Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Ta già, địch cũng già rồi.

Giới thiệu: Nhà thơ Anh Ngọc, sinh năm 1943, đại tá về hưu, nguyên cán bộ (chức vụ gì tôi quên rồi) ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, một nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ, thế hệ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh. Thơ ông tinh tế, nổi tiếng bài "Cây xấu hổ", trường ca có "Sông Mê Công bốn mặt".
Vừa rồi, ông có bài thơ tặng bạn thơ Nguyễn Bắc Sơn. Nguyễn Bắc Sơn cũng là nhà thơ ở Phan Thiết. Hai ông quen nhau khi ông Anh Ngọc theo đoàn quân giải phóng vào giải phóng Phan Thiết, rồi bạn bè với nhau. Không rõ Nguyễn Bắc Sơn làm gì trong quân đội Việt Nam cộng hòa không. Theo Anh Ngọc, nghe tin Nguyễn Bắc Sơn ốm nặng, ông đã gửi bài thơ vui tặng bạn, động viên bạn vượt qua bệnh tật. Mọi người bật loa, Anh Ngọc đọc thơ cùng nghe, sau đó tất cả cùng vui.
Bài thơ như sau:

DẮT NHAU ĐẾN TRƯỚC ÔNG TRỜI

Hai thằng trai trẻ ngày xưa
Tranh nhau ta thắng địch thua một thời
Giáo gươm một trận tơi bời
Rồi ra ai biết ai người thắng thua

Bây giờ hai lão già nua
Bạc đầu ngoảnh lại trò đùa mà thôi

Ta già, địch cũng già rồi
Dắt nhau đến trước ông Trời phân bua
Trời cười đã biết hay chưa
Thắng thua thì cũng đều thua ông Trời.

Tàn đông Nhâm Thìn, 2012.

Lời bình: Thơ, với đặc tính ngôn từ, hình thức truyền thống là có vần, nhưng bản chất là nói tiếng lòng thi sĩ, đồng cảm với tình đời. Nhưng thơ chỉ có tình mà không có ý thì chỉ dừng ở mức thù tạc. Bài thơ của Anh Ngọc xuất xứ là chỉ để thù tạc, tặng đùa bạn mà thôi. Nhưng bài thơ vượt lên mức thù tạc, đánh động vào tâm hồn con người, nói cái tâm thế của một thế hệ người Việt ở cả hai phía đã từng cầm súng đối địch nhau. Thắng thua gì cũng phải là mục tiêu vì con người, vì dân tộc và nằm trong cái quy luật muôn đời. Ý tại ngôn ngoại chính là chỗ này. Thắng thua thì cũng đều thua ông Trời. Thơ phải là một kênh để phát hiện cái quy luật muôn đời tâm hồn con người, làm cho con người sống có ý nghĩa. Nếu nói chính trị, đó là một lần nhà thơ đại tá kêu gọi đại đoàn kết dân tộc, bao dung, điều mà người Việt hiện đại rất thiếu.  
Tôi thấy một vài bạn trên diễn đàn này nói rằng, ... lấy thơ làm vui thôi, và đừng dính đến chính trị. Đúng, thơ là vui, bởi vì sống cũng là vui. Nhưng nếu thơ không nói cái tâm thế con người, thoát ly thực tại, thì cũng lại chi là thơ thù tạc, nếu thế thì hiểu rất sai về thơ. Vì sao những tiến sĩ thuộc Tao đàn Nhị thập bát tú của Lê Thánh tông làm hàng trăm bài thơ (nịnh Lê Thánh tông) thì bây giờ đọc không nổi, chán ngắt. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thì vẫn còn thơ? Đại tá Nhà thơ Anh Ngọc, không thể nói ông ấy lập trường yếu kém, cả đời chiến đấu vì độc lập tự do đấy nhé, các bạn còn đang công tác yên tâm mà bình thơ ông ấy, nếu có nhã ý.

1 nhận xét: