Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

TRÍCH NHẬT KÝ ĐỂ NGỎ NƠI SÓNG TRÀO (3)

Đây là bài ký thứ năm ở loạt bài HY viết trong đợt đi công tác Cửa Lò cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám. Nhưng HY sẽ chỉ gửi ba bài lên blog E nên em đánh số 3 cho bài này. 
Nơi đây, thật nhiều “sóng”. Toàn sóng biển, sóng trời, sóng … người dưng! Nhưng sau cái ào ạt là biết bao lắng đọng. 
SÓNG NGẦM này cũng thế. Thêm một lần nữa trải lòng cùng bạn đọc những đợt “sóng trào”. (Hải Yến)


SÓNG NGẦM

Buổi chiều cuối cùng của đợt tập huấn.
Chúng tôi kết thúc đợt tập huấn sớm hơn kế hoạch nửa ngày. Cuối buổi sáng, ba đoàn của ba tỉnh bắt đầu bằng chữ H. trong lớp Sen Hồng đã chia tay trong lưu luyến. Các lớp Sen Vàng, Sen Trắng, Sen Xanh cũng thế. Nhiều cô cậu choáng váng vì “say sóng”, bịn rịn mãi rồi cũng phải lên xe. Những bàn tay vẫy. Những con người gặp rồi chia tay, có khi chỉ duy nhất một lần trong đời. Cuộc đời là vậy, hợp rồi tan. Mỗi người chúng ta sẽ chỉ đi cùng người khác một đoạn đường mà thôi. Đoạn đường ấy dù dài hay ngắn, đi một ngày, một tuần, một năm, ba mươi năm hay tới hơn nửa thế kỷ… có cố đi thêm nữa rồi cũng đến lúc phải chia tay. Ai đó đã nói đại ý như vậy. Thế, nên điều quan trọng là khi đi cùng nhau, thì ta để lại trong lòng nhau những gì. Có khi buộc phải đi cùng nhau một đoạn đường dài, tới lúc được chia tay sẽ muốn nhanh chóng quên đi tất cả. Nhưng cũng có khi duyên trời chỉ cho được cùng đi một đoạn ngắn thôi, mà cả đời chẳng thể nào quên.… Tôi thường đi công tác như thế này, nhưng chẳng mấy khi gặp lại những người quen cũ. Có gặp vài người thì cũng không làm việc chung. Những chuyên đề, địa điểm khác nhau. Sự phân công cũng mỗi năm một khác …

Xe của các đoàn đã chuyển bánh gần hết. Chào Thị xã với rừng phi lao bên bờ biển. Gió tấu lên điệu nhạc du dương bất tận trên những vòm lá mướt mát xanh, cùng với tiếng sóng biển dào dạt vỗ bờ trong suốt cả tuần qua, hẳn sẽ còn đọng mãi trong lòng mỗi học viên những lớp Sen chúng tôi. Người đến với Cửa Lò là vô tận, nhưng nhớ Cửa Lò như những đợt sóng trào, hẳn cũng không thể nói là quá nhiều. Và trong số không quá nhiều người ấy, có đám giáo viên trung học đã say sưa luận bàn về tâm lý con người, là mấy trăm học viên chúng tôi của mười mấy tỉnh đã về đây trong những ngày qua.

Đoàn chúng tôi ở lại thêm một đêm nữa, vì buổi chiều nay chúng tôi còn một đợt tự học thêm, ngoài phần học chính của tuần qua. Mười lăm người chúng tôi thuộc nhiều bộ môn được Sở cử đi đợt này, nhưng phần lớn là cán bộ giáo viên có chuyên môn Xã hội. Bởi vậy trưởng đoàn của chúng tôi – Cô chuyên viên của Sở giáo dục và Đào tạo có nước da trắng như tên TUYẾT của cô - muốn đoàn kết hợp đến thăm viếng ở khu tưởng niệm Nguyễn Du và ngã ba Đồng Lộc. Khách Sạn Vinamoto có lẽ chỉ phải phục vụ mười lăm người chúng tôi trong bữa cơm chiều, nên họ hỏi cặn kẽ giờ về để còn nấu cơm. Các đoàn bạn về hết, khách du lịch cũng ra về, khách mới thì không dám đến vì đài báo bão.

Xe chúng tôi thẳng hướng về Hà Tĩnh. Cửa Lò, Cửa Hội vắng teo. Chúng tôi đi trong cái oi nồng của chiều trước bão. Ở nhà gọi điện liên tục xem đoàn đã về chưa. Mai sẽ bão to đấy. Kệ, chúng tôi vẫn đi. Ở đây vẫn “cát trắng, nắng hồng”!

Khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du đây rồi. Chúng tôi dâng hương hoa và rượu lên bàn thờ cố nhân - ngôi sao chói lọi của thi đàn Việt muôn đời. Rồi chúng tôi nhấp mỗi người một ngụm rượu. Đắng và cay. Vị của cuộc đời đấy mà! Nghe đâu đây nỗi đau thế sự của cuộc đời dâu bể “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” … Tố Như ơi, ngày xưa Người băn khoăn: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?), và Người luôn muốn luôn có bạn tri âm đến để cùng nâng ly rượu đắng. Thì giờ đây, Người có thể mỉm cười nơi cực lạc. Bởi chẳng cần đến ba trăm năm, đã có biết bao người đến, khóc cùng Người, nâng cùng Người ly rượu đắng cay, cùng ngẫm lại sự đen bạc khổ đau của một cuộc đời, của một kiếp người. Tôi đã nhiều lần đến cố đô, đứng trước những khu lăng mộ nguy nga của các vị quân vương. Tôi cũng không ít lần đi giữa những hàng bia mộ của những chính trị gia thời hiện đại. Nhưng chưa lần nào dâng rượu uống cùng, để ngẫm, để nhớ, để day dứt … như khi đứng trước bàn thờ thi nhân hôm nay. Như thế, thì làm một con người văn chương với lòng NHÂN muôn đời không cũ, để lại được rất nhiều vấn vương với cuộc đời này, chẳng phải hơn hẳn làm một con người chính trị của một thời đó sao?

 Tạm biệt Nghi Xuân để chúng tôi vào Can Lộc. Ngã ba Đồng Lộc là đây. Thấp thoáng nhiều vành mũ tai bèo ra đưa đón đoàn tôi. Đã nhiều lần cơ quan tôi đi Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An … nhưng toàn đi theo “tua” nên mãi đến giờ tôi mới có dịp đến nơi yên nghỉ của mười o thanh niên xung phong. Các chị ra đi khi tuổi còn quá trẻ. Người ít tuổi nhất mới bằng tuổi tôi khi bắt đầu biết run lên trước ánh mắt con trai. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ ngang tuổi tôi khi mặc áo cô dâu theo chồng đi tìm hạnh phúc. Nghe kể về các chị thì nhiều lắm rồi. Nhưng chỉ khi đứng trước những hàng bia mộ với những bình hoa trắng lạnh, mới thấy lòng thật sự muốn khóc. Và rồi, nước mắt trào ra đầm đìa lúc nào tôi cũng không hay. Bởi chuyện cuộc đời các chị xúc động quá. Và còn bởi giọng đọc thơ của cậu thanh niên tình nguyện tình cảm và sâu lắng quá. Hình như những người Hà Tĩnh sinh ra để đọc thơ. Hẳn còn là bởi cảm xúc thiêng liêng và rất đỗi chân thành của Yến Thanh gửi vào mỗi lời thơ “Cúc ơi!”. Chuyện kể rằng, khi đợt bom vừa ngớt, đồng đội đi bới tìm các chị. Đào mãi, bới hoài suốt đêm 24 tháng bảy cũng mới chỉ thấy chín người! Yến Thanh, lúc đó là cán bộ kỹ thuật đội thanh niên xung phong, ngậm ngùi ra vườn cọ viết bài thơ gọi “Cúc ơi!” trong tiếng khóc nghẹn ngào suốt ba tiếng buổi sáng ngày 25 tháng bảy:

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi!Em ở đâu không về tập hợp/Chín bạn đã quây quần đủ mặt/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh …/ A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/ Chỉ  thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được!...”

 Và rồi, như một sự diệu kỳ của tình thương yêu, trưa ngày 26 tháng bảy, đồng đội đã tìm thấy thi thể chị Cúc trong một hầm tròn khác cách xa nơi chín đồng đội của chị đã nằm …

 Khói nhang bay lên dưới vòm xanh biếc của cọ, của những tán bồ kết. Những chùm quả bồ kết còn xanh trông như những chùm lược đung đưa. Hơn bốn mươi năm trước, đã bao lần, mái tóc con gái của các chị chỉ ước ao có được một quả bồ kết để gội giữa phút lặng của những đợt bom. Giờ thì những mái tóc ấy đã thành mây trắng bay trên đầu chúng tôi, trên bầu trời xanh Can Lộc. Chiến tranh! Vì bất cứ lý do gì thì chiến tranh đâu phải là hạnh phúc! Và đã làm người sống trên đời thì chẳng ai muốn chết, nhất là khi tuổi trẻ đang như nắng xuân nồng.. Nhưng khi buộc phải “ôm cây súng” và đối mặt với tử thần, cái chết của mười cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc đã làm nên một bài ca bất tận. Các chị đã, đang và sẽ vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi. Các chị mãi là những chứng nhân lịch sử của một thời thương đau và bi tráng.

 Chúng tôi biết ơn các chị, biết ơn những người như các chị. Nhưng chúng tôi không muốn cháu con mình còn phải chết như các chị nữa. Và cho dù, ai cũng chỉ được sống một lần và phải chết một lần, thì chúng tôi cũng chỉ muốn mình, cháu con mình được sống bình yên và bình dị. Rồi khi số trời đã hết, được ra đi trong thanh thản và mãn nguyện. Không còn phải ước trong nghẹn ngào, chỉ để được “Tắm nước sông Ngàn Phố/ Ăn quýt đỏ Sơn Bằng/ Chăn trâu cắt cỏ …”. Không còn phải tiếc và day dứt vì “Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ/ Gối còn thêu dở/ Cơm chiều chưa ăn …”.

 Rời Can Lộc, xe chúng tôi trở lại Cửa Lò. Khác với lúc đi, suốt 70 cây số của đoạn đường về, chúng tôi trầm hẳn xuống. Không chuyện văn chương, không bàn thế sự. Hình như những gì ngẫm được từ mấy tiếng của chiều nay: Hợp và tan, còn và mất, sống và chết, thần thánh và đời thường … Tất cả, lại làm nên trong lòng chúng tôi những đợt sóng mới cuồn cuộn. Nhưng giờ đây là SÓNG NGẦM.
                                                                  Thị xã Cửa Lò 02/8/2013

                                                                               HẢI YẾN





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét