Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

MAI HƯƠNG CŨNG CÓ MỘT CÕI THIÊN THAI

Mấy tháng của năm học mới thật bận rộn. Mai Hương ít có điều kiện đọc và viết ở blog E của các anh Chuyên Toán. Hôm nay vào đọc, thấy bài MƠ ĐẾN THIÊN THAI của anh NCT và comments của mọi người về một Cõi Thiên Thai, MH nhớ đến bài văn mình viết đã lâu, cũng có một Cõi Thiên Thai của riêng mình. Ai cũng có quyền MƠ về một Cõi Tiên như thế. Xin được trải lòng cùng các anh chị và độc giả.

AO LÀNG

Làng tôi không có nhiều ao tù con con đầy bèo tấm rải rác khắp nơi như mấy làng lân cận. Có bốn năm cái ao lớn gần như bao quanh làng. Bờ phía trong ao là nhà. Bờ phía ngoài ao là luỹ tre. Bởi vậy, làng tôi xưa không khác một hòn đảo là mấy. Nhưng người đi ngoài đường lớn nhìn vào thì không có cảm giác đó. Chỉ thấy xanh om tre trúc và đường ngõ quanh co dẫn vào làng.
Cái ao cạnh nhà tôi lớn nhất trong các ao làng. Nó ở phía đông của làng, chạy dọc từ xóm trên xuống xóm dưới. Nhà tôi thuộc xóm dưới, ở bờ tây và gần giáp bờ nam của ao. Cái bờ nam là đường trục chính của làng đi ra đồng. Cha tôi nói, ngày xưa khi chưa bị bom bỏ, chỗ này có một cái cổng làng. Thế nên, nó được gọi là Cổng Đồng. Ngồi ở bờ ao nhà tôi là có thể thấy được tất cả những người từ làng ra đồng và ở đồng về.
Từ nhỏ, tôi đã thấy giữa ao có một bãi đất to, cây cối tốt tươi, trông như một hòn đảo nhỏ giữa xanh mướt đảo làng. Không biết có phải tại cái “hòn đảo” ấy giống hình một con rùa nằm hay không mà ao có tên Ao Rùa. Hai anh tôi thường bơi ra “đảo” rồi lại bơi về. Còn tôi, cũng đã vài lần đến đó. Đấy là những lần cùng cha chèo thuyền ra “đảo Rùa” tìm ngan. Nhà tôi nuôi ngan đẻ để bán giống cho các nhà trong làng. Một bầy chừng bốn năm chị ngan cái và một anh ngan đực. Những con ngan cái thật ngốc. Tôi nghĩ vậy. Hoặc ít ra thì chúng cũng hiền hơn. Lão ngan đực hung dữ lắm, biết đuổi người lạ. Có hôm, người trong làng đến xin rau ngót, bị nó đuổi cho chạy bán sống bán chết vào tận trong nhà. Thế mà lão ngan đực già ấy còn mở được cả mành. Mấy mụ ngan cái ngốc vì rất hay đi đẻ lang. Thấy hai con ngan cái khoang đen trắng cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, cha dặn tôi để ý xem chúng đi đâu. Tôi thấy hai mụ ngan về ăn xong, vẫy đuôi đến bờ ao thì xoè cánh bay. Cái giống ngan thật “đa năng”, cái gì cũng biết kha khá. Nghĩa là, không xuất sắc, nhưng cũng không tồi. Nó bơi thua vịt nhưng bay thì hơn hẳn. Nó không hay đậu cao, trên những cành nhãn trong vườn như gà, nhưng lũ gà sợ nước ấy thì nhìn nó bơi hẳn phải chào thua. Đi bộ thì cả ngày cũng được. Hai con ngan khoang nhà tôi bay diệu nghệ như chim. Đến “đảo Rùa”, chúng hạ cánh rồi tụt xuống ao bơi lội chán chê. Rất lâu sau, hai cái đốm đen trắng ấy chui tọt vào bụi rậm trên bờ bãi … Tôi bảo cha: Chúng ở ngoài lùm cây giữa ao. Và thế là tôi cùng cha chèo thuyền ra “đảo Rùa”.

Tôi ngồi trên thuyền ra sức tát nước. Thuyền cũ rồi, nước theo khe giữa các nan cứ chảy vào ri rỉ. Ra đến “đảo”, cha kéo ghếch thuyền lên rìa bãi rồi vạch bờ bụi tìm ngan. Còn tôi thì “a” lên kinh ngạc: Nhiều hoa dành dành quá! Không biết cơ man nào là những bụi hoa. Đang đầu mùa hạ, hoa nở trắng xoá, ngát thơm. Mọi hôm đi hái rau, cạnh bờ tre có một bụi dành dành, tôi cứ phải chờ từng bông, từng bông hoa nở. Hái rồi về cắm cả cành lá vào cái ống bơ. Lúc ngồi học mê mẩn ngắm nhìn. Những bông hoa trắng tinh, thơm dịu dàng, dù chỉ có một lượt năm sáu cánh thưa. Hôm nay, tôi mặc sức hái. Tôi bẻ một ôm, cả hoa lẫn nụ. Phải mang về cho cô bạn thân nhà bên một ít. Chúng tôi đều mê hoa dành dành. Những cánh hoa trắng tinh giữa đám lá non tơ thế này, nhìn đã thấy nao cả lòng! Đứng giữa rừng hoa giữa mênh mông trời nước, tôi mơ màng nghĩ: Cõi Tiên chắc cũng chỉ như thế này chăng? Có thiếu, thì chỉ thiếu một tiếng sáo véo von, réo rắt…
Một tay tôi ôm bọc trứng ngan, tay kia giữ lồng, bên trên để cả bó cành hoa dành dành khoe sắc trắng. Cha vừa chèo thuyền vừa tát nước. Tôi ngắm mặt nước ao trong leo lẻo. Mấy khóm lục bình hoa tím trôi lững thững. Loài cây thủy sinh này hình như cả đời không bao giờ biết đến những tham vọng lớn lao để mà vươn với lên cao. Cứ thong dong trôi theo dòng đời dâu bể để làm cho nước ngày càng trong vắt. Kể cả khi nước đã cạn khô, nó cũng không chết. Chỉ sau một trận mưa thôi, nó lại thong thả trôi vô nghĩ, vô lo. Chẳng bão tố nào có thể dập vùi. Tan tác đấy, rồi hợp lại rất nhanh … Bờ ao phía đông, hàng tre xõa mái tóc dài và đu đưa thân hình dẻo dai theo gió sớm. Bờ phía tây, ngả ra mặt ao là biết bao những cây vối, sung , ổi, bưởi, khế … của mọi nhà. Cây sung nhà tôi có lẽ lớn nhất. Mọi hôm ngồi trên cành sung ngắm cảnh ao và hóng gió cùng cô bạn, tôi không thể hình dung nó lại đẹp một vẻ đường bệ và nên thơ đến thế. Cái thân to xù xì mốc trắng nhưng lá cành vẫn mơn mởn xanh non. Đặc biệt là những chùm quả. Chi chít, thành dây dài rủ xuống. Ở những cành thấp thì những dây quả gần như chạm mặt nước. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng cá quẫy. Cha bảo đó là cá trắm nhảy lên đớp sung. Giống cá trắm thích nhất quả sung chín.

Những chiếc cầu ao lấp ló dưới tán cây. Có những cầu ghép gạch. Có những cầu ghép bằng ba bốn đoạn tre, hai đầu kê lên bậc của hai cái thang cũng bằng tre đóng chặt xuống lòng ao. Cầu ao, từ sáng đến khuya, luôn là nơi nhộn nhịp. Sáng sớm, đó là nơi rửa mặt, giặt quần áo. Nửa buổi, đó là chỗ vo gạo, rửa rau. Buổi trưa, tôi thường múc một thau nước ao, bỏ vào đó mấy quả bồ kết đã nướng và một nắm lá bưởi rồi bê ra giữa sân phơi nắng. Thế là chiều tối đã có một thau nước bồ kết để gội đầu. Chỉ có nước ăn uống là gánh ở giếng làng, còn mọi thứ dùng đến nước đều ở ao. Gội đầu xong, ngồi hong tóc trên chõng tre cạnh cầu ao nhà mình, tôi thèm thuồng nhìn bọn con trai con gái lớn bé bơi bì bõm dưới ao. Có thằng bơi mấy lượt ra “đảo Rùa”, đứng trên đó vẫy gọi í ới bọn dưới ao rồi lại bơi về. Có đứa ôm cây chuối đập nước tung tóe. Vài đứa con gái trạc tuổi tôi, để nguyên áo quần dài nhảy ùm xuống ao, bơi thoăn thoắt chẳng kém gì bọn con trai. Còn tôi, không hiểu sao tập mãi vẫn không thể bơi được. Tập bằng thau, bằng cây chuối … đều vô hiệu. Bắt hẳn chuồn chuồn Ngô cho cắn rốn đến chảy máu cũng chẳng ăn thua. Sau mấy lần uống no nước ao khi bị ụp thau hay khi buông tay khỏi thân cây chuối, tôi đã thôi ý định tập bơi. Vậy là, tôi chỉ có thể chờ khi trời tối, trăng lên, mới xuống cầu ao dội nước tắm ào ào. Những dòng trăng óng ánh tràn trề qua kẽ lá, chảy trên vai tôi cùng dòng nước cũng vàng óng những trăng. Dưới vòm cây tối sẫm, hình như trăng đã làm cả nước và tôi sáng lấp lóa. Xa xa, chỗ cái cống cong cong nối đoạn đường đồng làng tôi sang làng bên, có tiếng sáo vi vút và một cánh diều chao liệng dưới trời trăng. Tôi ước mình bơi được. Tôi sẽ nhảy ùm xuống nước bơi một mạch ra “đảo Rùa”. Tôi tin rằng dưới trăng thanh gió mát, giữa rừng hoa dành dành trắng ngát hương đêm, tôi sẽ biến thành một Ngọc Nữ chốn Bồng Lai. 
Năm tôi học Cấp Ba, người ta cải tạo Ao Rùa. Họ đào hết đất ở “đảo Rùa” đắp lên ba phía bờ ao rồi dựng ở đó một tấm biển đề “Ao cá Bác Hồ”. Nghe nói, cá này lấy từ ao cá của Bác Hồ về thả. Thì trước sau vẫn thả cá thôi mà! Mặt ao trở nên rộng mênh mông, nhưng “đảo Rùa” không còn. Tôi không cùng cha đi tìm ngan đẻ lang ở “đảo Rùa” nữa. Chiều về, bọn trẻ tắm ao không còn có cái đích để bơi đến bơi đi. Tôi tiếc nhất những bụi hoa dành dành trắng ngát. Ôi, xứ Bồng Lai của tôi! Chắc nó đã trở về nơi cõi Tiên xa lắc ở đâu đó rồi …
Những đêm trăng, gợn vàng trên mặt ao như to hơn, sóng sánh. Trong những bài văn của tôi thường có nhiều hình ảnh của làng quê. Ở đó, tràn ngập ánh trăng mơ màng, trắng ngát sắc hương hoa dành dành, bồng bềnh lục bình hoa tím, rì rào tiếng bờ tre và lăn tăn những gợn sóng vàng lấp loá mặt Ao Rùa … Năm lớp 12, tôi đạt giải quốc gia môn Văn và được tuyển thẳng vào Đại học. Hôm nhận được tin, tôi đã khắc lên thân cây sung già dòng lưu niệm. Những buổi trưa hè năm ấy, ngồi trên cành sung học bài để ôn thi Tốt nghiệp, trong cái oi nồng của mùa hạ, lòng tôi vui sướng đến lâng lâng. Niềm vui trải rộng theo những làn gió mát lành đưa lên từ mặt nước ao và lan đi xa mãi. Tôi lại mơ màng. Không phải để tưởng tượng mình thành Tiên Nữ giữa rừng hoa dành dành trắng ngát. Hoặc vẫn là Tiên Nữ, thì giờ đây, tôi đã có người thổi sáo của mình dưới cánh diều trăng. Đêm trăng, chúng tôi đi bên nhau trên đường quê. Bóng chúng tôi ngả dài xuống mặt nước ao trong leo lẻo và lung linh gợn vàng ...
Nhưng tất cả đã đi vào miền cổ tích! Bởi đó là hình ảnh của ao làng từ mấy mươi năm trước. Giờ đây, có tới hai cái ao làng đã biến thành những ngôi nhà tầng thấp, tầng cao. Ao Rùa rộng nhất cũng đã có một trang trại vịt hùng cứ mấy phần. Vịt trắng kín mặt ao. Các phía bờ ao đều được kè gạch đá. Không còn luỹ tre rì rào ca hát. Đêm trăng vẫn rất sáng trên làng quê nhưng không còn lung linh gợn vàng trên mặt ao lóng lánh. Ao có nhiều cá không mà chẳng nghe tiếng cá quẫy đớp sung? Trai gái chẳng còn thích nắm tay nhau dạo chơi trên đường làng để hai bóng ngả xuống mặt ao lấp loá. Cả anh nữa! Chàng Tiên Đồng áo xanh của tôi. Sau những đêm bước đi cùng nhau trên bờ ao, để cho tóc lúc thì nhuộm vàng những trăng, khi lại tối sẫm dưới vòm nhãn cành cong trĩu quả, chúng tôi còn đi cùng nhau vài đoạn đường nữa. Rồi tôi nhận ra rằng, những đoạn đường tôi muốn đi đều vô cùng nhỏ hẹp. Còn anh, anh thích những đường lớn thênh thang. Từ đêm trăng ấy, anh đi, đi mãi những đâu? Những con đường anh đi, không có tôi. Và anh chưa một lần nào nữa sóng bước cùng tôi soi bóng xuống mặt ao làng. Không bao giờ nữa …
Tất cả đã xa. Buồn ơi, ao làng!
(MH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét