Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Có nên tìm mộ bằng ngoại cảm? Câu trả lời từ nước Mỹ

Phương Anh
Việc sử dụng ngoại cảm để tìm mộ ở VN hiện nay rất lộn xộn, thậm chí có cả lừa đảo, nhưng dường như nhà nước VN không đủ sức để kiểm soát. Gần đây VTV có một phóng sự gây xôn xao dư luận nhằm vạch mặt sự lừa đảo ấy, qua đó chỉ rõ được một "nhà ngoại cảm" lừa đảo là cậu Thủy, giờ đã bị tạm giữ để điều tra. Không ít người ủng hộ điều này, mạnh mẽ lên án sự lường gạt của những kẻ mạo danh để kiếm ăn, và đòi hỏi phải thắt chặt lại sự kiểm soát đối với hoạt động ngoại cảm để tránh cho người dân khỏi bị lừa.

Tuy nhiên, cũng có một thái độ ngược lại. Rất nhiều người lên tiếng phản đối cho rằng việc VTV làm là có ý đồ không tốt, rằng làm như thế là không công bằng, là "vơ đũa cả nắm", là "xúc phạm" và gạt bỏ "công lao" của những "nhà ngoại cảm chân chính". Thậm chí, ngay cả khi giám định cho thấy kết quả tìm mộ của nhà ngoại cảm là không đúng, thì người ta vẫn không chấp nhận mà khư khư tin vào những gì đã được đào lên, không cần thẩm định, giám định gì hết. Những người này tin vào những nhà ngoại cảm mà họ cho là chân chính với một niềm tin tôn giáo không cần kiểm chứng và không thể lay chuyển. Vấn đề là làm sao biết ai là ngoại cảm chân chính và ai thì không? Hình như không ai biết cả.

Có một cái viện mang tên là Viện nghiên cứu tiềm năng con người, lẽ ra phải là nơi đưa ra câu trả lời và giúp các nhà quản lý xóa bỏ tình trạng lộn xộn nói trên, nhưng có vẻ chính họ cũng không biết. Có một điều lạ lùng là chính cái viện mang tiếng là khoa học này lại không hề có một chút gì sự nghi ngờ khoa học, không hề đưa ra những tiêu chí để phân biệt nhà ngoại cảm thực sự và những kẻ giả danh, cũng không hề làm thí nghiệm chứng minh khả năng ngoại cảm của các nhà ngoại cảm mà chính họ đã cấp giấy phép. Dường như họ cũng chỉ dựa vào niềm tin có tính tôn giáo giống như các bà già ít học mà thôi. Và có vẻ như việc sử dụng ngoại cảm để tìm mộ, đào bới lung tung khắp nơi để tìm hài cốt vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng, ít ra là đến năm 2020.

Có nên tiếp tục việc này hay không? Có lẽ, nếu trong nước không có câu trả lời thì ta cũng có thể tìm hiểu xem nước ngoài người ta làm gì nếu có nhu cầu/tình trạng tương tự. Vì, như một câu tục ngữ phương Tây đã nói, chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời. Với suy nghĩ như vậy, tôi mò mẫm trên mạng để tìm tư liệu hòng tìm câu trả lời cho mình. Mò mẫm mất cả mấy tuần nay, vô cùng mất thời gian.

Và nhờ trời thương, tôi đã tìm ra được đúng tài liệu mà tôi cần, trả lời đúng câu hỏi mà tôi đặt ra. Đó là một báo cáo về vấn đề tìm mộ bằng ngoại cảm (grave dowsing) của tiểu bang Iowa, tại địa chỉ http://www.uiowa.edu/~osa/burials/Dowsing.pdf. Đọc vào mới thấy Mỹ đúng là ... Mỹ: Họ không bao giờ kết luận điều gì mà không có chứng cứ rõ ràng. Và họ cũng không tin vào điều gì nếu chưa có các thí nghiệm rõ ràng với kết quả có thể lặp lại được. Với tinh thần đó, tác giả của báo cáo đã xem xét tất cả các hồ sơ về 14 cuộc thử nghiệm dò tìm mộ tại bang Iowa từ thập niên 1980 trở đi. Cách làm khá đơn giản: họ cho các nhà ngoại cảm tìm mộ xác định mộ ở các nghĩa địa nơi có những ngôi mộ đã lâu không còn dấu vết. Sau khi các nhà ngoại cảm chỉ chỗ có hài cốt thì người ta sẽ khai quật lên, với sự hiện diện của các nhà khảo cổ cũng như những người chuyên làm việc trong các nghĩa trang (à, cái này thì VN không hề làm!). Và chỉ cần khai quật lên xong thì biết ngay có đúng hay không thôi, vì các nhà khảo cổ vốn có nghề và dụng cụ, nên không thể giải thích vu vơ gò mối thành thủ cấp hoặc răng lợn thành răng người được.

Kết quả cho thấy ... well, các bạn có thể đoán được: ngoại cảm sai be sai bét! Gần giống như câu bình luận của Thu Uyên trên VTV mà dư luận - phía những người bênh vực ngoại cảm - đang ném đá tơi tả: Khả năng tìm đúng là rất thấp, bằng 0%!

Xin trích lại đây một số đoạn trong phần kết luận, còn những chi tiết khác các bạn tự đọc nhé:
On the basis of the results from actual sites in Iowa, dowsing is, at best, only as good as common sense intuition at finding graves.
[...]
Having met numerous dowsers I can assure you that none of them are intentionally deceptive; to the contrary, dowsers are a very earnest group, providing what seems to be a vital service to people who desperately need answers. The problem is that the answers provided by dowsing are very often wrong, and this can lead to legal and financial problems for everyone involved.
[...]
My final recommendation is for cemetery caretakers to stop using dowsing. I realize that this seems extreme, but working with incorrect information is worse than working with no information. The evidence that dowsing does not work is strong enough that any conclusions derived from dowsing are extremely suspect, and use of dowsing results in cemetery planning could put your organization at risk.

Dựa trên những kết quả thí nghiệm trên hiện trường tại tiểu bang Iowa, có thể kết luận là việc dò tìm mộ cùng lắm cũng chỉ có tỷ lệ đúng tương đương với việc sử dụng suy đoán thông thường.
[...]
Đã trực tiếp gặp một số nhà ngoại cảm tôi có thể khẳng định rằng những người này không cố tình lừa đảo; ngược lại, những người này khá chân thành, họ làm được một việc là phục vụ những người đang rất cần có câu trả lời. Vấn đề là những câu trả lời của họ thông thường là rất sai, và điều này có thể dẫn đến những thiệt hại về tài chính cũng như pháp lý cho những người có liên quan.
[...]
Lời khuyên cuối cùng của tôi là những người quản lý nghĩa trang nên chấm dứt không dùng việc dò tìm mộ bằng ngoại cảm nữa. Có lẽ sẽ có người cho rằng tôi cực đoan, nhưng tôi nghĩ làm việc với một thông tin sai lệch thì còn tệ hơn là không có thông tin. Những chứng cứ cho thấy dò mộ bằng ngoại cảm là không thành công thì đủ mạnh để phản bác tất cả mọi kết luận có được thông qua việc dò tìm bằng ngoại cảm, và việc sử dụng kết quả tìm mộ bằng ngoại cảm có thể sẽ dẫn đến những rủi ro [tức cho kết quả sai] trong việc quy hoạch lại nghĩa trang.

Như vậy, tôi nghĩ chúng ta đã có thể yên tâm kết thúc cuộc tranh luận về các kết quả của việc tìm mộ bằng ngoại cảm rồi. Không cần ai phải đưa ai ra tòa, không cần phải thanh minh giãi bày, giao lưu khóc lóc, đính chính hay trách móc, lên án gì cả nữa. Thực là một tinh thần khoa học và thực chứng. Là điều mà người VN rất thiếu, và cần học theo.

Cuối cùng, xin cám ơn nước Mỹ, vì báo cáo này, vì tinh thần khoa học kia, và vì nhiều thứ khác nữa - kể cả việc đứng đầu danh sách viện trợ cho Philippines! (À, nhân tiện, cái danh sách đó hiện đang được đứng chót bởi TQ đấy. Có ai có ý kiến gì không nhỉ?)

PS1: Tôi còn đang có nhiều tài liệu tốt lắm trong tay về ngoại cảm, do công tìm kiếm trên mạng cả 2 tuần nay. Ai quan tâm xin messge cho tôi, tôi sẽ gửi đến cho. Chỉ có điều, tất cả là bằng tiếng Anh nhé!
-------
PS2: Thêm một số đoạn trích dịch từ báo cáo trên (vì có thời gian thì mới dịch được nên phải làm dần dần):
-----
Of the 14 archaeological sites in Iowa which have been investigated by both dowsers and archaeologists, none displayed unambiguous evidence that dowsing was able to find graves or other archaeological features. Most, in fact, completely refuted the claims of dowsers.

Dịch thoát:
Trong số 14 địa bàn khai quật tại Iowa nơi có nghiên cứu so sánh kết quả giữa các nhà ngoại cảm tìm mộ và các nhà khảo cổ, không có nơi nào cung cấp được các chứng cứ rõ ràng rằng có thể dùng ngoại cảm để tìm mộ hoặc tìm các di vật khảo cổ khác. Thực ra, đa số các kết quả đã hoàn toàn phủ nhận lời phán của các nhà ngoại cảm tìm mộ.
(Theo BlogAnhVu) 

Về sự kiện Bác Hồ về nước ngày 6/2/1941

Suy ngẫm về một sự kiện lịch sử, nhưng 2 người trong cuộc thì kể khác nhau. Chuyến về nước ngày 6/2/1941, Hồ Chí Minh đi cùng nhóm có Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Phùng Chí Kiên, Hoàng Lộc và Thế An. Trong số này, Hoàng Lộc và Thế An chỉ là những người phục vụ, Phùng Chí Kiên hy sinh cuối năm đó. Sau này, ông Đặng Văn Cáp kể rằng, đoàn về nước này không đi qua cột mốc biên giới 108, mà được ông Vũ Anh và Hoàng Sâm (đã về từ trước đó để làm "tiền trạm") đón thẳng xuống gần hang Cốc Bó, sau đó Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm mới đi tìm cơ sở.
Còn Lê Quảng Ba thì kể rằng, đoàn đi qua mốc biên giới 108, và Hồ Chí Minh còn cúi xuống đọc chữ ở cột mốc. Ông Lê Quảng Ba nói rõ, hai mặt cột mốc đều có chữ Tàu và chữ Pháp. Theo Lê Quảng Ba, đoàn đi đến nhà cơ sở (ông Máy Lỳ) rồi khi thấy nhà nghèo quá, Hồ chí Minh mới bảo đi ra rừng ở, ông Máy Lỳ chỉ cho đoàn cái hang Cốc Bó...
Điều lạ là 2 câu chuyện hồi tưởng này, của Lê Quảng ba và Đặng Văn Cáp, đều in trong sách "Bác Hồ với Việt Bắc", NXB Chính trị quốc gia, 2011.
Lê Quảng Ba sinh năm 1914, sau là Trung tướng; Đặng Văn Cáp sinh năm 1896, sau chỉ làm Chủ tịch Hội đông y VN... Hồi ký Lê Quảng Ba kể chi tiết hơn, nhưng không đưa ra nhân chứng nào, cứ như chỉ có ông biết mọi chuyện; còn ông Đặng Văn Cáp thì kể sơ sài thôi, nhưng lại có thêm nhân chứng là Hoàng Sâm và Vũ Anh. Tiếc thay đến nay tất cả các ông đều từ trần cả rồi...
Tôi đang đọc về thời kỳ Việt Minh, một thời kỳ có một đội quân trẻ trung thực sự vì lý tưởng cao đẹp là giải phóng dân tộc, gắn bó với nhân dân... Nhưng có đọc kỹ thì mới phát hiện ra nhiều điều băn khoăn, trên đây chỉ là một trong nhiều sự kiện...
Ghi chú thêm: Vũ Anh vào năm 1941 là Ủy viên Trung ương hoạt động ở Côn Minh, cùng với Phùng Chí Kiên. Hoàng Sâm sau là Thiếu tướng, hy sinh năm 1968.

Từ Washington DC nhỏ nghĩ về Hà Nội "to"

Khi tìm tư liệu để soạn bài nói chuyện với sinh viên về chủ đề quản lý quy hoạch thấy bài của tác giả Hiệu Minh đăng trên blog cá nhân ngày 14/05/2010. Chợt thấy áy náy quá. Mình đúng là điếc không sợ súng. Chuyên ngành đào tạo chính quy nhất là Kĩ sư nhiệt luyện mà được thử thách qua bao nhiêu nghề, từ sĩ quan vũ khí - đạn, đến nhà báo rồi chuyên viên quản lý dự án đầu tư nước ngoài và bây giờ là nhà quản lý quy hoạch, mà vị trí nào cũng được cấp trên khen là làm được việc. Mình thấy cần phải post lại bài viết của Hiệu Minh để các bạn thông cảm cho mình, mỗi khi thấy bức xúc về chuyện quy hoạch ở nước ta (NCT).

TỪ WASHINGTON DC NHỎ NGHĨ VỀ HÀ NỘI TO
  
Hà Nội chúng ta từng có hình vuông, thủ đô nước Mỹ có hình vuông. Hai thành phố cách nhau nửa vòng trái đất. Hà Nội đang mở rộng nên cần tìm hiểu đôi chút xem nước người làm gì để tránh những bài học đắt giá.

Qui hoạch Hà Nội - nẩy ra từ "chân"

Người bạn tôi đang làm cho một tổ chức quốc tế lớn nhằm giúp cải cách cơ cấu tại Việt Nam tâm sự rằng, mỗi khi bàn đến chuyện thay đổi, đối tác nhà ta thường có câu muôn thưở "Việt Nam đã trải qua chiến tranh, điều kiện rất đặc thù và hệ thống của chúng tôi rất đặc biệt". Đại loại chúng ta khác người nên cái gì cũng khác.

Tư duy đó ăn sâu cả vào những quyết định quan trọng như mở rộng Thủ đô hai năm trước và dự định xây trung tâm hành chính gần đây.

"Đặc thù" ở chỗ là quyết đinh ra trước, cứ mở rộng lên tận Hòa Bình, nuốt Hà Tây, rồi... tính sau. Sau hai năm chưa biết việc mở rộng có hiệu quả kinh tế như thế nào thì mấy hôm nay bỗng rộ lên như nhà quê mổ bò, Ba Vì có nên là trung tâm hành chính quốc gia (?)

