(tiếp theo)
6. Xoắn.
Trong blog này, có bạn comment: “thích thì nhích, sao phải xoắn?”. Đố các bác U60 biết họ nói gì. Tôi dịch nhé: Thích thì làm luôn, sao phải băn khoăn. Như vậy, ‘xoắn” là trạng thái băn khoăn, phân vân. Nhưng tại sao sinh ra từ “xoắn”, tôi không biết vì sao. Từ “chém gió”, hay “phê”, mình đoán nó ở đâu ra, chứ còn “xoắn” mà lại nghĩa là phân vân thì bất ngờ quá. Vì “xoắn xít” nghĩa ngược hẳn với băn khoăn.
7. Moa.
Bạn @ nào đó có comment trong blog này: hi, hi, moa moa… Tôi không rõ là gì. Lần mò hỏi thì mới giật mình. Moa, moa chính là bạn ấy bảo… thơm, tức là hôn.
Từ “moa” này, lúc đầu tôi cứ nghĩ tiếng Pháp nghĩa là “tôi”, hoặc… mèo kêu. Nhưng không. Đây là ngôn ngữ còn @ hơn cả @. Nghĩa là từ mà các cháu mẫu giáo mới biết. Các cháu bé, khi thơm má thì chụm môi, rồi phát ra từ giống như thế. Viết đúng là “m…oa”. Con thơm mẹ, cháu thơm bà, đều m…oa, m…oa cả. Nghĩa là không hẳn là hôn môi theo kiểu đắm đuối yêu nhau. Áp môi nhau còn phát ra moa moa gì nữa. Thơm “moa” là thơm má, kiểu trẻ con thôi. Thế thì bạn @ moa moa tôi, trong comment sau bài của tôi, cũng ok, không ai ghen cả. Đây là từ ngữ @ mà tôi giật mình nhất, được biết chính là vì có comment từ blog lớp E.
8. Phắn.
Không hiểu sao, “phắn” lại là biến đi, chạy đi mất. Tôi không rõ nguồn gốc từ “phắn” ở đâu mà ra. Hai người ngồi nói chuyện với nhau, một người đứng dậy, bảo: Thôi tao phắn đây. Thế là đi. Nếu bảo: Thôi tao đi đây, thì cũng nghĩa là thế, không dài dòng hơn. Nhưng “đi” khác với “phắn”. Hai người kia phải quan hệ thế nào, một người mới “phắn”, khác với “đi”. Hoặc một người bảo người kia: “Thôi, mày phắn đi cho tao nhờ”. Thế lại là khác. Có nghĩa là thân mật mới nói thế, chứ bảo “đi đi cho tao nhờ” thì lại hóa ra nặng quá. Ngôn ngữ đời sống nó thế, ai bảo thủ cho rằng bọn @ đánh chết ngôn từ, có lẽ cần xem lại.
9. Cụm các “trùng điệp từ”
Tôi sáng tạo ra chữ “trùng điệp từ” để tạm chỉ các từ vần vèo mà các bạn trẻ, và nhiều người già khác, gọi thành quen. Ví dụ: thích thì nhích, khổ như con hổ, nhục như trùng trục, phê con tê tê, sát thủ đầu mưng mủ…
Cụm loại từ này vô cùng phong phú, đến nỗi quyển “Sát thủ đầu mưng mủ” nổi như cồn năm kia, dư luận phân ra hai phe chê và khen. Đến khi có một nhà ngôn ngữ bênh quyển sách đó, tôi cho là ông ấy đúng. Còn TV, báo chí thì phê bình kịch liệt. Có lẽ nước ta quen thói đơn tuyến, đơn tuyến cả suy nghĩ. Thấy người khác, ở đây là người trẻ, nói khác là phê bình, là cho rằng láo. Nếu bình tĩnh thì thấy, thế hệ U60 đã từng nói năng khác hẳn thế hệ cha ông chúng ta, nếu còn sống thì họ thuộc hàng U100. Còn chuyện vần vè thì ca dao, dân ca đã từng nói rồi. Ví dụ: Tay làm, hàm nhai; hoặc: đất lề, quê thói… Nói chung ca dao tục ngữ là lời ăn tiếng nói nhân dân. Cụ thể là các cụ nhà ta, mà các cụ cũng nói thế, nay con cháu nói thế, thì lại mắng.
(còn nữa)
Bây giờ sẽ thêm một số từ nữa nhé, bậy đấy nhưng các anh nên biết vì bọn trẻ bây giờ dùng nhiều khi nói chuyện với nhau. Ví dụ: Hay vãi, ngu vãi...hay vãi lúa..., vkl, ccmnr, quạt cuồng...
Trả lờiXóaBài ngắn quá, có tính chất đối phó hay sao ấy. Thế còn bài "Đằng sau mặt trăng" đã chấm hết chưa để anh em khỏi phải chờ nữa. (NCT)
Trả lờiXóaMoa moa... hay quá. Kiểu cũ "chụt, chụt" thật là thô thiển.
Trả lờiXóa