Có một câu hỏi có tính triết học, vấn đề mang tính nhân loại "Chúng ta là ai, từ đâu đến?". Chính vì đi tìm câu trả lời này mà con người phát triển thành con người văn minh. Nhưng dường như lời giải cho câu trả lời ấy quá khó, không phải là trả lời trong một hai nghìn năm, nên loài người văn minh lại đặt ra câu hỏi khác, tưởng như dễ hơn, là một nửa của câu hỏi trên đây. Đó là: “Phụ nữ là gì?"
Phụ nữ là một nửa nhân loại. Kể từ khi môn xác suất thống kê ra đời, lại có câu trả lời chính xác hơn, là trong một cộng đồng dân cư, phụ nữ bao giờ cũng chiếm một số cụ thể 51-52%. Tại sao vậy? Tại sao nữ giới bao giờ cũng có số lượng nhỉnh hơn nam giới? Đó là một bí mật của tự nhiên.
Kinh Thánh lý giải về người phụ nữ rất đơn giản trong câu chuyện về Adam và Eva. Thượng đế lấy cái xương sườn của người đàn ông Adam thổi linh hồn vào đó mà thành người đàn bà Eva. Tôi là người theo trường phái tôn trọng tự do tín ngưỡng, và tôi cũng tôn trọng tự do tư tưởng, nên tôi ngưỡng mộ Kinh Thánh, nhưng không khỏi mỉm cười khi nghe truyền thuyết này. Đó là câu chuyện của thời đại phụ hệ, nhuốm màu "trọng nam khinh nữ". Đức Chúa và Thượng đế hẳn đều là đàn ông. Các vị làm ra bà Eva là để cho ông Adam khỏi buồn vì cô đơn mà thôi. Sau khi khám phá ra thuật nhân bản vô tính, các nhà bác học của thế kỷXXI mới té ngửa ra rằng, khoa học kỹ thuật của họ còn lâu, rất lâu nữa mới có thể mon men đến phòng thí nghiệm của Thượng đế, để lấy mầm phôi từ xương sườn người đàn ông, nhân bản và điều chỉnh thế nào đó mà sinh ra một người đàn bà?
Cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng phụ nữ cứ dai dẳng hơn hai nghìn năm nay, quả là một cuộc đấu tranh vĩ đại. Nhưng làm sao một cái xương sườn lại có thể đòi quyền bình đẳng với một con người chỉ thiếu một cái xương sườn? Trong cuộc đấu tranh này, điều lạ lùng là ngay cả những người không theo Thiên Chúa, không bị ảnh hưởng của thuyết Adam - Eva, cũng không thấy sáng sủa hơn. Tôi thì cho rằng, phụ nữ đã có sai lầm và biết đâu nhận ra bài học này, cuộc đấu tranh vì nữ quyền có thể tiến đến giai đoạn mới.
Xã hội loài người bước đầu chẳng đã qua thời mẫu hệ đấy ư? Quy luật tự nhiên đã trao cho phụ nữ cái quyền cai quản xã hội trong đó có nam giới. Phụ nữ sinh ra người con trai và con gái, đào tạo con gái thành các tù tưởng, trưởng tộc, thành người lãnh đạo dẫn dắt cộng đồng, còn những đứa trai phải săn bắn, chiến đấu bảo vệ và làm theo gương người mẹ, người vợ, người chị em gái hoặc bạn gái của họ. Nhưng cuối cùng thì thời đại mẫu hệ đã kết thúc, vậy thì nam giới đã tổ chức đấu tranh như thế nào? Cuộc đấu tranh đòi nam quyền diễn ra ra sao? Ngày nay, các tổ chức phụ nữ nên nghiên cứu điều này.
Thời đại mẫu hệ mà kéo dài, chắc mọi thứ sinh hoạt xã hội sẽ phải giống như xã hội ngày nay lộn trái lại. Sẽ có buôn bán đàn ông và trẻ con. Và biết đâu, những bộ óc kiệt xuất của thế giới mẫu hệ sẽ học tập loài cá ngựa, công việc sinh đẻ phần lớn do đàn ông đảm nhiệm... Cứ như vậy mà suy, thì chiến tranh thế giới không phải mang súng đạn ra choảng nhau, tranh chấp không sặc mùi sức mạnh nam tính, mà những cuộc chinh phục quá lắm là thi múa hát và ai đẹp hơn sẽ thắng. Tổng thư ký LHQ không phải tổ chức đội quân gìn giữ hòa bình võ trang đến tận răng, mà Bà ấy sẽ cầm đầu một đội văn công tòan những cô xinh đẹp đến các quốc gia tỷ tê trò chuyện mà vãn hồi hòa bình. Các nền văn hóa sẽ nở rộ chứ không bị nuốt chửng vì các nước lớn, nhiều thứ tiếng mẹ đẻ sẽ được bảo tồn chứ không bị tuyệt diệt... Than ôi, sao tôi tiếc thời kỳ mẫu hệ đến thế, dù sao các vấn đề xã hội của thời mẫu hệ vẫn êm ái và đỡ khiếp sợ hơn ngày nay...
Nhưng sao phụ nữ lại để mất vai trò của họ dễ dàng thế. Họ có tội với lịch sử, có phần trách nhiệm với những vấn đề lớn toàn cầu ngày nay? Lỗi của phụ nữ là dịu dàng, êm ái quá, thiếu quyết đoán, dễ tin yêu, chăm chỉ, làm mọi việc từ sinh ra con người đến cầu xin Thượng đế. Đó phải chăng là nguyên nhân chính khiến cho thời đại nữ quyền biến mất.
Nhưng ngày nay, phụ nữ chắc đã khôn ra, hẳn là họ thấm thía bài học xa xưa, không đòi nữ quyền 100% nữa. Họ hiểu rõ không thể trở lại được quá khứ mẫu hệ huy hoàng. Mà họ đấu tranh cho sự bình đẳng. Theo tôi, đó là điều chấp nhận được. Không mẫu hệ - phụ hệ, không nam quyền - nữ quyền, mà là nam và nữ cùng bình đẳng. Nghe được đấy.
Nhưng để tiến tới ngày đó, thì không ai biết một hay hai nghìn năm. Biết đâu đến ngày đó, tỷ lệ nam và nữ trong cộng đồng sẽ cân đối tròn vành vạnh 50-50%. Chừng nào cả nhân loại còn cùng tìm câu hỏi "Phụ nữ là gì?" thì còn tranh luận nữa và chắc nam giới chưa chịu buông quyền trượng ra đâu. Trả lời được câu hỏi ấy, thì câu hỏi "Chúng ta là ai?" trở nên nhạt thếch chứ còn gì nữa. (theo Yahoo)
"Không mẫu hệ - phụ hệ, không nam quyền - nữ quyền, mà là nam và nữ cùng bình đẳng. Nghe được đấy".
Trả lờiXóaVâng, nghe thì cũng được đấy. Nhưng ở blog E này, hình như tồn tại chế độ nam quyền. Chẳng thấy chị E (chị gái hay chị dâu) nào là tác giả. Có được một vài em gái ngoài E yêu mến blog gửi bài thì hình như cũng không được trân trọng lắm, như N22, hay Mai Hương chẳng hạn: Chẳng có lời chúc của các anh biên tập dịp 8/3 (Trừ lời riêng tư của anh LPT cho N22). May chăng chỉ có HoaHongDo được các anh nhắc nhau là chú ý, thì cũng chẳng được chúc gì 8/3 cả. Liệu các nữ tác giả có thấy mình thiệt thòi không? Có thể còn nhiệt tình cho blog E như trước không?