Đó là cung cách làm ăn với tư duy nẩy ra từ "chân"- đi tới đâu, nghĩ tới đó, thường được chúng ta nói rất hay là "lấy từ thực tiễn cuộc sống".

Dân tưởng khi quyết định mở rộng Thủ đô với những lời phát biểu đầy mỹ từ thì đã có kế hoạch đâu là trung tâm hành chính quốc gia. Hóa ra hiện giờ mới mang ra góp ý.

Chưa biết những góp ý của dân có đóng vai trò gì hay Quốc hội cần biểu quyết không thì đùng một cái, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn hùng hồn tuyên bố "có thể xây dựng trục Thăng Long ngay từ năm 2011".

Thế thì mang ra cho dân góp ý làm gì nhỉ? Các nhà hoạch định chính sách nghĩ hộ, làm hộ hết rồi.

Việt Nam có số dân gần 100 triệu thì Thủ đô cũng nên sắp xếp thế nào cho xứng tầm khu vực. Nhưng thực ra, chiều rộng, chiều dài, diện tích hàng ngàn km2, dân "đa dạng từ Mường tới Kinh" của Hà Nội chẳng nói lên sức mạnh của đất nước. Sức mạnh nằm trong thể chế chính trị, sức mạnh mềm, trong đó có văn hóa và kiến trúc.

Thú thật, người viết bài này rất sợ chuyện phong thủy, nhất là đưa "kiến thức mê tín" đó vào xây dựng đất nước hay Thủ đô. Thời đại khoa học tiên tiến của thế kỷ 21 không thể để vận mệnh, điểm huyệt quốc gia, tâm linh hay trục tụ khí cho vài "thầy" phán đại.

Tuy nhiên, "tâm linh hay điểm huyệt" dựa trên số liệu khoa học về đất, nước, lượng mưa, tầng địa chấn để giúp cho xây dựng lại rất cần.

Hãy áp dụng "tụ khí"  sao cho khi người ta nhìn vào đó thấy chính quyền là tinh hoa của dân tộc, không  phải quan trí thấp, quản lý yếu kém, tư duy nhiệm kỳ, ít tham nhũng hay lạm quyền.

Washington DC - thủ đô... vuông
 
Ai đến Washington DC (gọi tắt là DC) đều cảm thấy thủ đô nước Mỹ bé tý, không xứng tầm với cường quốc số 1 thế giới. So với Hà Nội chúng ta mở rộng đến Hòa Bình, Hà Tây thì DC chỉ bé bằng cụ Rùa đang bơi so với hồ Hoàn Kiếm. Số dân Hà nội "mới" gấp 15 lần DC.

Thủ đô Mỹ không có nhà cao tầng chót vót, nằm giữa hai bang Maryland và Virginia, với nửa triệu người. Vào ngày làm việc, "cán bộ nhà nước" ở hai bang lân cận đổ vào làm việc, DC "thành" hơn một triệu, nhưng chiều tối lại yên tĩnh, không sôi động như bờ Hồ Hà Nội, xe máy phóng như bay, còi inh ỏi.

Tìm hiểu kỹ mới biết, Washington có những qui định rất ngặt nghèo. Điều 1 trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã ghi rõ từ năm 1790 rằng thủ đô phải là...hình vuông, mỗi cạnh 10 miles (16km), diện tích là 260km2. Các nhà quản lý thành phố từ thời đó đã đặt những cột bê tông, mỗi mile (1.6km) một cái, để đánh dấu thủ đô...giới, một số cột mốc hiện vẫn còn.

May mà có sông Potomac ngăn với bang Virginia, nếu không, có lẽ đây là thành phố vuông nhất trên thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson (thời kỳ 1801-1809) luôn mơ ước DC là "Paris của người Mỹ", nhà xây thấp, tiện lợi, phố rộng và sáng sủa. Quốc hội Mỹ qui định từ năm 1889, trong thủ đô DC không có tòa nhà nào được phép cao vượt nhà Quốc hội (cao 88m).

Mỗi chuyện chiều cao mà Quốc hội Mỹ phải họp rất nhiều lần. Năm 1899, họ đã qui định chiều cao các tòa nhà không quá 34 m. Nhưng năm 1910, các ông nghị thay đổi, cho phép xây nhà cao bằng chiều rộng của mặt phố. Khi khách sạn Cairo xây lên với độ cao 54m tương đương với chiều rộng của đại lộ trước Dupon Cirle thì Capitol Hill "giật nẩy mình".

Họ lại qui định rõ hơn, nhà dành cho văn phòng, thương mại không cao quá 34m, nhà ở có chiều cao không vượt 27m, hoặc chỉ có thể cao bằng chiều rộng của phố trước mặt, độ dài nào nhỏ hơn thì lấy đó làm chuẩn.

Sau vài lần chỉnh sửa Hiến pháp, kể từ năm 1910 (100 năm trước đây), chiều cao các tòa nhà không vượt quá chiều rộng của đường phố cộng với 6m. Ví dụ, đường phố trước mặt rộng 28m có thể xây nhà cao tối đa 34m (28+6). Vì thế, những building trong DC cao nhất chỉ khoảng 10-12 tầng. Có vài nơi liên quan đến thương mại thì được phép cao tới 50m. Đó là luật bất di bất dịch trong kiến trúc thủ đô.

Nhà mới xây trên phố DC phải có kiến trúc bề ngoài giống hệt nhà đã xây cách đây một thế kỷ, từ mầu gạch, cửa sổ trang trí đến hoa văn trên tường. Nhà mới xây và nhà cũ cạnh nhau khó mà phân biệt.

Thủ đô DC không thể so sánh về sự đa dạng như Hà Nội, có tòa nhà Vietcombank đỏ loẹt, đến BIDV cao ngất, hàm cá mập bên hồ dọa cụ Rùa, rồi Melia xanh đỏ, nhà trên phố thi nhau khoe "sắc nước hương trời" của nền kiến trúc "lúa nước sông Hồng", mạnh ai nấy làm.

Phong thủy kiểu... Mỹ

Nói chung, người Mỹ không biết mê tín là gì, chỉ dựa trên số liệu khoa học. Không hiểu dân kiến trúc xứ Cờ hoa có mang sách sang học thầy Tầu, nhưng có một chi tiết "phong thủy" của DC mang yếu tố chính trị và lịch sử rất ít người biết.

Một khu đất trống được dành cho Quảng trường Quốc gia (National Mall) dài vài km và rộng nửa cây số. Xung quanh là hệ thống bảo tàng, rồi nhà tưởng nhiệm, tượng đài khá hoành tráng. Một đầu là nhà tưởng niệm Tổng thống Lincoln, đầu kia nhà Quốc hội. Ở giữa là tượng đài Washington, gần đó có nhà tưởng niệm Tổng thống Jefferson nhìn ra hồ Tidal Basin.

Mắt của tượng Lincoln ở phía cuối National Mall nhìn thẳng vào cơ quan lập pháp cách đó khoảng 3km. Còn tượng Jefferson bên hồ Tidal Basin có đôi mắt "chiếu tướng" Nhà Trắng, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ. Nơi giao ánh mắt của hai cụ chính là tòa tháp Washington bằng đá cẩm thạch cao vút mà dân DC vẫn gọi là cái bút chì - biểu tượng cho nền dân chủ vĩnh cửu của nước Mỹ.

Tuy ở thế giới bên kia, ông Lincoln và Jefferson vẫn theo dõi Chính phủ và Quốc hội làm gì để báo cáo với cụ tổng thống đầu tiên George Washington đang ngồi trên nóc...bút chì. Người ta gọi đó là con mắt của dư luận, theo dõi mấy nhánh quyền lực "vì nước vì dân" hoạt động như thế nào.

Kiến trúc đi theo chính trị với thông điệp rất rõ, không tòa nhà nào cao hơn tòa Quốc hội. Hành pháp và lập pháp cần được giám sát chặt chẽ. Quốc hội có quyền cao nhất quốc gia. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ là đám Voi và Lừa trang trí.

Thủ đô DC không cần to nhất thế giới, rộng nhất thế giới, đông người nhất thế giới, nên không mang tiếng là nhốn nháo, kẹt xe, ô nhiễm nhất thế giới. Nơi đây là trung tâm chính trị, ngoại giao, hành chính và đầu não quân sự, không phải là trung tâm "của tất cả" như nhiều nước khác.

Quyền lực quốc gia nằm trong một thủ đô hình vuông 16km x 16km lại ảnh hưởng đến toàn cầu. Sức mạnh nằm ở khái niệm tam quyền phân lập và thêm báo chí là quyền lực thứ 4 để giám sát 3 nhánh quyền lực trên. Thủ đô to hay nhỏ chẳng nói lên điều gì về khả năng của quốc gia đó.

Lời kết
Quy hoạch Hà Nội của chúng ta, đến bao giờ thành hiện thực? Chỉ mong, Hà Nội có những con đường tươi sáng, không kẹt xe, thân thiện với dân, kiến trúc trăm năm không bị mai một, đúng như các bậc tiền nhân từng mơ về một thế giới đại đồng

Trung tâm hành chính quốc gia phải là nơi để cho dân đến được, nghe được tiếng dân và biết được nỗi đau nhân thế.

Nếu khi bỏ phiếu cho quy hoạch mà nghĩ, sau quả này, mảnh đất dành cho mấy thằng con mua từ mấy năm trước, nay "bỗng" rơi vào qui hoạch và giá lên cao ngất trời, thì Thủ đô hay trung tâm hành chính quốc gia sẽ thuộc vài dòng họ mà thôi. Và Thăng Long mãi mãi chỉ là con rồng đất.

Lá phiếu lợi cho mình hay lợi cho một dân tộc, đó chính là chìa khóa giúp Hà Nội tiến hay lùi.
(Hiệu Minh)

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Định mệnh “Lá diêu bông”

Xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện rất thực do chính Cố Thi sĩ Hoàng Cầm kể lại khi còn sống, đã đăng trên trang Blog: Lethieunhon.com. Câu chuyện sẽ giúp đọc giả hiểu biết thêm về sự lãng mạn và tính dị thường của những người trời phú cho năng khiếu văn chương. (BBT)

Tôi thực sự cũng không hiểu vì sao mà tôi sớm bước vào cửa của tình yêu. Sớm quá! Có lẻ chỉ thua Môza một tí thôi! Từ 8 tuổi đầu, tôi đã say mê như người mười tám, đôi mươi say mê nhau. Lúc đó, tôi vẫn đi trọ học ở tỉnh. Vì nhớ mẹ cho nên cứ chiều thứ 4, thứ 7 hoặc những ngày lễ, tôi nghỉ học, đáp tàu từ ga Phủ Lạng Thương để 15 phút sau đã có mặt ở nhà, thường là buổi chiều, đã nắng xiên khoai rồi.

Một buổi chiều như thế, tôi thấy một người con gái như đang mua cái gì đó của mẹ tôi, hình như một chút phẩm xanh xanh đỏ đỏ thì phải. Khi nhìn thấy cô ấy, tôi bị…sét đánh, ngất xỉu. Trước mắt tôi đúng là một thiên thần. chị đó tên là Vinh, mới đến phố tôi mấy hôm. Bố chị Vinh là nhà nho, mất sớm, nhà chị chỉ còn mẹ, một đứa em lên bốn lên năm gì đó…và chị Vinh. Nhà chị ở xế nhà tôi, bên kia đường số 1 khoảng 20 mét, chung một dãy phố nghèo lác đác những quán hàng bánh đa bánh đúc, kẹo bánh, nước chè tươi và mấy hàng thợ may, hàng thuốc bắc, bễ lò rèn nho nhỏ…

Tôi say mê chị Vinh đến mức thờ thẫn, không ngó ngàng gì đến bài vở, học hành. Ngay từ phút đầu, mẹ tôi đã hiểu, hiểu rằng thằng con trai đầu lòng đã phải lòng. Chị Vinh hơn tôi 8 tuổi, năm ấy 16 tuổi, còn tôi lên 8. Tôi lẽo đẽo theo chị, suốt ngày đứng ngó sang bên kia đường số 1, nơi đó có “ thiên thần của tôi” đang ngồi bán chè tươi, bánh đa bánh đúc. Bố của chị vốn là một ông Tú, vì thế chị rất giỏi chữ Nho, còn tôi chỉ biết chút ít tiếng Pháp. Đặc biệt, chị hát quan họ rất hay. Có lẽ khi mẹ tôi 17 tuổi cũng hát hay như thế. Còn đẹp thì, nếu chị ấy đẹp 10 phần, mẹ tôi may ra được 6-7 phần. Tôi cứ thế mê man cho đến khi 12 tuổi. Cuối năm tôi 12 tuổi đó, chị đi lấy chồng. Trước đó, tôi nào hay biết, cứ theo đuổi như thường. Chị ấy đi đâu, ra bến sông hay ra chợ, lên ga…tôi cũng bám theo, tất nhiên là không nói gì cả, có gọi cũng gọi bằng chị thôi. Trước tiên, đó là tiếng chị bình thường, về sau thành tiếng chị của thơ. Đầu tiên, tôi xưng em là bình thường, nhưng đến khi có “ Lá diêu bông” tiếng “em” đó cũng trở nên tiếng của thơ, bao giờ cũng được tôi viết hoa, cả chữ “chị” cũng vậy.

Có một buổi chiều mùa rét, sau vụ gặt tháng 10…

Khoan, tôi muốn nhắc lại một chút về những ngày trước buổi chiều mùa đông năm ấy. Tôi vốn thích thơ lục bát. Có một lần, vừa trở lại trường vào sáng thứ hai đầu tuần, tôi viết ngay một bài thơ lục bát để tặng chị. Tôi còn nhớ, bài thơ ấy tôi viết bằng mực tím, đầu đề viết bằng bút chì xanh đỏ của học sinh ngày trước, vẽ cả hoa, chim , bướm, cả hình sông núi ở phần trên…tôi đề “gởi chị Vinh của em”, và sau đó là bài thơ lục bát dài hai trang giấy học sinh. Bài thơ đó, nếu giờ đây ai tìm lại cho tôi, cho tôi đọc lại một lần thôi, bắt tôi chết ngay, tôi cũng vui lòng. Nhưng tiếc quá, chẳng thấy đâu cả. Trời bắt tôi phải sống để chịu mệnh diêu bông này.


Trong suốt thời gian trước khi lấy chồng, chị thường hay tổ chức những đêm hát trong làng Như Thiết, ở sau phố Như Thiết của tôi (cái tên Như Thiết rắn chắc thế nhưng không hiểu sao cho tôi gặp được cái mềm như diêu bông). Chị, ngay từ đầu cũng thừa hiểu, rằng cậu bé con là tôi đang say mê mình. Từ tia mắt nhìn đến cách trò chuyện của chị nói với tôi điều ấy. Vào những dịp tết, chị hay cho tôi ngồi bên cạnh xem chị đánh tam cúc, để sau này tôi khắc khoải viết những câu thơ “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm. Em đùng lớn nữa, chị đừng đi”. Ngày nào cũng vậy, chị cũng rủ tôi theo và cho ngồi bên cạnh. Đó là những ngày hạnh phúc không gì so sánh được của đời tôi. Chưa kể những lần tôi theo chị đi hát quan họ ở sân ga hay hát ống ở con ngòi Ngũ Huyện khê ( tên trong địa chỉ là Tiêu Tương giang). Tôi hay được chọn để hát ống với chị, có lẽ nhờ tôi có giọng hát mà chị Vinh thích, mặc dầu tôi bé hơn chị 8 tuổi.

Một buổi chiều, hình như là nhân dịp Giáng Sinh, đang thơ thẩn ở sân, tôi thấy chị ra khỏi nhà. Chiều vắng, quá 4-5 giờ thì phải, trời vẫn đẹp, nắng vẫn vàng. Cảnh đẹp, không khí trong lành và người thì thiên thần. Tôi còn nhớ như in là chị mặc chiếc áo cánh, ống tay hơi rộng, bằng lụa màu mỡ gà đã cũ. Tôi đi sau nên thấy dưới vai chị có một mụn vá, cũng bằng lụa nỡ gà, hơi khác màu một chút. Chíếc yếm chị mặc là yếm lòng trai (màu tím hống của mặt trong con trai). Trong bài thơ “Vuờn ổi“ của tôi sau này có đoạn: “Em mười hai tuổi tìm theo chị. Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa. Đi ngày tháng lại không tìm thấy. Dải yếm lòng trai mãi phất cờ”. Phía ngoài, vì trời lạnh, chị mặc chiếc áo ghi lê màu tím nhạt thắt đáy. Phía dưới là chiếc váy lụa và chiếc thắt lưng hồng điều. Chiếc váy lụa đã cũ nên rất mềm mại. Theo “mốt” Đình Bảng lúc bấy giờ, các cô mặc thế nào không biết nhưng dưới mép của váy xuống đến mắt cá chân, võng xuống như cửa võng, uốn lượn rất mềm mại. một cái váy đẹp nhất, thắt mở thế nào không biết…càng đuợc nhiều ply càng “mốt”, càng “cao thủ”. Bốn ply là ghê nhất. Chị Vinh thường mặc váy độ 3 ply, thế cũng là ghê lắm rồi. Đi lại trước một người mặc váy như vậy, có cảm giác sóng cuốn dưới chân.

Chị Vinh đi ra cánh đồng, tôi theo sau cách độ 3-4 mét, im lặng. Chị ấy tìm bới thứ gì đó trong những búi cây dại, những búi cỏ to ở những bờ ruộng, những gò nấm mấp mô trên đồng. Khi lên tìm ở một cái gò, chị ấy quay lại, đứng thẳng người lên, mà không phải là nhìn tôi, hai mắt ngó lơ đểnh về phía chân trời như đang ngắm một dải mây nào xa lắm. Chị ấy mắng tôi như thế này, gọi là mắng nhưng hình như là chị ấy tự nói với chính mình: “Ơ, sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?”. Đúng ngần ấy chữ, không sai một từ đâu! Máu trong người tôi bỗng chảy rất đều, rất mạnh, rất nhịp nhàng từ chân lên tới đầu. rần rật, rần rật..Người tôi ấm lên, nghe như có tiếng reo trong máu.

Tôi im lặng. Chị ấy lại tiếp tục đi tìm. Đến một cái gò khác, sau khi đã đi qua những mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, tôi hỏi “ Chị tìm gì đấy?”. Lần nầy, chị ấy đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói rằng: “Chị tìm cái lá… ấy đấy!”


Tôi nghe chị nói rõ ràng tên lá gồm hai tiếng, sau đó chỉ ít lâu là tôi quên, nhưng tôi đoán cái lá đó là có thật nhưng cực kỳ khó tìm. Phải có thật thì chị ấy mới tìm khổ sở thế chứ? Có thể cái lá đó có thể chữa một bệnh hiểm nghèo gì đó, hoặc có tác dụng nào đó tăng thêm nhan sắc chăng? Tôi chỉ nghĩ được đến thế thôi! Tên lá thì tôi quên rất nhanh, nhưng câu nói của chị thì tôi nhớ rành rọt vì chủ từ nó rất khác nhau: “Chị đi tìm lá ..ấy đấy. đứa nào tìm được lá ấy, ta gọi là chồng!”. Không phải tao như nhiều người vẫn nhớ và đọc mà là “ ta “. Câu nói ấy của chị làm mặt tôi nóng bừng nhưng chân thì lạnh, lạnh vô cùng.

Và kỷ niệm cũng chỉ dừng lại ở đó. còn cuộc đời chị về sau, tôi chỉ xin nói là “ hồng nhan, bạc phận” mà thôi.

Thế rồi…

Lại xin nói một chút về cái năm tôi 12 tuổi, đoạn cuối của những ngày đẹp nhất của tôi.

Từ Noel đến trước Tết năm đó, một buổi chiều, cũng thứ 7. Khi tôi về đến nhà thì tia mắt tôi đã hướng về căn nhà ấy, nhà chị Vinh. Cửa đóng, tôi thấy lạnh ở ngực. Bước vào nhà, mẹ tôi đang ngồi ở chõng, tôi hỏi ngay, không kịp chào hỏi mẹ như mọi lần:

- Mẹ ơi, sao bên chị Vinh lại đóng cửa thế nhỉ?

Mẹ tôi thừa biết đứa con trai của mình. Mẹ rơm rớm nước mắt:

- Nó đi lấy chồng rồi, con ạ!

Mới nói có thế thôi, tôi òa lên khóc, khóc như một tiếng nổ, một cuộc nổ vỡ nào đó ở vũ trụ này. Mẹ tôi, chắc là muốn an ủi tôi, nói thêm ( không biết là có thật hay không):

- Trước khi cưới, nó cũng có sang để chào mẹ và nói rằng : bác nói với em Việt ( tên khai sinh của tôi) là chị Vinh gởi lời chào. Ngày nào em Việt lấy vợ thì nhớ nói cho chị biết để chị mừng cho em!

Tôi gục hẳn vào lòng mẹ tôi, khóc suốt buổi chiều, cho đến khi không biết là ở đâu xuất hiện bố tôi về. Tôi im lặng, không dám khóc nữa. Mẹ lau mặt cho tôi và bảo tôi xuống bếp lấy cơm ăn…

Hai mươi lăm năm sau, tức là năm 1959 ( câu chuyện vừa kể xảy ra năm 1934) cũng vào đúng cái mùa ấy. Một đêm, tôi ở Lý Quốc Sư - Hà Nội, có lẽ quá nửa khuya rồi, tôi trằn trọc nửa thức nửa ngủ, nửa mê nửa tỉnh. Lạ lắm, bồn chồn kinh khủng, nhưng sợ động giấc ngủ của vợ con nên đành nằm im trên giường. Xin mở ngoặc một chút : tôi thừơng bị mất những câu thơ, có khi 2 hoặc 4 câu ( khi thì lục bát, song thất lục bát. Tôi vẫn cổ điển như thế, không có cách tân gì cả). Đêm nằm, những câu thơ chợt đến, tôi chủ quan cho rằng mai chép lại cũng được, rồi lại nằm, nhưng chỉ vài ba phút thậm chí một phút sau thôi, muốn nhớ lại cũng không thể nhớ được. Tôi rút kinh nghiệm, bao giờ đi ngủ cũng có tờ giấy và mẩu bút chì bên cạnh, bao giờ cũng nằm nghiêng về bên trái.
Trong cái đêm bồn chồn ấy, tôi chợt nghe tiếng văng vẳng bên tai như có ai nói, giọng phụ nữ, không phải giọng chị Vinh, không phải xa xôi lắm như tự kiếp nào chứ không phải của kiếp này. Vậy mà rất trong, rõ ràng, có lên xuống trầm bổng hẳn hoi, không phải như ta nói chuyện thường, cũng không phải giọng mẹ tôi, không phải bất cứ người nào, thánh thót êm ái lắm, giọng đọc chính tả . Rất đều đặn, nhịp nhàng từ đầu đến cuối. Tôi quơ giấy bút chép lại cái giọng đọc xa xôi kia. Cho đến câu cuối cùng, người tôi nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, rất thảnh thơi. Sáng hôm sau, thức dậy tôi lại bàn bật đèn ( vì trời đã sáng nhưng trong nhà còn tối) ngồi tách những câu thơ ra, vì ban đêm, viết dưới ngọn đèn ngủ 6 oát mờ mờ, dòng nọ đè lên dòng kia, có khi hai ba dòng đè lên nhau. Mất cả tiếng đồng hồ mới tách chúng ra xong. “Lá Diêu Bông” đã ra đời như thế. Bài thơ ấy, cho đến bây giờ vẫn nguyên vẹn, không sửa chữa chữ nào cả. Sau đó, tôi tập hợp một số bài viết trong thời gian này, cùng với “Lá Diêu Bông” làm thành tập “ Về Kinh Bắc”. Tập thơ ấy gồm những khối bài, nhóm bài, đề tài khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là về Kinh Bắc, là sự nhớ lại thời xa xưa trên mảnh đất quê hương, từ kiếp trước đến kiếp này. Kết thúc tập thơ, tôi viết hai câu như thế này:
Bốn mươi bảy bài thơ tám nhịp
Tuần dâu chưa vợi khối ân tình

Từng bài thơ trong tập có thể tách riêng, nhưng sự thực, chúng đều nằm trong một khối thống nhất, một cõi-duy-nhất, trong đó, tôi cho rằng bài “ Lá Diêu Bông “ là bài thơ định mệnh của đời tôi.
Hoàng Cầm  (Theo lethieunhon.com)
Mời các bạn nghe bài hát Chuyện tình lá diêu bông do Thu Hiền trình bày nhé

 

MAI HƯƠNG CŨNG CÓ MỘT CÕI THIÊN THAI

Mấy tháng của năm học mới thật bận rộn. Mai Hương ít có điều kiện đọc và viết ở blog E của các anh Chuyên Toán. Hôm nay vào đọc, thấy bài MƠ ĐẾN THIÊN THAI của anh NCT và comments của mọi người về một Cõi Thiên Thai, MH nhớ đến bài văn mình viết đã lâu, cũng có một Cõi Thiên Thai của riêng mình. Ai cũng có quyền MƠ về một Cõi Tiên như thế. Xin được trải lòng cùng các anh chị và độc giả.

AO LÀNG

Làng tôi không có nhiều ao tù con con đầy bèo tấm rải rác khắp nơi như mấy làng lân cận. Có bốn năm cái ao lớn gần như bao quanh làng. Bờ phía trong ao là nhà. Bờ phía ngoài ao là luỹ tre. Bởi vậy, làng tôi xưa không khác một hòn đảo là mấy. Nhưng người đi ngoài đường lớn nhìn vào thì không có cảm giác đó. Chỉ thấy xanh om tre trúc và đường ngõ quanh co dẫn vào làng.
Cái ao cạnh nhà tôi lớn nhất trong các ao làng. Nó ở phía đông của làng, chạy dọc từ xóm trên xuống xóm dưới. Nhà tôi thuộc xóm dưới, ở bờ tây và gần giáp bờ nam của ao. Cái bờ nam là đường trục chính của làng đi ra đồng. Cha tôi nói, ngày xưa khi chưa bị bom bỏ, chỗ này có một cái cổng làng. Thế nên, nó được gọi là Cổng Đồng. Ngồi ở bờ ao nhà tôi là có thể thấy được tất cả những người từ làng ra đồng và ở đồng về.
Từ nhỏ, tôi đã thấy giữa ao có một bãi đất to, cây cối tốt tươi, trông như một hòn đảo nhỏ giữa xanh mướt đảo làng. Không biết có phải tại cái “hòn đảo” ấy giống hình một con rùa nằm hay không mà ao có tên Ao Rùa. Hai anh tôi thường bơi ra “đảo” rồi lại bơi về. Còn tôi, cũng đã vài lần đến đó. Đấy là những lần cùng cha chèo thuyền ra “đảo Rùa” tìm ngan. Nhà tôi nuôi ngan đẻ để bán giống cho các nhà trong làng. Một bầy chừng bốn năm chị ngan cái và một anh ngan đực. Những con ngan cái thật ngốc. Tôi nghĩ vậy. Hoặc ít ra thì chúng cũng hiền hơn. Lão ngan đực hung dữ lắm, biết đuổi người lạ. Có hôm, người trong làng đến xin rau ngót, bị nó đuổi cho chạy bán sống bán chết vào tận trong nhà. Thế mà lão ngan đực già ấy còn mở được cả mành. Mấy mụ ngan cái ngốc vì rất hay đi đẻ lang. Thấy hai con ngan cái khoang đen trắng cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, cha dặn tôi để ý xem chúng đi đâu. Tôi thấy hai mụ ngan về ăn xong, vẫy đuôi đến bờ ao thì xoè cánh bay. Cái giống ngan thật “đa năng”, cái gì cũng biết kha khá. Nghĩa là, không xuất sắc, nhưng cũng không tồi. Nó bơi thua vịt nhưng bay thì hơn hẳn. Nó không hay đậu cao, trên những cành nhãn trong vườn như gà, nhưng lũ gà sợ nước ấy thì nhìn nó bơi hẳn phải chào thua. Đi bộ thì cả ngày cũng được. Hai con ngan khoang nhà tôi bay diệu nghệ như chim. Đến “đảo Rùa”, chúng hạ cánh rồi tụt xuống ao bơi lội chán chê. Rất lâu sau, hai cái đốm đen trắng ấy chui tọt vào bụi rậm trên bờ bãi … Tôi bảo cha: Chúng ở ngoài lùm cây giữa ao. Và thế là tôi cùng cha chèo thuyền ra “đảo Rùa”.

Tôi ngồi trên thuyền ra sức tát nước. Thuyền cũ rồi, nước theo khe giữa các nan cứ chảy vào ri rỉ. Ra đến “đảo”, cha kéo ghếch thuyền lên rìa bãi rồi vạch bờ bụi tìm ngan. Còn tôi thì “a” lên kinh ngạc: Nhiều hoa dành dành quá! Không biết cơ man nào là những bụi hoa. Đang đầu mùa hạ, hoa nở trắng xoá, ngát thơm. Mọi hôm đi hái rau, cạnh bờ tre có một bụi dành dành, tôi cứ phải chờ từng bông, từng bông hoa nở. Hái rồi về cắm cả cành lá vào cái ống bơ. Lúc ngồi học mê mẩn ngắm nhìn. Những bông hoa trắng tinh, thơm dịu dàng, dù chỉ có một lượt năm sáu cánh thưa. Hôm nay, tôi mặc sức hái. Tôi bẻ một ôm, cả hoa lẫn nụ. Phải mang về cho cô bạn thân nhà bên một ít. Chúng tôi đều mê hoa dành dành. Những cánh hoa trắng tinh giữa đám lá non tơ thế này, nhìn đã thấy nao cả lòng! Đứng giữa rừng hoa giữa mênh mông trời nước, tôi mơ màng nghĩ: Cõi Tiên chắc cũng chỉ như thế này chăng? Có thiếu, thì chỉ thiếu một tiếng sáo véo von, réo rắt…
Một tay tôi ôm bọc trứng ngan, tay kia giữ lồng, bên trên để cả bó cành hoa dành dành khoe sắc trắng. Cha vừa chèo thuyền vừa tát nước. Tôi ngắm mặt nước ao trong leo lẻo. Mấy khóm lục bình hoa tím trôi lững thững. Loài cây thủy sinh này hình như cả đời không bao giờ biết đến những tham vọng lớn lao để mà vươn với lên cao. Cứ thong dong trôi theo dòng đời dâu bể để làm cho nước ngày càng trong vắt. Kể cả khi nước đã cạn khô, nó cũng không chết. Chỉ sau một trận mưa thôi, nó lại thong thả trôi vô nghĩ, vô lo. Chẳng bão tố nào có thể dập vùi. Tan tác đấy, rồi hợp lại rất nhanh … Bờ ao phía đông, hàng tre xõa mái tóc dài và đu đưa thân hình dẻo dai theo gió sớm. Bờ phía tây, ngả ra mặt ao là biết bao những cây vối, sung , ổi, bưởi, khế … của mọi nhà. Cây sung nhà tôi có lẽ lớn nhất. Mọi hôm ngồi trên cành sung ngắm cảnh ao và hóng gió cùng cô bạn, tôi không thể hình dung nó lại đẹp một vẻ đường bệ và nên thơ đến thế. Cái thân to xù xì mốc trắng nhưng lá cành vẫn mơn mởn xanh non. Đặc biệt là những chùm quả. Chi chít, thành dây dài rủ xuống. Ở những cành thấp thì những dây quả gần như chạm mặt nước. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng cá quẫy. Cha bảo đó là cá trắm nhảy lên đớp sung. Giống cá trắm thích nhất quả sung chín.

Những chiếc cầu ao lấp ló dưới tán cây. Có những cầu ghép gạch. Có những cầu ghép bằng ba bốn đoạn tre, hai đầu kê lên bậc của hai cái thang cũng bằng tre đóng chặt xuống lòng ao. Cầu ao, từ sáng đến khuya, luôn là nơi nhộn nhịp. Sáng sớm, đó là nơi rửa mặt, giặt quần áo. Nửa buổi, đó là chỗ vo gạo, rửa rau. Buổi trưa, tôi thường múc một thau nước ao, bỏ vào đó mấy quả bồ kết đã nướng và một nắm lá bưởi rồi bê ra giữa sân phơi nắng. Thế là chiều tối đã có một thau nước bồ kết để gội đầu. Chỉ có nước ăn uống là gánh ở giếng làng, còn mọi thứ dùng đến nước đều ở ao. Gội đầu xong, ngồi hong tóc trên chõng tre cạnh cầu ao nhà mình, tôi thèm thuồng nhìn bọn con trai con gái lớn bé bơi bì bõm dưới ao. Có thằng bơi mấy lượt ra “đảo Rùa”, đứng trên đó vẫy gọi í ới bọn dưới ao rồi lại bơi về. Có đứa ôm cây chuối đập nước tung tóe. Vài đứa con gái trạc tuổi tôi, để nguyên áo quần dài nhảy ùm xuống ao, bơi thoăn thoắt chẳng kém gì bọn con trai. Còn tôi, không hiểu sao tập mãi vẫn không thể bơi được. Tập bằng thau, bằng cây chuối … đều vô hiệu. Bắt hẳn chuồn chuồn Ngô cho cắn rốn đến chảy máu cũng chẳng ăn thua. Sau mấy lần uống no nước ao khi bị ụp thau hay khi buông tay khỏi thân cây chuối, tôi đã thôi ý định tập bơi. Vậy là, tôi chỉ có thể chờ khi trời tối, trăng lên, mới xuống cầu ao dội nước tắm ào ào. Những dòng trăng óng ánh tràn trề qua kẽ lá, chảy trên vai tôi cùng dòng nước cũng vàng óng những trăng. Dưới vòm cây tối sẫm, hình như trăng đã làm cả nước và tôi sáng lấp lóa. Xa xa, chỗ cái cống cong cong nối đoạn đường đồng làng tôi sang làng bên, có tiếng sáo vi vút và một cánh diều chao liệng dưới trời trăng. Tôi ước mình bơi được. Tôi sẽ nhảy ùm xuống nước bơi một mạch ra “đảo Rùa”. Tôi tin rằng dưới trăng thanh gió mát, giữa rừng hoa dành dành trắng ngát hương đêm, tôi sẽ biến thành một Ngọc Nữ chốn Bồng Lai. 
Năm tôi học Cấp Ba, người ta cải tạo Ao Rùa. Họ đào hết đất ở “đảo Rùa” đắp lên ba phía bờ ao rồi dựng ở đó một tấm biển đề “Ao cá Bác Hồ”. Nghe nói, cá này lấy từ ao cá của Bác Hồ về thả. Thì trước sau vẫn thả cá thôi mà! Mặt ao trở nên rộng mênh mông, nhưng “đảo Rùa” không còn. Tôi không cùng cha đi tìm ngan đẻ lang ở “đảo Rùa” nữa. Chiều về, bọn trẻ tắm ao không còn có cái đích để bơi đến bơi đi. Tôi tiếc nhất những bụi hoa dành dành trắng ngát. Ôi, xứ Bồng Lai của tôi! Chắc nó đã trở về nơi cõi Tiên xa lắc ở đâu đó rồi …
Những đêm trăng, gợn vàng trên mặt ao như to hơn, sóng sánh. Trong những bài văn của tôi thường có nhiều hình ảnh của làng quê. Ở đó, tràn ngập ánh trăng mơ màng, trắng ngát sắc hương hoa dành dành, bồng bềnh lục bình hoa tím, rì rào tiếng bờ tre và lăn tăn những gợn sóng vàng lấp loá mặt Ao Rùa … Năm lớp 12, tôi đạt giải quốc gia môn Văn và được tuyển thẳng vào Đại học. Hôm nhận được tin, tôi đã khắc lên thân cây sung già dòng lưu niệm. Những buổi trưa hè năm ấy, ngồi trên cành sung học bài để ôn thi Tốt nghiệp, trong cái oi nồng của mùa hạ, lòng tôi vui sướng đến lâng lâng. Niềm vui trải rộng theo những làn gió mát lành đưa lên từ mặt nước ao và lan đi xa mãi. Tôi lại mơ màng. Không phải để tưởng tượng mình thành Tiên Nữ giữa rừng hoa dành dành trắng ngát. Hoặc vẫn là Tiên Nữ, thì giờ đây, tôi đã có người thổi sáo của mình dưới cánh diều trăng. Đêm trăng, chúng tôi đi bên nhau trên đường quê. Bóng chúng tôi ngả dài xuống mặt nước ao trong leo lẻo và lung linh gợn vàng ...
Nhưng tất cả đã đi vào miền cổ tích! Bởi đó là hình ảnh của ao làng từ mấy mươi năm trước. Giờ đây, có tới hai cái ao làng đã biến thành những ngôi nhà tầng thấp, tầng cao. Ao Rùa rộng nhất cũng đã có một trang trại vịt hùng cứ mấy phần. Vịt trắng kín mặt ao. Các phía bờ ao đều được kè gạch đá. Không còn luỹ tre rì rào ca hát. Đêm trăng vẫn rất sáng trên làng quê nhưng không còn lung linh gợn vàng trên mặt ao lóng lánh. Ao có nhiều cá không mà chẳng nghe tiếng cá quẫy đớp sung? Trai gái chẳng còn thích nắm tay nhau dạo chơi trên đường làng để hai bóng ngả xuống mặt ao lấp loá. Cả anh nữa! Chàng Tiên Đồng áo xanh của tôi. Sau những đêm bước đi cùng nhau trên bờ ao, để cho tóc lúc thì nhuộm vàng những trăng, khi lại tối sẫm dưới vòm nhãn cành cong trĩu quả, chúng tôi còn đi cùng nhau vài đoạn đường nữa. Rồi tôi nhận ra rằng, những đoạn đường tôi muốn đi đều vô cùng nhỏ hẹp. Còn anh, anh thích những đường lớn thênh thang. Từ đêm trăng ấy, anh đi, đi mãi những đâu? Những con đường anh đi, không có tôi. Và anh chưa một lần nào nữa sóng bước cùng tôi soi bóng xuống mặt ao làng. Không bao giờ nữa …
Tất cả đã xa. Buồn ơi, ao làng!
(MH)

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Mỗi tuần một tin lạ: Cưới khoả thân - Tại sao không?

Mùa cưới đang rộ. Mỗi tuần được mời dự mấy đám cưới. Phong tục mỗi nơi một khác. Con gái mình cũng sắp cưới, thuê một bộ váy cưới mất 4 triệu trong một ngày. Chợt nhớ đến cảnh một số nơi người ta tổ chức cưới khoả thân chẳng cần phải quần áo. (Chắc ở những nơi đó không có cửa hàng cho thuê áo cưới). Xin giới thiệu với các bạn vài hình ảnh về những đám cưới khoả thân đó. Bạn nào muốn xem video quay trực tiếp thì VÀO ĐÂY (BBT)

Đám cưới nude tập thể
Vào ngày lễ Valentine năm 2012, 9 cặp đôi người Mỹ đã quyết định cùng nhau khỏa thân kết duyên chồng vợ. Họ quyết định cùng đeo nhẫn và trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào tại một đám cưới tập thể ngay cạnh bãi biển du lịch thơ mộng Negril, đảo Jamaica trong tình trạng "không quần áo".

Đối với Milly Salas, một phụ nữ đến từ hạt Bergen, bang New Jersey, đám cưới khỏa thân quả là một cảm giác vô cùng thú vị. "Thật tuyệt. Tôi có cảm giác như đang lạc vào chuyện cổ tích vậy", Salas chia sẻ sau khi tiến hành lễ cưới tại khu nghỉ dưỡng Hedonism. 
Zein Issa-Nakash, giám đốc kinh doanh của Hedonism, cho biết ý tưởng tổ chức đám cưới tập thể vào ngày Valentine kèm theo dịch vụ ăn ở miễn phí 4 đêm của công ty cô đã thu hút được hơn 100 cặp đôi đến từ Mỹ và Canada. Tuy nhiên chỉ có 10 cặp được chọn để tham gia lễ cưới "có một không hai" này. Một trong số 10 cặp trên đã bỏ cuộc sau khi biết tin đám cưới này sẽ được một đoàn làm phim tới ghi hình.
Kevin Young, đến từ Land O’ Lakes, bang Florida, cho hay việc khỏa thân tản bộ giữa thiên nhiên thơ mộng là điều anh thường làm vì hiện anh sống trong một cộng đồng những người yêu thích chủ nghĩa khỏa thân. Kết hôn trong tình trạng "không mảnh vải che thân" đối với anh và vợ Shannon Witherspoon không phải là vấn đề phải suy nghĩ nhiều. "Khỏa thân kết hôn khá dễ dàng đối với chúng tôi vì chúng tôi đã quá quen rồi. Tuy nhiên một số cặp đôi khác có vẻ vẫn còn ngượng ngùng vì họ chưa bao giờ như vậy khi ở chốn đông người", Young nói.
Theo Issa-Nakash, lễ cưới vào ngày Valentine vừa qua là lễ cưới nude đầu tiên tại khu nghĩ dưỡng này kể từ năm 2003. Cô cho biết trong buổi lễ này, họ không gặp phải nhiều sự phản đối từ các mục sư cũng như người dân trên đảo như lúc trước.
Năm 2001, thủ tướng Jamaica và sau đó là Bộ trưởng bộ Du lịch, ông Portia Simpson Miller, cho rằng khỏa thân kết hôn là một trong những điểm nổi bật và là điểm mạnh để thu hút khách du lịch tới quốc đảo thơ mộng này.
Đám cưới khỏa thân được ghi nhận lần đầu tiên tại California, Mỹ vào Năm 1942, nhưng người ta cho rằng nguồn gốc của nó đã hình thành từ nhiều thế kỷ trước.
Tại Mỹ có khoảng 300 câu lạc bộ và khu nghỉ dưỡng cho phép khách khỏa thân. Đây là những nơi lý tưởng để mọi người tổ chức những đám cưới khỏa thân mà không sợ vi phạm pháp luật cũng như sự nhòm ngó của thiên hạ. Một đám cưới khỏa thân không khác nhiều so với đám cưới bình thường, nó vẫn được tiến hành với đầy đủ nghi lễ. Quan khách đến dự không bắt buộc phải khỏa thân. Cô dâu chú rễ thì có thể nude 99%. Nhưng một vài trang phục cưới truyền thống thì không thể thiếu như khăn voan hoặc mạng che mặt, bó hoa cho cô dâu, mũ hoặc cà vạt cho chú rễ, đôi khi là giày dép cho hai người nữa. Càng ngày càng có nhiều người có khuynh hướng "tìm về với thiên nhiên", số lượng đám cưới khỏa thân như thế này càng tăng cao và dịch vụ đám cưới nude làm ăn rất phát đạt tạo ra những khoản doanh thu và lợi nhuận khổng lồ...