xe tay trên thành phố Andasibe cách thủ đô khoảng 100 km |
Có ra ngoài một ngày đàng, mới thấy mình còn hàng sàng ngu. Nói thật với các đồng bào yêu mến, rằng các bạn cũng như tôi thôi, đang sống trong những ngày ngu.
Chúng ta hàng ngày nói băm bổ, nói thuộc lòng về cái gọi là “mở cửa”, về “thế giới phẳng”, nhưng thật sự chúng ta không biết hành động trong cái thế giới ấy như thế nào cả. Nói “chúng ta”, tức là các bạn và tôi, thì cũng hơi oan, đúng hơn là những người có chức vụ cao hơn, có thể nói một lời có gang có thép. “Chúng ta” là những công dân không biết mình đang tối tăm.
Gần đây, có một bạn trẻ viết sách kể một năm đi 25 nước… Có những chi tiết bạn ấy cường điệu, nhưng tôi tin rằng, đó là đại diện của một thế hệ mới người Việt, mà coi chuyện đi đến các nước cũng là một cuộc sống đẹp có ý nghĩa. Cũng có những ý kiến phản bác, mà tôi cho rằng không đáng như vậy, vì các bạn coi chuyện đi ra nước ngoài là chuyện gì đó khác lắm…
Nếu bạn đến sân bay Băng –cốc, hay Doha, bạn sẽ thấy dòng người vô tận, đủ các màu da đi du lịch. Đặc biệt, có những thanh niên học đại học dành kỳ hè đi bụi qua các nước, hoặc tốt nghiệp đại học chưa đi làm vội, tận dụng thời gian son rỗi đi đến các nước khác nhau, càng xa càng tốt. Rất hãn hữu, như mò kim đáy biển, mới thấy có 1 người Việt, hoặc một người Triều Tiên.
Nhìn người lại ngẫm đến ta, có nhiều vấn đề… Thứ nhất, đó là hải quan sân bay.
Hải quan sân bay các nước rất nghiêm túc, nhưng cũng rất niềm nở. Không thấy ở đâu có thái độ trịch thượng khó chịu như ở Nội Bài. Madagascar có sân bay thủ đô bé tý, ngang với cái Cat-Bi 20 năm trước, ấy vậy mà hải quan của họ chứng tỏ họ là một sân bay không nhỏ. Khi tôi gửi hàng, quá 3 kg, nhân viên check –in bảo: Quá rồi. Nhưng lập tức họ cho qua, tươi cười nói: Lần này thôi nhé, mong rằng bạn đến Madagascar nhiều niềm vui. Cũng cái va-li ấy ở Nội Bài, trong chuyến đi Mông Cổ, nhân viên check-in người Việt kiên quyết bắt tôi bỏ ra 3kg, hoặc đóng thêm cước phí. Các ông Tây khác cũng bị như vậy. Tôi không đi trên Vietnam Airline, vậy thì số tiền quá cước đó không phải chảy vào túi Vietnam Airline, nhưng cái chính là trong suy nghĩ của nhân viên sân bay, không cần quan tâm đến hành khách có niềm vui hay không. Tại Madagascar, nhân viên check-in bảo tôi: Tao có lý, vì rất nhiều người không mang đủ 20 kg, nhưng lần sau mày đừng đóng quá cân thế nữa. Tôi bất chợt kính trọng con người của đất nước nghèo hơn nước mình.
Nhiều Việt kiều ở Mỹ, Canada… kể lại các câu chuyện về Hải quan Tân Sơn Nhất, đã cố tình lục tung hàng hóa, săm soi chỉ mong người ta kẹp vào đó 10 đô la, rồi cho qua. Cái này tôi chỉ nghe, chứ chưa chứng kiến. Làm như vậy thì nhục quốc thể quá.
ký hiệu vào WC nam và nữ tại Khách sạn Benzanozano (Andasibe) |
Vấn đề thứ ba, chính yếu nhất, đó là tư duy trong quan niệm của người Việt về chuyện đi nước ngoài.
Người Việt xưa nay, theo điều kiện bao cấp, coi chuyện đi nước ngoài như một ân huệ. Có thời, khi đi thì Bộ Ngoại giao còn cho mượn 1 bộ comple, mặc xúng xính rồi đến đó trả lại. Rồi một thời đi nước ngoài, đến các nước để lao động kiếm sống. Rồi lại một thời, ra đi là vượt biên, tự nguyện hay bắt buộc phải ra đi. Xét cho cùng, chuyện đi nước ngoài đối với người Việt có truyền thống “nghiêm trọng”. Chỉ gần đây, khi các tua du lịch giá rẻ mở rộ, thì mới có nhúc nhắc một số ít đi ra ngoài. Hoặc là các bạn thật giàu, đi đến các nước giàu để vui thú và hưởng thụ. Hoặc là các bạn không giàu không nghèo, đi du lịch theo tua, chạy bở hơi tai để kết thúc một tua mua sắm.
Tôi và đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Lê Thi nói với nhau, đi nước ngoài, ngại nhất là mua quà. Vì trong tư duy người Việt ta, đi nước ngoài là “được đi”, là sướng. Đâu biết rằng, hiện nay đi nước ngoài có mấy dạng: Một là hội nghị, hội thảo, thường là các bạn quan chức, rời máy bay sau đó chu du trong các khách sạn như cái hộp sang trọng, chỉ có ½ ngày đi mua cái gì đó, đi kiểu này chắc là chả biết người dân sống như nào, văn hóa đời sống ra răng. Có thể đi “trả thù dân tộc”, vào khu đèn đỏ để biết cái thú vui hiếm gặp trong đời. Dạng thứ hai là đi làm việc, thì cũng vậy, có thể phải đến những nước nghèo, như Lào, Mông Cổ, đến Thái Lan cũng còn xa Pattaya, xa Băng Cốc, mà chỉ hoen hoen bờ sông Mê Công. Chả biết mua sắm cái gì cho bè bạn, mà không mua quà thì áy náy.
Bao giờ thì người Việt có thể “xách ba lô lên và đi” như em Huyền Chíp. Thôi kệ những cường điệu, hoặc nghi ngờ. Nhưng quả thật thế giới đang sống như vậy. Nếu có đến các nước, chúng ta mới biết chúng ta đang ở đâu, tự tin sống tiếp hoặc tự tin từ bỏ cái gì đó đã hằn sâu trong suy nghĩ của ta.
Khi đến Mông Cổ, tôi mới vỡ lẽ, người Mông Cổ không hề khổ hay nghèo như chúng ta tưởng. Họ sống cuộc sống như cha ông họ 2000 năm nay, ăn thịt sạch, rau sạch hoàn toàn thiên nhiên hoang dã. Họ đã đa đảng, mang Xukhe Bato đi chôn ở ngoại ô, chứ không để mộ ở trung tâm thành phố. Song, người lập nên chế độ đa đảng, từ bỏ chế độ cộng sản thì lại là học sinh tiên tiến của một trường mang tên Hồ Chí Minh. Mọi tượng đài Lê-nin, Các Mác đều bị bỏ, nhưng tượng đài Hồ Chí Minh thì vẫn còn ở thủ đô. Vân vân… Sau một chuyến đi, bao giờ tâm trí các bạn cũng như được tắm gội, đón chào một luồng gió mới…
Tuy nhiên, người Việt vẫn mang một tâm lý đi nước ngoài là đi hưởng thụ, đi đến nơi sung sướng, chứ không quan niệm đó là một cuộc khám phá thế giới hấp dẫn. Nếu không thế, người ta chả tấm tắc bảo: Đi nước ngoài à? Sướng thế. Bạn chấp nhận phải cuốc bộ trong các cuộc hành trình đến các miền quê, nếm thứ ăn người địa phương, quan sát, so sánh, xem xét đời sống. Có khi phải đối mặt với những thứ ngớ ngẩn hoặc nguy hiểm. Tôi sẽ kể cho các bạn về du lịch châu Phi, đôi khi cười ra nước mắt. Từ đó, thấy rõ hơn, yêu hơn đất nước mình. Ví dụ, tôi đến Madagascar, quan sát cách họ duy trì các công trình của người Pháp, tôi lại nhớ nhà văn Hà Đình Cẩn. Ông Cẩn sưu tầm lài liệu về Tam Đảo, suýt xoa tiếc ngẩn người. Người Pháp đã xây dựng ở Tam Đảo trước năm 1945, gần 200 biệt thự, đó là một thành phố rất hiện đại, nhưng năm 1947, du kích ta đã phá tan hầu hết thị trấn, lửa cháy một tháng không dứt. Giờ đây, chúng ta chỉ còn biết than khóc cho quá khứ trên đống hoang tàn. Tôi tưởng tượng, thủ đô Antananarivo cũng không thể đẹp bằng Tam Đảo của người Pháp.
Người Pháp chiếm Madagascar đồng thời gần như lúc mà họ chiếm Nam Kỳ, cũng 1 tiểu đội lính, một cái tàu, mấy khẩu đại bác, thế là chiếm xong một thành phố. Nhưng từ sau năm 1960 đến nay, di sản của người Pháp đã in đậm lên đời sống Madagascar. Đến đây, tôi như thấy lại hình ảnh Việt Nam nửa thế kỷ trước. Đường phố, nhà ga, cầu cống… như ở Việt Nam. Cách thủ đô 100 km, có một thành phố mà xe tay còn chạy nhởn nhơ, còn toàn dân thì nói tiếng Pháp. Anh bạn người địa phương nói với tôi: Phá ư? Không cần. Để lại là cách trả thù kẻ đô hộ tốt nhất. Đó cũng là cái lý của AQ, nhưng quả thật họ không phá cái gì, và so với Việt Nam thì họ được nhiều hơn...
Đại khái thế. Khi nào thế hệ trẻ Việt Nam coi đi nước ngoài như một kỳ khám phá, dấn thân, thì cái khẩu hiệu về thế giới phẳng mới thật sự sống động trong đầu óc người Việt. Khi nào nhà cầm quyền khuyến khích du lịch, làm cho người Việt có tư thế đáng trọng, thì người Việt mới có điều kiện đi ra thế giới mà không bị khinh miệt. Trên các chuyến bay của Qatar, tôi thấy có khác nhiều cô gái Nhật, Hàn Quốc làm tiếp viên. Họ làm thuê. Chuyện đi làm tiếp viên thuê cũng như chúng ta ra thành phố làm ăn vậy thôi. Họ có tư thế của một đất nước đàng hoàng.
Người Việt, kể cả người trẻ, cũng hiểu rất thiên lệch về “mở cửa”. Đó không phải chỉ là gọi các công ty cá mập nước ngoài vào, lấy đất lúa bờ xôi ruộng mật của Viêt Nam làm công nghiệp, rồi xả chất thải xuống sông ngòi của chúng ta. Mở cửa, không phải là vay tiền nước ngoài xây cầu cống, hoặc đi du học tự túc. Mở cửa trước hết phải mở mang đầu óc của dân ta, bằng chính những chính sách khuyến khích đi du lịch ra nước ngoài, suy nghĩ khác về thực tại. Các ông già thường so sánh ngày nay với ngày xưa (thậm chí ngày xưa Cách mạng tháng Tám). Còn người trẻ thì đã so nơi này với nơi kia. Các ông già cho đến nay vẫn nhấm nháp đề thi “Vợ nhặt”, hoặc “Tắt đèn”, hoặc “Việt Bắc”. Còn các ông trẻ, chắc chắn lại thích ăn món khác… Khi người ta dầm chân trong nước lụt TPHCM, sao không cho thanh niên ăn món người Hà Lan sống dưới mực nước biển thế nào chẳng hạn…
Tôi đã già, hy vọng rằng các bạn trên dưới đôi mươi, ba mươi sẽ đi ra ngoài nhiều hơn, nghĩ khác đi những gì người lớn đã áp đặt cho các bạn.
Tôi đã già, hy vọng rằng các bạn trên dưới đôi mươi, ba mươi sẽ đi ra ngoài nhiều hơn, nghĩ khác đi những gì người lớn đã áp đặt cho các bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét