Từ bốn mươi năm nay vào dịp 20 tháng 11 hàng năm lớp chúng tôi vẫn thường đến thăm chúc mừng cô giáo chủ nhiệm 3 năm cấp II của chúng tôi. Cô tên là Tạ Thị Tuyết dạy văn chúng tôi các lớp 5i, 6g, 7g trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội thời gian 1971-1974. Nhà cô trước ở đầu phố Nam Bộ, nay là đường Lê Duẩn, rồi chuyển đến khu Giảng Võ, sau lại chuyển đến khu Nam Đồng cho đến nay.
Bọn tôi thường hẹn nhau đến tập hợp ở một quán cà phê trên đường Trần Hữu Tước, bên bờ hồ Nam Đồng, đợi đông đủ mọi người đến rồi lên thăm cô. Cô ở trong căn hộ tầng hai, nhà rất đơn sơ. Chúng tôi thường mua hoa tặng cô, mua thêm hoa quả để cũng ăn với cô. Cô không đồng ý nhận quà có giá trị. Một năm mùa hè rất nóng bọn tôi góp tiền mua tặng cô một cái tủ lạnh nhỏ, mang đến nhà cô rồi, nhưng cô nhất định không nhận, lại phải trả lại. Có hôm trời đẹp cô tiễn bọn tôi đến tận bờ hồ Nam Đồng, thế là lại ngồi uống cà phê tiếp, cả chồng cô cũng ra ngồi cùng rất vui.
Phòng khách nhà cô chỉ khoảng 7-8 m2 bọn tôi đến chục người là khá chật, cánh nữ thì xúm vào nói chuyện như điên, nhức hết cả đầu. Tôi thường chỉ ngồi im. Có một năm tôi đi công tác xa lâu ngày, trước khi đi rủ mấy bạn đến thăm cô. Lần này tôi mới có dịp đi lại ngó nghiêng phòng khách nhà cô. Một bể cá vàng bé, một bức tranh chữ tâm nhỏ treo trên tường, cạnh đấy là cái bàn thờ, trên bàn thờ có đặt một khung trong có tờ giấy viết chữ nho. Tôi lại gần nhìn kỹ thì hóa ra là bài thơ Đăng cao của Đỗ Phủ một nhà thơ lớn thời Đường, mà trong Di chúc của Hồ Chủ tịch có trích dẫn thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy, Người sống bảy mươi xưa nay hiếm”. Tôi hỏi cô về nguồn gốc bài thơ này. Cô nói là từ thời ông nội chú, bây giờ không ai biết nghĩa là gì nữa. Tôi dịch bài thơ này và gửi cho bạn bè trong lớp cũ, mọi người rất quan tâm. Dưới đây là bài thơ đó:
Đăng cao
Phong cấp, thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh, sa bạch điểu phi hồi
Vô cùng lạc diệp tiêu tiêu há
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.
Đỗ Phủ
Ý là:
Lên cao ngắm cảnh
Gió thổi nhanh, bầu trời cao vút, vượn kêu thê lương.
Bờ sông xanh mướt, cát trắng, chim (diều hâu bắt cá) lượn vòng trên trời.
Trong tiết thu lạnh lẽo lá rụng ào ạt không giới hạn.
Trên sông lớn nước chảy cuồn cuộn không ngừng.
Mùa thu đến lại buồn vì thường phải làm khách xa nhà vạn dặm.
Cuộc đời trăm năm, nhiều bệnh, thế mà vẫn gắng bước lên đài cao ngắm cảnh (lo cho đất nước).
Cả đời vất vả, khổ sở, lại hận vì tóc mai đã bạc nhiều rồi (già rồi).
Bước đi chuệnh choạng, đành phải tạm ngừng chén rượu đục.
Có một dị bản của bài thơ này là chữ thứ 4 của câu 3, các cụ ta vẫn dùng là chữ diệp 葉 lá,trong khi các bản tiếng Trung hiện nay dùng là mộc 木 cây.
Đây là một bài thơ hay của Đỗ Phủ làm trong những năm cuối đời, được người đời đánh giá rất cao vì văn chữ hay và nỗi lòng ưu quốc của một người tuy tuổi tác, ốm đau, xa nhà vẫn luôn lo lắng cho đất nước đang gặp cảnh khó khăn, lúc đó nhà Đường đang gặp loạn An Lộc Sơn.
