Ngày này năm ngoái, mình đi Tuyên Quang, để sống với không khí chộn rộn của người Tuyên Quang đón Trung Thu. Lễ hội Trung thu ở Tuyên Quang đặc sắc số 1 trong cả nước. Trẻ em Tuyên Quang có lẽ là hạnh phúc nhất nước Việt Nam. Năm ngoái có gần trăm xe rước các mô hình, trẻ em đúng là chủ nhân của ngày hội Trung thu. Đến nỗi người lớn đến đó cũng thích.
Chiều 14/8 âm lịch năm ngoái, tôi đến Tuyên Quang thì không thể tìm được khách sạn hay nhà nghỉ. Trùng với dịp Hội diễn các tỉnh Bắc Trung Bộ làm tại Tuyên Quang, nên càng thiếu phòng. Tôi phải lái xe đi ra hơi xa trung tâm mới lấy được khách sạn. Nhưng tối đến, vào Trung tâm thành phố không thấy xa, vì không khí hội hè và vui vầy của người Tuyên Quang…
Năm ngoái, ông bạn Nhà thơ Vũ Xuân Tửu đã uống bia với tôi ở bờ sông rồi vội vã trở về cùng tổ dân phố săn sóc chiếc xe rước của phường. Ngẫm cũng lạ, nhà văn này bỏ chức vụ, bỏ cấp bậc trung tá công an, xin ra Đảng... nhưng lại rất sốt sắng tham gia công tác phường. Theo Vũ Xuân Tửu, việc rước đèn khổng lồ đêm Trung thu do nhân dân tự phát làm. Cách đây 7-8 năm, có mấy tổ dân phố làm cái xe, đặt trẻ con lên đó, đặt cái trống vào xe, rồi đi quanh thành phố. Trẻ con được ngồi trên xe đánh trống, hát hò thì khoái lắm. Sau đó, có tổ dân phố bắt chước, tô vẽ, chăng đèn nháy, rồi làm mô hình con cá, con thỏ ngộ nghĩnh. Rồi các tổ có kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” đua nhau làm đẹp hơn. Lễ hội đầu tiên cách đây 6 năm, thành phố cho phép các tổ dân phố làm công khai. Rồi năm ngoái, là năm đầu tiên chính thức chính quyền tỉnh phát động thành ngày hội. Tôi đến tận nơi, quan sát bãi tập kết các xe rước, thấy có những cái xe rước quả là một công trình tự động hóa cao, có mô tơ, có xích truyền, khiến cho con chim vỗ cánh, con thú nhảy, con rồng lắc lư đầu khạc khói… Bây giờ trình độ xe rước của Tuyên Quang đã bắt đầu chuyên nghiệp, có nhóm chuyên lo xe rước cho các tổ dân phố rồi…
Khi tự phát thì cũng hay rồi, nay tỉnh phát động thành đặc sản du lịch thì có tiết mục thi thố, chấm điểm, cũng hay. Nhưng chán nhất là cảnh các quan chức ngồi ở lễ đài, trước khi rước thì đọc diễn văn tràng giang đại hải, kể những chuyện chẳng liên quan gì đến trăng gió. Cái ngày mà được phép nói trăng nói gió, thì lại cứ nói nghị quyết nọ, phong trào kia, chán. Rồi lễ rước cũng qua lễ đài, nhưng có cái hay nhất của Tuyên Quang là các xe rước không chỉ qua lễ đài, nó lại đi vòng quanh phố, “manh nha” một kiểu lễ hội đường phố.
Năm nay, tôi ở tít Cần Thơ, ngắm trăng mà nhớ Tuyên Quang. Nhìn TV truyền hình lễ rước Trung thu của Tuyên Quang thì lại thấy lo. Rước đèn là lễ hội của nhân dân và đường phố, ngày xưa múa sư tử cũng là múa ở sân đình, ở đường làng. Nay thì hiện đại hóa rước đèn như Tuyên Quang là ok rồi, nhưng hãy trả lễ rước về với đường phố. Các quan chức ngồi lễ đài cứ ngồi, nhưng đó chỉ nên là điểm đầu, còn thì để các xe rước đi ra phố cho dân chúng xem, cho trẻ con chơi… Tuyên Quang có thành tích tuyệt vời là đưa lễ hội thoát khỏi sân khấu, đến đó rồi xem ca nhạc, múa may một hồi, bao nhiêu tỉnh là bấy nhiêu kiểu sân khấu hóa. Vẫn từng ấy diễn viên, mặc áo khác đi, lắc tay lắc mông khác đi ở các tỉnh khác nhau mà thôi. Nay có một tỉnh làm được cái lễ hội gần dân nhất, thì nên giữ cho nó đúng màu sắc hội của dân…
Dù sao, nếu tôi không ở Nam Bộ, thì thế nào cũng đến Tuyên Quang xem và cùng rước đèn.
(NXH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét