Xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện rất thực do chính Cố Thi sĩ Hoàng Cầm kể lại khi còn sống, đã đăng trên trang Blog: Lethieunhon.com. Câu chuyện sẽ giúp đọc giả hiểu biết thêm về sự lãng mạn và tính dị thường của những người trời phú cho năng khiếu văn chương. (BBT)
Tôi thực sự cũng không hiểu vì sao mà tôi sớm bước vào cửa của tình yêu. Sớm quá! Có lẻ chỉ thua Môza một tí thôi! Từ 8 tuổi đầu, tôi đã say mê như người mười tám, đôi mươi say mê nhau. Lúc đó, tôi vẫn đi trọ học ở tỉnh. Vì nhớ mẹ cho nên cứ chiều thứ 4, thứ 7 hoặc những ngày lễ, tôi nghỉ học, đáp tàu từ ga Phủ Lạng Thương để 15 phút sau đã có mặt ở nhà, thường là buổi chiều, đã nắng xiên khoai rồi.
Một buổi chiều như thế, tôi thấy một người con gái như đang mua cái gì đó của mẹ tôi, hình như một chút phẩm xanh xanh đỏ đỏ thì phải. Khi nhìn thấy cô ấy, tôi bị…sét đánh, ngất xỉu. Trước mắt tôi đúng là một thiên thần. chị đó tên là Vinh, mới đến phố tôi mấy hôm. Bố chị Vinh là nhà nho, mất sớm, nhà chị chỉ còn mẹ, một đứa em lên bốn lên năm gì đó…và chị Vinh. Nhà chị ở xế nhà tôi, bên kia đường số 1 khoảng 20 mét, chung một dãy phố nghèo lác đác những quán hàng bánh đa bánh đúc, kẹo bánh, nước chè tươi và mấy hàng thợ may, hàng thuốc bắc, bễ lò rèn nho nhỏ…
Tôi say mê chị Vinh đến mức thờ thẫn, không ngó ngàng gì đến bài vở, học hành. Ngay từ phút đầu, mẹ tôi đã hiểu, hiểu rằng thằng con trai đầu lòng đã phải lòng. Chị Vinh hơn tôi 8 tuổi, năm ấy 16 tuổi, còn tôi lên 8. Tôi lẽo đẽo theo chị, suốt ngày đứng ngó sang bên kia đường số 1, nơi đó có “ thiên thần của tôi” đang ngồi bán chè tươi, bánh đa bánh đúc. Bố của chị vốn là một ông Tú, vì thế chị rất giỏi chữ Nho, còn tôi chỉ biết chút ít tiếng Pháp. Đặc biệt, chị hát quan họ rất hay. Có lẽ khi mẹ tôi 17 tuổi cũng hát hay như thế. Còn đẹp thì, nếu chị ấy đẹp 10 phần, mẹ tôi may ra được 6-7 phần. Tôi cứ thế mê man cho đến khi 12 tuổi. Cuối năm tôi 12 tuổi đó, chị đi lấy chồng. Trước đó, tôi nào hay biết, cứ theo đuổi như thường. Chị ấy đi đâu, ra bến sông hay ra chợ, lên ga…tôi cũng bám theo, tất nhiên là không nói gì cả, có gọi cũng gọi bằng chị thôi. Trước tiên, đó là tiếng chị bình thường, về sau thành tiếng chị của thơ. Đầu tiên, tôi xưng em là bình thường, nhưng đến khi có “ Lá diêu bông” tiếng “em” đó cũng trở nên tiếng của thơ, bao giờ cũng được tôi viết hoa, cả chữ “chị” cũng vậy.
Có một buổi chiều mùa rét, sau vụ gặt tháng 10…
Khoan, tôi muốn nhắc lại một chút về những ngày trước buổi chiều mùa đông năm ấy. Tôi vốn thích thơ lục bát. Có một lần, vừa trở lại trường vào sáng thứ hai đầu tuần, tôi viết ngay một bài thơ lục bát để tặng chị. Tôi còn nhớ, bài thơ ấy tôi viết bằng mực tím, đầu đề viết bằng bút chì xanh đỏ của học sinh ngày trước, vẽ cả hoa, chim , bướm, cả hình sông núi ở phần trên…tôi đề “gởi chị Vinh của em”, và sau đó là bài thơ lục bát dài hai trang giấy học sinh. Bài thơ đó, nếu giờ đây ai tìm lại cho tôi, cho tôi đọc lại một lần thôi, bắt tôi chết ngay, tôi cũng vui lòng. Nhưng tiếc quá, chẳng thấy đâu cả. Trời bắt tôi phải sống để chịu mệnh diêu bông này.
Trong suốt thời gian trước khi lấy chồng, chị thường hay tổ chức những đêm hát trong làng Như Thiết, ở sau phố Như Thiết của tôi (cái tên Như Thiết rắn chắc thế nhưng không hiểu sao cho tôi gặp được cái mềm như diêu bông). Chị, ngay từ đầu cũng thừa hiểu, rằng cậu bé con là tôi đang say mê mình. Từ tia mắt nhìn đến cách trò chuyện của chị nói với tôi điều ấy. Vào những dịp tết, chị hay cho tôi ngồi bên cạnh xem chị đánh tam cúc, để sau này tôi khắc khoải viết những câu thơ “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm. Em đùng lớn nữa, chị đừng đi”. Ngày nào cũng vậy, chị cũng rủ tôi theo và cho ngồi bên cạnh. Đó là những ngày hạnh phúc không gì so sánh được của đời tôi. Chưa kể những lần tôi theo chị đi hát quan họ ở sân ga hay hát ống ở con ngòi Ngũ Huyện khê ( tên trong địa chỉ là Tiêu Tương giang). Tôi hay được chọn để hát ống với chị, có lẽ nhờ tôi có giọng hát mà chị Vinh thích, mặc dầu tôi bé hơn chị 8 tuổi.
Một buổi chiều, hình như là nhân dịp Giáng Sinh, đang thơ thẩn ở sân, tôi thấy chị ra khỏi nhà. Chiều vắng, quá 4-5 giờ thì phải, trời vẫn đẹp, nắng vẫn vàng. Cảnh đẹp, không khí trong lành và người thì thiên thần. Tôi còn nhớ như in là chị mặc chiếc áo cánh, ống tay hơi rộng, bằng lụa màu mỡ gà đã cũ. Tôi đi sau nên thấy dưới vai chị có một mụn vá, cũng bằng lụa nỡ gà, hơi khác màu một chút. Chíếc yếm chị mặc là yếm lòng trai (màu tím hống của mặt trong con trai). Trong bài thơ “Vuờn ổi“ của tôi sau này có đoạn: “Em mười hai tuổi tìm theo chị. Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa. Đi ngày tháng lại không tìm thấy. Dải yếm lòng trai mãi phất cờ”. Phía ngoài, vì trời lạnh, chị mặc chiếc áo ghi lê màu tím nhạt thắt đáy. Phía dưới là chiếc váy lụa và chiếc thắt lưng hồng điều. Chiếc váy lụa đã cũ nên rất mềm mại. Theo “mốt” Đình Bảng lúc bấy giờ, các cô mặc thế nào không biết nhưng dưới mép của váy xuống đến mắt cá chân, võng xuống như cửa võng, uốn lượn rất mềm mại. một cái váy đẹp nhất, thắt mở thế nào không biết…càng đuợc nhiều ply càng “mốt”, càng “cao thủ”. Bốn ply là ghê nhất. Chị Vinh thường mặc váy độ 3 ply, thế cũng là ghê lắm rồi. Đi lại trước một người mặc váy như vậy, có cảm giác sóng cuốn dưới chân.
Chị Vinh đi ra cánh đồng, tôi theo sau cách độ 3-4 mét, im lặng. Chị ấy tìm bới thứ gì đó trong những búi cây dại, những búi cỏ to ở những bờ ruộng, những gò nấm mấp mô trên đồng. Khi lên tìm ở một cái gò, chị ấy quay lại, đứng thẳng người lên, mà không phải là nhìn tôi, hai mắt ngó lơ đểnh về phía chân trời như đang ngắm một dải mây nào xa lắm. Chị ấy mắng tôi như thế này, gọi là mắng nhưng hình như là chị ấy tự nói với chính mình: “Ơ, sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?”. Đúng ngần ấy chữ, không sai một từ đâu! Máu trong người tôi bỗng chảy rất đều, rất mạnh, rất nhịp nhàng từ chân lên tới đầu. rần rật, rần rật..Người tôi ấm lên, nghe như có tiếng reo trong máu.
Tôi im lặng. Chị ấy lại tiếp tục đi tìm. Đến một cái gò khác, sau khi đã đi qua những mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, tôi hỏi “ Chị tìm gì đấy?”. Lần nầy, chị ấy đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói rằng: “Chị tìm cái lá… ấy đấy!”
Tôi nghe chị nói rõ ràng tên lá gồm hai tiếng, sau đó chỉ ít lâu là tôi quên, nhưng tôi đoán cái lá đó là có thật nhưng cực kỳ khó tìm. Phải có thật thì chị ấy mới tìm khổ sở thế chứ? Có thể cái lá đó có thể chữa một bệnh hiểm nghèo gì đó, hoặc có tác dụng nào đó tăng thêm nhan sắc chăng? Tôi chỉ nghĩ được đến thế thôi! Tên lá thì tôi quên rất nhanh, nhưng câu nói của chị thì tôi nhớ rành rọt vì chủ từ nó rất khác nhau: “Chị đi tìm lá ..ấy đấy. đứa nào tìm được lá ấy, ta gọi là chồng!”. Không phải tao như nhiều người vẫn nhớ và đọc mà là “ ta “. Câu nói ấy của chị làm mặt tôi nóng bừng nhưng chân thì lạnh, lạnh vô cùng.
Và kỷ niệm cũng chỉ dừng lại ở đó. còn cuộc đời chị về sau, tôi chỉ xin nói là “ hồng nhan, bạc phận” mà thôi.
Thế rồi…
Lại xin nói một chút về cái năm tôi 12 tuổi, đoạn cuối của những ngày đẹp nhất của tôi.