Tôi vẫn nghĩ vì lý do gì mà các cụ lại đặt bài thơ này trên bàn thờ. Để bình luận văn thơ là một chuyện, còn đặt trên bàn thờ là một chuyện khác, phải có lý do gì đó. Đầu tháng 9 vừa rồi nhận được tin báo chồng cô mất. Đến viếng tôi mới ngờ ngợ nhận ra lý do của bài thơ đó. Chú Nguyễn Thúc Tùng, chồng cô là đại tá, phó Giám viện Quân y 108, học y thời Pháp, theo cách mạng, tham gia kháng chiến, sang Liên Xô đợt đầu tiên học Phó tiến sỹ y khoa, năm nay 98 tuổi, vốn thuộc gia đình nổi tiếng khoa bảng ở Nam Đàn, Nghệ An. Ông nội chú là Nguyến Thúc Kiều, thi đỗ làm quan lúc Pháp xâm chiếm Việt Nam, cụ từ quan về nhà dạy học, khi nghe tin kinh thành Huế thất thủ năm 1885 cụ buồn rầu, than thở một thời gian rồi ra đi.
Nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu là học trò yêu của cụ. Phan Bội Châu viết trong cuốn Phan Bội Châu niên biểu (NXB Văn Sử Địa – Hà Nội): “…Năm 13 tuổi, tôi vẫn ở nhà học cha tôi và xin tập văn ở trường Nguyễn tiên sinh ở làng Xuân Liễu. Tiên sinh tên là Kiều rất thâm thuý về Hán học. Tiên sinh rất yêu tôi, nhiều lúc Người đã đi mượn sách quý của các đại gia về cho tôi đọc, nhờ thế tôi được hiểu biết thêm nhiều (trang 26)”.
Năm 1925 trong cảnh bị Pháp giam lỏng Huế, cụ Phan đã làm bài văn bia tưởng nhớ thầy học của mình, trong đó có đoạn: “…Trong khoảng Hùng sơn Lam thuỷ có khí thịnh bàng bạc chung đúc nên người, thỉnh thoảng lại có bậc anh hùng tuấn tú xuất hiện. Tiên sinh sinh ra là người đĩnh ngộ, tính ham đọc sách, ít nói cười. Được lệnh tiên công truyền dạy lối từ chương cử nghiệp, tiên sinh hạ bút là thành văn…Cuối đời Tự Đức, quân Tây dương thuận dòng sông nước xâm phạm kinh thành, tiên sinh bèn bỏ quan, rời khỏi đế đô, lui về lo việc tu dưỡng cuối đời. Tiên sinh đóng cửa, chỉ lo dậy học trò và để tâm vào sự nghiệp trước tác, ngâm nga ca vịnh, thả lòng theo cảnh núi non, sông nước; nếu có ai đem việc thế tục đến hỏi thì tiên sinh chỉ trậm mặc không đáp… Châu tôi lúc còn trẻ được hầu tiên sinh, học tập được rất nhiều ở phẩm hạnh của tiên sinh.
Có lẽ nỗi lòng khi cuối đời của cụ Nguyễn Thúc Kiều có đồng cảm với bài thơ Đăng cao của Đỗ Phủ chăng?
Dịp 20 tháng 11 năm nay chúng tôi đến thăm cô, cô yếu nhiều lắm. Từ mấy năm nay cô bị tai biến, chỉ nằm, các loại dây truyền đầy người, thế mà vẫn nhận ra từng người chúng tôi, vẫn còn nhắc đến quyển thơ tôi kính tặng cô chú lần đến thăm trước. Cô năm nay 88 tuổi rồi, lại bệnh nặng nữa. Tôi muốn kính tặng cô quyển thơ tiếng Pháp dịch của tôi “Souviens t’en, Nhớ chuyện nay” đang đợi xuất bản, người ta hứa rằng trước cuối năm nay. Nhớ lại lúc cô còn khỏe, khi nói chuyện vẫn chen những câu tiếng Pháp, đúng là dân học Pháp xưa. Tôi nhìn quanh thấy bàn thờ đã thay đổi, không thấy bài thơ đó nữa, hỏi mọi người, chẳng ai trả lời, Tôi lại ngồi im.
(TĐP, 20-11-2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét