Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

HẬU 8 - 3, ĐỌC THƠ CỦA MỘT ÊVA

Các anh chị lớp E và độc giả blog E thân mến!
Dịp 8/3 vừa rồi, chúng ta đã được cùng nhau thưởng thức nhiều bài viết hay về những người phụ nữ thân yêu của chúng ta. Có được những bài viết đó, là từ những tấm tình đáng trân trọng của những người con, người cháu, người chồng, người yêu, người cha … Chúng ta đã chia sẻ cùng nhau cả niềm vui và nỗi buồn, để cho “niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa …”. Còn một vài lời chưa hay, một vài ý chưa đẹp viết trong nhận xét, thì em nghĩ, trái tim ai đó, bộ óc ai đó sẽ phải tự nhìn lại mình thôi.
Cám ơn cuộc đời, em cũng được như nhiều chị dâu lớp E, có một gia đình hạnh phúc, có một dịp 8/3 tuyệt vời được chồng tặng cho cả hoa, cả lá và cả Ê… A …Nhưng cũng trong những ngày hạnh phúc đó, em tình cờ đọc được một chùm thơ của nữ sĩ đương đại Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Em thấy rưng rưng trước nỗi lòng của một phụ nữ yêu đời yêu người tha thiết. Với một tình yêu như thế, lẽ ra, chị đã là một nàng ÊVA tuyệt vời bên AĐAM của mình. Thế nhưng, những “em” trong thơ Đạo Tĩnh, hình như chưa bao giờ được làm một ÊVA đúng nghĩa.
Em xin được giới thiệu cùng mọi người một bài thơ của chị Đạo Tĩnh. Đọc rồi, các anh lớp E ơi, em muốn hỏi một câu hơi tò mò: Mấy mươi năm trước, các anh có chơi TRỐN TÌM như thế?
Em nhờ anh NCT dán giúp em một vài bức ảnh minh hoạ. Cám ơn anh!
(Mai Hương)



TRỐN TÌM
                 Nguyễn Thị Đạo Tĩnh
I
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
em nhắm mắt
anh nhận phần đi trốn
quá tin mình tinh tường
quá tin anh lóng ngóng
em chẳng hé nhìn
vẫn nghĩ anh thua...
II
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
trời đã quá khuyamở mắt đi tìm
anh trốn kỹ
em tìm hoài chẳng thấy...
em hỏi hàng cau
hàng cau bối rối
hỏi cây rơm già
cây rơm đứng lặng im

III
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
em mòn mỏi đi tìm
năm năm đợi
mười năm đợi
hai mươi năm ngóng đợi...

Bằn bặt sân trăng từ đấy
đi hết một vòng đời
trò chơi vẫn chưa xong...
                                   H.N mùa thu.

13 nhận xét:

  1. Đọc quen thơ của các anh E, nay đọc thơ của một ÊVA cô đơn, thấy là lạ, như vừa được uống một thứ nước lạ lần đầu được biết đến: Ngòn ngọt, đăng đắng, chan chát ... Phó thường dân em hình như sành thơ hơn một chút rồi thì phải. Em nghĩ rằng: Người lớn không còn vô tư như con trẻ, thì đừng chơi trò trốn tìm của trẻ con như thế!

    Trả lờiXóa
  2. ( Viết tiếp…)
    Hai mươi, ba mươi, lại bốn mươi
    Mỏi mòn, em vẫn ngóng đợi người…
    Người hỡi, xin người đừng trốn mãi?
    Tối nay, trăng sáng tiếp cuộc chơi…

    Trả lờiXóa
  3. Không đâu, ND10:29 chắc không phải là một ÊVA, phụ nữ chúng tôi không bao giờ muốn chơi trốn tìm mãi như thế!

    Trả lờiXóa
  4. Sao anh NCT lại khuyên các bạn gái đang yêu "hãy làm ngược lại", thế cô gái ấy cũng trốn cả đời thì chàng trai lại đợi cả đời hay sao? Hay anh muốn khẳng định điều gì về đàn ông? Ví dụ như: Anh chẳng dại dột đợi chờ thế đâu em, mở mắt ra không thấy là ... anh chuồn luôn. Thậm chí, em mới quay lưng thôi, chưa kịp ẩn trốn, anh đã "chuồn" ...

    Trả lờiXóa
  5. Anh NCT nên tìm ảnh khác phù hợp hơn, ảnh của cô gái bịt mắt này không phải đang chơi trốn tìm, mà hình như bị anh chàng kia đòi hỏi điều gì ...nên đang khóc thì phải? (các bác ngắm kỹ xem nhé).

    Trả lờiXóa
  6. Anh E 21:54 ơi, em đúng là phụ nữ. Em ví dụ thế, vì em thấy cô gái trong bài thơ bị người yêu (đàn ông) đối xử thế, chỉ mới chơi trốn tìm thôi mà đã... chuồn thẳng. Anh NCT lại khuyên làm ngược lại, thì anh ta càng dễ chuồn. Còn anh, anh NCT ạ, hình như anh đã trải nghiệm bản thân về chuyện này: Đã có cô gái nào nói với anh rằng cô ấy trốn, và cô ấy cố tình để lộ tung tích cho anh tìm. Vâng, điều này em tin anh nói đúng. Nhưng cái cơ bản là: Thấy tung tích cô ấy rồi, anh có đi tìm cô ấy không? Hay anh cũng ... chuồn luôn? Dù có bị cô ấy trách "sao mà anh ngốc thế" cũng chẳng sao, chỉ cần anh biết là anh không "ngốc" là được. (ND 21:11)

    Trả lờiXóa
  7. Thế còn trò chơi trốn tìm hai người, anh có chơi không, anh E 10:26? Anh trốn hay anh tìm?

    Trả lờiXóa
  8. (Lời bình của N22)

    THƯƠNG QUÁ – SÂN TRĂNG

    Ba đoạn của bài thơ TRỐN TÌM, như ba cảnh quay của một cuốn phim cuộc đời. Và bởi thế, nên trò chơi trốn tìm trong bài thơ của nữ thi sĩ Đạo Tĩnh không còn là một trò chơi con trẻ, mà là một trò chơi của người lớn trong cuộc đời. Nhưng tôi muốn tìm một từ nào đó nhẹ nhàng hơn, không muốn dùng từ cay đắng TRÒ ĐỜI.
    Trò chơi TRỐN TÌM chỉ có hai người “anh” và “em”. “Anh” chỉ thoáng hiện trong cảnh một, rồi “anh trốn kỹ” nơi đâu chẳng bao giờ trở lại. Chỉ có “em” bơ vơ đứng đó từ đầu đến cuối cuốn phim, từ đầu đến cuối cuộc đời, với những mong chờ trông ngóng, với những lời khắc khoải đếm từng phút, từng giây "Năm, mười, mười lăm, hai mươi ...".
    Cảnh một, là bắt đầu cuộc chơi trốn tìm. Đọc qua thôi, thì ta tin là cả cô gái và chàng trai đều muốn chơi trò trồn tìm thật. Họ yêu nhau, họ muốn vui đùa, muốn cười như con trẻ. Nên trong buổi tối dưới trăng, khi mà mọi thứ đều trở nên lung linh, huyền ảo, cô gái đã "nhắm mắt" để người yêu mình "đi trốn". Cô đã quá tự tin: Tin rằng mình rất tinh sẽ mau chóng tìm ra người đàn ông của mình dù anh trốn tận nơi đâu, tin rằng người yêu mình vụng về "lóng ngóng", sẽ chẳng trốn được lâu ... Nhưng đọc kỹ lại mới thấy, chàng trai kia đã rắp tâm trốn biệt ngay từ đầu cuộc chơi nên mới "nhận phần đi trốn" ngay như thế, mà không cần phải "oản tù tì ..." như thông thường bắt đầu một cuộc chơi trốn tìm. Hỡi ôi, cô gái mới ngây thơ làm sao khi không nhận ra điều đó! Sân trăng cô đơn chỉ có mình cô từ khi cô bắt đầu "nhắm mắt". Người ấy không yêu cô nữa rồi mà anh ta chẳng thể hiện ra! Hoặc anh ta vẫn yêu cô, đồng thời anh ta cũng yêu một cái gì đó nữa mà cô không có ...
    Và cô không biết điều đó. Nên ở cành hai, ta thấy cô vẫn đếm mãi, đếm hoài, chờ người yêu "lóng ngóng" của mình trốn cho thật kỹ. Chỉ đến khi đã khuya quá rồi, "tìm hoài chẳng thấy" cô mới bắt đầu luống cuống lo âu " ...hỏi hàng cau ... Hỏi cây rơm già". Làm gì "hàng cau" và "cây rơm" không biết! Chúng là những nhân chứng cho cuộc tình dưới trăng quê ấy mà. Nhưng chúng không muốn nói ra sự thật phũ phàng ... Bởi vậy, hàng cau "bối rối" tìm lời nói tránh, còn "cây rơm già" trầm tư thì chẳng cất lời! Chỉ có em tin là anh bởi "trốn kỹ" nên không tìm được lối ra. Em bơ vơ giữa sân đầy trăng từ đêm ấy. Thương làm sao! Em chẳng hề biết rằng, anh đã có đủ thời gian để kịp đi đến một nơi khác, hẳn là rực rỡ và diễm lệ hơn biết bao lần sân trăng quê ấy, với những trò chơi mới mẻ và hấp dẫn hơn biết bao lần trò chơi trốn tìm cũ kỹ kia!
    Vâng, đúng là cô gái không biết. Hay nói cho chính xác hơn là cô cố tình không muốn biết chàng trai đã bỏ đi. Cô muốn tin là chàng trai do trốn cô quá kỹ nên đã lạc đường về. Thế, nên ở cảnh ba, ta thấy cô vẫn "mòn mỏi đi tìm", và "đợi" ... Nhưng không phải là chỉ tìm và đợi mấy canh khuya, mà là "năm năm đợi/ mười năm đợi/ hai mươi năm ngóng đợi.../ Đi hết một vòng đời". Cô vẫn hi vọng vào một điều chẳng thể có hy vọng gì. Mấy chục năm rồi, sân trăng vẫn chỉ mênh mang ánh trăng, tràn trề ánh vàng ... Thỉnh thoảng, bóng cây lay động những mảng sáng tối lung linh, gợi nhớ, gợi buồn ... Cảnh vẫn đấy, mà người xưa không thấy! Thương quá, người ơi.
    Ba cảnh của bài thơ cuộc đời đầy ắp tâm trạng "em": Em tự tin, em thất vọng, và em lại hi vọng. Vì em yêu anh, em yêu anh và em mãi yêu anh ...
    Có một tâm tư, em không nói rõ ràng, nhưng đọc đến cuối bài thơ, ai mà chẳng thấy: Em trách anh, vì anh đã đem trái tim em ra làm một TRÒ CHƠI.
    Nhưng em vẫn yêu anh. Dù đứng giữa sân trăng cuộc đời mà đợi cho hết kiếp. THƯƠNG QUÁ, NGƯỜI ƠI ...
    (N22)