Từ Noel đến trước Tết năm đó, một buổi chiều, cũng thứ 7. Khi tôi về đến nhà thì tia mắt tôi đã hướng về căn nhà ấy, nhà chị Vinh. Cửa đóng, tôi thấy lạnh ở ngực. Bước vào nhà, mẹ tôi đang ngồi ở chõng, tôi hỏi ngay, không kịp chào hỏi mẹ như mọi lần:
- Mẹ ơi, sao bên chị Vinh lại đóng cửa thế nhỉ?
Mẹ tôi thừa biết đứa con trai của mình. Mẹ rơm rớm nước mắt:
- Nó đi lấy chồng rồi, con ạ!
Mới nói có thế thôi, tôi òa lên khóc, khóc như một tiếng nổ, một cuộc nổ vỡ nào đó ở vũ trụ này. Mẹ tôi, chắc là muốn an ủi tôi, nói thêm ( không biết là có thật hay không):
- Trước khi cưới, nó cũng có sang để chào mẹ và nói rằng : bác nói với em Việt ( tên khai sinh của tôi) là chị Vinh gởi lời chào. Ngày nào em Việt lấy vợ thì nhớ nói cho chị biết để chị mừng cho em!
Tôi gục hẳn vào lòng mẹ tôi, khóc suốt buổi chiều, cho đến khi không biết là ở đâu xuất hiện bố tôi về. Tôi im lặng, không dám khóc nữa. Mẹ lau mặt cho tôi và bảo tôi xuống bếp lấy cơm ăn…
Hai mươi lăm năm sau, tức là năm 1959 ( câu chuyện vừa kể xảy ra năm 1934) cũng vào đúng cái mùa ấy. Một đêm, tôi ở Lý Quốc Sư - Hà Nội, có lẽ quá nửa khuya rồi, tôi trằn trọc nửa thức nửa ngủ, nửa mê nửa tỉnh. Lạ lắm, bồn chồn kinh khủng, nhưng sợ động giấc ngủ của vợ con nên đành nằm im trên giường. Xin mở ngoặc một chút : tôi thừơng bị mất những câu thơ, có khi 2 hoặc 4 câu ( khi thì lục bát, song thất lục bát. Tôi vẫn cổ điển như thế, không có cách tân gì cả). Đêm nằm, những câu thơ chợt đến, tôi chủ quan cho rằng mai chép lại cũng được, rồi lại nằm, nhưng chỉ vài ba phút thậm chí một phút sau thôi, muốn nhớ lại cũng không thể nhớ được. Tôi rút kinh nghiệm, bao giờ đi ngủ cũng có tờ giấy và mẩu bút chì bên cạnh, bao giờ cũng nằm nghiêng về bên trái.
Trong cái đêm bồn chồn ấy, tôi chợt nghe tiếng văng vẳng bên tai như có ai nói, giọng phụ nữ, không phải giọng chị Vinh, không phải xa xôi lắm như tự kiếp nào chứ không phải của kiếp này. Vậy mà rất trong, rõ ràng, có lên xuống trầm bổng hẳn hoi, không phải như ta nói chuyện thường, cũng không phải giọng mẹ tôi, không phải bất cứ người nào, thánh thót êm ái lắm, giọng đọc chính tả . Rất đều đặn, nhịp nhàng từ đầu đến cuối. Tôi quơ giấy bút chép lại cái giọng đọc xa xôi kia. Cho đến câu cuối cùng, người tôi nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, rất thảnh thơi. Sáng hôm sau, thức dậy tôi lại bàn bật đèn ( vì trời đã sáng nhưng trong nhà còn tối) ngồi tách những câu thơ ra, vì ban đêm, viết dưới ngọn đèn ngủ 6 oát mờ mờ, dòng nọ đè lên dòng kia, có khi hai ba dòng đè lên nhau. Mất cả tiếng đồng hồ mới tách chúng ra xong. “Lá Diêu Bông” đã ra đời như thế. Bài thơ ấy, cho đến bây giờ vẫn nguyên vẹn, không sửa chữa chữ nào cả. Sau đó, tôi tập hợp một số bài viết trong thời gian này, cùng với “Lá Diêu Bông” làm thành tập “ Về Kinh Bắc”. Tập thơ ấy gồm những khối bài, nhóm bài, đề tài khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là về Kinh Bắc, là sự nhớ lại thời xa xưa trên mảnh đất quê hương, từ kiếp trước đến kiếp này. Kết thúc tập thơ, tôi viết hai câu như thế này: Bốn mươi bảy bài thơ tám nhịp Tuần dâu chưa vợi khối ân tình
Từng bài thơ trong tập có thể tách riêng, nhưng sự thực, chúng đều nằm trong một khối thống nhất, một cõi-duy-nhất, trong đó, tôi cho rằng bài “ Lá Diêu Bông “ là bài thơ định mệnh của đời tôi.
Hoàng Cầm(Theo lethieunhon.com)
Mời các bạn nghe bài hát Chuyện tình lá diêu bông do Thu Hiền trình bày nhé
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét