Các anh trong BBT blog E thân mến. Em là một độc giả của blog E, thường đọc các anh hàng ngày. Những bài viết của các anh thật bổ ích với em trong nhiều lĩnh vực. Những bài viết ấy đã mang lại cho em thêm rất nhiều niềm vui sống, tình yêu với cuộc đời.
Ngày Quốc tế Phụ nữ mồng 8 tháng 3 sắp tới, các anh đã có nhiều thơ tình yêu đăng trên blog rất hay. Còn em, có một bài tản văn viết từ mùa thu trước - Bài về MẸ. Em muốn được đăng bài trên blog của các anh. Có thể, đây là một sự đường đột. Nhưng em mong được các anh giúp đỡ. Bởi, em muốn thông qua blog của các anh, được bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn và thương nhớ tới tất cả các bà mẹ của chúng ta. Kính chúc các mẹ còn được hưởng phúc bên con cháu một mùa xuân mới mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui. Và những mẹ đã nhắm mắt của chúng con ơi, chúng con sẽ sống tốt để xứng với tình yêu mà Người để lại. (Mai Hương)
Ngày Quốc tế Phụ nữ mồng 8 tháng 3 sắp tới, các anh đã có nhiều thơ tình yêu đăng trên blog rất hay. Còn em, có một bài tản văn viết từ mùa thu trước - Bài về MẸ. Em muốn được đăng bài trên blog của các anh. Có thể, đây là một sự đường đột. Nhưng em mong được các anh giúp đỡ. Bởi, em muốn thông qua blog của các anh, được bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn và thương nhớ tới tất cả các bà mẹ của chúng ta. Kính chúc các mẹ còn được hưởng phúc bên con cháu một mùa xuân mới mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui. Và những mẹ đã nhắm mắt của chúng con ơi, chúng con sẽ sống tốt để xứng với tình yêu mà Người để lại. (Mai Hương)
DÁNG MẸ
Tính đến thu này nữa, đã là ba thu, kể từ khi u tôi (Tôi vẫn gọi mẹ tôi như thế, như bao đứa trẻ con nhà quê ngày xưa gọi mẹ) rời xa tôi, rời xa cõi nhân gian để đến một nơi xa lắc. Vậy mà, cứ mỗi chiều, nhất là những chiều thu vàng như thế này, tôi lại nhớ Người đến se sắt cõi lòng. Mỗi khi qua một làng quê, nhìn cánh đồng rực vàng bởi nắng thu và lúa chín, nhìn dáng ai áo nâu nón nghiêng đi ngược chiều gió, sao mà giống dáng u đi thăm lúa trong chiều thu thuở trước! Nghe tiếng chổi tre nhà bên ai quét, sao mà giống tiếng chổi năm nào của u mỗi khi đến “mùa lá rụng trong vườn”! Bất giác, nước mắt tôi lại đẫm ướt bờ mi …
Ngày con gái, u tôi đẹp nổi tiếng trong vùng. Khi tôi thành thiếu nữ, tôi vẫn nghe mấy bà bạn “thanh mai trúc mã” của u tôi kể thế. Và, bởi bố tôi là con nhà hào phú trong làng xã nên mới lấy được u tôi. Lúc tôi sáu, bảy tuổi, nhà tôi cũng nghèo như bao nhà nông dân trong làng thời ấy, u tôi rất vất vả, vậy mà ở tuổi bốn mươi, Người vẫn còn đẹp lắm. Dáng người và khuôn mặt của u tôi toát lên vẻ đẹp đầy đặn và phúc hậu - một vẻ đẹp theo đúng tiêu chuẩn thẩm mĩ ngày xưa. Hàm răng hạt na đen nhánh và đều tăm tắp. U tôi kể rằng, u nhuộm răng năm mười sáu tuổi - Nhuộm với thứ cây lá gì đó, tôi không nhớ nữa, phải nhịn ăn mất mấy ngày. Ánh mắt Người lúc nào cũng hiền từ. Ở nhà quê, mà tôi chả bao giờ thấy Người to tiếng với ai. Nhưng, u tôi đẹp nhất ở nước da. Làn da của Người trắng mịn, hồng hào. Cả khi Người đã cao tuổi rồi, làn da của Người vẫn là nỗi ước ao của bao cô gái trẻ trong làng.
Lúc nào u tôi cũng tham công tiếc việc, tảo tần đến nao lòng. Sáng sớm, mỗi khi mở mắt nhìn ra ngoài trời, tôi đã thấy bếp lửa của Người chờn vờn, lay động màn sương sớm. Người đang đun nước hay luộc khoai. Dáng Người mờ tỏ trong ánh lửa rơm bập bùng. Đi làm đồng đến tối mịt, cơm nước xong, Người vẫn còn xay thóc. Những ngày chúng tôi được nghỉ học, giúp đỡ Người, thì Người quét dọn, giần sàng ... Dáng Người nghiêng nghiêng theo những vòng quay đều đặn. Tôi đã học mãi ở Người, để quay cái sàng cho tròn, cho trấu chụm lại và gạo rơi xuống nong nia ... mà không sao học nổi. Tôi còn nhớ những lời mắng yêu của Người khi đó: Cái đồ con gái vụng về, chữ khó thế còn học được, sao có sàng gạo lại chẳng làm nên. U tôi làm việc gì cũng khéo. Không nhanh, nhưng rất cẩn thận và đẹp đẽ. Những bó mạ của Người thật gọn gàng. Mỗi khi cấy, tôi không bao giờ phải sắp lại chúng. Là con gái nhà quê, là thợ cấy sau mỗi buổi tan trường, nhưng tôi rất sợ nhổ mạ. U tôi biết thế, nên bao giờ tôi đi cấy cũng có những bó mạ sẵn sàng.
Tôi không thể nào quên niềm vui con trẻ bừng lên trong tôi mỗi khi thấy u tôi đi chợ về ngoài đầu ngõ. Cái thúng đội đầu trên chiếc khăn vuông chít mỏ quạ màu đen. Tay u vung vẩy nhịp nhàng theo mỗi bước chân. Khi Người đặt thúng xuống thềm, mấy anh em tôi tranh nhau lục lọi, để lấy ra, hôm thì củ sắn luộc, hôm thì những tấm mía ... và tỵ nhau tấm ngắn tấm dài. Có những hôm rau ế, bán rẻ xong thì cũng hết hàng quà (Sau này tôi mới biết), về đến đầu ngõ, u tôi đã an ủi rằng, hôm nay ô tô đuổi u nên u chạy không kịp mua gì, để mai u mua nhiều bù lại. Mỗi trưa chiều đi gặt về, thế nào u tôi cũng đưa cho tôi một cái túi vải con con. Bên trong, sẽ là những con muỗm no tròn mũm mĩm. Và, tôi sẽ ra bụi tre bẻ lấy một cọng tươi, xiên chúng thành một xiên dài. Để rồi, chỉ một lúc sau thôi, mùi muỗm nướng thơm lừng đã bay lên cùng khói lam chiều. Cái mùi đồng quê ấy, tưởng đã là của một thời dĩ vãng, mà sao trong mỗi chiều sâu lắng, lại cồn lên thiết tha trong tôi như nỗi nhớ về dáng mẹ năm nào!
Tôi nhớ những chiều mưa, không đi làm đồng được, thì u tôi ngồi khâu vá. Một cái bao đựng toàn quần áo cũ, u lấy làm mụn vá khâu. Rồi bao nhiêu quần áo rách của cả nhà, u lấy ra vá hết chiếc này đến chiếc khác. Tôi luôn quanh quẩn ngồi xem. Để tôi nhìn những mũi chỉ đều tăm tắp - Lúc đó, tôi đã không sao hiểu nổi, điều gì khiến u tôi có thể say sưa vá chúng cả ngày. Để thỉnh thoảng, tôi lại xâu kim chỉ cho u. Chốc chốc, tôi lại thấy Người gại đầu kim lên mái tóc. Và khi ngừng một đường khâu, Người lại cắm cây kim lên vành khăn vấn. Một sợi chỉ dài phơ phất rủ từ vành khăn xuống đất, như một “sợi nhớ sợi thương” từ Người, theo tôi suốt mọi thời gian, và sẽ đi cùng tôi đến hết cuộc đời.
U tôi có bệnh thấp khớp. Từ khi còn trẻ, Người gồng gánh đã rất khó khăn. Khi các anh chị đã đi hết khỏi nhà, tôi là người phải gánh gồng thay u là chính. U thương tôi, nên bao giờ bó rơm rạ, dồn thóc lúa, Người cũng san từng ít một để tôi khỏi phái gánh nặng lặc lè. Tôi phàn nàn rằng thế này thì bao giờ mới hết. Người bảo: không hết thì để đến mai, chứ gánh nặng quá thì xương gãy mất...U tôi qua đời cũng từ bệnh viêm khớp ấy. Chân Người rất yếu, không đi nổi. Ban đầu thì tôi dắt, sau thì tôi bế Người. Để gội đầu. Để tắm cho Người. Người vốn ít nói, khi ốm, lại càng ít nói hơn. Rồi đến lúc, Người chẳng thể nói được câu nào nữa. Hỏi: con là đứa nào, cũng chẳng cười, chẳng lắc. Nhưng mỗi khi tôi bón sữa hay cắt móng chân cho Người, những giọt nước mắt của Người lại ứa ra từ đôi mắt tưởng đã cạn khô. Dáng tảo tần thuở nào khi u làm bao việc sớm khuya, giờ, chỉ còn là một dáng hình bất động trên chiếc giường con ...
Mấy chục tuổi đầu mất mẹ, mà tôi khóc như một đứa trẻ thơ. Nhưng tôi biết, dù có khóc cho nước mắt rơi đầy như biển, cũng không còn được nhìn thấy dáng u đi, tay vung vẩy mỗi buổi tan chợ về như những ngày xưa. Dù có gào đến khản tiếng, cũng không còn được nghe nữa lời u mắng yêu con gái hay chữ mà lại vụng giần sàng như thuở ấy. Dù có cầu mong được bế u đi tắm cả trăm lần, cũng không còn được nhìn nữa dáng u ngồi khâu vá say sưa như trong những chiều thu mưa ngâu rả rích năm nào. Và chiều thu nay, tôi lại nhớ u tôi đến nghẹn ngào ...
(MAI HƯƠNG)
(MAI HƯƠNG)
Bài viết cảm động quá. Cảm ơn tác giả, cảm ơn blog 8e. Tôi cũng rất yêu quý mẹ nhưng chẳng bao giờ viết được ra như thế này.
Trả lờiXóaU ơi! Con nhớ U. Mẹ ơi! Con nhớ mẹ quá. Biết bao giờ con mới đền đáp được công lao của Mẹ.
Trả lờiXóa"Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào/ Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào/ Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào ...". Đã có biết bao lời thơ, lời ca ngợi ca tình mẹ, lòng mẹ cảm động rồi. Mai Hương đã góp thêm một lời ca cảm động nữa về MẸ. Nhớ mẹ quá. Cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóaThích bài này quá!
Trả lờiXóaNgày bé tôi cũng hay đợi mẹ tôi đi chợ về để lục quà như tác giả bài tản văn. Mẹ tôi cũng cho tôi muỗm lấy từ túi áo bà ba cài kim băng. Mai Hương làm tôi nhớ mẹ.
Trả lờiXóaÔi Mẹ thương yêu ! Mẹ thương yêu !
Trả lờiXóaKể sao cho hết vạn ơn sâu
Dù đi muôn nẻo con vẫn biết
Dáng Mẹ lưng còng đang ngóng con !
U trong "Dáng mẹ" rất cụ thể và cũng mang nhiều nét chung cho những bà mẹ của chúng ta. Vì vậy, "Dáng mẹ" làm người đọc rất xúc động. Và tôi, còn muốn nói thêm một chút nữa cùng tác giả mới của blog E: Bạn Mai Hương có thể giới thiệu đôi chút về mình không?
Trả lờiXóaNằm mơ thấy mẹ thuở nào
Trả lờiXóaĐường xa bước thấp, bước cao tảo tần
Nằm mơ thấy mẹ một lần
Cười vui hằn rõ nếp nhăn cuộc đời
Một bài tản văn thật chân thực, một tâm tình thật đằm thắm thể hiện tình cảm sâu nặng của một người con hiếu thảo đối với Mẹ của mình. Cám ơn mai Hương đã truyền cho chúng tôi, những đọc giả blog E tình cảm chân thành của một tấm lòng nhân ái và hiếu đễ.
Trả lờiXóaBài tản văn về MẸ của Mai Hương làm tôi nhớ mẹ mình quá. Mẹ tôi có rất nhiều dáng nét và việc làm giống mẹ của tác giả bài tản văn. Và tôi chợt nhớ đến mấy dòng thơ viết về mẹ trong một ngày xuân đã xa:
Trả lờiXóaNHỮNG VẾT NẺ TRÊN CHÂN MẸ
Sáng xuân nay tôi theo mẹ ra đồng,
Không còn như ngày xưa lon ton chạy trước.
Tôi nhìn theo nhịp chân mẹ bước,
Dáng mẹ đi tần tảo như cuộc đời.
Gió xuân xua cả ruộng mạ reo cười.
Những lá mềm non như cánh tay vẫy gió.
Hai bên đường, sương đẫm trên vạt cỏ,
Cả đất trời bừng một sắc tươi non.
Khi mẹ xắn quần để lội xuống bùn,
Tôi bỗng lặng người nhìn đôi chân của mẹ:
Đôi bàn chân dọc ngang bao vết nẻ,
Như còn in những năm tháng gian lao.
Con đã hiểu rồi, chân mẹ nẻ vì sao:
Gió lạnh cứng đất trời, mẹ ra đồng buổi sớm.
Mẹ ơi, lúc đó trong chăn ấm
Bàn chân con trong tất, vẫn co ro.
Nắng gió tháng mười cứa đất nẻ khô
Đôi chân mẹ, quần luôn cao quá gối.
Mẹ ơi, con biết mình có lỗi,
Khi ở trên này con vẫn chưa chăm.
Xuân qua, rồi đông qua bao năm
Đôi chân mẹ càng chằng thêm vết nẻ.
Những vết nẻ cho cuộc đời thêm trẻ,
Cho cánh đồng khô cứng hoá tươi non.
Và con hiểu rằng: suốt cuộc đời con
Cùng với tháng năm lấp đi khoảng trống,
Trước biển đời ồn ào sôi động,
Những vết nẻ trên chân Người in dấu mãi trong con.
Đọc những lời tự sự của cô con gái út về những kỷ niệm trẻ thơ, của những kỷ niệm trước lúc đi xa đối với mẹ mình, người đã sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ mình thành người mà cảm thông, mà chạnh lòng nhớ tới quê hương, nhớ về những người thân của chính mình….
Trả lờiXóaTuy nhiên, ở vào cái tuổi “Tri thiên mệnh”, tôi lại có cảm giác người viết muốn vay mượn từ ngữ văn chương để lấy lòng, lấy nước mắt khán giả (nếu bài viết đúng là của tác giả) bới vì một số lẽ sau:
Ngược dòng thời gian: U cô gái này sinh con út năm băm ba, băm tư tuổi. Bà mất khi cô hơn hai chục tuổi và tính đến nay mới được 3 năm. Như vậy, người được gọi là U tôi trong bài nếu còn sống năm nay cũng chỉ khoảng 60 tuổi (sáu mươi). Cỡ tuổi đó thì cùng sàn sàn tuổi chúng tôi. Không thể có những việc như nhuộm răng, chít khăn mỏ quạ đi chợ, khâu vá những chiều mưa .tự nhổ mạ và tự cấy, khi đau ốm lại lẩn thẩn như vậy …vân vân và vân vân. Duy có một câu khó chịu nhất là: …Bố tôi là con nhà hào phú trong lang xã…. Đây đúng là sự xúc phạm đến chế độ mới XHCN ở Miền Bắc những năm đầu giải phóng. Nếu tác giả mất Mẹ những năm đầu giải phóng thì còn có thể chấp nhận được chứ một cô gái trẻ lại copi cảm xúc của những người lớn tuổi thì theo tôi là rất không nên và rất đáng lên án….
Vài lời nôm na, xin được lượng thứ.
Nhận xét trên là của NCT. Theo tôi những người phụ nữ lấy chồng trước năm 1954 nay còn sống cỡ tuổi trên dưới 80, có người nhuộm răng đen, có người không (NCT)
Trả lờiXóaĐúng rồi, mẹ vợ ông 96 tuổi thì nhuộm răng đen là hợp lý, đẻ con út năm 49 tuổi cúng không có gì là lạ.
Trả lờiXóaCòn bà mất khi cô con gái út hơn 20 là do suy luận logic: Cô đi học mà lại về chăm sóc mẹ thì chỉ khi cô mới TN, nếu không thì chắc là gái già? Có thế mà không hiểu?
Em chào các anh chị lớp E và độc giả blog E. Em là Mai Hương - người đã đường đột gửi bài tản văn cho blog. Từ chiều qua, sau khi gửi bài xong, đến giờ em mới trở lại với blog. Em rất cảm động vì các anh chị đã chia sẻ cùng em cảm xúc về MẸ. Đã có những nhận xét rất tinh tế, như nhận xét của anh NXH - Tinh đến mức chính em cũng không diễn tả nổi như anh. Quả thật, khi viết bài tản văn, lúc đầu em còn tìm câu chữ để diễn đạt cảm xúc. Nhưng sau đó, em không kịp tìm chữ nữa. Phải gõ nhanh bàn phím, kẻo không kịp với cảm xúc trào dâng. Lúc đó, em rất nhớ u em. Đã có những bài thơ về MẸ rất hay như bài của anh LPT. Và rất nhiều những lời chia sẻ chân tình khác nữa... Song cũng còn một vài thắc mắc xung quanh bài tản văn của em. Em xin được nói thêm một chút cho rõ ạ. U em khi mất là hơn 70 tuổi. Thực ra tuổi cũng chưa thật nhiều, nhưng u em đã bị lẫn hàng năm trước, khi bà còn đi lại được. Chị cả của em sinh năm 1955 cơ ạ. U em mất cũng không phải khi em hơn 20 đâu, em lớn tuổi hơn thế nhiều. Anh trai em mất sớm, nhà chị dâu neo người nên mấy chị em gái chúng em tuy đi lấy chồng nhưng lại thay phiên nhau sắp xếp thời gian về chăm sóc u em là chính. Những điều đó, cũng không cần phải viết hết trong bài tản văn.
Trả lờiXóaEm mong được sự chia sẻ và cảm thông nhiều hơn nữa của các anh chị. Một lần nữa, em xin được chúc các mẹ luôn mạnh khỏe. Mẹ luôn là đích để chúng con hướng về.
(Mai Hương)
Tôi chẳng hiểu sao mấy ông 14:38. 15:46 lại suy luận thế. Nếu Mai Hương hơn 20 tuổi +3 thì có mà gọi mấy ông lớp E là bác xưng cháu, chứ làm sao dám gọi anh xưng em ngon lành thế? Vừa mới sinh nhật 54, 55 cả mà!
Trả lờiXóaPhụ nữ làm gì có tuổi bạn ơi, nên bất cứ người phụ nữ cũng có thể gọi đàn ông 54-57 tuổi chúng tôi là anh hay là chú đều được hết, thậm chí người đó có thể gọi bố tôi là anh cũng không sai.
XóaVà, những bà mẹ răng đen của những bạn khoảng 30 tuổi bây giờ, có thể là cháu của ông bà là địa chủ, hào phú
Trả lờiXóaCảm ơn Mai Hương đã làm tôi rất xúc động nhớ về bà nội của tôi khi tôi còn nhỏ. Bà mất khi tôi đang học ở Hưng Yên. Mai Hương đã mô tả người phụ nữ đúng như hình ảnh đọng lại trong tôi về Bà nội của tôi.
Trả lờiXóaAnh E 21:07 suy luận rất đúng ạ. Ông nội em bị quy là phú nông (Sau này sửa sai thì đã muộn - Ông em ức quá mà tự vẫn đấy). Bố em là con út đẻ thêm của ông em. Khi bà nội em sinh bố em thì bác dâu cả của em cũng sinh anh lớn. Như thế, ông nội em vừa có cháu nội, vừa sinh con. Em vẫn nghe bác em kể cảnh "Em bú chị, cháu bú bà". Còn u em thì về làm dâu lúc mới hơn mười tuổi, còn chưa đủ lớn. Khoảng 5 năm sau mới sinh được chị cả em mà. Bố em là bộ đội chống Pháp, tích cực lắm mà chẳng được kết nạp Đảng vì lí lịch con nhà hào phú.
Trả lờiXóaEm lại trao đổi thêm một chút nữa cùng các anh. Em cảm ơn anh NCT đã tìm ảnh minh họa cho bài văn của em. Em thích nhất ảnh 2 (U lúc còn trẻ), U trong ảnh đó hao hao giống U em.
(Mai Hương)
Xin chào các bạn, xin chào Mai Hương (nếu tồn tại).
XóaTôi là người đã đọc rất kỹ tự sự và các bình luận. Chính tôi đưa bình luận lên blog E lúc 14g38, khi đó tôi chỉ nói sơ qua. Nếu cần thiết tôi có thể nêu những cái sai ra để mọi người cùng suy ngẫm.
1. Theo dòng sự kiện, nếu mẹ MH (U), lấy chồng khi mới hơn 10 tuổi? Dẫn: …u em thì về làm dâu lúc mới hơn mười tuổi… thì lúc đó chắc chỉ có Thánh mới biết được là xinh đẹp?. Dẫn: Ngày con gái, u tôi đẹp nổi tiếng trong vùng….Còn nữa: Tục nhuộm răng đen chỉ dành cho thiếu nữ chưa chồng, U có chồng là bộ đội chống Pháp khi đó sẽ là những phụ nữ tiên tiến, không làm việc cổ hủ, lạc hậu. Dẫn: …U tôi kể rằng, u nhuộm răng năm mười sáu tuổi…
2. Cũng theo dòng sự kiện, nếu tính chi ly thì U sinh khoảng năm 1938, hơn 10 tuổi lấy chồng (khoảng năm 1950-Đã dẫn ), sau 5 năm sinh con đầu lòng ( 1955-Dẫn: Chị cả của em sinh năm 1955…). Đến năm U khoảng băm ba, băm tư sinh cô gái út (MH)Dẫn: Lúc tôi sáu, bảy tuổi…vậy mà ở tuổi bốn mươi…Tức là sinh cô út vào khoảng năm 1970. Nếu như số liệu trên là chính xác thì: Chí ít cô út phải biết đi mới có thể lục tìm quà trong thúng của u khi đi chợ về được. Hỡi ơi, nếu vậy thì các chị và anh cô út lúc đó đã là thanh niên rồi, còn đâu mà tranh quà với em được nữa?
Anh 14:00 ơi, em rất cảm động vì bài văn của em đã được anh đọc "rất kỹ" như anh nói. Và anh còn suy luận theo cách của riêng anh. Em thì không biết suy luận nên em chỉ viết những gì ở "cây đời" thôi ạ. Cuộc đời có những khi suy luận mà không hết. Ví như hôm qua, có anh bảo "những bà mẹ răng đen của những bạn khoảng 30 tuổi bây giờ, có thể là cháu của ông bà là địa chủ, hào phú", mà không biết rằng cả bố và U em đúng là bằng tuổi mấy anh chị con bác cả, bác hai em (Bác hai em là gái đi lấy chồng cũng sinh con cùng bác dâu cả). Chuyện các anh chị em cũng thế, chị cả em sinh năm 1955, chị hai em sinh năm 1957, rồi U em bỏ mấy đốt nữa mới đến mấy anh em chúng em mãi sau này, cách nhau chỉ chút ít thôi ạ. Em chỉ nói "mấy anh em tôi tranh nhau ..." chứ không kể hai chị lớn. Các chị lớn của em thì phải nghỉ học và đi làm đồng ruộng, không được đi học nhiều như mấy đứa em. Còn khi em viết "ở tuổi bốn mươi ..." không có nghĩa là đúng 40 tuổi đâu ạ. Em cũng chẳng biết mấy bà bạn của U em (giờ vẫn còn sống) có phải "thánh" không, nhưng đều khen U em đẹp từ thuở thiếu nữ (Có khi về nhà chồng mới thành thiếu nữ cũng nên), có nói khối người muốn lấy U em, đến hỏi mà không được. Bố em thì đi chống Pháp có hơn một năm rồi thành bệnh binh (mắt) nên xuất ngũ ngay trước chiến thắng Điện Biên. U em vẫn là người truyền thống cho đến khi mất, chẳng tiên tiến gì cả. Em chỉ nhớ U em kể vậy thôi, chứ cũng không tìm hiểu kỹ về tục nhuộm răng. Em chẳng phải nhà văn chuyên nghiệp, thỉnh thoảng viết theo cảm xúc thật, không biết copy ý, lời hay cảm xúc của ai. Thành thật muốn chia sẻ cùng các anh.
Trả lờiXóa(Mai Hương)
Chào Mai Hương! tôi rất thích và cảm thấy thật xúc động khi đọc bài viết của bạn. Cho dù bạn bao nhiêu tuổi đối với tôi không quan trọng, mà điều quan trọng là bạn đã cho độc giả chúng tôi được thưởng thức một bài viết hay. Tôi cũng nghĩ các anh lớp e hay độc giả có cần nhất thiết phải ngồi suy luận xem bạn MH bao nhiêu tuổi không nhỉ? Nếu bạn ấy lớn tuổi khoảng U50 thì sao? mà bạn ấy U30 thì cũng đã sao nhỉ?
Trả lờiXóaCảm ơn anh VKH đã chia sẻ. Em còn một số bài viết nữa, nếu em thấy có thể đăng được, em sẽ gửi tiếp cho các anh trong BBT ạ. Anh đăng bài về cô anh đi, dịp 8/3 này là hợp lý nhất đấy ạ. Em thấy thơ tình cho người yêu thì ở đâu cũng nhiều. Ít dần là thơ về bố, mẹ, vợ, con ... Và thơ về cô, dì, chú, bác ... thì còn ít nữa. Em mong được đọc bài thơ về cô của anh.
Xóa(Mai Hương)
Tôi đã đưa nhận xét này đăng bài Một nén hương trầm dâng cô ngày 8-3. cám ơn Vũ Kim Hào về bài thơ rất cảm động này. (NCT)
XóaAnh NCT ơi, em viết xong nhận xét thơ anh VKH thì thấy anh thông báo chuyển bài đăng, anh chuyển hộ em cả nhận xét này vào dưới bài của anh KH với ạ.
Xóa(Mai Hương)
Bạn ND 14.00 có tính khí đấy. Nhưng có nên chăng trước một tình cảm của một người con gái với U của mình? Nhất là những ngày này nhỉ ?
Trả lờiXóaBạn N 14.00 suy luận không chính xác. Có lẽ bạn cần đọc bài của MH trong trạng thái bình yên hơn.
Trả lờiXóa"Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi ... Mồ côi tội lắm ai ơi ...". Mẹ hãy luôn khỏe mạnh mẹ nhé, để bên con thật lâu. Mai Hương ơi, đừng khóc nữa. Chúng tôi chia sẻ với bạn.
Trả lờiXóa"Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi.
Trả lờiXóaMỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần ...
Mỗi mùa xuân về, Mẹ thêm tuổi mới
Mỗi mùa xuân mới, con mừng tuổi Mẹ"
Con mừng tuổi Mẹ nhân ngày 8/3.
Trẻ con nhà quê bây giờ có biết con muỗm là con gì không nhỉ?
Trả lờiXóa(Lời bình của N22)
Trả lờiXóaBÀI THƠ KHÔNG CÓ NHAN ĐỀ - NHỮNG LỜI TỰ VẤN CỦA MỘT NỖI LÒNG
Tôi xin phép được không bình DÁNG MẸ của Mai Hương. Bởi một lẽ, sở thích của tôi là bình thơ. Hơn nữa, DÁNG MẸ đã có quá nhiều người bình luận rất hay rồi. Tôi xin được trò chuyện với độc giả blog E về bài thơ của anh LPT.
Bài thơ của LPT không có nhan đề, lại được viết rất nhanh nữa. Tôi đoán vậy. Bởi nó được LPT viết chưa đầy một ngày sau khi DÁNG MẸ của Mai Hương đăng trên blog, và anh tâm sự rằng, đó là từ cảm xúc mà bài tản văn của Mai Hương mang lại. Như thế, đủ thấy, cảm xúc thơ anh thật tự nhiên đến “vô thức”. Và cũng đủ thấy, khi viết những dòng thơ ấy, anh đã “bỏ quên chữ, quên câu” …
Cho dù không cần chọn những câu chữ hoặc hình ảnh cầu kỳ, cho dù là rất tự nhiên, thì bài thơ của LPT vẫn rất sâu đậm trong tôi bởi một loạt những câu hỏi. Đã có lần tôi bàn đến những câu hỏi kiểu này trong cách nói của người Việt: Tự hỏi để bộc lộ nỗi lòng.
Câu hỏi đầu tiên là lời LPT tự trách mình gắn với việc “làm thơ”: “Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái / Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?” Người “làm thơ” là dứt từng mảnh hồn mình để sẻ chia cho người khác. Và “ta” đã chia sẻ tâm hồn với bao người. Ngay cả khi có những người trong số đó “giẫm xuống trái tim ta độc ác” mà ta vẫn “thao thức” chẳng thể nào quên. Nhưng “thơ cho mẹ” – cho người tạo dựng cả tâm hồn và thể xác ta – thì ta chưa có lời nào! Ta thật đáng trách vô cùng. Bởi bao lúc ta đã “quên”. Ta quên rằng mẹ vẫn luôn ngóng chờ ta, dõi theo ta. Ta quên vì ta còn mải “rong ruổi” đuổi theo vật chất, công danh và tình yêu cho riêng bản thân mình. Ta thật ích kỷ làm sao! Câu hỏi lắng lại trong người đọc ở lời tự trách ấy.
Còn mẹ ta. Khi ta thành công, mẹ vẫn “thầm lặng” dõi theo ta. Khi ta thất bại, ngã gục bởi bị “gai đời đâm ứa máu bàn chân”, thì “trái tim lo âu” tràn đầy tình yêu bao dung, tận tuỵ của mẹ đã đến bên ta, nâng ta dậy để ta bước tiếp. Vậy mà ta vẫn coi đó là lẽ đương nhiên. Hai câu hỏi tiếp theo “Mấy kẻ đi qua/ Mấy người dừng lại?” - “Ta vẫn vô tình/ Ta vẫn thản nhiên?” vẫn là những lời trách. Trách người đời bạc bẽo thì ít, mà tự trách ta “vô tình” thì nhiều. Ta “thản nhiên” coi việc mẹ quan tâm đến ta là trách nhiệm. Nhưng ta lại chưa làm tròn trách nhiệm của một người con. Hai câu hỏi than trách nghe mới càng day dứt làm sao!
Và “hôm nay …”, chứng kiến nỗi đau mất mẹ của những “ai” đó – Nào cần biết là “ai”!. Câu hỏi thứ tư là lời phiếm chỉ. Dù là “ai” đi nữa, thì ta cũng chẳng “thản nhiên” như trước được nữa rồi. Nỗi đau mất mẹ ấy đã truyền sang ta một niềm xúc động đến rưng rưng. Ta đã biết đồng cảm cùng “ai". Và lòng ta, bỗng như chợt bừng tỉnh giấc VÔ TÌNH ...
Câu hỏi cuối cùng của bài thơ đã làm nên điều đáng trân trọng nhất trong những lời tự vấn của LPT: “Sao lòng ta hoảng sợ/ Tiếng khóc kia bao lâu nữa/ Của mình?”. Đáng trân trọng, bởi nỗi “hoảng sợ” vừa ập đến quanh “ta” kia, đã cho người đọc thấy: “Ta” không còn là một người con ích kỷ và “vô tình” đến “thản nhiên” trước tình mẹ, trước ánh mắt luôn dõi nhìn và “trái tim lo âu” của mẹ. Nỗi “hoảng sợ” ấy còn chất chứa bao nỗi niềm khác nữa của “ta”: Trong ta, cồn cào nỗi nhớ về MẸ YÊU. Trong ta, cháy bỏng niềm mong mỏi được về bên MẸ YÊU. Và trong ta, thiết tha cầu mong trời đất cho MẸ YÊU sống lâu trăm tuổi. Biết rằng, phải khóc MẸ YÊU là điều không thể tránh, nhưng sao, vẫn muốn nó thật lâu, thật lâu nữa mới đến cùng ta.
Một người con từng vô tình mà tự biết mình đã vô tình. Từng thản nhiên mà tự biết mình đã thản nhiên. Để cuối cùng, lại biết “hoảng sợ” trong lòng như thế, chẳng phải là đáng trân trọng lắm sao?
(N22)