Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

NGƯỜI MỸ GIẢNG DẠY CHUYỆN "CÔ BÉ LỌ LEM" NHƯ THẾ ĐẤY!


Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?
HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?
HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?
HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ !

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?
HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem – chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.
Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy ?
(sưu tầm theo Fb Nguyễn Thị Thanh Mai)

4 nhận xét:

  1. "LIKE"
    Rất xin lỗi chủ nhân của blog và độc giả bởi không biết diễn tả bằng lời cảm xúc của mình khi đọc bài viết này, đành mượn một nút bấm vẫn hay được dùng trên mạng vậy, ;>

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. blog dạng này cũng có nút tương tự như like của FB, dưới bài, có dòng ghi "Phản ứng", có 3 ô vuông: vui nhộn, thú vị, hấp dẫn. Bạn có thể tick vào các ô đó. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, dân cư blogspot không mấy khi dùng tính năng này, có thể là do nó không tiện, khi bấm vào không để lại địa chỉ người bấm

      Xóa
  2. Chuyện thầy giáo dạy văn người Mỹ dạy câu chuyện cổ tích "cô bé lọ lem" hay thật đấy. Nhưng em không rõ: Để dạy được như thế, thầy có thể được tự do cảm nhận tác phẩm và dẫn học sinh đến với điều đó hay không? Thầy có được định hướng trước một cách cụ thể phải dạy như thế hay không? Nếu thầy chỉ được đào tạo về phương pháp Sư phạm chung nhất thôi, còn giảng dạy cụ thể như thế, thầy phải tự tìm hiểu văn bản và xử lý, thì người thầy phải thật sự giỏi.
    Còn chuyện dạy văn nói riêng và chuyện giáo dục trẻ em quanh ta, đầy những bất cập mà nói cả đời không hết. Cái phải nói đầu tiên là năng lực của thầy. Nếu để tự phải tìm hiểu câu chuyện Cô bé Lọ Lem, chẳng mấy người thầy dạy văn quanh ta có khả năng làm được như ông thầy người Mỹ (Cứ tình hình thi Đại học Sư phạm, Cao Đẳng Sư phạm 13 điểm, 8 điểm cũng đỗ thế này, có thầy còn đọc viết không thông nữa cơ!).
    Điều nói đến thứ hai, là quan điểm giáo dục. Em từng nghe câu chuyện về cách ứng xử của người lớn trước một em bé ngã. Khi một em bé VN vấp vào bậc cửa và ngã khóc, người lớn (mẹ, bố, ông, bà ...) sẽ chạy lại suýt xoa, đánh vào bậc cửa, nói với em rằng cái bậc cửa hư, đã làm em ngã, để em nín khóc. Nhưng khi em bé người Mỹ ngã trong trường hợp tương tự, người lớn để cho em khóc một chút, rồi nói ngắn gọn: Cái bậc cửa nó vốn ở đó, con không chú ý nên vấp ngã, vậy con phải tự đứng lên, và lần sau phải chú ý tránh nó ...
    Điều thứ ba, tưởng là thuộc về trẻ em, nhưng chung quy vẫn là phía người lớn, đó là bản năng sao chép của con người nói chung và đặc biệt là trẻ em. Nên nếu người lớn quanh chúng tốt, chúng sẽ sao chép những cái tốt đó. Đừng hy vọng, ta làm những điều không hay ho, rồi dạy trẻ con bằng những lý thuyết giáo điều mà chúng hay được. Chúng vô cũng nhạy cảm!
    Nhân chuyện ông thầy người Mỹ dạy văn, em nói mấy điều linh tinh như thế. Còn nếu bàn luận về việc dạy trẻ con, thì nói cả đời chẳng hết.

    Trả lờiXóa
  3. Đây là cái gọi mà chúng ta vẫn nhầm tưởng là chính trị không ảnh hưởng gì, tôi không quan tâm đến chính trị xã hội. Xin thưa, ở Việt Nam, thày không dạy kiểu gợi mở như thày Mỹ, thày Việt Nam chỉ có kể và hướng học sinh hiểu đúng như ý thày, nếu có em nào hiểu khác, thì em đó là hư. Thày Việt lại bám vào giáo trình và hướng dẫn của Bộ, mà Bộ thì làm theo chủ trương của "trên". Trên là ai thì chúng ta quá biết. Có một hồi, người ta còn gán Tấm và Cám là đấu tranh giai cấp (ở VN không dạy Lọ Lem, Lọ Lem VN là Tấm). Phương pháp giáo dục VN sao chép mô hình tư tưởng của xã hội, đó là không dạy trẻ em cảm nhận tự do cái thực tế tồn tại, mà hướng tới cái chưa có. Hi hi... Thày VN ra lò trong nhà trường XHCN thì dĩ nhiên không thể tự do cảm nhận cái gì hết, đố ông/bà ấy dạy không theo hướng dấn đấy.

    Trả lờiXóa