất, suốt bốn mùa xuân hạ thu đông lúc nào cũng trong vắt mát lạnh tinh khiết như sương mai. Nước có cái ánh lấp lánh của trăng sao và của nắng mặt trời, uống một ngụm nhỏ đủ nghe đậm đà vị ngọt, nghe mát lòng như gió đồng quê.
Tiếc lắm! Cái giếng ấy, bởi người không tôn nghiêm nên mất thiêng, mạch nguồn cạn rồi trở thành hoang hóa, sau người ta san lấp xây nhà cửa phố phường, không còn ai nhắc đến.
Nhớ mười ba tuổi. Nhà nghèo không cơm ăn áo mặc, ba theo nội đi làm rẫy nơi những cánh rừng bạt ngàn cây cỏ hoa lá chim muông. Tuổi nhỏ nhưng ba làm bao chuyện thần kỳ tựa như “Phù Đổng”: đốn ngã những bụi tre chót vót bịt bùng như ngôi nhà, trồng khoai củ to ăn bùi như gạo nếp, trồng dưa hấu “An Tiêm” ruột chín đỏ ngọt lịm như đường phèn, đi bẫy chim và muông thú trên rừng… Những cánh rừng xưa, đất rẫy của nội vẫn còn, nhưng giờ đây đang từng ngày sa mạc hóa.
Hơn bốn mươi năm rồi, ba vẫn còn là cậu bé của ngày xưa, vẫn nhớ như in những cánh rừng cổ tích.
Nhớ con đường làng. Bao đời người từng qua, sừng sững một cây bồ đề không ai biết tuổi, người trong làng sinh ra đã có nó rồi, chỉ thấy gốc to đến năm sáu người ôm, tán lá xòe bóng mát như muốn ôm cả cánh đồng, ngọn vút cao như muốn vươn lên tận trời xanh. Hằng ngày, người gồng gánh nặng nhọc, người đi đồng, đi rẫy mỏi chân… ngồi nghỉ dưới bóng cây thấy mình hồi sinh sức lực. Nhớ năm trận bão lớn, cây bồ đề trốc gốc, ngã lăn ra đường, người ta chặt cành làm củi, đốt than… Lần ấy bố xa nhà, lên thành phố học hành không tận mắt nhìn cây bồ đề quê mình lần cuối.
Con đường làng giờ xe cộ như nêm, không thấy người gồng gánh, cây bồ đề xưa chẳng ai thèm nhớ!
Con gái yêu quý!
Những câu chuyện quê mình xưa rồi mai này biết có còn không? Khi con bắt đầu biết nghe chuyện cổ tích, nội bệnh nặng nằm liệt giường bao năm rồi không nói được, con chưa kịp nghe nội kể chuyện ngày xưa… như ba đã từng nghe.
Cha mẹ tất bật cả ngày vì công việc làm ăn, con cái cả ngày đến lớp… Chuyện ngày xưa ai kể? Ai nghe?
Trường học thì cố công dạy trẻ thành “thiên tài”, chiếc cặp của con nặng oằn bao sách vở, thật đáng thương… Tuổi thơ ba, tuổi thơ con, mỗi thời mỗi khác.
Người bây giờ dẫu có tiền xe bạc đống vẫn không có được giếng nước thần kỳ, không mua được cánh rừng cổ tích, cây bồ đề muôn tuổi như ba kể.
Ngày xưa thiên nhiên nhiều kho báu, con người giàu lòng nhân ái. Ba đọc sách báo nghe đài cũng biết mấy ông tiến sĩ, giáo sư nói Việt Nam mình mấy mươi năm trước giàu hơn cả Hàn Quốc, Thái Lan… còn bây giờ thì mình thua kém họ đến cả trăm năm.
Ba tự hỏi - Có phải vì trong mỗi con người Việt Nam, ta đánh mất Quê hương?
Có lẽ con chưa hiểu những gì ba kể. Và ba gọi đó là tài sản tâm hồn muốn giữ lại cho con. Phàm ở đời ai cũng ôm giấc mơ tỷ phú và mộng thiên tài, ba nghĩ làm người hãy cố trở thành người giàu có về tâm hồn và lòng yêu thương, nếu không thì tỷ phú sẽ trở thành “trọc phú”, thiên tài trở thành kẻ “độc tài”.
Chắc con gái thích có một “ông bố tỷ phú” để chu toàn tất cả? Điều ấy ba không có khả năng. Ba chỉ là một “ông bố bình thường” như hàng triệu ông bố bình thường khác. Nhưng ba sẽ quyết tâm làm một “ông bố tỷ phú về lòng yêu thương con” và thế gian này ai cũng thế, sẽ làm tất cả vì tương lai của con với những gì mình có được.
Một bức thư nhân ngày khai giảng không sao kể hết, ba hứa mỗi năm ba sẽ viết những bức thư gởi lại con yêu quý.
Ngày xưa khi ba đi thi đại học, Ông nội của ba ngày đêm cầu nguyện: “Tổ tiên ông bà phù hộ cho cháu tôi thi đậu học thành tài!”. Âu cũng nhờ phúc đức tổ tiên mà ba trở thành thầy giáo.
Trong những ngày đón chào năm học mới, ba lại thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên nguyện cầu cho hai con chăm chỉ học hành, khôn lớn nên người, gia đình mình và bà con họ hàng hạnh phúc an vui, đất nước này phồn thịnh thái bình, bá tánh trăm họ giàu sang phú quý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét