Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Thơ của Nhà kế hoạch Lê Duy Phương

Lê Duy Phương (sinh năm 1939) đã có thơ đăng từ những ngày đầu miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Nguyễn Công Trứ của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Tuy anh đã từng là Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, chuyên viên cao cấp nhưng tâm hồn lại rất thi sĩ. Khai bút 2004 anh đã viết:
Sáu mươi năm tuổi có gì đâu
Hình như tất cả mới bắt đầu
Kế hoạch làm thơ và viết báo
Ba nghề ba nghiệp mấy nông sâu.
Anh đã in trên 10 tập thơ người lớn và 4 tập thơ thiếu nhi. Hai lần được giải thơ báo văn nghệ năm 1973 và năm 2000; một lần giải thơ thiếu nhi và giải thơ Nguyễn Du năm 1996.
Anh khẳng định: “Không có nghề nào là nghề tay trái với tôi, nghề nào cũng tay phải cả, không say không hết mình, không tử vì "đạo" thì chẳng làm gì được cả”.
 Sau đây xin giới thiệu với các bạn một bài thơ của tác giả Lê Duy Phương mà tôi rất tâm đắc và yêu thích.
HẠT THÓC
Trong bát cơm hạt thóc là hạt sạn
Trong thúng thóc hạt thóc là vàng mười
Đừng nghĩ quý rồi thì ở đâu cũng được
Dẫu cho là hạt thóc, em ơi.

                                         LỜI BÌNH CỦA KIM DIỆU HƯƠNG
Chỉ nhìn hạt thóc, chiêm nghiệm về hạt thóc mà nhà thơ đã rút ra được những điều đáng quý và có ích.
Trong bát cơm ta ăn vẫn thường lẫn hạt thóc. Hạt thóc vô tình do ta sơ suất trong quá trình xay – giã - dần - sàng mà để nó nằm không đúng chỗ, nên hạt thóc lúc này - trong bát cơm - hoá ra hạt sạn.
Từ thóc - ra gạo - ra cơm là cả một quá trình. Hạt thóc vừa là nhân vừa là quả. Nó chỉ quý khi người sử dụng nó: đặt đúng chỗ thì nó có ích. Trong vườn ươm hay trong thúng thóc, hoặc ở chỗ tương tự, hạt thóc quý lắm chứ? Nó có thể là niềm hy vọng? Là sự sinh sôi, nảy nở của cả những mùa vàng bội thu? Oái ăm thay, trong bát cơm - bát cơm rất quý, lúc này nếu xuất hiện hạt thóc, thì đây qủa là nỗi lo ngại của không chỉ một người; nếu vô tình ta lại nhai phải nó, bắt buộc phải nhè ra bởi vì ghê răng? Nếu gặp hạt thóc trong hoàn cảnh này ai mà không tức anh ách, bởi nó đã làm ta mất cảm hứng, trộm nghĩ có ai nhìn thấy ta lúc này, thì “thủ phạm” hạt thóc đã làm “ông chủ” là ta mất mặt vì sỹ diện? Tất nhiên ta sẽ có những cử chỉ không đẹp với “anh chàng” đã gắn bó với ta rất đổi thân thiết và tri kỷ nữa.
Từ một hạt thóc - Lê Duy Phương đã nhân cách hoá thành thân phận con người. Hạt thóc - con người nào cũng thế thôi- quý lắm chứ, trớ trêu thay, lắm khi con người đặt nhầm vị trí, dễ hỏng việc, đặc biệt là những vị trí cao, cần phải có người đủ tài và đức tương ứng với cương vị được đảm trách thì càng phải thận trọng “ chọn mặt gửi vàng” như cổ nhân đã dạy.
Ôi, hạt thóc! hạt thóc! em sẽ là vàng mười nếu người ta đặt em đúng chỗ - chỗ ấy em mới thật là em: sinh sôi, phát sáng - thóc ạ!  
(BBT tổng hợp từ mạng và blog Nguyễn Anh Nông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét