Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Kính chào đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Hôm nay, tôi nhận được mẩu tin sau đây, được ghi chú là “ưu ái dành cho ông độc quyền đăng tin này”. (NXH)
Toàn văn như sau:
“Kính chào đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tôi bay từ TPHCM đi Pari lúc 11h00, song chuyến bay bị trễ, tận 12h30 mới khởi hành. Do 1h30 phút trễ mà tôi gặp được Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Thực ra, ông không mang quân hàm Đại tướng, và lúc đầu tôi chỉ biết ông cũng như một ông già bình thường khác. Phòng chờ xôn xao vì có ông xuất hiện, khi loa thông báo ngắn gọn: Chào mừng hành khách cao tuổi nhất ngày hôm nay, đó là hành khách Nguyễn Vịnh, 99 tuổi, trên chuyến bay TPHCM- Cần Thơ. VietnamAirline xin chúc mừng cụ Nguyễn Vịnh.
Tôi nhìn thấy một ông già cao lớn, miệng rộng, thoạt đầu trông có nét quen quen. Tôi nhận ra một người bạn tôi đi cùng ông già. Anh ta cũng nhìn thấy tôi, gật đầu chào. Tôi hỏi về ông cụ già, thì anh bảo: Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi cười xòa: Nói chuyện khôi hài không có duyên lắm.
Anh ta cau mặt: Ông nhìn lại đi.
Tôi quay nhìn lại, và chợt giật mình. Đó chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Người bạn tôi nói thêm: Tin thì tin, không tin thì thôi.
Tôi chạy theo ông già, chỉ kịp nói: Kính chào đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Ông già đã đi khuất.
Ông ấy đi từ đâu đến Cần Thơ? Hay là ông ấy đi thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội về? Vì sao chúng ta biết ông đã chết năm 1967 mà ông vẫn sống đến nay? Lịch sử về ông bí ẩn như chính đất nước này vậy?
Tái bút: Tôi gửi mẩu tin này cho ông, có chút phân vân, vì mở Facebook, bắt gặp status của một Fecebooker vốn là một hoa hậu nổi tiếng chanh chua trên mạng, cô này bình loạn: Ngày ¼ mở mạng “thấy các bạn đùa cá tháng tư vô duyên vcd”. Tôi không quan tâm các bạn thấy mẩu tin này vô duyên hay có duyên, tôi cũng không quan tâm hôm nay là ngày nào. Tôi chỉ muốn tin rằng, điều tôi chứng kiến không phải là một giấc mơ.
(hết tin nhắn)"
Lời bình của NXH: Không có lời bình nào.

Một phút thư giãn tháng Tư

Năm ngoái cư dân mạng phát sốt vì chuyện cô giáo Trường Trung học cơ sở Lomonoxop (Hà Nội) cho 8 điểm bài văn mà học sinh hiểu “canh gà Thọ Xương” là "món ăn đặc sản”. Cô giáo bị ném đá bươu cả đầu và phải nghỉ dạy đi nằm viện. Cũng ngôn ngữ đó nhưng tư duy khác đi thì lời giải thích cũng khác, có gì phải lên án? Sao cứ bắt buộc người ta phải hiểu theo cách suy nghĩ cũ đã thành nếp vậy?Người xưa nói thế này, tôi hiểu ra thế kia thì có sao đâu? Tất cả là tại cái tiếng Việt của ta nó đa dạng, nó thích nghi với tất cả mọi  người, mọi tầng lớp, từ ông đánh dậm đến người chí sĩ quân tử? Sao cứ bắt họ phải nghĩ giống nhau? Mở đầu  “Một phút thư giãn tháng 4” tôi lại xin giới thiệu về sự tuyệt với của tiếng Việt qua tư duy của một người nước ngoài để các bạn cùng trao đổi nhé. Cũng đừng đòi hỏi câu từ phải trích dẫn chính xác vì đây là chuyện vui mà. (NCT).

Tiếng việt tuyệt vời (2)
Tuần trước có việc vào Đại học Quốc gia Hà Nội, được mấy giáo sư kể cho nghe câu chuyện về một anh sinh viên người Hungary sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh tiến sĩ  ngôn ngữ tiếng Việt. Cuối đợt nghiên cứu trường ĐHQG Hà Nội tổ chức một kỳ thi gọi là khảo sát trình độ của từng nghiên cứu sinh. Đề văn ra như sau:
"Anh (chị) hãy giải thích câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương."
Đọc xong đề, anh chàng  nghiên cứu sinh khoái chí lắm vì nghĩ rằng không có gì là khó, nhất là khi anh có mang theo cả từ điển. Sau một hồi tra cứu chảy nước mắt, xem ra anh ta đã tường tận nhiều điều:

"Gió đưa (được) cành trúc" thì ắt hẳn phải là gió to, ý hẳn là có bão.

Với từ "la" anh phân vân giữa hai cách hiểu:
+"la" là sự kết hợp giữ lừa và ngựa.
+"la" anh đoán rằng đề đã in sai, phải là lao mới đúng. Và anh đã chọn cách hiểu này.
"Đà" là thanh tà vẹt để tàu có thể chuyển động trên đó.
"Thiên mụ" : đàn bà trời - ý hẳn là vợ trời.|
" Thọ" : nhiều lần (lâu)

Và cuối cùng anh ta đã cho ra đời một sản phẩm bất hủ:
“Trời nổi cơn bão lớn
Lao xuống tà vẹt đường
Vợ trời đánh một tiếng chuông
Canh gà húp vội, hóc xương mấy lần”.
                                                                              (NCT- sưu tầm)

Thương lắm lúa ơi

Chào các anh chị lớp E và độc giả blog E!
Em Mai Hương đây ạ. Do bận công việc nên thời gian gần đây em chỉ có thời gian đọc mà không cóđiều kiện để viết trên blog.
Vừa rồi, đọc hai bài thơ về quê hương và lúa vàng của anh VKH và anh NCT, em thấy sao mà đồng cảm. Có lẽ tình quê muôn đời vẫn thế, muôn người cũng vậy. Em nói "đồng cảm" bởi em cũng có một bài tản văn viết về quê, về lúa. Em xin gửi BBT và nhờ các anh đăng bài, để em có thể chia sẻ cảm xúc với mọi người.
Em mong muốn rằng, trong tiết thanh minh này, dưới ruộng đồng ở mọi miền quê, lúa xanh mướt đang thì con gái, thì hồn lúa trong bài tản văn của em sẽ vừa gợi thêm nỗi nhớ quê, lại vừa làm nguôi đi nỗi nhớ về một thời đã xa. Đối với những ai đã từng lớn lên từ đồng lúa quê hương ... 
(Mai Hương)

  THƯƠNG LẮM, LÚA ƠI!

Một đời lúa, sống được bao lâu trong cõi nhân gian, mà sao lúa để nhớ để thương trong lòng người nhiều đến thế?
Chiều xuân. Nắng hoe hoe vàng. Cái lạnh của mùa đông vẫn còn in dấu xám mờ trên cành cây, ngọn cỏ.Nhưng, gió xuân đã hây hẩy nồng nàn. Những nhánh mạ non mới nhạy cảm làm sao! Những Em Gái Mạ còn nhỏ lắm, giơ những bàn tay nhỏ xíu vẫy gọi Chị Gió. Gió đến. Thổi hồn xuân vào từng nhánh mạ non. Để rồi, chỉ vài chiều sau đó thôi, những cánh tay mạ non ấy đã vươn dài. Và, dáng của những Em Gái Mạ đã bắt đầu yểu điệu thướt tha. Những bàn tay thôn nữ cũng thật mềm mại và uyển chuyển. Nâng niu từng nhành mạ. Gìn giữ, không làm đau những dáng hình mảnh dẻ. Để chiều xuân ngả bóng, thôn nữ gánh mạ về, bước đi trên đường mà làm xao xuyến lòng ai! Để lòng người trai phải cất lên lời ca nghe sao da diết về “Hương tóc mạ non”: “Anh thương tóc em bay bay, trong chiều chiều gợi bao thương nhớ ...”. Anh đã thương lắm rồi, hương mạ non ngọt ngào trong tóc dài em! Anh đã thương lắm rồi, một dáng hình thôn nữ!
Mạ non ra ruộng mới. Gặp mưa xuân. Những làn mưa bụi li ti, dìu dịu, êm êm. Mát lành và ấm áp. Gặp nắng và gió xuân. Tha thiết và nồng nàn. Đưa hồn của lúa tới những miền xa, tới tận chân trời của những ước mơ ... Và lúa đã thực sự trở thành thiếu nữ. Cả dáng hình và tâm hồn Lúa như lớn bừng dậy. Mái tóc xanh loà xoà gợi nhớ, gợi thương. Dáng hình đã yểu điệu hôm nào, nay lại càng tròn trịa, đầy đặn thêm lên. Mắt lúa biếc xanh và ngời sáng ... Thiếu Nữ Lúa mướt xanh dưới ruộng, và thôn nữ má hồng đang cắt cỏ ven bờ, chưa biết ai duyên dáng hơn ai! Thật đúng như lời thơ của một thi sĩ làng quê: “Em như lúa đang thì con gái” ... Cho lòng anh càng nhớ càng thương. Thương thôn nữ má hồng, thương lúa đang thì con gái ...
Nhưng, một ngày kia, thôn nữ đi lấy chồng. Em về nhà ai? Xác pháo cuốn bay tơi bời trong gió chiều xuân. Dưới ruộng, lúa xanh mướt đứng lặng trông theo. Chợt thổn thức một câu thơ cũ: “Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” ... Chàng trai xa quê có hay, tóc dài thoảng hương mạ non đã là hình ảnh của một thời dĩ vãng?

Lúa vẫn thuỷ chung giữa ruộng đồng. Lúa chắt chiu từng giọt nắng của Cha Trời, từng giọt muối của Đất Mẹ, để dáng hình cứ tròn đầy lên mãi. Chị Gió lại đến để dạy cho lúa những lời ca mới: “Lời ru tha thiết như đồng lúa chiều rì rào” ... Bởi lúa cũng sắp thành một Bà Mẹ Lúa. Có cô nữ sinh đồng quê mới lớn. Đã ra dáng một thôn nữ, nhưng đôi mắt lại mơ màng xa xăm theo những áng văn chương. Mỗi chiều tan trường về, đi hái rau cắt cỏ, cô lặng ngắm những cánh cò trắng rập rờn bay trên đồng ruộng, và say mê từng dáng thân thương của những Bà Mẹ Lúa. Đẹp sao, thương sao dáng lúa, từ ca dao ra đứng giữa đời thường: “Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Những Bà Mẹ Lúa khua những lưỡi gươm xanh nhỏ xíu để bảo vệ cho những Đứa Con Lúa mà mẹ đang ôm ấp trong lòng.

Ngàn hoa cỏ ven bờ thoang thoảng đưa hương dịu nhẹ. Em như một bông nhỏ xinh nhất giữa đám hoa dại ấy. Cảnh chiều xuân gợi thương đến nao lòng! Người trai xa xứ về đến đầu làng, dù nét buồn vẫn còn đọng trên khóe mắt, cũng không thể không nhận thấy nét cười duyên đã thoáng trên má hồng em.
Rồi hạ đến. Khắp không gian rực vàng. Vàng của nắng hạ đổ xuống cánh đồng lúa chín. Vàng của lúa chiêm chín hắt trở lại không trung. Những Mẹ Lúa thân uốn cong bởi gánh nặng cuộc đời, nhìn sao mà thân thương đến nghẹn ngào! Mẹ mang trên mình những đứa con no tròn, vàng óng. Mẹ vẫn ru con khúc ru đồng quê êm ái, nhưng cánh tay đưa mới thật nhẹ nhàng. Mẹ lo những Hạt Vàng Lúa Con giật mình thức giấc mà rụng xuống. Không còn gì nâng niu hơn bàn tay thôn nữ ôm từng bó lúa vàng. Gió đưa hương lúa bay xa. Tà áo em cũng sực nức hương đồng gió nội. Vẻ mặt em rạng ngời trong vụ lúa bội thu.
Và người trai xa xứ trở lại tìm khi em đang cắt lúa. Má đỏ bừng trong vành nón che nghiêng. Những hạt vàng như niềm tin ánh ngời trong mắt. “Nắng hè nhóm lửa trái tim” đôi lứa đang đập hòa một nhịp, để cho “Những lời thơ cháy đỏ trên môi”.
Thu về, họ đi ra thành phố, để lại sau lưng một vụ lúa sắp vào mùa. Những hạt vàng lại ươm mầm hy vọng cho những mùa sau. Xây lên những ước mơ ngàn đời của lúa.

Mấy chục năm đã đi qua. Cô thôn nữ yêu Lúa, yêu Thơ năm nào vẫn thường đứng trước biển lúa vàng mênhmông, nghe gió rì rào hát mãi những lời ngợi ca tình quê, tình lúa. Còn người trai xa xứ vẫn mãi xa làng. Nhưng, nhìn những sóng lúa nối nhau chạy dài đến tận chân trời, cô vẫn tin rằng, đó là nhịp trái tim anh luôn hòa cùng nhịp sóng lúa vàng. Cô vẫn nghe đâu đây lời anh từ mùa thu bao năm về trước: "Anh thương lắm TÌNH EM – TÌNH QUÊ – TÌNH LÚA".
Không chỉ là mấy mươi năm. Tình yêu lứa đôi gắn với tình quê, tình lúa đậm đà ấy sẽ còn sống mãi tới muôn đời ...
Ai bảo một đời lúa chẳng sống được bao lâu trong cõi nhân gian?

                                                                                    (Mai Hương)


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Tưởng nhớ Hữu Loan

Hữu Loan là một nhà thơ đích thực của nền thơ 
hiện đại VN. Ðích thực bởi thơ. Chỉ bằng hai bài
Màu tím hoa sim và Ðèo Cả, Hữu Loan đã ghi danh mình cho thơ Việt ở sự riêng tư và mới mẻ. Hai bài thơ khắc ghi dấu ấn rất riêng của Hữu Loan vào một thời thơ. Thơ, chứ không phải cái gì khác, đã làm nên Hữu Loan, đã vinh danh ông. Những nhát thơ Hữu Loan đục vào thời gian, đục vào tâm khảm, để lại dấu tích không phai.
Ông đã sống một cuộc đời dài, thật dài, mà những khổ nạn, thử thách chỉ càng làm bền thêm trong ông những lựa chọn ban đầu khi làm cách mạng và làm thơ. Bỏ phố thị thủ đô về lại quê hương, tự tay vỡ đất vỡ đá lầm lụi tháng ngày nuôi vợ con, nuôi mình chống chọi với cuộc sống thiếu thốn vất vả và nhiều chướng ngại, nhưng ông không nề hà, nản chí.
Hữu Loan là một con người cương cường. Ai đã một lần gặp ông, nhìn ngắm khuôn mặt ông, nhất là đôi mắt, và nghe giọng ông nói đều có thể cảm nhận đây là một con người không chịu gục ngã trước thử thách. Trời đã cho ông sức khỏe và ý chí để thọ cao đến vậy sau bao khổ nhọc chồng chất. Nhưng tôi tin trời thương ông nên đã ban thơ cho ông để ông sống được là mình như vậy. Ông mất ngày 18 tháng 3 năm 2010, hưởng thọ 95 tuổi. Nhân ngày giỗ ông (mặc dù đã chậm 2 tuần) Blog E giới thiệu  lại bài hồi ức của ông để bạn đọc hiểu thêm về một nhà thơ Việt Nam đích thực. (NCT)
MÀU TÍM HOA SIM
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ duyên được cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người, nhờ ông mà năm 1938 - lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi - tôi chơi ngông vác lều chõng ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo tự học cũng có thể đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi chẳng có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài Pháp thời đó rất khó khăn. Số người đỗ trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5, 6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những cậu khóa ấy, trong số có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuân, Đỗ Thiện và tôi... (theo Lê Thọ Bình, báo Pháp Luật số Xuân Giáp Thân)
Với mảnh bằng tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà Tham Kỳ chú ý, vời về nhà dạy kèm cho hai đứa con nhỏ. Tên thật của bà Tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, bà Tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt đến (theo Lê Thọ Bình, báo đã dẫn).
Bà Tham Kỳ là một người hiền lành tốt bụng, đối xử với tôi rất đàng hoàng tử tế, coi tôi chẳng khác người nhà. Nhớ lại ngày đầu tiên khoác áo gia sư, bà gọi mãi, đứa con gái - lúc đó mới 8 tuổi - mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay miệng lí nhí: “Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh ở trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đó nhưng ít nói và mỗi lần mở miệng là cứ y như một «bà cụ non». Đặc biệt em chăm sóc tôi hàng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng ướt em vừa hái ở vườn; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt...
Có lần tôi kể chuyện "bà cụ non" ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em dỗi! Suốt một tuần liền, em nằm lì ở buồng trong, không chịu học hành... Một hôm bà Tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện cho em nghe; rồi tôi đọc thơ... Trưa hôm ấy, em ngồi dậy, ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: «Mới ốm dậy, còn yếu lắm, không đi được đâu!» Em không chịu, nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà Tham Kỳ đưa em lên núi chơi...
Xe kéo chạy chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc con, tôi đuổi theo muốn đứt hơi! Lên tới đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời. Không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:
- Thầy có thích ăn sim không?
Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên, đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ... Khi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng.
- Thầy ăn đi!
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng và trầm trồ:
- Ngọt quá!
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế!
Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì... tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo!
Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà Tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... Lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó, nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi... Tôi quay đầu nhìn lại... Em vẫn đứng yên đó...Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy em nữa...
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 đã có nhiều chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ...
Chín năm sau, tôi trở lại nhà... Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp...
Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không «môn đăng hộ đối» một chút nào. Mãi sau mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm «soạn kịch bản».
Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, «không đòi may áo mới trong ngày hợp hôn», bảo rằng là: «Yêu nhau, thương nhau cốt cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả». Tôi cao ráo, học giỏi, làm thơ hay lại... đẹp giai nên em thường gọi đùa là ông chồng độc đáo.
Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!
Hai tuần phép của tôi trôi đi thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ đây em không còn là cô bé Ninh nữa mà đã là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, tôi lại quay đầu nhìn lại... Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lấy tấm áo bị nước cuốn đi nên trượt chân té xuống sông chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em đi vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi! Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.
Nỗi đau ấy tôi phải giấu kín trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn... Dường như càng kìm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm tư gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong tôi được dịp bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng. Hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi, chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra:
Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh...
... Tôi về không gặp nàng...
Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa. Anh bạn này đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm chiến tranh.Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.Đến đây, chắc bạn đọc đã biết tôi là Hữu Loan, 
Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916, hiện tại đang "ở nhà trông vườn» ở làng Nguyên Hoàn - nơi tôi gọi là chỗ «quê đẻ của tôi đấy» thuộc Xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi mới viết nổi những câu: chiều hành quân/ qua những đồi hoa sim /những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không hết /màu tím hoa sim /tím chiều hoang biền biệt và chiều hoang tím có chiều hoang biết/ chiều hoang tím tím thêm màu da diết.
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội; từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi «hay cãi, thích chống đối, không thể làm những gì trái với suy nghĩ của tôi». «Bọn họ» nhiếc móc, chê tôi ủy mị, hoạnh họe tôi đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Tôi chẳng cần, mặc kệ họ! Tôi thương, tôi nhớ Hoa Sim của tôi quá rồi! Với lại, tôi cũng đã chán ngấy cái mặt nạ yêu nước của «bọn họ» rồi!
Tôi về quê họ chẳng buông tha, theo dõi quản thúc, thường xuyên kiếm chuyện gây khó dễ tôi cũng chẳng cần biết! Dù gian khổ và chết hụt nhiều lần, tôi nhất định không chịu quỵ lụy. Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì!  Tôi khóc người Vợ tử tế với mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó khóc như vậy, họ cho là khóc cái tình cảm riêng... Y như trong Thơ nói đấy: tôi lấy vợ rồi đi Bộ đội, mới lấy nhau được có hơn tháng, ở nhà Bà ấy đi giặt rồi chết đuối ở sông... Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc. Bài thơ ấy lúc bấy giờ họ cho là phản động. Cái đau khổ riêng của con người tại sao lại không được khóc!?
Bọn họ xúc phạm đến danh dự và tình cảm thiêng liêng của người Vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ Ðảng, bỏ Cơ quan về thẳng nhà để đi cày. Bọn họ không cho bỏ, bắt tôi phải viết đơn xin. Tôi không xin... Tôi có cái tự do của tôi, cái chuyện bỏ Ðảng, tôi muốn bỏ là tôi bỏ không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày, đi bừa, đi thồ, đi đốn củi đưa về, đi xe đá để bán, bọn họ phá tôi đủ cách, bắt giữ xe đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ phía trước, có hai càng phìa sau thùng gỗ để đủn hay kéo đi. Xe cút kít họ cũng không cho, cấm không ai được bán bánh xe cho tôi nữa. Có lần tôi phải gánh bộ, gánh bằng vai tôi cũng cứ nhận. Tôi cứ gánh tôi làm, không bao giờ tôi chịu khuất phục. Thế mà họ cũng theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an mật đi theo dõi, cho người theo hại tôi... Nhưng mà lúc nào cũng như có người cứu tôi! Có một cái lạ là chính Thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên mật vụ nói thật với tôi là được giao lệnh giết tôi nhưng nó là cái thằng rất yêu Quê hương, nhớ Quê nhà. Nó thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Ninh Bình của nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy không nỡ giết tôi.
Ngoài bài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956, khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến nỗi không có đến cái chiếu mà nằm!
Chiếc chiếu
Có ai thấy một người cha
Từng buổi, từng buổi
Trước tủ kính cửa hàng Mậu dịch dòm như nổ mắt
Tì mũi dẹp như quả bóng xuống hơi
Thầm đọc đi đọc lại giá hàng từng thứ đồ chơi
Dù nhiều lần đã hạ giá
Trong óc nổi bòng bong từng mớ
Những cơm đến gạo đến quần đến áo
Ðôi chiếu nằm rách từ giữa rách ra
Tục ngữ nói rằng những chiếc nhà dột từ nóc trên dột xuống
Từng sáng mai nhìn gầm giường
Ðốt cói rụng đầy như chiếu rụng đốt xương
Gió thổi từ dưới thổi lên
Muỗi cũng đốt từ dưới đốt lên
Nhưng con đái dầm lại tiện
Ròng rã mười năm kháng chiến
Cầm vững hai tay
Một cái tình thần
Choảng nhau với súng với bom
Gian khổ còn ư ?
Bố con ta lại vung cái tinh thần như tráng sỹ vung gươm
Chong chóng không quay
Con vứt đi phụng phịu
Sáng kiến làm đồ chơi
Bố thì không thiếu
Bố lại lấy lá dứa vận cho con cái kèn
Bố thổi nó kêu lên tò he. Tò he
Con đắc trí giật kèn đi thổi khắp Ô Kim Mã
Tò he. Tò he
Như một thiên sứ Hài đồng
Xuống lệnh điềm tin
Tò he. Tò he
Nhớ truyện Ðông Chu
Sao đỏ, sao đen
Tò he. Tò he
Cuộc đời đẩy đưa, định mệnh dắt tôi đến với một người phụ nữ khác, sống cùng tôi đến ngày hôm nay. Bà tên Phạm Thị Nhu, cũng là một người phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Bà vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố điền chủ của Việt Minh.
Nhớ lại, lúc đó, tôi còn là chính trị viên tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, hiểu biết luân thường đạo lý, lại có tâm hồn nghệ sĩ, nên tôi cảm thấy chán nản quá.  Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng!
Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa tôi ở độ mười lăm cây số, có một gia đình địa chủ rất giầu, nắm trong tay gần năm trăm mẫu tư điền. Ông địa chủ giầu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Ông thấy bộ đội sư đoàn 301 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo tới chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là Trưởng Phòng Tuyên Huấn và Chính Trị nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông ta, đồng thời đề nghị lên Sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Riêng tôi rất quý mến và luôn luôn nhớ đến ông. Thế rồi một hôm tôi nghe tin gia đình ông ấy bị đấu tố. Hai vợ chồng bị đội đấu tố mang ra cho dân sỉ vả, nhục mạ, rồi chôn xuống đất để hở có cái đầu lên thôi. Xong, họ cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ xấu số chỉ còn có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội đấu tố đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo. Dã man hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm dân chúng cả việc lấy các con cái của địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương giáng xuống gia đình ông bà địa chủ mà tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái của họ sinh sống ra sao, vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé mỗi buổi chiều cứ lén lút đứng bên ngoài song cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Khi gặp nhau, cô bé ấy nói vì đi nghe tôi giảng Kiều nhiều hôm để trâu ăn lúa, nên bị bắt phạt...
Lúc gần tới nơi, may sao tôi gặp cô ta áo quần rách mướp, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom tìm lượm vài củ khoai mà dân bỏ sót nhét vào túi áo, rồi chùi vội một củ vào quần đưa lên miệng gặm. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi lại gần hỏi thăm và được cô ta kể lại rành rọt hôm cha mẹ cô bị đấu tố chết ra sao. Cô ta khóc mếu nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hàng ngày cô phải đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong cái miếu hoang; cô rất đói khổ lo lắng, không biết ngày mai còn sống hay sẽ chết vì đói khát! Tôi nghe mà lấy làm thương tâm quá, trong lòng vô cùng xúc động. Suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định đem cô ta về quê tôi, rồi bất chấp lệnh cấm, tôi đã lấy cô ta làm vợ. Rất may là sự quyết định của tôi đã không nhầm. Khi xưa, quê tôi nghèo, nhà tôi cũng nghèo, tôi lại còn ở trong bộ đội nên không có tiền. Nhưng hai vợ chồng cố gắng chịu đựng đùm bọc nhau bữa đói bữa no... Cho đến ngày nay, bà ấy đã cho tôi 10 người con ngoan, 6 trai, 4 gái và cháu nội cháu ngoại hơn 30 đứa!
Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày hốt đá đi bán, túi dắt theo vài quyển sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi cởi mở, tôi được tụi nó ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm.
Năm 1988, tôi “tái xuất” giang hồ sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nhà đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do Hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí - xuất bản và đổi mới thực sự.
Dọc đường đất nước trên chuyến đi, tôi đã đọc cho công chúng nghe trong những lần gặp gỡ, bài thơ dài mới nhất tên là “Chuyện tôi về”, một loại bút ký thơ kể về thời gian “Ba mươi năm không phải chuyện / Một sớm một chiều/ Một ngày tù đã dài như thế kỷ / Ấy là tù giữa chợ...” Trong 30 năm đó, kể từ ngày có vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, và 17 năm sau đó nữa, chẳng có ai dám viết... Cũng trong dịp này, tôi được may mắn quen biết người bạn trẻ yêu nước, thường viết lách dưới bút hiệu Tiêu Dao Bảo Cự. Mến phục nhà trí thức đa tài đầy nhiệt huyết nầy, tôi đã chép tặng bài thơ Chuyện Di Tề với những câu như sau:
... Tôi là cây
gỗ
vuông
chành
chạnh
suốt đời
đã làm thất bại
mọi âm mưu
đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn long lóc thế nào
thì long lóc
Chân
tính
đấy
hỡi Rìu, Bào
Phó-Mộc
Lần đó, chép xong mấy câu thơ, tôi đã chỉ tay vào trang giấy nói: “Anh thấy đó chữ Rìu, Bào và Phó-Mộc viết hoa. Anh biết tôi muốn ám chỉ ai rồi.” Anh bạn trẻ gật đầu tỏ vẻ lĩnh hội!
Chuyện này sau đó tôi quên tịt, nhưng hẳn là đã để lại trong tâm tư anh ta khá nhiều ấn tượng, bằng chứng là 17 năm sau, anh bạn trẻ (lúc này 60 tuổi, và tôi cũng đã 90!) lần mò từ Sài Gòn đến tận nhà thăm tôi! Mặc dù đang cảm nặng, tôi cũng thu gom được chút lực tàn để hầu chuyện cùng anh, ăn chung với anh một bữa cơm trưa thanh đạm gọi là đãi khách từ xa tới! Anh bạn trẻ nói chuyện thật vui, hỏi nhiều thứ tôi không còn nhớ nổi, nhất là những chuyện xảy ra trong chuyến xuyên Việt năm 1988! Nhưng những sự việc trước đó thì tôi nhớ như in, nhất là vào cái thời họ trù dập Nhân Văn Giai Phẩm. Anh bạn trẻ xin phép hút thuốc lá, tôi không cho; anh bảo cái gì anh cũng bỏ được, trừ cái tật nghiện thuốc lá! Hừm, có gì mà không bỏ được?! Cái gì có hại là phải bỏ! Nể mặt tôi nên anh giữ im lặng, nhưng tôi thấy rõ ánh bất bình trong mắt anh...
Anh bảo ra về sẽ viết một bài ký sự ghi lại buổi gặp gỡ đó, và anh đã giữ đúng lời hứa. Lớp trẻ ngày nay thật tài ba!
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, Công ty Vitek VTB đột nhiên ra đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu, trừ thuế còn 90, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu, phòng ốm đau lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan.
Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy tập thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán!

                                                                                               HỮU LOAN


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Sex mà không giỏi thì sành sỏi chuyện gì?

Thấy các bạn trao đổi về chuyện Ê...A... nhiều quá, lại còn muốn bàn sang cả chuyện thế giới, chuyện giáo dục nữa, Blog E giới thiệu cuộc trao đổi gần đây  giữa một người phụ nữ với một cái giường để rộng đường dư luận. 

Mở đầu cuộc trao đổi Giường hùng hồn tuyên bố: Sex là một phần tạo nên cuộc sống của con người nên muốn hay không, ai cũng phải hiểu về nó. Thế mà ở Việt Nam, người ta cổ vũ những phụ nữ ngớ ngẩn về sex mới đáng nể chứ!

- Giường ơi là giường! Ai chả biết giường là người sành sỏi về sex nhất. Nhưng giường phát ngôn sốc quá đi mất!

Này, tôi nói có gì sai? Phụ nữ các cô rất lạ. Cứ ngồi “chém” với nhau thì nói đủ thứ chuyện bậy, nói cả tinh trùng ấy chứ. Thế mà cứ làm như các cô đều là những người ngoan hiền, không biết cái thứ ấy là gì.

- Thì đã đành là thế, nhưng đây không phải là chuyện bô bô nói một cách vô tư như vậy.

Thì đó là chuyện tôi biết rõ nhất. Chả lẽ cô định hỏi tôi về những chuyện chính trị, xã hội trong khi hiểu biết của chiếc giường nhiều nhất vẫn là chuyện… sex. Nếu cô không thích nói chuyện thì thôi.

- Không hẳn thế. Tôi thực sự muốn nghe ý kiến của anh. Nhưng đối với phụ nữ phương Đông nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung, chuyện đó cần nói có văn hóa một chút…

Trong những câu chuyện của các cô lúc trà dư tửu hậu mới chứa đựng nhiều yếu tố thiếu văn hóa. Còn đã nói chuyện sex trên giường là văn hóa rồi bà cô ạ!

Suy cho cùng, cái chuyện này nói là cần phải có văn hóa và không được trần trụi. Tôi vô cùng đồng ý với điều đó. Nhiều khi tôi cứ nghĩ, không biết người phụ nữ mang yếu tố văn hóa lên giường thì cô ta xét khái niệm văn hóa ở góc độ nào. Nhưng theo tôi, văn hóa nhất chính là hiểu được những gì mình đang làm.
- Anh có thể nói rõ hơn được không?

Đàn ông lên giường một cách thỏa mái. Nhưng phụ nữ lên giường, đa số là thụ động. Ví dụ, nhiều cô ngớ ngẩn đến mức không hiểu mình làm chuyện sex xong thì cô ta có thể có bầu. Hoặc đa số những phụ nữ tôi biết đều nghĩ rằng, khi đã lên giường với một người đàn ông là cô ta có thể trói buộc người đàn ông đó bên cạnh mình. Và còn nhiều điều ấu trĩ, ngớ ngẩn khác nữa.

Mà tôi, một cái giường, không hiểu sao hệ thống suy nghĩ của xã hội là gì mà lại cứ luôn cổ vũ cho những người hiểu biết ngớ ngẩn về sex để rồi khi xảy ra hậu quả thì dội ầm ầm sự tức giận, sỉ vả vào đầu cô ta. Nếu xét một cách công bằng, tôi nghĩ cần phải trang bị cho người phụ nữ những hiểu biết về sex trước khi cô ta bước vào mối quan hệ tình dục với một người đàn ông. Những hiểu biết đó để bảo vệ cô ta thôi!

- Ờ thì, tôi nghĩ là cũng cần…

Giờ này mà cô vẫn ậm ờ: Thì cũng cần… Rõ ràng là cần còn gì.

Điều đầu tiên, chúng ta phải thẳng thắn với nhau: Cái gốc của con người chính là bản năng, là duy trì nòi giống, là sex. Ai đó nói cái gốc con người là tính cách tốt xấu, thật ngớ ngẩn. Tính cách là thứ hình thành sau, còn gốc con người chính là sex. Chuyện to đùng thế mà ở cái xứ sở này, người ta cứ cổ vũ những người ngớ ngẩn về sex.

Đàn ông nói anh ta cần một người phụ nữ ngoan, hiền, biết làm việc nhà. Anh ta chọn cho mình một cô như thế, ngoan ngoãn làm ôsin cho anh ta. Và anh ta có những mối quan hệ với người phụ nữ khác. Anh ta luôn chán vợ (nhưng không bao giờ thẳng thắn) và tìm một cái giường khác mà vợ không bao giờ ở đó.

Đàn ông cần sex, cần làm chuyện đó một cách “sạch sẽ” trên giường nhà mình nhưng lại sợ sự hoan lạc thái quá với vợ, sợ vợ mình sành sỏi chuyện ấy. Phụ nữ cả đời làm chuyện sex với một người đàn ông và không dám đặt mục tiêu mình là người tuyệt vời trong chuyện sex.

Chuyện nội trợ, cơm nước cũng thật cần, nhưng đó mới chỉ là một nửa của  cuộc sống. Đàn ông cần bỏ ngay cái thói “ngu” hóa vợ mình trong chuyện sex, sau đó thì hết mình với một người phụ nữ không bao giờ anh ta lấy làm vợ trên cái giường mà cô ta làm chủ. Anh ta sẽ lải nhải bài ca chán vợ, kể xấu vợ và ca tụng người phụ nữ kia.

Chị vợ thì tự hào: Đàn ông có ăn chả, ăn nem ở đâu rồi cũng quay về với vợ. Điều tự hào này ấu trĩ y như việc chị ta tự coi mình là một cái máng lợn với món cám thập cẩm còn những chỗ khác mới có “chả”, có “nem” để cho chồng đổi bữa. Sao mà suy nghĩ kém thế không biết! (Cười khùng khục).

- Chuyện trên giường cũng nhiều điều nhỉ! Nhưng làm thế nào để thay đổi được thực trạng này?

Tôi cũng không biết, vì tôi không phải người quyết định ý thức xã hội. (Cười)! Nhưng theo tôi, phụ nữ ngớ ngẩn về chuyện sex là những người phụ nữ đáng lên án. Phụ nữ làm “chuyện ấy” không phải để phục vụ đàn ông mà là vì bản thân mình. Đừng có mang cái tư tưởng hy sinh vì chồng, vì con lên tận giường. Hãy làm điều đó vì bản thân các cô, vì những khoảnh khắc các cô cảm thấy hạnh phúc y như người đàn ông.

Nếu chồng cô mà sợ cô sành sỏi về chuyện sex, hãy đá anh ta ra khỏi giường. Chuyện cơ bản như thế trong cuộc sống mà không hiểu biết, không sành sỏi thì chuyện gì mới sành sỏi?

- Dù sao thì tôi cũng ghi nhận những ý kiến của anh! Cái này chắc còn phải xem xét dài dài. Nhưng rõ ràng tôi thấy anh có lý. Cảm ơn anh đã rất thẳng thắn!
                                                                                              (NCT sưu tầm)

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

NGƯỜI MỸ GIẢNG DẠY CHUYỆN "CÔ BÉ LỌ LEM" NHƯ THẾ ĐẤY!


Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?
HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?
HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?
HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ !

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?
HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem – chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.
Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy ?
(sưu tầm theo Fb Nguyễn Thị Thanh Mai)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Công bố quyết định thành lập Trường Trung cấp nghề Lục Yên

Hiệu trưởng Vũ Kim Hào, Hiệu phó Nông Ngọc Ánh nhận
Quyết đinh từ Giám đốc Sở LDTBXH Hoàng Đức Vượng
Ngày 13/3 vừa qua  Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Trường Trung cấp nghề Yên Lục Yên. Trước đó,  Vũ Kim Hào - cựu học sinh chuyên toán cấp 3 HH 72-75 đã được bổ nhiệm là Hiệu trưởng trường này. Trường Trung cấp nghề Lục Yên thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề huyện Lục Yên.



Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ
Lâm Tuấn Khanh chúc mừng Hiệu trưởng Trường
Trung cấp nghề Lục Yên Vũ Kim Hào

Trường là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo Điều lệ Trường Trung cấp nghề và theo quy định của pháp luật về dạy nghề. Trường có chức năng, nhiệm vụ: đào tạo trung cấp nghề, sơ cấp nghề; ngành nghề đào tạo của trường thực hiện theo quy định của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và đăng ký danh mục nghề tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh. Bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ nằm nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Blog E xin giới thiệu một số hình ảnh về lễ công bố để các bạn cùng vui với Vũ Kim Hào.
Em trai, em gái và bạn của Vũ Kim Hào chúc mừng
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lục Yên, Ban giám đốc Sở
và lãnh đạo trường bạn chúc mừng 
Ban Biên tập Blog E xin chúc  Hiệu trưởngVũ Kim Hào và tập thể cán bộ, học sinh nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện Lục Yên và tỉnh Yên Bái. Hi vọng sẽ có dịp lên thăm các anh chị trong một ngày gần đây. (NCT)



Trên một chuyến tàu

Tập thơ của Tạ Hữu Gay đã in xong, do Nhà xuất bản Lao Động xuất bản. Bao gồm 32 bài thơ, 90 trang in. Bìa tập thơ do Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng đã đưa lên giới thiệu trên blog này. Bìa 4 gồm một bài đề từ "Nợ" và đoạn giới thiệu của Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, ghi rõ bên dưới, là "bạn đồng môn Phổ thông chuyên toán Hải Hưng 72-75". 
Bài đề từ: Nợ
"Danh tướng xưa mắc nợ chiến trường
      Với giáp kiên
                 Binh pháp
                        Một thanh gươm
Người ta sống nợ cùng trời đất
Thi sĩ vô danh
                      Mắc nợ những hồn thơ"
                                             Viện HH&TMTW 10/2012
Nhân dịp Tạ Hữu Gay in xong tập thơ, xin giới thiệu một bài thơ trong tập thơ này của Tạ Hữu Gay:

Trên một chuyến tàu

Sáng nay trên một chuyến tàu
Bên hồ Hoàn Kiếm in màu trời mây
Kìa đàn ai đã lên dây
Ta nghe, lòng những ngất ngây cùng hồ

Đây rồi, một nghệ sĩ mù
Chiếc khăn tay, mảnh vải dù quàng vai
Câu ca tiếng hát lên lời
Mà như dồn đọng cả trời âm thanh

“…Ta yêu ta quý hòa bình
Hòa bình cho máu thân mình khỏi rơi…”
Ơi anh nghệ sĩ mù ơi
Mắt mù có thấy ngại đời không anh?

Tàu lao, cây vụt qua nhanh
Nhìn anh, tôi nghĩ về mình, về ai
Về mông lung những kiếp người
Không gian, tháng rộng ngày dài qua đi

Đã bao nhiêu bận đi về
Tàu đi đến đích, anh thì đến đâu
Hôm nay trên một chuyến tàu
Ta nghe, ta hiểu thêm sâu chữ Đời
Hà Nội, 1980

Ghi chú: NCT, LPT, VKH, VDT... chuẩn bị tập hợp lại và in thơ đi, để Tạ Hữu Gay vui cùng