Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Vợ ốm (Vũ Kim Hào)

Giới thiệu: Vũ Kim Hào gửi bài thơ này, hưởng ứng bài thơ "Vợ quê" của Ngô Công Thành, nói rằng đây là bài thơ cũ (2006). Ngoài ra, còn có 1 bài thơ khác, sẽ cho đăng sau (BBT)

Nhận tin em bị ốm
Căn bệnh của ngày xưa
Sau lần sinh con gái
Vẫn theo em đến giờ.
Anh nhờ người lấy thuốc
Kịp gửi về cho em.
Nhớ thương lòng khôn tả
Trắng đêm-ngày héo mòn.

Đường xa tình cách trở
Gửi em ngàn nỗi nhớ
Bể dâu tình chồng vợ
Nặng lòng kẻ tha phương.

Cuộc đời lắm tai ương
Một mình em gánh chịu
Việc nhà quê nặng trĩu
Chồng chất lên vai mềm.
Vất vả nhà đông em
Giờ đau vì con dại
Anh cứ đi xa mãi
Nợ em cả cuộc đời.

Thương em lắm em ơi
Gánh nặng chẳng chia đôi
Gần nhau là ngày tháng
Cầu mong bệnh chóng lui...
Tháng 4/2006

5 nhận xét:

  1. Những bài thơ gắn trực tiếp với mình vẫn có tình hơn những bài tưởng tượng chứ. Tôi đã dự báo năm 2020 cả lớp mình sẽ là nhà thơ còn gì. Bây giờ mới 2013 đã có 1/4 lớp làm thơ rồi. Vũ Đức Tấn chưa muốn thể hiện? Vù Đình Tiến và Lê Phúc Thắng mải kiếm tiền tiêu tết mất tăm đâu rồi? Tôi còn nhớ Vũ Bá Ổn thơ cũng rất hay, rồi Lê Đắc cường và các bạn khác nữa. Trong mỗi con người luôn tiềm ẩn một nhà thơ. Chỉ có điều ta có muốn cho nó xuất hiện hay không mà thôi, các cựu học sinh chuyên toán HH72-75 ạ (NCT)

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ của VKH thật tình cảm. Lời thơ như được chắt ra từ đáy lòng người chồng xa vợ, biết vợ ốm mà không về chăm sóc được. Tôi thích nhất câu "Anh cứ đi xa mãi/ nợ em cả cuộc đời". Người vợ chỉ cần anh biết được như thế là đủ với chị rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Sẽ là một việc không nên làm khi bình thơ, là so sánh hơn thua giữa tác phẩm của các nhà thơ. Chúng ta chỉ cần có một chút liên hệ giữa các tác phẩm cùng đề tài là đủ. Nhưng, hôm nay tôi cũng không liên hệ giữa VỢ ỐM của anh VKH với VỢ QUÊ của anh NCT. Tôi càng không so sánh hai hài thơ ấy. Bởi khi đọc, ai cũng có thể nhận ra: Xét về những phương diện nào đó, hai anh, khi viết tác phẩm, thì “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Hôm nay tôi chỉ muốn luận bàn thêm với độc giả blog 8e9e10e về bài thơ VỢ ỐM của anh VKH. Có thể có một chút liên hệ với nhà thơ ở thời đại khác để tìm ra nét riêng trong thơ của cựu học sinh chuyên toán HH 72-75.
    VỢ ỐM của VKH có rất nhiều nét truyền thống. Tôi không nghĩ anh “nghề” đến mức chọn lựa được những nét ấy, mà do cảm xúc tự nhiên đến vô thức mà thôi! Nhưng, trong thi ca, cái “vô thức” ấy lại vô cùng đáng quý. Nó làm nên cái “thật”, không hề ngụy tạo cho bài thơ của VKH.
    Nét truyền thống đầu tiên là đề tài. Viết về vợ mình, thì không phải đến những ông chồng thời hiện đại mới dám cầm bút. Chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Trần Tế Xương xưa mà đã biết “Thương vợ” trong thơ. Nhưng “dám” viết, không có nghĩa là ai cũng viết được. Và VKH đã “viết được”
    Nét truyền thống rõ nhất trong bài thơ của VKH là anh dùng thể thơ ngũ ngôn (năm chữ) với câu từ rất giản dị để thể hiện tình cảm của mình. Thể thơ năm chữ này có từ xa xưa, nó phù hợp cả khi tự sự lẫn lúc tỏ bày tình cảm. Nghĩa là, cảm xúc sẽ được thể hiện một cách hết sức tự nhiên. Bởi vậy, nên những câu thơ đầu tiên, anh chỉ kể thôi mà đã làm người đọc hết sức cảm động:
    “Nhận tin em bị ốm … Anh nhờ người lấy thuốc/ Kịp gửi về cho em”.
    Sau những lời tự sự ấy, là những lời tâm tình tỏ bày cảm xúc với người vợ yêu thương nơi xa đang ốm. Đó là lòng “nhớ thương khôn tả”, nhớ thương đến “trắng đêm – ngày héo mòn”. Từ “thương” được anh nói đến trong khổ thơ đầu, và được nhắc lại trong khổ thơ cuối như một điệp khúc về nghĩa vợ tình chồng sâu nặng. Khi người ta đã có tuổi, nói về tình nghĩa vợ chồng phải là “thương” mới đủ chiều sâu cảm xúc. Ông Trần Tế Xương xưa, cũng biết “Thương vợ”, nhưng ông chỉ nói chữ “thương” ở đầu bài thơ, còn trong cả 8 câu của cả bài, không có chữ “thương” nào. VKH lại nói bằng cách của riêng anh như thế, thì rõ ràng tình cảm mang tính truyền thống ấy đã được nhân lên gấp mấy lần trong thơ anh. Nhưng những nỗi lòng mà người chồng tỏ bày trong bài thơ khiến người đọc xúc động nhất là những điều anh chỉ gián tiếp nói ra: Anh BIẾT ƠN vợ vô cùng, và anh cũng DẰN VẶT vô cùng. Biết ơn vợ, vì vợ tảo tần gánh “nặng trĩu” công việc gia đình đến sinh ốm. Dằn vặt vì anh ở xa “gánh nặng chẳng chia đôi”, không san sẻ được với người vợ thân thương. Và đỉnh cao của nỗi dằn vặt ấy là lời tự khẳng định “Nợ em cả cuộc đời”. Tôi rất đồng tình với ai đó đã đánh giá cao câu thơ này. Tôi cho rằng, câu thơ ấy đã làm nên nhân cách VKH, anh đã BIẾT ƠN vợ đến tận cùng. Ngày xưa, Trần Tế Xương chửi đời: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không!” để trách mình, trách đời, cũng là bày tỏ lòng biết ơn vợ. Như thế, nhà thơ phong kiến ấy đã biết mình biết người lắm rồi. Nhưng VKH không cần cao giọng thế, cũng chẳng cần phải “chửi”. Anh chỉ thủ thỉ tâm tình thôi đã làm bao người vợ phải ước ao, giá mình có được sự chia sẻ và cảm thông đến thế từ người chồng của mình! Đúng là cách nói của người đàn ông nhân hậu, thương vợ quí con. Cách nói của cựu học sinh chuyên toán có tâm hồn giàu xúc cảm. Cái “ốm” nào mà chẳng phải lui. Bởi người chồng ấy không chỉ NHỚ, THƯƠNG, TỰ DẰN VẶT, THÔNG CẢM và BIẾT ƠN, mà anh còn luôn “cầu mong” cho vợ mình mau khỏi ốm.

    Trả lờiXóa
  4. Như thế, bài thơ của VKH không chỉ đậm chất truyền thống, mà đã hàm chứa rất nhiều cái mới mẻ, cả về nội dung cảm xúc lẫn cách thể hiện.
    Câu chữ bài thơ giản dị, không cầu kỳ. Giọng điệu lời thơ khi tâm tình thủ thỉ, khi tự sự dần dà, nhưng đều thấm đẫm cảm xúc. Có thể một vài từ ngữ còn cần chau chuốt lại (Như anh Vũ Tô đã phát hiện). Nhưng, có thể cả điều đó cũng không thật cần thiết nữa, bởi tình thương vợ - Một tình cảm đầy tính nhân văn, rất đàn ông Việt Nam mà cũng rất VKH đã chan chứa, ngập tràn trong từng câu chữ rồi. Và, đó là điều ta trân trọng nhất ở anh.

    (Em N22 đây ạ, em phải tách ra thành 2 nhận xét vì dài quá không gửi được. Anh XH giúp em gộp lại với!)

    Trả lờiXóa