    Trả lờiXóa
  9. Đọc thơ của nữ sĩ Đạo Tĩnh, chưa thấy Êva ấy buồn thương đến thế. Nghe N22 bình thơ, thấy đúng là buồn thương thật. Có anh E nào tìm đến để sẻ chia với Êva ấy không?

    Trả lờiXóa
  10. Ông thich này vô cảm với trái tim phụ nữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi lại cho rằng ông ấy chỉ vô cảm với một số rất ít phụ nữ thôi nhưng đồng cảm với hàng chục triệu trái tim phụ nữ khác qua những bài thơ ông ấy viết tặng các em.

      Xóa
  11. Ô, ND 11:02 biết ông thichdoctho hay viết thơ tặng các em à? Hình như bạn là phụ nữ và được thichdoctho đồng cảm và tặng thơ nữa thì phải. Chứ qua blog E, tôi chỉ thấy ông ấy đọc thơ, bình thơ chứ có sáng tác thơ đâu? Sao giấu đầu hở đuôi thế?

    Trả lờiXóa
  12. thichdoctho chẳng đã từng nói:ngày xưa ông ấy viết thơ tặng bạn gái bây giờ đọc lại còn thấy buồn nôn, nhưng cô bạn gái vẫn khen thơ ông ấy hay ngang với thơ Puskin còn gì. Ông ấy lại đã từng làm phụ tá cho chị Phan Thị Thanh Nhàn thì không thể đơn giản bảo rằng ông ấy không sáng tác thơ nhé. Có thể ông ấy đăng ở blog riêng thì sao? (ND11:02)

    Trả lờiXóa