Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Có nên bàn chuyện thế giới không?

Tôi có chỉnh sửa một chút bài viết cũ... (nxh)
1. Với tôi và một số nhà văn, nhà thơ khác, chuyện chính trị xã hội chính là một dịp giải trí, một dịp thâm nhập thực tế, một "thao tác" bổ sung kiến thức, như đọc một quyển sách. Chuyện văn thơ thì hàng ngày rồi, làng văn cũng đầy đủ ái ố hỷ nộ chán phèo. Chuyện văn thơ chém gió thì thế nào cũng nói đến cuộc sống sát sườn, nói về người tình cũ, rồi bạn gái xưa. Vợ không cảm thông thì ghen tuông, rồi thì giải thích đến mệt. Còn chuyện thế giới thì sao? Chuyện thế giới là chuyện xa tít, "chém" thoải mái. Mình yêu ai ghét ai cũng chả ai bắt mình quan điểm méo mó, như chuyện ấu trĩ những năm sáu mươi. Bây giờ thế giới giống như nồi lẩu, nếu bạn bảo bạn thích Ô-ba-ma, thì chi bộ cũng không vì thế mà phê bình, hoặc bạn khen Kim -Ủn, cũng không vì thế mà ai đánh giá bạn hiếu chiến. Bởi vì các đồng chí lãnh đạo vẫn đi xe Mỹ, cho con đi học Mỹ cơ mà. Xã hội chúng ta đang rụt rè dân chủ rồi, chúng ta sắp cập kè 60 tuổi, không dám nói thật lòng mình thì đến bao giờ. Sắp đến tuổi hưu, nói ba vạ một chút, đôi khi Đảng ủy cũng không chấp. Đấy là chưa nói tình hình thế giới bây giờ đúng sai thay đổi chóng mặt luôn.

2. Tôi lắng nghe một số ý kiến trên diễn đàn blog này, cho rằng, ngày thường ở nhà, ở cơ quan đã điên đầu về các vấn đề chính trị xã hội rồi, nên rất thích tập trung vào làm thơ, đọc thơ, bình thơ... Vừa rồi, do một số anh em có nhu cầu, và tôi cũng muốn có một thông điệp, nên bắt đầu nói về chuyện thơ cổ xưa, thơ Thiền, thơ vui, phía sau tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng, vè, câu đối, hát nói... Quả thật, cá nhân tôi lại thấy rằng, nói chuyện thơ, đọc thơ, làm thơ là một việc rất phức tạp, điên đầu, và nó đòi hỏi một quá trình công phu nhất định. Ngày xưa, các cụ nói: "Không biết Kinh Thi lấy gì mà nói". Tức là, khi bé tý đi học chữ Hán, là bắt đầu học Kinh Thi, bộ ca từ dân ca của Nam Trung Quốc. Khi đã nhuần nhuyễn Kinh Thi, mới có thể nói chuyện đọc thơ, vì thơ cổ dày đặc điển cố, từ đó đến làm thơ là một con đường gian khổ. Ngày nay, chúng ta làm thơ Việt, không cần kỳ công như các cụ, song nếu muốn chia sẻ tinh thần và muốn có đồng cảm, thì cũng phải biết thoát khỏi cái bẫy vè...
Do đó, cá nhân tôi cho rằng, khi đã nói đến thơ là đáng sợ, đau đầu chứ không đơn giản. Các nhà văn khi viết văn thì có thể viết như gió như bão, nhưng khi bảo đọc thơ, làm thơ thì có khi tắc tị.
3. Hiểu được thế giới ngày nay không phải dễ. Nhưng nếu hiểu sai, mình là công dân quèn, vẫn có thời cơ để hiểu lại. Chỉ nguy hại nếu như mình là lãnh đạo cấp cao mà nhìn thế giới sai lạc, thì mới nguy hại, thì sẽ dẫn dắt dân tộc vào chỗ lầm than. Mặt khác, nếu mình là công dân quèn mà hiểu đúng thế giới, thì mình có cái nhìn khách quan, tự tại với tình hình nước mình, cơ quan mình, chi bộ mình. Hồi xưa, tôi còn làm ở Nhà máy, Giám đốc hôm trước đăng đàn hoan hô các đồng chí Ianaep đảo chính, chê bai lão Goocbachop, hôm sau đồng chí Ianaep đã thua rồi. Đến lúc lại hoan hô đồng chí Rutxcoi đảo chính đồng chí Enxin, vài tuần sau, đồng chí Ruxcoi vẫn thua. Các đồng chí Nga thắng thua chưa ảnh hưởng đến Nhà máy, nhưng uy tín Giám đốc thì rơi thê thảm. Từ đó, tôi để tâm tìm hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới, nói thẳng là thế giới quan từ khi đi học đến đó buộc phải cay đắng thừa nhận là vứt đi gần hết, xin lỗi các thày giáo xã hội học của chúng ta...

4. Thời điểm hôm nay, ngày 25 tháng 3 năm 2013, thế giới đang như thế nào? Nó khác gì so với một tuần trước hay không? Đó là một câu hỏi thú vị. Cũng như người đánh cờ, bàn cờ đang bày ra một thế khác. Thế mà chúng ta, những lão già U60 không sao tham dự vào bất cứ biến cố nào của thế giới. Không tham gia thì tránh ra, không là người chơi thì là người chầu rìa. Chầu rìa cờ không phải là "ngoài cuộc", đừng tưởng chầu rìa là không cần biết gì.
Cá nhân tôi cho rằng, 5 ngày nay thế giới đang chứng kiến một biến cố có tính bước ngoặt, có thể xoay chuyển cán cân tương quan lực lượng các nước lớn trên thế giới. Chúng ta đang sắp chứng kiến một thế giới khác hẳn.
Có thể cho rằng, hòa bình hay chiến tranh thế giới chả ảnh hưởng gì đến ta. Ngày ngày đến cơ quan, tháng tháng lĩnh lương, ông to bà nhớn thì dăm năm nữa cũng hưu. Sáng đi cà phê, trưa ngủ, chiều đón cháu. Nhưng liệu cuộc sống cứ như vậy không? Liệu sự thay đổi thế giới có ảnh hưởng gì đến Việt Nam, và nếu thế thì cuộc sống về hưu của chúng ta liệu có yên ổn, hay là lại một lần nữa chứng kiến cú sốc về nhân sinh quan, thế giới quan. Nếu muốn ung dung và yên lòng thì có lẽ nên học Thiền. Nhưng học Thiền không phải chỉ ngồi bất động. Thân bất động mà tâm tu tập, trí óc tìm kiến tính. Vậy thì sao không tìm kiến tính từ những mẩu tin tức ngay từ bây giờ đi, giải trí với nó đi...
5. Mấy lời nôm na mách qué thế, nếu bạn nào chia sẻ thì cám ơn, không chia sẻ thì tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ của bạn.
(NXH)


13 nhận xét:

  1. Những vấn đề a NXH viết, e rất thích đọc nhưng ko biết bình luận hay chia sẻ thế nào vì có nhiều thứ a viết cho tầm cỡ các học giả đọc chứ độc giả như e chỉ biết cảm nhận là nó hay, gai góc và uyên bác. Những bài viết của a, e ko hiểu hết đc nên cũng ko biết gì để bình luận. Thôi cứ âm thầm đọc và thưởng thức vậy.

    Trả lờiXóa
  2. Ôi, anh NXH không có ý định đi tu đấy chứ? Hôm trước, anh bảo rằng mấy năm nữa anh bận, gần đây lại mải mê với Thiền học ...

    Trả lờiXóa
  3. Phó thường dân em cũng lo cho cuộc sống về hưu của em lắm! Không biết có yên ổn để tháng tháng lĩnh lương hưu, và sáng cà phê, trưa ngủ, chiều đón cháu không? Nhưng lo cũng chẳng làm gì được. Bàn việc lớn để thay đổi thế giới thì em không có bản lĩnh và khả năng, bởi vậy, bàn chuyện thế giới chỉ thêm nhức đầu. Muốn nghe thơ, làm thơ, anh NXH lại bào còn điên đầu hơn nói chuyện thế giới ... Làm thể nào bây giờ nhỉ?
    Nhưng em nghĩ, nếu nói chuyện thơ ca nhẹ nhàng thôi thì chắc cũng chẳng đến mức điên đầu. Thơ chẳng nên dễ dãi, những nếu có triết lý thì cũng đừng quá nặng nề, cao siêu, như vậy sẽ vui cho cuộc sống tuổi xế chiều. Năm sáu chục năm, cuộc sống còn cứ đều đều như vậy, thì sau tuổi sáu mươi, ta có thể làm gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bài viết tản văn trên đây của anh thì ko có gì cao siêu cả, em nói là nói những bài viết về thơ thiền hoặc những bài viết trên báo (có đường link trên website của anh. Đó là những vấn đề a nêu ra ko phải ai đọc cũng hiểu hết được.

      Xóa
  4. Anh NXH nói rằng 5 ngày nay thế giới thay đổi lắm, in đậm, vậy có thể nói rõ hơn được không?

    Trả lờiXóa
  5. NXH ơi " Lục thập bất tụng đình"

    Trả lờiXóa
  6. Tôi hiểu đơn giản ý ông NXH là, trong khi đám tin tin chém gió mọi chuyện hát hò, thời trang, chơi bời, thì mấy ông U60 các bác chém gió về chuyện thế giới. Thế thôi cũng tốt, cũng chả có gì là khó hiểu và cao siêu, cũng chả có gì mà kiện tụng hay to tát, phải không ạ?

    Trả lờiXóa
  7. Các bác lớp E là những tinh hoa thế hệ một thời, sau đó thì cũng là những trí thức. Nhưng xem ra, tinh thần của các bác trên blog này chứng tỏ phần lớn các bác chỉ là "trí ngủ". Tôi ủng hộ và khâm phục tác giả bài trên đây, ý tứ thì nói bàn chuyện thế giới, nói thế giới đang biến đổi, nhưng thực ra thì hiểu ngay, nói toạc móng heo ra thì là, thế giới người ta đang tiến lên, vì lợi ích dân tộc họ, còn VN mình thì đang là quái thai của thế giới. Đất nước hưng vong, thất phu hữu trách, lẽ nào các bác ngày ngày ăn lộc vụn ở cơ quan, rồi tán tụng vô bổ ở blog. Tôi cho rằng nhiều bác nhát gan, bảo hoàng hơn vua, chưa chắc các lãnh đạo các bác vui khi thấy các bác nhát như thỏ đế thế. Ông NCT ngụy biện rằng các ông làm kinh tế thì bàn về chuyện làm thơ, cũng không phải. Thơ bác NCT khi làm bài Ảo ảnh, chắc bác không muốn dự báo sự thất vọng về thời cuộc, chẳng qua nó ám vào ông thôi. Nói thế để biết, nếu các bác trùm chăn làm thơ, không biết thời cuộc thế nào, thì yêu đương và cảm xúc lạc điệu,lạc lõng, đọc nên cũng không sực được... Tôi cứ sờ đầu gối nói chân thật thế

    Trả lờiXóa
  8. Hình như ND 16:45 đang hô hào mọi người làm "chuyện lớn" đổi thay thế giới, chấn hưng sự nghiệp ngàn năm... Mời bác cứ làm những gì bác muốn, nhưng đừng xui các anh E bỏ blog đi theo bác nhé, để em còn có chỗ mà đọc sau giờ làm việc, lấy lại tinh thần hôm sau làm tiếp. Có thế, gia đình em mới có chỗ dựa, con em mới có tiền để học hành. Bao trí thức xưa bất mãn với thời cuộc đến đâu, thì họ ứng xử thế nào? Trước hết là họ giữ mình cho trong sạch đã, rồi dạy con cái cũng như mình. Thế là tốt lắm rồi. Giữ mình trong sạch trước cuộc đời đầy cám dỗ này, có phải chuyện dễ đâu. Lại còn việc, có khi chả dạy được con cái nên người, nói gì bàn chuyện chuyển dời? Em đã nói rồi, phó thường dân em chả có đủ bản lĩnh và khả năng làm thay đổi thế giới. Em cũng mong các anh E cũng cứ giản dị mà sống thôi! Còn việc nhìn xem thế giới thế nào, chúng ta ai chẳng nhìn được? Anh nào đang hăng máu chiến tranh hạt nhân, anh nào trí thức còn thất nghiệp ra đứng đường cả loạt ... Bao giờ chán đời đến mức không thiết nhìn ra thế giới nữa, em sẽ học Tản Đà hỏi chị Hằng:
    Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
    Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
    Nhưng nhất định em không bàn chuyện "chuyển dời". Các anh lớp E cũng tuổi cao sức yếu hơn xưa rồi, ta cứ đoan trang mà sống vậy thôi, việc gì phải lên gân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn N 22.15 có quá ngạo nghễ không, khi bạn nói "nhìn xem thế giới thế nào, chúng ta ai chả nhìn được?". Liệu có phải ông NXH bàn chuyện "nhìn thế giới" như bạn nhìn không nhỉ? Tôi đọc đi đọc lại bài viết của tác giả, thấy ông ấy nói chuyện bàn thế giới để biết và để có cái nhìn ung dung tự tại, khỏi bị sốc, và đối chiếu với tình hình đơn vị mình, đất nước mình. Không thấy ông ấy nói phải "xoay chuyển thế giới". Thực ra đó là một bài viết bàn về thế giới quan, nhân sinh quan, chứ không phải kêu gọi làm cái gì ghê gớm. Chẳng qua các bạn có quán tính nhìn thấy người khác nói khác ý mình thì cảnh giác. Tôi không nhầm thì cả ông NCT lẫn bạn N22.15 đều là đảng viên, nên mới có quán tính nhìn thấy thù địch và rất ít muốn đối thoại. Hãy đọc lại ý ông NCT trên đây, trong khi ông N16.45 bảo các ông lớp E là "chí ngủ" thì ông NCT bảo, các ông chưa làm gì được cho vợ con và cha mẹ mình. Thế là câu chuyện nặng lên rất nhiều. Đáng lẽ chứng tỏ mình không "chí ngủ", hoặc ông nói "chí ngủ" thế là sai, thì lại đi chửi lại người ta. Còn ông N22.15 muốn lên cả cung trăng, mà lại bảo mình "giản dị mà sống". Xin thưa, thế là ông hiểu sai hoàn toàn câu nói của Tản Đà. Tản Đà là người nổi tiếng ngông, có thể nói là ngông cuồng, ngông nghênh. Xin chị Hằng nhắc lên chơi mà đòi theo được ư? Tôi thấy các bạn nói nhau buồn cười quá nên góp một câu, và tôi sẵn sàng nghe các bạn ném đá. Nhưng này, ném đá được cũng không phải dễ đâu nhá, ném lung tung thì người ta lại bắt bẻ cũng ngượng.

      Xóa
  9. Tôi thì lại thấy ND 10:52 viết lời bàn trong lúc mộng du thì phải nên cứ lẫn lộn lung tung, nhảy nhót loạn xạ cả lên. Ông hỏi ND 22:15 có quá ngạo nghễ không khi nói "nhìn xem thế giới nó thế nào, chúng ta ai chẳng nhìn được". Hỏi thế, không chỉ là ông không hiểu ý 22:15 mà còn coi thường mọi người có mặt ở blog E này. Chuyện "nhìn" để "thấy" là cấp độ thấp nhất của tư duy ( nhận biết). Chẳng nhẽ chúng ta đã biết bàn luận bao điều trên blog này, mà còn không thể nhận biết hay sao? Còn từ việc nhận biết, đến thông hiểu, vận dụng và sáng tạo ... lại là chuyện khác. Chính ông mới là người quá ngạo nghễ khi khẳng định người khác hiểu sai hoàn toàn Tản Đà. Tại sao muốn lên cung trăng trong thơ, lại không thể "giản dị mà sống" giữa đời thường? Tản Đà có "ngông" trong thơ, lên cung trăng rồi, ông cũng tựa vai cùng người đẹp "trông xuống thế gian cười" đầy ý vị, chứ chẳng phải chửi người khác ngậu xị lên. Tôi còn biết một Thiền sư có chí lớn "thét vang một tiếng lạnh cả đất trời" mà vẫn ung dung giản dị, có phải lên gân giáo huấn, có phải mạt sát ai đâu?
    Tôi thấy bài viết của NXH rất thâm trầm, sâu sắc, nhưng cũng chỉ đặt ra một câu hỏi "Có nên bàn chuyện thế giới không?" và cuối cùng đặt ra một lời khuyên mà chẳng bắt buộc ai theo. Nhưng sao bàn luận lại ra trí thức lớp E thành "trí ngủ", rồi bàn thêm lại thành "chí ngủ"? Kết luận rằng "bảo hoàng hơn vua, nhát như thỏ đế, không biết thời cuộc ..."? Rồi doạ nhau "ném đá được không dễ đâu".
    Tôi chốt đây này: Bàn luận cứ bàn luận, cứ nêu quan điểm của mình và phân tích sao cho thuyết phục, nên tránh việc chưa bày tỏ quan điểm đã chê bai, mạt sát người khác. Có được không mấy bác?

    Trả lờiXóa
  10. Em thấy cãi nhau nhức đầu quá. Cứ cười như Trần Quang có phải hơn không?

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cổ vũ 13.48, hàng ngày ta đã nhức đầu bởi bao nhiêu thứ, vào blog mong để vui vẻ, thư giãn tí, lại gặp mấy bác "diều hâu" chán quá !

    Trả lờiXóa